15 cách nấu chè ngon, đơn giản dễ làm được ưa thích nhất
Món chè là món ăn vô cùng ngon miệng không thể thiếu được trong đời sống. Dưới đây là tổng hợp 15 cách nấu chè ngon được nhiều người ưa chuộng, hãy cùng tìm hiểu nhé.
Nội Dung Chính
1. Cách nấu chè bưởi giòn ngon không đắng
Nguyên liệu làm chè bưởi
– Đậu xanh xát vỏ: 100g
– Cùi bưởi: 100g
– Nước lọc: 250ml
– Muối: ½ thìa cà phê
– Đường thốt nốt: 100g
– Bột năng: 150g
– Nước cốt dừa: 100ml
Cách nấu chè bưởi
– Đậu xanh nhặt sạch, ngâm nước cho nở qua đêm. Sau đó đem hấp với nước nóng trong 15 phút ở lửa nhỏ để hạt đậu nở bung ra.
– Cùi bưởi bỏ vỏ xanh bên ngoài, lấy phần trắng xốp đem rửa sạch rồi thái hạt lựu. Đem cùi bưởi bóp nhẹ với nước muối để hết the đắng, lặp lại vài lần sau đó vắt kiệt rồi cho vào bát để riêng.
– Đun 250ml nước lọc cho sôi lên rồi thả cùi bưởi vào luộc sơ qua, sau đó vớt ra bát vắt nhẹ rồi trộn với 50g đường và 50g bột năng để ướp trong 1 tiếng.
– Tiếp tục đun sôi nước rồi thả cùi bưởi vào, đến khi cùi bưởi nở ra và nổi hết lên thì múc ra, sau đó đem ngâm với nước đá lạnh khoảng 10 phút.
– Đun nồi nước đường cho sôi rồi cho đậu xanh vào nấu chín. Hoà tan bột năng với nước rồi đổ từ từ vào nồi chè, liên tục khuấy cho đến khi nồi chè bắt đầu sánh lại.
– Cho cùi bưởi vào nồi và tiếp tục đun đến khi đậu xanh chín nhừ thì tắt bếp. Múc chè bưởi ra bát và cho nước cốt dừa lên trên để thưởng thức.
2. Cách nấu chè bắp nước cốt dừa ngọt dịu
Nguyên liệu nấu chè bắp
– Bắp ngô: 4-5 trái
– Đường: 120g
– Muối: 1 thìa cà phê
– Lá nếp hoặc lá dứa: vài cái
– Nước cốt dừa
– Bột năng, bột ngô hoặc bột sắn
– Nước lọc
Cách nấu chè bắp
– Bắp ngô lột vỏ, rửa sạch sau đó dùng dao cắt tách lấy phần hạt rồi bỏ lõi.
– Đun sôi nồi nước, cho lá nếp hoặc lá dứa cùng với lõi bắp ngô vừa tách hạt vào trong để đun lấy nước ngọt nấu chè.
– Vớt bỏ lá và lõi ngô sau khi đun, lọc sạch nước dùng. Hòa tan bột năng và bột sắn với nước rồi đổ vào nồi nước dùng để đun sôi. Khuấy đều tay cho đến khi hỗn hợp sánh lại.
– Cho phần hạt ngô đã chuẩn bị vào để nấu chè, thêm đường cho đủ độ ngọt nếu cần rồi đun thêm khoảng 5-10 phút nữa cho ngô nhừ.
– Chè chín thì tắt bếp, múc ra bát rồi cho nước cốt dừa lên trên để thưởng thức.
3. Cách nấu chè hạt sen thanh mát giải nhiệt
Nguyên liệu cần có
– Hạt sen tươi: 500g
– Đường phèn: 200g
– Dừa nạo
– Nước lọc
Cách nấu chè hạt sen
– Hạt sen tách bỏ tâm sen để không bị đắng khi ăn, rửa sạch với nước rồi ngâm với nước lạnh khoảng 1 tiếng trước khi nấu.
– Bắc nồi nước đun sôi, sau đó đổ hạt sen vào đun khoảng 5 phút rồi đổ ra để ráo. Điều này giúp hạt sen có thể nhừ khi nấu chè, loại bỏ bớt nhựa trong hạt.
– Bắc một nồi nước khác, cho đường phèn vào đun sôi cho tan hoàn toàn, sau đó đợi cho nước đường trong thì tiến hành lọc bỏ cặn lắng ở dưới đáy.
– Đun sôi nồi nước đường đã lọc, cho hạt sen đã chuẩn bị vào để nấu chè. Đun với lửa nhỏ trong vòng 10 phút để hạt sen ngấm đường hoàn toàn.
– Múc chè ra cốc rồi cho dừa nạo vào để thưởng thức.
4. Cách nấu chè đậu xanh nước cốt dừa thơm ngon
Nguyên liệu cần có
– Đậu xanh đãi vỏ: 200-400g (tùy lượng ăn)
– Đường kính trắng: 150g
– Bột sắn hoặc bột năng: 2 thìa
– Muối: 1 thìa cà phê
– Dừa nạo
– Nước lọc
– Nước cốt dừa
Cách nấu chè đậu xanh
– Đậu xanh đem ngâm vào trong nước để qua đêm để nở ra, loại bỏ những hạt đậu nổi trên mặt nước, rồi vớt ra vo sạch, để cho ráo.
– Bắc nồi nước lên bếp đun sôi, sau đó cho đậu xanh đã chuẩn bị để đun sôi. Chú ý lượng nước cần cao hơn mặt đậu khoảng 1cm.
– Tiếp theo cho đường và muối vào rồi đun nồi chè trong vòng 20 phút. Nêm cho vừa khẩu vị rồi cho tiếp 400-500ml nước nữa, sau đó đun thêm 15 phút nữa cho hạt đậu nở hết cỡ.
– Hòa bột sắn hoặc bột năng vào nước, rồi cho từ từ vào nồi chè, khuấy đều tay sao cho hỗn hợp chè sánh lại là được.
– Múc chè cho ra bát rồi cho chút nước cốt dừa lên trên, trộn đều và thưởng thức.
5. Cách nấu chè đậu đen thơm ngon dễ làm
Nguyên liệu cần có
– Đậu đen: 400-500g (tùy lượng ăn)
– Đường kính trắng: 150g
– Bột sắn hoặc bột năng
– Dừa nạo
– Nước lọc
Cách nấu chè đỗ đen
– Đậu đen ngâm nước để qua đêm để loại bỏ những hạt bị nổi. Sau đó đãi sạch hạt và để cho ráo nước.
– Tiếp đến, cho đỗ đen vào nồi cơm điện, đổ nước ngập cách mặt cỡ 3-4cm để ninh đỗ. Khi nồi bắt đầu sôi lên được khoảng 10 phút, chuyển sang chế độ ủ thêm 15 phút.
– Sau khi đỗ đen đã chín mềm, vớt hết hạt ra bát để riêng và lấy nước đậu đen từ nồi cơm chuyển sang nồi mới trên bếp.
– Bật bếp đun sôi nước đậu đen, thêm đường kính vào rồi đảo đều cho đến khi đường tan hết thì tắt bếp.
– Kế đến, trút hạt đậu đen trở lại nồi nước, nêm thêm đường cho vừa khẩu vị. Bạn có thể thêm chút bột sắn hoặc bột năng trong quá trình đun nước chè để nước sánh lại.
6. Cách nấu chè chuối nước cốt dừa ngon lạ miệng
Nguyên liệu cần có
– Chuối chín: 1-2 quả
– Muối: ½ thìa cà phê
– Đường kính: ⅓ bát con
– Dừa bào sợi
– Lạc rang
– Nước cốt dừa: 300ml hoặc bột cốt dừa 1 gói
– Bột báng
Cách nấu chè chuối
– Chuối tiến hành lột vỏ sau đó đem thái thành các khoanh tròn nhỏ vừa ăn. Nêm thêm chút muối và đường rồi ngâm trong vòng 15 phút.
– Lạc đem rang chín rồi đãi sạch vỏ, để riêng.
– Bột báng đem đổ vào nồi nước đun chín để tạo thành trân châu, sau đó đem tráng qua nhiều lần nước cho thật sạch, rồi ngâm vào âu nước lạnh khoảng 15 phút đến khi trân châu nở, sau đó đổ ra rổ cho ráo nước.
– Cho nước cốt dừa vào nồi cùng với đường kính và vừa đun vừa khuấy đều cho đến khi nước sôi. Từ từ cho chuối đã sơ chế vào đun cùng với lửa nhỏ, đến khi chuối chín nhừ là được.
– Cuối cùng, cho trân châu vào đun, đảo nhẹ tay để chuối không bị nát, đun đến khi hạt trân châu nổi màu trắng trong là nồi chè đã hoàn thành. Múc chè ra bát rồi cho dừa nạo lên để thưởng thức.
7. Cách nấu chè khúc bạch thanh mát vô cùng đơn giản
Nguyên liệu cần có
– Sữa tươi: 250ml (loại không đường)
– Bột gelatin: 20g
– Kem tươi Whipping cream: 250g
– Đường trắng: 150g
– Nước lọc: 250-500ml
– Hoa quả ăn kèm
– Lá dứa hoặc lá nếp: 1 ít
– Hạt hạnh nhân: tùy lượng ăn
Cách nấu chè khúc bạch
– Làm thạch gelatin trắng bằng cách trộn 150ml sữa tươi không đường với bột gelatin để khiến bột nở ra. Tiếp đó cho kem tươi Whipping cream vào và cho thêm 50g đường trắng để khuấy đều.
– Tiến hành đun cách thủy hỗn hợp trên, vừa đun vừa đảo đều để hỗn hợp không bị bọt. Cuối cùng cho hỗn hợp đã hấp chín vào ngăn mát tủ lạnh để đông lại.
– Cho đường và nước lọc vào để đun sôi cho đến khi đường tan hết. Tiếp đó thả lá dứa hoặc lá nếp vào nồi rồi tắt bếp để nguội. Điều này sẽ giúp nước đường có màu xanh của lá mà vẫn có vị ngọt.
– Hạnh nhân đem lên chảo để rang nóng đến khi vàng đều thì múc ra.
– Khi ăn thì múc nước đường ra cho vào bát, sau đó đổ các miếng thạch được cắt nhỏ vào rồi cho thêm hoa quả ăn kèm, cuối cùng rắc thêm ít hạnh nhân rang để thường thức.
8. Cách nấu chè khoai môn đậu xanh thơm ngon béo ngậy
Nguyên liệu cần có
– Khoai môn: 500g
– Nước cốt dừa: 150ml
– Bột sắn hoặc bột năng: 2 thìa canh
– Đường: 100-150g tùy khẩu vị
– Đậu xanh đãi vỏ: 150g
– Lá dứa hoặc lá nếp: 1 ít
Cách nấu chè khoai môn
– Đậu xanh đã đãi vỏ đem ngâm nước để qua đêm cho nở ra. Sau đó mang đi đun sôi với nước sạch.
– Khoai môn gọt vỏ rửa sạch, sau đó cắt thành các miếng vuông kích thước 1,5×1,5cm rồi cho vào nồi để luộc chín.
– Lá dứa rửa sạch sau đó cho vào nồi đậu xanh để tiếp tục đun cho đậu chín nhừ, nêm thêm đường cho vừa khẩu vị. Sau đó vớt bỏ lá dứa.
– Khi đậu xanh đã nhừ, cho khoai môn đã luộc chín ở trên để đun tiếp. Khi này bạn cho bột sắn hoặc bột năng vào để khuấy đều lên tạo độ sánh cho chè.
– Khi chè chín, tắt bếp rồi múc chè ra bát, cho thêm nước cốt dừa lên trên để thưởng thức.
9. Cách nấu chè nha đam giúp giải nhiệt mùa hè
Nguyên liệu cần có
– Lá nha đam: 2-3 cây
– Đậu xanh đãi vỏ: 200g
– Bột năng hoặc bột sắn: 3 thìa canh
– Đường trắng: 150g
– Nước lọc
– Chanh tươi: 1 quả
Cách nấu chè nha đam
– Lá nha đam lột bỏ vỏ xanh bên ngoài, tách lấy phần thịt lá màu trắng trong. Đem thái hạt lựu rồi rửa sạch với nước và để cho ráo.
– Ngâm nha đam đã chuẩn bị vào bát nước có vắt ½ quả chanh trong đó khoảng 30 phút. Sau đó đem vắt sạch hết nước nhớt nha đam.
– Đậu xanh đãi vỏ phải ngâm qua đêm cho hạt nở ra trước khi nấu. Đem vo sạch lại với nước rồi để cho ráo.
– Bắc nồi nước để đun sôi, cho đậu xanh vào nấu nhừ, nêm thêm đường cho vừa khẩu vị. Chú ý vớt hết bọt trong quá trình đun nấu.
– Hòa tan bột sắn hoặc bột năng với nước rồi cho từ từ vào nồi đậu xanh, khuấy đều tay cho đến khi hỗn hợp sánh lại thi cho nốt nha đam vào nồi. Đun đến khi sôi thì tắt bếp.
– Múc chè ra bát để thưởng thức, khi ăn có thể cho thêm chút tinh dầu vani và thêm ít đá để ăn lạnh.
10. Cách nấu chè thập cẩm ngon và đơn giản
Nguyên liệu cần có
– Đậu trắng: 100g
– Đậu đen: 100g
– Đậu đỏ: 100g
– Đậu xanh đãi vỏ: 100g
– Bột năng: 100g
– Bột báng: 100g
– Nước cốt dừa: 200ml
– Đường trắng
– Dừa khô hoặc dừa nạo
– Đậu phộng: 50g
Cách nấu chè thập cẩm
– Vo sạch các loại đậu, sau đó đem ngâm nước khoảng 5-7 tiếng để hạt đậu nở ra. Riêng đậu xanh và đậu đen cần ngâm qua đêm. Ngâm xong loại bỏ hạt lép, rửa lại lần nữa rồi để ráo nước.
– Cho từng loại đậu vào ninh riêng đến khi chín nhừ, đổ đường vào từng nồi đậu để nêm cho vừa khẩu vị.
– Đậu phộng đem rang chín, sau đó bỏ vỏ rồi giã vừa phải sau đó để riêng.
– Cho nước cốt dừa vào một cái nồi nhỏ, sau đó cho một ít đường rồi đun sôi. Hòa tan bột năng với nước rồi cho vào nồi nước dừa đang đun, khuấy đều tay cho đến khi hỗn hợp nước sánh lại thì tắt bếp.
– Bột báng cho vào một nồi nước khác để đun sôi tạo thành chân trâu. Khi chín, vớt trân châu ra cho vào âu nước lạnh khoảng 15 phút để được giòn và không bị dính khi ăn.
– Thưởng thức cốc chè thập cẩm bằng cách cho từng loại đậu vào cốc, sau đó cho nước dừa đã đun rồi cho trân châu, đậu phộng rang và dừa nạo lên trên.
11. Cách nấu chè bí đỏ ngon ngọt hấp dẫn
Nguyên liệu cần có
– Bí đỏ: 300g
– Đậu xanh đãi vỏ: 200g
– Gạo nếp: 50g
– Đường trắng: 200g
– Hạt trân châu: tự làm hoặc mua ở ngoài
– Nước
Cách nấu chè bí đỏ
– Bí đỏ đem gọt vỏ, rửa sạch sau đó thái thành từng miếng mỏng vừa ăn
– Đậu xanh đem ngâm qua đêm cho nở ra, sau đó vo sạch rồi để ráo nước.
– Bắc một nồi nước để ninh chín đậu xanh và gạo nếp. Cho hạt trân châu vào đun thêm khoảng 5 phút với lửa nhỏ để hỗn hợp chín nhừ, sau đó nêm thêm đường cho vừa khẩu vị.
– Cuối cùng, bạn cho bí đỏ vào đun thêm khoảng 6-8 phút, sau đó tắt bếp rồi múc hỗn hợp chè ra bát để thưởng thức.
12. Cách nấu chè khoai lang dẻo ngon thơm mát
Nguyên liệu cần có
– Khoai lang tím: 200g
– Khoai lang vàng: 200g
– Đường: 150g
– Bột năng: 200g
– Nước cốt dừa: 200ml
– Bột báng: 100g
– Mè rang
– Nước
– Dừa nạo hoặc dừa khô
Cách nấu chè khoai lang
– Hai loại khoai đem gọt vỏ, rửa sạch rồi cắt thành từng khoanh nhỏ, sau đó đem khoai đi hấp cách thủy từ 10-12 phút cho chín mềm.
– Khi khoai chín, dùng thìa đem ra tán nhuyễn rồi trộn thêm với 100g bột năng. Nhào hỗn hợp thành bột rồi tạo hình thành các viên nhỏ vừa ăn.
– Bắc một nồi nước đun sôi, sau đó thả từng viên khoai sau khi tạo hình vào nồi để đun chín. Khi các viên nổi lên trên tức là đã chín hoàn toàn, tắt bếp vớt ra cho vào một bát nước mát để các viên khoai không bị dính.
– Cho nước cốt dừa vào một nồi khác, đổ thêm 1 lít nước lọc vào để đun sôi. Thêm đường cho vừa khẩu vị và đun đến khi đường hòa tan hết.
– Đổ nốt chỗ bột năng vào nồi nước dừa, khuấy đều tay cho đến khi hỗn hợp sánh lại thì tắt bếp.
– Khi ăn, múc nước dừa ra bát, sau đó thả từng viên khoai vào trong rồi rắc thêm ít mè rang, dừa khô hoặc dừa nạo lên trên là bạn đã có bát chè khoai lang ngon tuyệt rồi.
13. Cách nấu chè thái ngon chuẩn vị như ngoài hàng
Nguyên liệu cần có
– Mít tươi: 200g (đã tách bỏ hạt)
– Cơm sầu riêng: 2 múi
– Sữa tươi không đường: 200ml
– Nước cốt dừa: 100ml
– Thạch rau câu: 20g
– Đường trắng: 150g
– Hoa quả tùy chọn ăn kèm: Nhãn, nho, vải, dưa hấu, thanh long,…
– Bột năng: 10g
– Dừa khô hoặc dừa nạo
Cách nấu chè thái
– Các loại trái cây ăn kèm làm sạch, bỏ vỏ, nhãn hoặc vải bỏ hạt, còn dưa hấu hoặc thanh long thái miếng vuông nhỏ vừa ăn. Mít thái sợi nhỏ.
– Nước cốt dừa cho vào nồi để đun sôi cùng với đường và bột năng. Đảo đều tay đến khi hỗn hợp chín thì tắt bếp.
– Thạch rau câu bạn có thể tìm mua ở ngoài hoặc tự mua bột rau câu về tự làm. Bột rau câu hòa tan cùng nước và một chút đường, sau đó đem đun sôi rồi đổ vào khuôn để nguội trong ngăn mát tủ lạnh cho đông lại. Sau đó bạn chỉ việc tách miếng thạch ra khỏi khuôn rồi thái thành miếng nhỏ là được.
– Xếp lần lượt các loại trái cây ra từng đĩa khác nhau, khi ăn thì cho nước cốt dừa vào cốc trước rồi bỏ các loại trái cây vào cốc, cho thêm thạch rau câu đã chuẩn bị và rót sữa tươi không đường lên trên.
– Cuối cùng, trang trí dừa nạo hoặc dừa khô rồi cho đá lạnh vào cốc là bạn đã hoàn thành xong món chè thái ngon chuẩn vị rồi.
14. Cách nấu chè cốm thơm dẻo ngon ngọt
Nguyên liệu cần có
– Cốm khô: 200g (mua sẵn ngoài hàng)
– Bột sắn hoặc bột năng: 2 thìa
– Nước cốt dừa: 200ml
– Đường: 200g
– Đậu xanh đãi vỏ: 100g
– Lá dứa: vài cái
Cách nấu chè cốm
– Cốm mua về đem xả qua với nước rồi ngâm trong bát nước lạnh khoảng 3-5 phút để cốm mềm ra.
– Đậu xanh đãi vỏ đem ngâm qua đêm để hạt nở ra, sau đó vo sạch rồi để cho ráo nước.
– Lá dứa đem cắt nhỏ rồi xay nhuyễn với một bát nước để ép lấy nước cốt, sau đó bỏ bã và lọc sạch nước.
– Bắc một nồi nước, cho đậu xanh đã chuẩn bị vào ninh nhừ cùng với nước cốt lá dứa. Khi đậu xanh đã chín mềm, đổ cốm vào đun tiếp.
– Sau khi nồi đã sôi, bạn hòa tan bột sắn với nước rồi cho từ từ vào nồi để nấu chè. Nêm thêm đường cho vừa với khẩu vị.
– Khuấy đều hỗn hợp cho đến khi chín hẳn, chè sánh lại thì tắt bếp.
– Múc chè cốm ra bát để thưởng thức, cho thêm nước cốt dừa lên trên và thêm dừa nạo để thưởng thức.
15. Cách nấu chè bà ba chuẩn hương vị Nam Bộ
Nguyên liệu cần có
– Khoai lang vàng: 200g
– Khoai lang tím: 200g
– Khoai môn: 200g
– Đậu xanh đãi vỏ: 100g
– Bột báng: 100g
– Bột khoai: 100g
– Đường trắng: 300g
– Lá dứa: vài cái
– Đậu phộng: 100g
– Muối: ½ thìa cà phê
– Cơm dừa nạo: 500g
Cách nấu chè bà ba
– Đậu xanh đã tách vỏ đem ngâm qua đêm để nở ra, sau đó vo sạch lại rồi để cho ráo nước.
– Bột báng và bột khoai đem ngâm trong nước khoảng vài giờ trước khi nấu chè.
– Đậu phộng đem luộc chín, bóc vỏ rồi để riêng.
– Các loại khoai rửa sạch sau đó gọt vỏ rồi cắt thành các miếng vuông vừa ăn.
– Cơm dừa nạo đem luộc qua với khoảng 300ml nước sôi, sau đó vắt lấy nước cốt để riêng. Đổ thêm khoảng 2 lít nước sôi nữa vào rồi vắt tiếp để lấy nước cốt dão.
– Đổ 2 lít nước cốt dão vào trong một nồi, sau đó cho đậu xanh vào để ninh nhừ. Khi nồi sôi, đổ các loại khoai vào và thêm lá dứa, đậu phộng, bột báng và bột khoai vào nấu cùng.
– Khi bột khoai và bột báng nở đều, cho đường theo khẩu vị và ½ thìa muối vào để giúp món ăn thêm ngon hơn. Kế đến bạn mới cho 300ml nước cốt dừa ban đầu để riêng vào đun cùng.
– Đun sôi hỗn hợp thêm khoảng 1-2 phút rồi tắt bếp, múc chè ra bát để thưởng thức.