13 loại kết nối đã và đang “mất hút” trên laptop


iPhone 7 đã không còn jack tai nghe 3.5mm

iPhone 7 đã không còn jack tai nghe 3.5mm

Nếu vừa mua một chiếc laptop mới, nhiều khả năng nó vẫn dùng được với chiếc tai nghe cũ của bạn đấy, nhưng đừng mong chiếc thẻ nhớ máy ảnh cũ, hệ thống mạng có dây tại văn phòng hoặc những chiếc đĩa CD phần mềm cũ của bạn có thể dùng được với nó. MacBook 12 inch chỉ sử dụng kết nối USB-C để sạc, truyền dữ liệu, nhưng vẫn có jack tai nghe 3.5mm để nghe nhạc, hay Lenovo ThinkPad X1 Carbon có đến 3 cổng USB nhưng lại chẳng có cổng Ethernet, loại cổng mà bạn sẽ thường dùng đến tại các văn phòng. Hay lấy một ví dụ khác: laptop của bạn chỉ có cổng HDMI, và nếu muốn dùng nó với các loại máy chiếu sử dụng VGA thì bạn phải làm gì?

Chuẩn bị trước vẫn tốt hơn, sau đây là danh sách 13 loại cổng kết nối phổ biến nhưng hầu hết đã bị loại bỏ (trên những chiếc laptop mới) và các loại adapter chuyển đổi phù hợp giúp sử dụng chúng với chiếc máy tính của mình nếu cần thiết do trang tin LaptopMag thực hiện.

1. Khe thẻ nhớ SD

Hầu hết các loại máy ảnh hiện nay đều sử dụng thẻ nhớ SD, tuy nhiên nhiều loại laptop mới bây giờ không còn được trang bị khe đọc thẻ SD nữa, nếu muốn chuyển ảnh nhanh việc cắm thẻ SD vào máy tính vẫn là cách truyền thống và thuận tiện nhất thay vì dùng USB hay Wi-Fi.

Bạn có thể dễ dàng mua các loại đầu đọc thẻ SD trên mạng với nhiều loại, nhiều giá thành và nhiều thương hiệu khác nhau, có cả loại đầu đọc dùng chuẩn USB 3.0 tốc độ cao và những loại đầu đọc SD dùng USB-C dành cho những chiếc laptop chỉ có cổng USB-C.

2. VGA

Còn được gọi là D-Sub hoặc DE-15, cổng kết nối analog này sẽ bước sang tuổi thứ 30 vào năm sau. Dù đã 30 năm tuổi, nhưng bạn sẽ thấy VGA vẫn còn được sử dụng rất nhiều trên các loại màn hình máy tính, máy chiếu hoặc TV cũ. Do kích thước lớn nên VGA hầu như đã bị loại bỏ trên các loại laptop ra mắt từ vài năm trở lại đây, chủ yếu chỉ còn lại HDMI, Mini DisplayPort hoặc mới hơn là USB-C.

Nhưng đừng lo, bạn có thể dễ dàng tìm thấy các loại adapter chuyển từ HDMI sang VGA (giá khoảng 100-200 ngàn đồng), Mini DisplayPort sang VGA (khoảng 100-hơn 400 ngàn đồng tùy loại) hoặc USB-C sang VGA (khoảng 600-700 ngàn đồng) để sử dụng.

3. Ổ đĩa quang

Bạn vẫn có thể tìm thấy một số mẫu laptop mới có ổ đĩa DVD hoặc Blu-ray, nhưng đó chỉ là số ít mà thôi. Chiếc MacBook duy nhất được trang bị ổ đĩa DVD đã không được Apple nâng cấp từ năm 2012, còn mẫu laptop mới tiêu biểu mới ra mắt mà vẫn có ổ đĩa quang có thể kể đến là Lenovo IdeaPad 500.

Thay vì tìm một chiếc laptop mới có ổ đĩa quang, giải pháp khác là mua một ổ đĩa quang rời dùng cổng USB đến từ nhiều hãng khác nhau như Samsung, LG, Asus, ThinkPad,… với giá khá đa dạng từ vài trăm đến hơn 1 triệu đồng.

4. USB Type-A (USB 2.0, USB 3.0)

Dù vẫn còn rất phổ biến nhưng “truyền nhân” của USB Type-A là USB Type-C đã được cải tiến rất nhiều cả về hình dáng lẫn tính năng. USB-C có thể cắm theo bất cứ chiều nào, kích thước nhỏ hơn, khả năng truyền tín hiệu hình ảnh hoặc sạc pin cho laptop. Một số mẫu laptop ngày nay chỉ có duy nhất 1 cổng USB-C, nhưng cũng có nhiều mẫu được trang bị USB-C bên cạnh USB-A để người dùng “tập làm quen” dần với chuẩn kết nối USB mới.

Nếu laptop chỉ có duy nhất 1 cổng USB-C, bạn nên tìm các loại adapter chuyển từ USB-C sang USB-A (loại tốt của Belkin giá khoảng 600 ngàn đồng) hoặc USB-C sang nhiều loại cổng khác nhau để việc sử dụng được thuận tiện hơn.

5. FireWire (IEEE 1394)


FireWire (cổng ngoài cùng bên phải)

FireWire (cổng ngoài cùng bên phải)

Ra đời vào năm 1994, FireWire được xem là một loại kết nối “cao cấp”. Trong thời kỳ hoàng kim của mình, FireWire khá đắt tiền và cũng không mấy phổ biến. Được cải tiến vài lần sau đó, cổng kết nối còn mang tên IEEE 1394 này chủ yếu được sử dụng để truyền dữ liệu từ ổ cứng, máy ảnh sang máy tính hoặc biên tập video nhờ tốc độ truyền tải cao.

Năm 2008, Steve Jobs tuyên bố “FireWire đã chết”, nhưng chắc chắn sẽ có lúc bạn cần dùng đến nó vào năm 2016, và những bộ chuyển đổi phù hợp là thực sự cần thiết, giá của chúng cũng khá rẻ, từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng.

6. Cổng Serial

Những mẫu laptop của thập niên 80 hoặc 90 thường được trang bị loại cổng này để kết nối với chuột hoặc các loại modem rời. Còn được gọi là RS-232, đây được xem là “tiền thân” của USB (Universal Serial Bus) do có mục đích sử dụng khá giống nhau.

Hiện tại, vẫn còn một số mẫu máy tính doanh nghiệp trang bị Serial, nếu không có, bạn vẫn có thể tìm thấy một số loại adapter chuyển từ USB sang Serial với giá trên dưới 100 ngàn đồng.

7. Ethernet

Nếu trong trường hợp cấp bách cần dùng internet mà không có Wi-Fi, có lẽ sử dụng mạng dây với kết nối Ethernet sẽ là giải pháp duy nhất và hoàn hảo nhất dành cho bạn. Tuy vậy, một số mẫu laptop phổ thông mới hoặc ultrabook đều đã bị loại bỏ cổng kết nối thông dụng này, do đó tốt nhất vẫn nên “thủ sẵn” cho mình một bộ chuyển đổi từ USB sang Ethernet để sử dụng khi cần thiết với giá từ 100-200 ngàn đồng.

8. Cổng Parallel (IEEE 1284)

Trước khi USB trở nên phổ biến, hầu hết mọi người đều kết nối máy in của họ với máy tính bằng cổng Parallel (hay còn gọi là cổng song song), Parallel được giới thiệu vào năm 1970 và xuất hiện lần đầu trên máy tính của IBM vào năm 1981. Những loại laptop được trang bị Parallel có thể kết nối với nhiều loại máy in, các thiết bị lưu trữ rời, đầu đọc đĩa ZIP hoặc đầu đọc băng từ khác nhau. Parallel còn có tên gọi khác là IEEE 1284.

Dù có thể không tin, nhưng tôi cá chắc một số người bây giờ vẫn còn những chiếc máy in dùng cổng Parallel với các hệ thống máy tính dùng cổng USB, và những bộ adapter chuyển đổi phù hợp (giá khoảng 300 ngàn đồng) lại một lần nữa phát huy tác dụng.

9. eSATA

Trước thời đại của USB 3.0, eSATA (external SATA) được xem là cổng kết nối tốc độ cao trên những chiếc máy tính thập niên 2000 và đầu 2010. Có thể lấy ví dụ, chiếc ổ cứng ngoài Seagate FreeAgent Xtreme ra mắt năm 2009 cho tốc độ truyền dữ liệu thông qua eSATA lên đến 40.2MBps, trong khi với USB 2.0 chỉ là 28.4MBps.

Nếu vẫn giữ những chiếc ổ cứng dùng eSATA, bạn hoàn toàn có thể tìm những bộ chuyển đổi từ USB 3.0 sang eSATA với giá trên dưới 200 ngàn đồng để đạt tốc độ truyền tải cao nhất.

10. HDMI

HDMI được xem là chuẩn kết nối hình ảnh cực kỳ phổ biến trên những chiếc laptop hiện nay, hầu hết những mẫu TV hoặc màn hình máy tính đời mới đều sử dụng chuẩn kết nối này. Tuy nhiên, các mẫu laptop (đặc biệt là ultrabook) mới ra mắt từ 1-2 năm nay đều đã thay thế HDMI bằng USB-C/Thunderbolt hoặc Mini DisplayPort bởi chúng có kích thước nhỏ hơn so với HDMI.

Nếu laptop chỉ sử dung Mini DisplayPort, bạn có thể mua các bộ chuyển đổi sang HDMI với giá khá rẻ (vài chục ngàn đồng). Tuy nhiên, nếu dùng USB 3.0 thì bạn cần tìm những bộ adapter có công nghệ DisplayLink giúp truyền tải tín hiệu hình ảnh qua USB. Riêng USB-C thì chỉ cần 1 bộ adapter đơn giản với giá từ vài trăm ngàn đồng.

11. Mini DisplayPort

Hầu hết những mẫu laptop doanh nghiệp đều được trang bị Mini DisplayPort bởi nó có khả năng xuất đến 3 màn hình máy tính cùng lúc (nếu dùng 1 bộ chia tín hiệu). Tuy vậy, bạn cần làm gì nếu màn hình của mình sử dụng DisplayPort mà chiếc máy tính mới mua lại không có cổng xuất này?

Giải pháp đó là sử dụng những bộ adapter chuyển đổi từ USB sang Mini DisplayPort hoặc USB-C sang Mini DisplayPort với giá khoảng vài trăm ngàn đồng.

12. ExpressCard 34/54, PC Card, PCMCIA

Chắc bạn vẫn còn nhớ những mẫu laptop xưa hầu hết đều có 1 khe cắm ExpressCard giúp mở rộng tính năng hoặc kết nối cho máy. ExpressCard 34/54 (kích thước khác nhau), là những phiên bản cuối cùng của loại kết nối này, trước đó những loại cổng tương tự được gọi là PC Card hoặc PCMCIA.

Thời ấy, ExpressCard có tốc độ nhanh hơn USB, ưu điểm của ExpressCard là chúng không xuất hiện lộ liễu như các loại adapter, chỉ cần cắm vào một chiếc khe nằm sâu bên trong máy và sử dụng. Một số loại ExpressCard phổ biến giúp bổ sung kết nối Ethernet, Wi-Fi hoặc modem 56K mà bản thân chiếc laptop đó không có.

Hiện nay vẫn còn các loại đầu đọc ExpressCard sử dụng kết nối USB được bán rất nhiều, nhưng việc bản thân các loại ExpressCard hầu hết đều dùng công nghệ cũ, có lẽ bạn cũng không cần đến chúng nữa.

13. PS/2

Đây là loại kết nối cực kỳ phổ biến trên các loại chuột và bàn phím với 6 chân cắm, xuất hiện lần đầu vào năm 1987 và đang dần “mất hút” trên các thiết bị mới ra mắt ngày nay.

Tuy vậy, một số loại bàn phím dành cho game thủ vẫn thường sử dụng PS/2 bởi độ trễ cũng như hiện tượng “ghosting” (một số phím không nhận) khi bấm phím quá nhanh hoặc bấm nhiều phím cùng lúc gần như là không có. Nếu muốn dùng chiếc bàn phím PS/2 của mình với những mẫu laptop hiện nay, bạn có thể dùng 1 bộ đầu chuyển USB sang PS/2 được bán rất nhiều trên mạng hoặc các tiệm máy tính với giá chỉ vài chục ngàn đồng.

Theo Vnreview