16 ngày khám phá Pakistan của nữ khách Việt
Việt Hà trải nghiệm cung đường nguy hiểm bậc nhất thế giới, gặp bộ tộc trường thọ, được cảnh sát tháp tùng khi ra đường…
Bùi Việt Hà, sinh năm 1985, kiến trúc sư sống tại TP HCM, đến Pakistan như một cái duyên.
Ba năm trước trong hành trình 28 ngày một mình khám phá Ấn Độ, Hà đến thăm thành phố Amritsar thuộc bang Punjab ở phía tây bắc, giáp biên giới Pakistan. Tại đây, Hà tham dự lễ hạ cờ tại cửa khẩu Wahga giữa hai quốc gia. Từ đó, cô tò mò về Pakistan, lần theo dòng lịch sử để rồi bị cuốn hút bởi văn hóa, con người Pakistan với những mối liên kết của họ với Ấn Độ, Afghanistan và Trung Quốc. Hà cũng thích thú khi được biết điểm giao nhau của ba dãy núi hùng vĩ nhất thế giới, trong đó có Himalaya. Pakistan luôn nằm trong danh sách ưu tiên và ngay sau dịch bệnh, vào những ngày đầu tháng 4, Hà lên đường.
Chuyến đi của Hà chia thành hai chặng. Chặng đầu 8 ngày, cô tham gia cùng một đoàn khách Việt đến thăm những nơi ở Pakistan nổi tiếng về du lịch. Đó là thung lũng Hunza đẹp như mơ, “kỳ quan thứ 8 thế giới” Karakoram, cửa khẩu cao nhất thế giới Khunjerab… Chặng hai, cô thuê xe tự khám phá những điều đặc biệt, ít người biết ở Shimshal, đèo Shandur, Kalash và Peshawar.
Hà lên đồ đi đám cưới Huyền, cô dâu người Việt tại Pakistan.
Điểm đặc biệt trong hành trình khám phá Pakistan của Hà là nhân duyên với những cô dâu Việt ở Pakistan. Khi có ý định đến Pakistan, Hà biết được Huyền, một người bạn sẽ sang Pakistan để tổ chức lễ cưới vào mùa xuân. Đó cũng là động lực để Hà thực hiện chuyến đi sớm chứ không đợi đến mùa thu như dự định ban đầu.
Khi tìm hiểu về dịch vụ landtour, thuê xe, Hà lại có cơ duyên biết đến Tạ Liên, cô dâu Việt đầu tiên ở vùng thung lũng Hunza. Cả hai người đã truyền cho Hà nhiều cảm hứng, giải thích cho Hà về phong tục tập quán của người dân ở vùng đất Hunza được tôn vinh là bộ lạc sống thọ nhất thế giới và 900 năm qua chưa từng có người bị ung thư. Theo Hà, cái tâm an nhiên và sự thiện lành là cốt lõi để giúp người Hunza sống trường thọ.
Cụ bà hơn 90 tuổi của tộc người Kalash.
Hà được trải nghiệm thung lũng Shimshal là một trong những cung đường nguy hiểm nhất thế giới. “Nếu như hành trình trước đây đến thung lũng Spiti ở Ấn Độ mình đã được trải nghiệm cung đường ngoạn mục bậc nhất thế giới thì đường đến làng Shimshal độ ngoạn mục nâng lên đến đỉnh điểm. Người yếu tim chắc chắn không thể mở mắt ra nhìn”, Hà nói. Chỉ có xe Zeep và SUV mới có thể chạy trên cung đường hẹp, cheo leo vách núi khi phía dưới là vực sâu dựng đứng với dòng sông cuồn cuộn.
Đến Shimshal, Hà cũng cảm nhận được cuộc sống và vẻ đẹp ở ngôi làng cách biệt với thế giới bên ngoài mà cô đánh giá là “hùng vĩ và ma mị, khác hẳn vẻ hữu tình như thiên đường ở Hunza”. Tại đây, cô được gặp người đầu tiên của Shimshal chinh phục K2, đỉnh núi cao nhất Pakistan và thứ 2 thế giới, trong khi độ nguy hiểm và khó chinh phục vượt xa Everest.
Hà tiếp tục di chuyển tới thung lũng Kalash, khu vực của những người nổi tiếng với sự bí ẩn về nguồn gốc. Nhân trắc học của người Kalash khác với những tộc người Pakistan khác. “Họ được cho là hậu duệ của chiến binh dưới trướng Alexander Đại Đế”, Hà chia sẻ. Trên đường đến đây, cô đi qua đèo Shandur, bị bất ngờ với vẻ đẹp như mùa đông trong phim “Cuộc chiến vương quyền”. Đây cũng là khu vực sân chơi polo (mã cầu) cao nhất thế giới.
Cô cũng đến Peshawar, thành phố cổ nhất Pakistan, trạm dừng chân nổi tiếng trên Con đường tơ lụa xưa kia. “Thành phố với những người dân thân thiện nhưng lại thường được thế giới biết đến là thủ phủ của Taliban”, Hà kể. Trước hành trình của Hà ít ngày tại khu vực này xảy ra một vụ đánh bom làm hơn 60 người thiệt mạng. Song Hà vẫn đến khu chợ đêm, hòa mình cùng nhiều người Pashtun thân thiện vào buổi tối đầu tiên, được dẫn đi uống thử món soda ngon và nổi tiếng lâu đời của vùng này mà khách du lịch ít biết.
Đèo Shandur là nơi có sân chơi polo cao nhất thế giới.
Mọi thứ thay đổi vào sáng hôm sau khi cảnh sát đứng trước khách sạn của Hà. Cô không thể đi đâu nếu không có sự giám sát và bảo vệ của họ, luôn kè kè đi theo với súng. Không thấy sợ, Hà còn cảm thấy cảm kích trước cách người Pakistan luôn muốn bảo vệ cho từng vị khách đến du lịch.
Quyết định đến Pakistan để khám phá các bí ẩn theo Hà không liều lĩnh mà đúng với bản chất ưa khám phá của cô. “Những địa điểm mình đi qua mọi người có thể đánh giá nguy hiểm nhưng mình có đủ kỹ năng để tìm hiểu và lựa chọn cách đi tốt nhất đến những nơi mình muốn đến. Mình dành thời gian cho những nơi khách du lịch ít biết để nhận được những cái “wow” đáng nhớ cho hành trình”, Hà tâm sự. “Thực tế, mình chưa gặp nguy hiểm nào”.
Hà chụp cùng người cảnh sát hộ tống mình tham quan phố phường Peshawar.
Sau hai năm dịch bệnh, Pakistan đã mở cửa với chính sách cởi mở và chào đón khách quốc tế. Hà cho hay việc xin visa thuận lợi. Một số hạn chế là phương tiện giao thông công cộng chưa nhiều và không đủ thuận lợi cho khách lẻ, tự túc. Chốt cảnh sát rất nhiều, đôi khi việc di chuyển lâu không phải do chặng đường dài mà do phải dừng xe để cảnh sát kiểm tra giấy tờ quá nhiều lần. “Những người chưa tìm hiểu nhiều về Pakistan và đi nhóm 8-10 người thì nên tìm landtour. Với những bạn có kinh nghiệm hơn thì có thể thuê ôtô và tài xế suốt chuyến đi”, Hà chia sẻ kinh nghiệm. Là blogger du lịch nổi tiếng với các chuyến đi một mình, Hà vẫn quyết định thuê ôtô trong hành trình vì phụ nữ du lịch bụi một mình ở Pakistan sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc di chuyển bằng phương tiện công cộng và tìm chỗ nghỉ.
“Cứ đi rồi sẽ đến, mạnh dạn bước qua vùng an toàn để thấy điều bất ngờ phía trước” là chia sẻ của Hà sau chuyến đi Pakistan. Một đất nước vốn bị định kiến bất ổn và nguy hiểm nhưng có đúng như vậy không thì chính bạn phải trực tiếp đến và cảm nhận. Trong mắt Hà, Pakistan là đất nước tuyệt vời về cảnh sắc để khám phá, từ những dãy núi hùng vĩ xếp tầng trước mặt, những thung lũng đẹp trong nắng chiều bất kể mùa nào, hay những sa mạc, công viên địa chất khiến du khách tưởng mình đang lạc vào hành tinh khác.
“Nhưng điều lớn nhất mà đến đây rồi mình mới biết và hiểu được: người Hồi giáo là một trong những con người thiện lành nhất hành tinh. Nếu nghi ngờ điều mình nói, hy vọng bạn có thể đặt chân đến quốc gia này một ngày nào đó”, Hà tâm sự.
Trung Nghĩa
Ảnh: Hà là lạ