12 tập đoàn lớn của Đức tìm đối tác chiến lược ở Việt Nam
BizLIVE –
Tổ chức GTal và Bộ Kinh tế và Năng lượng CHLB Đức cùng với 12 doanh nghiệp lớn thuộc nhiều lĩnh vực kinh tế khác của Đức sắp sang Việt Nam để tìm kiếm đối tác chiến lược và kêu gọi đầu tư sang Đức.
Trao đổi với BizLIVE, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức cho biết, một đoàn các doanh nghiệp lớn của Đức sắp sang Việt Nam để kết nối hợp tác thương mại và đầu tư.
Phái đoàn Đức bao gồm TS. Benno Bunse, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Germany Trade & Invest (GTal), bà Ines Koerner, đại diện Bộ Kinh tế và Năng lượng CHLB Đức (BMWi) cùng với 12 doanh nghiệp lớn thuộc nhiều lĩnh vực kinh tế khác của Đức, mục tiêu tìm kiếm đối tác chiến lược ở Việt Nam, kêu gọi đầu tư sang Đức.
Đại diện tổ chức AHK cho biết, trong chuyến làm việc này, sẽ tổ chức Diễn đàn giao lưu doanh nghiệp Đức – Việt, tạo cơ sở hợp tác doanh nghiệp giữa 2 nước. Trước đó, vào các năm 2010 và 2011, GTal cũng đã có những chuyến làm việc và kết nối đầu tư khá hiệu quả ở Việt Nam.
Trong lần trở lại này (dự kiến từ 15 – 19/9), GTal và các doanh nghiệp đến từ các tiểu bang miền đông CHLB Đức, đây cũng là cơ hội để Việt Nam kêu gọi luồng vốn đầu tư từ Đức vào Việt Nam.
Các công ty lớn của Đức bao gồm: GTAl (xúc tiến thương mại đầu tư); Công ty Phát triển kinh tế bang Thuringia LEG (Xúc tiến thương mại, quản lý nhà đất); HSP (xây dựng công trình ngầm và kiến trúc); MARU (công nghiệp kim loại); JENINTERCONSULT(Dịch vụ tư vấn); Controlling factory (hạ tầng và sử dụng năng lượng); IQTEC eG & co. KG (đào tạo, nghiên cứu);
Sroka UG& co. KG (năng lượng gió); Ovalehn GmbH (công nghệ sinh học và y tế); Naturalternative (thẩm mỹ); Synerwa UG (du lịch, dịch vụ); T&S Ruhland (thi công nhà máy, chế tạo động cơ); Đại học Quản trị Kinh doanh Quốc tế SRH Berlin; JENA-GEOS-Ingenieurbüro GmbH (xây dựng, địa chất);
TS. Benno Bunse, Giám đốc Tổ chức Thương mại và Đầu tư Đức (GTal) chia sẻ với BizLIVE, Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam ở châu Âu. Tăng trưởng kinh tế lớn mạnh tại Việt Nam trong những năm gần đây đã tạo nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp quy mô vừa ở Đức. Đức cũng đang hy vọng sẽ thu hút các doanh nghiệp Việt Nam đến đầu tư tại Đông Đức.
Theo thông tin từ GTAl, trong 20 năm qua, Đông Đức đã phát triển và trở thành trung tâm công nghệ cao.
Với 59 trường đại học và mạng lưới các trung tâm công nghệ dày đặc đã đóng vai trò quyết định cho sự thành công và phát triển vượt bậc của hệ thống giáo dục và nghiên cứu tại đây. 100.000 người Việt Nam đã học tập ở Đông Đức cũ, phần lớn được đào tạo thành kỹ sư và bác sĩ.
Hiện tại có khoảng 100.000 người Việt đang sinh sống tại Đức và khoảng 5.000 sinh viên Việt Nam đang học tập tại các trường đại học ở Đức.
Về lĩnh vực đầu tư trực tiếp, tính lũy kế đến tháng 8/2014, CHLB Đức đứng thứ 22 trong số 101 quốc gia và vùng lãnh thổ có hoạt động đầu tư trực tiếp vào Việt Nam.
Thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và đầu tư) cho biết, lũy kế đến nay Đức đang có 236 lượt dự án FDI ở Việt Nam với tổng vốn đăng ký 1,336 tỷ USD, vốn thực hiện hơn 571 triệu USD.
Trong 8 tháng đầu năm 2014, các doanh nghiệp Đức đã đăng ký đầu tư vào 26 lượt dự án với tổng vốn đăng ký và tăng thêm đạt hơn 164 triệu USD.
Về quan hệ thương mại song phương với CHLB Đức, thặng dư thương mại đang có lợi thế nghiêng về phía Việt Nam. Các mặt hàng nhập khẩu chính là hàng dệt may, giày dép, thủy hải sản, cà phê, điện thoại và phụ kiện.
Trong năm 2013, kim ngạch xuất khẩu của Đức sang Việt Nam là 2,9 tỷ USD, tăng gần 27% so với năm trước. Trong đó, dần 30% sản phẩm xuất khẩu của Đức là máy móc và thiết bị.