14 ĐIỂM MỚI của Luật doanh nghiệp 2020 liên quan đến DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC
Điểm mới của Luật doanh nghiệp 2020 liên quan đến Doanh nghiệp nhà nước
Ngày 01/01/2021 Luật doanh nghiệp 2020 có nhiều điểm mới so với Luật doanh nghiệp 2014, trong đó điểm đáng chú ý là các quy định mới liên quan đến doanh nghiệp nhà nước.
Một số điểm mới sẽ được HT Legal VN lựa chọn trình bày dưới đây:
Thứ nhất, thay đổi khái niệm về doanh nghiệp nhà nước
Khoản 11 Điều 8 Luật doanh nghiệp 2020 sửa đổi khái niệm tại khoản 8 Điều 4 Luật doanh nghiệp 2014
LDN 2014: “Doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ”
LDn 2020: “Doanh nghiệp nhà nước bao gồm công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.”
Lý do: Việc Sửa đổi lại khái niệm DNNN để thể chế hóa Nghị quyết Trung ương 5 Ban chấp hành trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước.
Thứ hai, sửa đổi nhóm người có quyền thành lập, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp và quản lý doanh nghiệp
Điểm c khoản 2 Điều 17 luật doanh nghiệp 2020 sửa đổi điểm c khoản 2 Điều 18 luật doanh nghiệp 2012
LDN 2014: “Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam, trừ những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp”
LDN 2020: “Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam, trừ những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp hoặc người quản lý tại doanh nghiệp nhà nước”
Lý do: Sửa đổi để làm rõ hơn nội dung điều khoản này và phù hợp với thực tế trong một số doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ quốc phòng, ở đó, một số sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp đảm nhiệm một số vị trí quản lý mặc dù không phải là người đại diện phần vốn.
Thứ ba, Cơ cấu quản lý trong công ty TNHH hai thành viên trở lên
Điều 54 Luật doanh nghiệp 2020 sửa đổi Điều 55 Luật doanh nghiệp 2014 về cơ cấu quản lý trong công ty TNHH hai thành viên trở lên
LDN 2014: “Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Công ty trách nhiệm hữu hạn có từ 11 thành viên trở lên phải thành lập Ban kiểm soát; trường hợp có ít hơn 11 thành viên, có thể thành lập Ban kiểm soát phù hợp với yêu cầu quản trị công ty. Quyền, nghĩa vụ, tiêu chuẩn, điều kiện và chế độ làm việc của Ban kiểm soát, Trưởng Ban kiểm soát do Điều lệ công ty quy định”
LDN 2020: “1. Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.
2. Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên là doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 88 của Luật này và công ty con của doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại khoản 1 Điều 88 của Luật này phải thành lập Ban kiểm soát; các trường hợp khác do công ty quyết định.
3. Công ty phải có ít nhất một người đại diện theo pháp luật là người giữ một trong các chức danh là Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Trường hợp Điều lệ công ty không quy định thì Chủ tịch Hội đồng thành viên là người đại diện theo pháp luật của công ty.
Lý do: Điều 55 được sửa đổi theo hướng bổ sung thêm yêu cầu phải thành lập Ban kiểm soát đối với công ty TNHH 2 thành viên do Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ.
Nội dung sửa đổi này nhằm để thể chế hóa đầy đủ Nghị quyết Trung ương 5 Ban chấp hành trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước. Do đó, đối với loại công ty TNHH có hai thành viên trở lên, trong đó nhà nước sở hữu trên 50% vốn cần áp dụng nguyên tắc quản trị chặt chẽ hơn so với các công ty TNHH khác; theo đó bắt buộc phải thành lập Ban kiểm soát
Đối với các công ty TNHH 2 thành viên khác, thì việc thành lập Ban kiểm soát tùy thuộc vào quyết định của Hội đồng thành viên; dự thảo luật không bắt buộc phải thành lập Ban kiểm soát, công ty có thể thuê công ty tư vấn thực hiện chức năng kiểm soát, phù hợp với nhu cầu và lợi ích của công ty.
Thứ tư, Tiêu chuẩn và điều kiện làm Giám đốc, Tổng Giám đốc
Điều 64 Luật doanh nghiệp 2020 sửa đổi tiêu chuẩn và điều kiện làm Giám đốc, Tổng Giám đốc trong Công ty TNHH hai thành viên trở lên của Điều 65 Luật doanh nghiệp 2014
LDN 2014: “1. Có đủ năng lực hành vi dân sự và không thuộc đối tượng không được quản lý doanh nghiệp theo quy định tại khoản 2 Điều 18 của Luật này.
2. Có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm trong quản trị kinh doanh của công ty, nếu Điều lệ công ty không có quy định khác.
3. Đối với công ty con của công ty có phần vốn góp, cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ thì ngoài các tiêu chuẩn và điều kiện quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc không được là vợ hoặc chồng, cha đẻ, cha nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, anh ruột, chị ruột, em ruột, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người quản lý công ty mẹ và người đại diện phần vốn nhà nước tại công ty đó.”
LDN 2020: “1. Không thuộc đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 17 của Luật này.
2. Có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm trong quản trị kinh doanh của công ty và điều kiện khác do Điều lệ công ty quy định.
3. Đối với doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 88 của Luật này và công ty con của doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại khoản 1 Điều 88 của Luật này, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc phải đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này và không được là người có quan hệ gia đình của người quản lý công ty, Kiểm soát viên của công ty và của công ty mẹ; người đại diện phần vốn của doanh nghiệp, người đại diện phần vốn nhà nước tại công ty và công ty mẹ.”
Lý do: Tương tự như mục tiêu sửa đổi Điều 54 nêu trên, việc sửa đổi Điều 65 nhằm thể chế hóa thể chế hóa Nghị quyết Trung ương 5 Ban chấp hành trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước.
Theo đó, bổ sung thêm yêu cầu về chuyên môn, kinh nghiệm làm việc đối với giám đốc, tổng giám đốc; bổ sung đối tượng người có liên quan không được làm giám đốc, tổng giám đốc, (bao gồm: con dâu, con rể, anh em bên vợ, chồng…) đối với doanh nghiệp mà nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ.
Thứ năm, Ban kiểm soát
Các quy định về Ban kiểm soát và Kiểm soát viên trong Công ty TNHH hai thành viên trở lên trước đây chưa được quy định trong Luật doanh nghiệp 2014, nay Luật doanh nghiệp 2020 bổ sung quy định về Bna kiểm soát và kiểm soát viên trong phần công ty TNHH hai TV trở lên, cụ thể tại Điều 65 Luật doanh nghiệp 2020:
“Điều 65. Ban kiểm soát, Kiểm soát viên
1. Ban kiểm soát có từ 01 đến 05 Kiểm soát viên. Nhiệm kỳ Kiểm soát viên không quá 05 năm và có thể được bổ nhiệm lại với số nhiệm kỳ không hạn chế. Trường hợp Ban kiểm soát chỉ có 01 Kiểm soát viên thì Kiểm soát viên đó đồng thời là Trưởng Ban kiểm soát và phải đáp ứng tiêu chuẩn của Trưởng Ban kiểm soát.
2. Trưởng Ban kiểm soát, Kiểm soát viên phải đáp ứng các tiêu chuẩn và điều kiện tương ứng quy định tại khoản 2 Điều 168 và Điều 169 của Luật này.
3. Quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm, việc miễn nhiệm, bãi nhiệm và chế độ làm việc của Ban kiểm soát, Kiểm soát viên được thực hiện tương ứng theo quy định tại các điều 106, 170, 171, 172, 173 và 174 của Luật này.
4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.”
Lý do: Tương tự mục tiêu sửa đổi các Điều 54 và 64 nêu trên. Do đó, cần thiết bổ sung thêm quy định hướng dẫn tổ chức, hoạt động của Ban kiểm soát, nhằm nâng cao hiệu lực quản trị đối với doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ. Quy định mới về Ban kiểm soát này được quy định tương tự như quy định về Ban kiểm soát đối với doanh nghiệp mà nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ, dưới hình thức công ty TNHH một thành viên, quy định tại Chương IV của Luật doanh nghiệp.
Thứ sáu, Công bố thông tin
Quy định về công bố thông tin trong phần quy định về công ty TNHH hai thành viên cũng là quy định mới được thêm vào Luật doanh nghiệp 2020, cụ thể:
“Điều 73. Công bố thông tin
Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 88 của Luật này thực hiện công bố thông tin theo quy định tại các điểm a, c, đ, g khoản 1 Điều 109 và Điều 110 của Luật này.”
Lý do: Sửa đổi để đảm bảo sự tương thích với nội dung và mục tiêu việc bổ sung Điều 88 về doanh nghiệp nhà nước; tăng cường minh bạch hóa hoạt động của doanh nghiệp nhà nước nhằm thể chế hóa tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 Ban chấp hành trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước.
Thứ sáu, Cơ cấu tổ chức quản lý của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do tổ chức làm chủ sở hữu
Điều 79 Luật doanh nghiệp 2020 sửa đổi bổ sung Điều 78 Luật doanh nghiệp 2014 về Cơ cấu tổ chức quản lý của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do tổ chức làm chủ sở hữu do liên quan đến doanh nghiệp nhà nước như sau:
LDN 2014: “1. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do tổ chức làm chủ sở hữu được tổ chức quản lý và hoạt động theo một trong hai mô hình sau đây:
a) Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và Kiểm soát viên;
b) Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và Kiểm soát viên.
2. Trường hợp Điều lệ công ty không quy định thì Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty là người đại diện theo pháp luật của công ty.
3. Trường hợp Điều lệ công ty không quy định khác, thì chức năng, quyền và nghĩa vụ của Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và Kiểm soát viên thực hiện theo quy định của Luật này.”
LDN 2020: “1. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do tổ chức làm chủ sở hữu được tổ chức quản lý và hoạt động theo một trong hai mô hình sau đây:
a) Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc;
b) Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.
2. Đối với công ty có chủ sở hữu công ty là doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại khoản 1 Điều 88 của Luật này thì phải thành lập Ban kiểm soát; trường hợp khác do công ty quyết định. Cơ cấu tổ chức, chế độ làm việc, tiêu chuẩn, điều kiện, miễn nhiệm, bãi nhiệm, quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của Ban kiểm soát, Kiểm soát viên thực hiện tương ứng theo quy định tại Điều 65 của Luật này.
3. Công ty phải có ít nhất một người đại diện theo pháp luật là người giữ một trong các chức danh là Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty hoặc Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Trường hợp Điều lệ công ty không quy định thì Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty là người đại diện theo pháp luật của công ty.
4. Trường hợp Điều lệ công ty không quy định khác thì cơ cấu tổ chức, hoạt động, chức năng, quyền và nghĩa vụ của Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc thực hiện theo quy định của Luật này.”
Lý do: Việc sửa đổi có hai lý do chính
(1) Công ty TNHH một thành viên quy định tại chương này là các công ty 100% vốn ngoài nhà nước. Quy định hiện hành của Luật doanh nghiệp bắt buộc phải thành lập Ban kiểm soát đối với công ty TNHH 1TV là không phù hợp với thực tế và bất cập là:
– Quy định này hạn chế công ty thiết lập mô hình kiểm soát tốt hơn, nhưng không phải là ban kiểm soát, vì lợi ích của chủ sở hữu.
– Ban kiểm soát trong nhiều trường hợp hoạt động hình thức, chỉ để tuân thủ pháp luật. Bởi vì trong trường hợp này, chủ sở hữu nhận thấy không cần thiết thành lập Ban kiểm soát nhưng vẫn phải thành lập vì để tuân thủ yêu cầu của Luật doanh nghiệp.
Do đó, khoản 1 và 2 Điều này được sửa đổi theo hướng chuyển từ bắt buộc thành lập Ban kiểm soát sang cơ chế giao quyền cho chủ sở hữu quyết định và lựa chọn cơ chế giám sát, phù hợp với trường hợp cụ thể của doanh nghiệp; có thể thành lập Ban kiểm soát hoặc thuê kiểm toán độc lập. Sửa đổi này góp phần giảm chi phí và tạo linh hoạt cho doanh nghiệp (do trước đây luôn phải thành lập Ban kiểm soát vì yêu cầu của luật).
(2) Bổ sung quy định yêu cầu đối với Công ty TNHH 01 thành viên do tổ chức làm chủ sở hữu phải luôn có một người đại diện theo pháp luật là chủ tịch HĐTV, chủ sở hữu hoặc Giám đốc/Tổng giám đốc để giảm cơ hội nhà đầu tư lạm dụng vỏ bọc công ty để thực hiện kinh doanh, gây thiệt hại cho các bên có liên quan (cơ chế này gọi là ‘xuyên thủng vỏ bọc công ty – piercing the corporate veil).
Thứ bảy, bổ sung quy định về doanh nghiệp nhà nước thành một điều riêng
Điều 88 Luật doanh nghiệp 2020 bổ sung quy định về doanh nghiệp nhà nước như sau:
“Điều 88. Doanh nghiệp nhà nước
1. Doanh nghiệp nhà nước được tổ chức quản lý dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, bao gồm:
a) Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ;
b) Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết, trừ doanh nghiệp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này.
2. Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này bao gồm:
a) Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là công ty mẹ của tập đoàn kinh tế nhà nước, công ty mẹ của tổng công ty nhà nước, công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ – công ty con;
b) Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là công ty độc lập do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
3. Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này bao gồm:
a) Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết là công ty mẹ của tập đoàn kinh tế, công ty mẹ của tổng công ty nhà nước, công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ – công ty con;
b) Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty cổ phần là công ty độc lập do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.”
Lý do: Theo quy định tại khoản 8 Điều 4 Luật doanh nghiệp cũ, thì doanh nghiệp nhà nước được coi là doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Theo đó, doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ được tổ chức quản trị dưới hình thức công ty TNHH 1 thành viên, được quy định riêng tại chương IV Luật doanh nghiệp.
Nghị quyết Trung ương 5 Ban chấp hành trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, trong đó xác định: “Doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc cổ phần, vốn góp chi phối; được tổ chức và hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn”. Tinh thần nghị quyết này cho thấy rõ ràng rằng DNNN bao gồm 02 loại: (1) doanh nghiệp mà nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, và (2) doanh nghiệp mà nhà nước không nắm giữ 100% vốn điều lệ nhưng có sở hữu đến mức chi phối doanh nghiệp đó. Đối với mỗi loại doanh nghiệp nhà nước thì sẽ cần có phương thức quản lý, quản lý, giám sát phù hợp, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp có vốn nhà nước.
Do đó, để thể chế hóa nội dung Nghị quyết trung ương vào Luật doanh nghiệp, Dự thảo Luật đã sửa đổi nội dung về doanh nghiệp nhà nước theo hướng: tiêu chí ”cổ phần, vốn góp chi phối” được nêu trong Nghị quyết Trung ương 5 được xác định là ”sở hữu trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết” của doanh nghiệp. Do đó, bổ sung thêm Điều 88 xác định rõ các loại doanh nghiệp nhà nước, bao gồm: (i) doanh nghiệp mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ và (ii) doanh nghiệp mà Nhà nước sở hữu trên 50 % vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
Ngoài việc bổ sung thêm Điều 88 nêu trên, thì cũng sửa đổi, bổ sung nhiều điều khoản khác trong Luật nhằm đảm bảo sự tương thích và thể chế hóa đầy đủ tinh thần Nghị quyết trung ương 5, như trình bày trong phần dưới đây.
Thứ tám, Áp dụng quy định đối với doanh nghiệp nhà nước
Điều 89 Luật doanh nghiệp 2020 sửa đổi bổ sung Điều 88 luật doanh nghiệp 2014 về quy định áp dụng quy định đối với doanh nghiệp nhà nước, cụ thể:
LDN 2014: “1. Doanh nghiệp nhà nước được tổ chức quản lý theo quy định tại Chương này, các quy định tương ứng tại mục 2 Chương III và các quy định khác có liên quan của Luật này. Trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của Chương IV với Chương III và các quy định có liên quan khác của Luật này, thì áp dụng quy định tại Chương này.
2. Việc tổ chức quản lý doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ dưới 100% vốn điều lệ thực hiện theo các quy định tương ứng tại mục 1 Chương III và Chương V của Luật này.”
LDN 2020: “1. Doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ theo quy định tại điểm a khoản 1 và khoản 2 Điều 87a Luật này được tổ chức quản lý dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên theo quy định tại Chương này, các quy định tương ứng tại mục 2 Chương III và các quy định khác có liên quan của Luật này. Trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của Chương IV với Chương III và các quy định có liên quan khác của Luật này, thì áp dụng quy định tại Chương này.
2. Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ theo quy định tại điểm b khoản 1 và khoản 3 Điều 87a Luật này được tổ chức quản lý dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên theo các quy định tương ứng tại mục 1 Chương III hoặc công ty cổ phần theo các quy định tương ứng tại Chương V của Luật này..”
Lý do: Cùng với việc bổ sung Điều 88, cần thiết phải sửa đổi Điều 89 đảm bảo tương thích với Điều 88, vừa để thực hiện đầy đủ và đúng tinh thần Nghị quyết TƯ 5 Ban chấp hành trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước như nêu trên.
Theo đó, đối với doanh nghiệp mà nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thì áp dụng quy định về tổ chức quản trị tại Chương IV Luật doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp mà nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ sẽ áp dụng mục 1 chương II nếu tổ chức quản lý dưới hình thức công ty TNHH 2 TV hoặc áp dụng Chương III nếu tổ chức quản lý dưới hình thức công ty cổ phần.
Thứ chín, Về Tiêu chuẩn, điều kiện của Giám đốc, Tổng giám đốc trong doanh nghiệp nhà nước
Điều 100 Luật doanh nghiệp 2020 sửa đổi quy định Tiêu chuẩn, điều kiện của Giám đốc, Tổng giám đốc của Điều 100 Luật doanh nghiệp 2014 như sau:
LDN 2014: “1. Có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm thực tế trong quản trị kinh doanh hoặc trong lĩnh vực, ngành, nghề kinh doanh của công ty.
2. Không phải là vợ hoặc chồng, cha đẻ, cha nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, con rể, con dâu, anh ruột, chị ruột, em ruột, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu, anh vợ, chị vợ, em vợ, anh chồng, chị chồng, em chồng của những người sau đây:
a) Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan đại diện chủ sở hữu.
b) Thành viên Hội đồng thành viên.
c) Phó Tổng giám đốc, Phó Giám đốc và Kế toán trưởng của công ty.
d) Kiểm soát viên công ty.
3. Không đồng thời là cán bộ, công chức trong cơ quan nhà nước hoặc tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội.
4. Chưa từng bị cách chức Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc hoặc Phó Giám đốc tại công ty hoặc ở doanh nghiệp nhà nước khác.
5. Không được kiêm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của doanh nghiệp khác.
6. Các tiêu chuẩn, điều kiện khác quy định tại Điều lệ công ty.”
Lý do: Như giải thích về lý do bổ sung Điều 88 nêu trên, điều 100 được bổ sung thêm khoản 5 để nhằm thể chế hóa tinh thần Nghị quyết trung ương 5 về nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước.
Cụ thể, thực tế cho thấy cần thiết mở rộng phạm vi người có liên quan và quy định chặt chẽ hơn (so với quy định tương tự áp dụng cho công ty TNHH không phải là doanh nghiệp nhà nước) về tiêu chuẩn, điều kiện giám đốc, tổng giám đốc. Mở rộng đối tượng người có liên quan không được làm Giám đốc hoặc Tổng giám đố, bao gồm: anh chồng, em chồng, chị chồng; đây là những đối tượng có mối quan hệ về lợi ích tương tự như dâu, rể nhưng lại Luật doanh nghiệp hiện hành lại chưa bao gồm hết các đối tượng này.
Đồng thời viết lại toàn bộ điều này để đảm bảo tính khoa học, rõ ràng hơn về văn phong.
Thứ mười, về chế độ làm việc của Ban kiểm soát và Kiểm soát viên
Điều 106 Luật doanh nghiệp 2020 bỏ Khoản 1 Điều 100 của Luật doanh nghiệp 2014 như sau:
LDN 2014: “Điều 105. Chế độ làm việc của Ban kiểm soát và Kiểm soát viên
1. Trưởng Ban kiểm soát làm việc chuyên trách tại công ty; các thành viên khác có thể tham gia Ban kiểm soát của không quá 04 doanh nghiệp nhà nước nhưng phải được sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan đại diện chủ sở hữu.
2. Trưởng Ban kiểm soát xây dựng kế hoạch công tác hằng tháng, hằng quý và hằng năm của Ban kiểm soát; phân công nhiệm vụ và công việc cụ thể cho từng thành viên.
3. Kiểm soát viên độc lập và chủ động thực hiện các nhiệm vụ và công việc được phân công; đề xuất, kiến nghị thực hiện các nhiệm vụ, công việc kiểm soát khác ngoài kế hoạch, ngoài phạm vi được phân công khi xét thấy cần thiết.
4. Ban kiểm soát họp ít nhất mỗi tháng một lần để rà soát, đánh giá, thông qua báo cáo kết quả kiểm soát trong tháng trình cơ quan đại diện chủ sở hữu; thảo luận và thông qua kế hoạch hoạt động tiếp theo của Ban kiểm soát.
5. Quyết định của Ban kiểm soát được thông qua khi có đa số thành viên dự họp tán thành. Các ý kiến khác với nội dung quyết định đã được thông qua phải được ghi chép đầy đủ, chính xác và báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu.
LDN 2020: Điều 106. Chế độ làm việc của Ban kiểm soát
1. Trưởng Ban kiểm soát xây dựng kế hoạch công tác hằng tháng, hằng quý và hằng năm của Ban kiểm soát; phân công nhiệm vụ và công việc cụ thể cho từng Kiểm soát viên.
2. Kiểm soát viên chủ động và độc lập thực hiện nhiệm vụ và công việc được phân công; đề xuất, kiến nghị thực hiện nhiệm vụ, công việc kiểm soát khác ngoài kế hoạch, ngoài phạm vi được phân công khi xét thấy cần thiết.
3. Ban kiểm soát họp ít nhất mỗi tháng một lần để rà soát, đánh giá, thông qua báo cáo kết quả kiểm soát trong tháng trình cơ quan đại diện chủ sở hữu; thảo luận và thông qua kế hoạch hoạt động tiếp theo của Ban kiểm soát.
4. Quyết định của Ban kiểm soát được thông qua khi có đa số thành viên dự họp tán thành. Các ý kiến khác với nội dung quyết định đã được thông qua phải được ghi chép đầy đủ, chính xác và báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu.
Lý do: Trên thực tế không cần phải có quy định hạn chế này vì vốn dĩ chế độ làm việc của Ban kiểm soát làm việc độc lập việc hạn chế không đạt được mục tiêu để cho Ban kiểm soát kiểm soát viên làm hết chức năng nhiệm vụ, hay độc lập trong công việc của mình.
Thứ mười một, Cơ cấu, tiêu chuẩn và điều kiện làm thành viên Hội đồng quản trị
Điểm d Khoản 1 và điểm a Khoản 2 Điều 155 Luật doanh nghiệp 2020 sửa đổi điểm d Khoản 1 và điểm a Khoản 2 Điều 151 Luật doanh nghiệp 2014 như sau:
LDN 2014: điểm d Khoản 1 và điểm a Khoản 2
“d) Đối với công ty con mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ thì thành viên Hội đồng quản trị không được là vợ hoặc chồng, cha đẻ, cha nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, anh ruột, chị ruột, em ruột, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của Giám đốc, Tổng giám đốc và người quản lý khác của công ty; không được là người có liên quan của người quản lý, người có thẩm quyền bổ nhiệm người quản lý công ty mẹ.
a) Không phải là người đang làm việc cho công ty, công ty con của công ty; không phải là người đã từng làm việc cho công ty, công ty con của công ty ít nhất trong 03 năm liền trước đó.
LDN 2020: điểm d Khoản 1 và điểm a Khoản 2
“d) Đối với doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 88 của Luật này và công ty con của doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại khoản 1 Điều 88 của Luật này thì thành viên Hội đồng quản trị không được là người có quan hệ gia đình của Giám đốc, Tổng giám đốc và người quản lý khác của công ty; của người quản lý, người có thẩm quyền bổ nhiệm người quản lý công ty mẹ.
a) Không phải là người đang làm việc cho công ty, công ty mẹ hoặc công ty con của công ty; không phải là người đã từng làm việc cho công ty, công ty mẹ hoặc công ty con của công ty ít nhất trong 03 năm liền trước đó;”
Lý do: do thực tế cho thấy cần thiết mở rộng phạm vi người có liên quan
Thứ mười hai, Chủ tịch Hội đồng quản trị.
Khoản 1, Khoản 2, Khoản 4 Điều 156 Luật doanh nghiệp 2020 sửa đổi bổ sung Khoản 1, Khoản 2 Khoản 4 Điều 152 Luật doanh nghiệp 2014:
LDN 2014:Khoản 1, Khoản 2, Khoản 4 Điều 152
“1. Hội đồng quản trị bầu một thành viên của Hội đồng quản trị làm Chủ tịch. Chủ tịch Hội đồng quản trị có thể kiêm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc công ty trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này và Điều lệ công ty, pháp luật về chứng khoán không có quy định khác.
2. Công ty cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% tổng số phiếu biểu quyết thì Chủ tịch Hội đồng quản trị không được kiêm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.
4. Trường hợp Chủ tịch Hội đồng quản trị vắng mặt hoặc không thể thực hiện được nhiệm vụ của mình thì ủy quyền bằng văn bản cho một thành viên khác thực hiện các quyền và nghĩa vụ của Chủ tịch Hội đồng quản trị theo nguyên tắc quy định tại Điều lệ công ty. Trường hợp không có người được ủy quyền thì các thành viên còn lại bầu một người trong số các thành viên tạm thời giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị theo nguyên tắc đa số.”
LDN 2020: Khoản 1, , Khoản 2, Khoản 4 Điều 156
“1. Chủ tịch Hội đồng quản trị do Hội đồng quản trị bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm trong số các thành viên Hội đồng quản trị.
2. Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty đại chúng và công ty cổ phần quy định tại điểm b khoản 1 Điều 88 của Luật này không được kiêm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.
4. Trường hợp Chủ tịch Hội đồng quản trị vắng mặt hoặc không thể thực hiện được nhiệm vụ của mình thì phải ủy quyền bằng văn bản cho một thành viên khác thực hiện quyền và nghĩa vụ của Chủ tịch Hội đồng quản trị theo nguyên tắc quy định tại Điều lệ công ty. Trường hợp không có người được ủy quyền hoặc Chủ tịch Hội đồng quản trị chết, mất tích, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc, trốn khỏi nơi cư trú, bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định thì các thành viên còn lại bầu một người trong số các thành viên giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị theo nguyên tắc đa số thành viên còn lại tán thành cho đến khi có quyết định mới của Hội đồng quản trị.”
Lý do: Sửa đổi khoản 1 cho thống nhất về quyền bầu, bãi nhiệm, miễn nhiệm Chủ tịch Hội đồng quản trị của Hội đồng quản trị.
Sửa đổi khoản 2 tương ứng với quy định về doanh nghiệp nhà nước.
Sửa đổi khoản 4 với lý do tương tự như sửa đổi đối với trường hợp Chủ tịch HĐTV của công ty trách nhiệm hữu hạn.
Thứ mười ba, Bổ sung đối với quy định về Giám đốc, Tổng giám đốc công ty trong loại hình công ty cổ phần
Theo đó Điều 162 LDN 2020 bổ sung thểm khoản 5 tại Điều 157 Luật doanh nghiệp 2014 cho phù hợp với nội dung về quản trị doanh nghiệp nhà nước, cụ thể:
“5. Đối với công ty đại chúng, doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 88 của Luật này và công ty con của doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại khoản 1 Điều 88 của Luật này thì Giám đốc hoặc Tổng giám đốc phải đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện sau đây:
a) Không thuộc đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 17 của Luật này;
b) Không được là người có quan hệ gia đình của người quản lý doanh nghiệp, Kiểm soát viên của công ty và công ty mẹ; người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ;
c) Có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm trong quản trị kinh doanh của công ty.”
Thứ mười bốn, Tiêu chuẩn và điều kiện của Kiểm soát viên
Điều 169 LDN 2020 sửa đổi Điều 164 LDN 2014 như sau:
LDN 2014: “Điều 164. Tiêu chuẩn và điều kiện của Kiểm soát viên
1. Kiểm soát viên phải có tiêu chuẩn và điều kiện sau đây:
a) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và không thuộc đối tượng bị cấm thành lập và quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật này;
b) Không phải là vợ hoặc chồng, cha đẻ, cha nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, anh ruột, chị ruột, em ruột của thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người quản lý khác;
c) Không được giữ các chức vụ quản lý công ty; không nhất thiết phải là cổ đông hoặc người lao động của công ty, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác;
d) Các tiêu chuẩn và điều kiện khác theo quy định khác của pháp luật có liên quan và Điều lệ công ty.
2. Kiểm soát viên công ty cổ phần niêm yết, công ty do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ phải là kiểm toán viên hoặc kế toán viên.”
LDN 2020: “Điều 169. Tiêu chuẩn và điều kiện của Kiểm soát viên
1. Kiểm soát viên phải có các tiêu chuẩn và điều kiện sau đây:
a) Không thuộc đối tượng theo quy định tại khoản 2 Điều 17 của Luật này;
b) Được đào tạo một trong các chuyên ngành về kinh tế, tài chính, kế toán, kiểm toán, luật, quản trị kinh doanh hoặc chuyên ngành phù hợp với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp;
c) Không phải là người có quan hệ gia đình của thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người quản lý khác;
d) Không phải là người quản lý công ty; không nhất thiết phải là cổ đông hoặc người lao động của công ty, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác;
đ) Tiêu chuẩn và điều kiện khác theo quy định khác của pháp luật có liên quan và Điều lệ công ty.
2. Ngoài các tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này, Kiểm soát viên công ty đại chúng, doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 88 của Luật này không được là người có quan hệ gia đình của người quản lý doanh nghiệp của công ty và công ty mẹ; người đại diện phần vốn của doanh nghiệp, người đại diện phần vốn nhà nước tại công ty mẹ và tại công ty.”
Lý do: (1) Bảo đảm tương thích với việc thay đổi khái niệm về doanh nghiệp nhà nước tại Điều 88 và các nội dung sửa đổi khác có liên quan tại Luật doanh nghiệp.
(2) Thực tế cho thấy Luật doanh nghiệp Kiểm soát viên phải là Kế toán viên hoặc kiểm toán viên không phù hợp với điều kiện hiện nay, số lượng kiểm toán viên và kế toán viên là còn ít. Ngoài ra, nếu là kiểm toán viên hoặc kế toán viên thì những người này thường chọn hành nghề trong các đơn vị kiểm toán hơn là làm kiểm soát viên; do đó, rất khó khăn cho doanh nghiệp trong việc thành lập ban kiểm soát đáp ứng yêu cầu này của Luật.
Do đó, việc sửa đổi lại khoản 2 theo hướng chỉ yêu cầu về điều kiện chuyên môn tương đương với kiểm toán viên hoặc kế toán viên, mà không đòi hỏi là người đã có chứng chỉ hành nghề vừa giúp doanh nghiệp giải quyết khó khăn nêu trên; nhưng cũng không làm giảm hiệu lực của quy định, do vẫn phải đáp ứng yêu cầu về chuyên môn (khác biệt chỉ là có và chưa có chứng chỉ hành nghề).
Trên đây là 14 điểm mới của Luật doanh nghiệp 2020 liên quan đến doanh nghiệp nhà nước HT LegalVN xin gửi đến quý bạn đọc.
Công ty Luật HT Legal VN là chuyên gia trong lĩnh vực “tư vấn pháp luật thường xuyên cho doanh nghiệp”
Quý khách hàng có nhu cầu sử dụng dịch vụ “tư vấn pháp luật thường xuyên cho doanh nghiệp” xin hãy liên hệ với chúng tôi
Website : www.htlegalvn.com
Công ty Luật TNHH HT Legal VN – Hotline: 097117.4040