12 kỹ năng CNTT mà nhà tuyển dụng không thể từ chối | CareerBuilder.vn

12 kỹ năng CNTT mà nhà tuyển dụng không thể từ chối

Xem thêm cơ hội tìm việc làm mới tại CareerBuilder:

Việc làm trong ngành công nghệ thông tin (CNTT) ở Mỹ không những không giảm sút như các dự báo bi quan trước đây, mà ngược lại, nhu cầu tuyển dụng vẫn rất lớn. Ở những nơi khác trên thế giới, tình hình cũng tương tự, thị trường tài năng CNTT (IT helpdesk, IT manager, IT business analyst,…) vẫn rất nóng nhưng vấn đề là người xin việc phải có những kỹ năng phù hợp. Nếu bạn muốn tham gia vào làn sóng tuyển dụng này, hãy xem các kỹ năng đó là gì.

Tám chuyên gia gồm các nhà tuyển dụng, nhà biên soạn chương trình dạy nghề, giáo sư khoa học máy tính, nhà quản trị doanh nghiệp đã tóm tắt trên báo Computerworld 12 kỹ năng CNTT cần thiết nhất mà người tìm việc cần có.

1. Hiểu biết máy tính

Khi các công ty xây dựng các phần mềm lọc thư rác và phát hiện sự lừa đảo, làm sinh ra những núi dữ liệu khổng lồ, thì nhu cầu tuyển chuyên viên CNTT có kiến thức sâu về máy tính bỗng dưng tăng vọt. Người có kiến thức về máy tính không chỉ hiểu biết cơ chế vận hành của máy mà phải có khả năng thiết kế, phát triển các thuật toán (algorithm) và kỹ thuật cải thiện hoạt động của hệ thống. Kevin Scott, nhà quản trị cao cấp về công nghệ của Tập đoàn Google, cho rằng vấn đề cơ bản là bạn sẽ tổ chức dữ liệu và trình bày chúng như thế nào. Kỹ năng này liên quan đến việc khai thác dữ liệu, mô hình hóa hoạt động thống kê và cấu trúc cơ sở dữ liệu. Scott nói : “Cách thức bạn tổ chức dữ liệu và các thuật toán bạn sử dụng sẽ quyết định việc bạn có được giải pháp hợp lý hay không”.

Kiến thức về máy tính có thể được tích lũy qua công việc hoặc qua học tập ở nhà trường, song cho dù thế nào, nắm vững những kiến thức này nhanh là một lợi thế.

2. Các ứng dụng di động

Theo Sean Ebner, Phó chủ tịch phụ trách các dịch vụ chuyên nghiệp của Spherion Pacific Enterprises ở Florida, cuộc đua sáng tạo nội dung cho các loại thiết bị di động đang diễn ra sôi nổi giống như những ngày đầu của Internet vào thập niên 1990, cùng với sự phổ dụng các loại điện thoại di động thông minh như Blackberry, Treo, O2… Vì vậy, các công ty đang cần những chuyên viên CNTT có khả năng đưa các ứng dụng về quản lý nguồn lực doanh nghiệp (ERP), kế toán… vào thiết bị di động.

3. Mạng không dây

Các giao thức truyền dữ liệu không dây như Wi-Fi, WiMAX, Bluetooth… đã trở thành những công cụ không thể thiếu của cộng đồng cư dân mạng. Từ đó, nỗi lo hàng đầu của nhà quản trị là làm sao tuyển được chuyên viên CNTT có khả năng bảo đảm an toàn dữ liệu và bảo đảm sự hoạt động thông suốt của mạng. Theo Neil Hopkins, Phó chủ tịch về phát triển kỹ năng của Hiệp hội Công nghệ Tính toán (CompTIA), nỗi lo của nhà quản trị doanh nghiệp là làm sao kết nối các giao thức mạng không dây với nhau và nắm bắt những rủi ro về an ninh đang tăng lên rất nhanh do việc sử dụng mạng không dây. “Nếu tôi tuyển một chuyên viên mạng không dây, tôi muốn anh ta phải hiểu biết những rủi ro tiềm ẩn về an ninh và xây dựng các biện pháp kiểm soát ngay từ đầu”, đó là ý kiến của Howard Schmidt, Chủ tịch Hiệp hội An toàn Hệ thống thông tin và là nhà chiến lược chính về an ninh mạng của Tập đoàn eBay.

Tuy nhiên Hopkins khuyên rằng, đừng nên bước ra thị trường lao động chỉ với tấm giấy chứng nhận về công nghệ không dây vì sẽ không ai thuê mướn một chuyên viên “không dây” thuần túy. Cái mà thị trường cần là kỹ năng quản trị mạng cộng thêm sự hiểu biết sâu về công nghệ không dây, nghĩa là biết rõ mạng không dây sẽ hoạt động thế nào khi kết nối với mạng máy tính nói chung.

4. Giao diện con người-máy tính

Nhu cầu về thiết kế giao diện con người-máy tính (human-computer interaction) hay nói gọn là giao diện người dùng (user interface) cho tất cả các ứng dụng web đang rất cấp bách. “Nhờ những công ty như Apple Inc., người tiêu dùng ngày càng có ý thức về sản phẩm đẹp, thiết kế ấn tượng nên chuyên viên CNTT không thể chỉ biết có kỹ thuật”, Scott nói.

5. Quản lý dự án

Chuyên viên quản lý dự án CNTT thì bao giờ và ở đâu cũng cần, nhưng bây giờ yêu cầu của nhà tuyển dụng đối với vị trí này đã khắt khe hơn nhiều. Theo ông Grant Gordon, Giám đốc điều hành Công ty cung ứng nhân lực Intronic Solutions Group ở Kansas, thị trường cần những chuyên viên quản lý dự án “thứ thiệt” chứ không phải những người có bằng cấp, nghĩa là có kỹ năng và kinh nghiệm trong việc xử lý những tình huống khác nhau, chẳng hạn sự mâu thuẫn trong nội bộ nhóm làm việc chung quanh những vấn đề công nghệ. “Các công ty cần những người có khả năng lãnh đạo một tập thể chuyên viên, tận dụng hiệu quả vòng đời của dự án và kỹ năng quản lý dự án thật sự”, Gordon nói.

6. Kỹ năng mạng nói chung

Theo Scott, cho dù bạn làm việc ở đâu trong lĩnh vực CNTT bạn cũng không thể đứng bên ngoài “mạng”. Vì thế, điều cấp thiết là các chuyên viên làm việc “ngoài mạng” như kỹ sư phần mềm cũng phải có những hiểu biết căn bản về mạng máy tính, chẳng hạn như về TCP/IP, Ethernet, cáp quang… và có kiến thức khả dụng (working knowledge) về phương thức phân phối và tính toán trên mạng.

7. Kỹ thuật viên hội tụ mạng

Theo Hopkins, việc các công ty sử dụng ngày càng nhiều điện thoại trên giao thức Internet (VoIP) đã làm phát sinh nhu cầu cần có các nhà quản trị mạng hiểu biết tất cả các kiểu mạng – mạng LAN, WAN, Voice, Internet… – và cách thức hội tụ chúng. Hopkins nói : “Cuộc nghiên cứu của chúng tôi cho thấy nhu cầu đang tăng nhanh đối với những chuyên viên điện thoại có hiểu biết sâu về mạng CNTT, cũng như những chuyên viên quản trị mạng CNTT hiểu biết về mạng điện thoại và cách thức kết nối chúng”.

8. Mã nguồn mở

Theo Ebner, giới quản trị công ty ngày càng quan tâm tìm kiếm những chuyên gia về mã nguồn mở (open-source), có khả năng lập trình cả hệ điều hành lẫn ứng dụng. Những người có kinh nghiệm về Linux, Apache, MySQL và PHP – gọi chung là LAMP – sẽ không phải lo thiếu việc làm. Theo ông Scott Saunders, Khoa trưởng khoa dịch vụ việc làm Đại học DeVry ở California thì “sự bất mãn của người tiêu dùng cộng với những nỗi lo về an ninh máy tính đã thúc đẩy sự bùng nổ của mã nguồn mở, đặc biệt trong lĩnh vực hệ điều hành và cơ sở dữ liệu”.

9. Hệ thống thông tin doanh nghiệp

Dù muốn hay không, trong thời cạnh tranh quyết liệt này các doanh nghiệp đều có ý hướng xây dựng hệ thống thông tin kinh doanh (business intelligence – BI). Theo Ebner, nhu cầu tuyển dụng đang tăng đối với những người có khả năng về công nghệ BI như Cognos, Business Object và Hyperion và khả năng áp dụng các công nghệ đó vào hoạt động doanh nghiệp. “Các công ty đang đầu tư lớn vào BI. Nhưng họ không cần những chuyên viên kỹ thuật thuần túy chỉ biết soạn câu hỏi (query) hoặc viết mã (script). Để trở thành người khai thác dữ liệu có tài năng, bạn cần kiến thức chuyên sâu về loại hình kinh doanh bạn sẽ làm việc”, Ebner nói.

10. An ninh mọi lúc mọi nơi

Chuyên viên an ninh máy tính thì bao giờ cũng cần nhưng ngày nay, theo ông Schmidt, các doanh nghiệp cần chuyên viên có kỹ năng bảo mật và an ninh ở tất cả các lĩnh vực CNTT chứ không chỉ là những chuyên viên chỉ chăm bẳm lo bảo đảm an toàn hệ thống mạng. “Doanh nghiệp tìm người có khả năng xây dựng một môi trường an toàn, cho dù đó là người quản lý hệ thống thư điện tử hay là người phát triển phần mềm”, Schmidt nói. Theo ông, xu thế này phản ánh hiện tượng tích hợp công tác an ninh và bảo mật vào mọi hoạt động hằng ngày của doanh nghiệp hơn là xem an ninh là một bộ phận cộng thêm do một chuyên viên an ninh đảm trách.

Vì vậy, mọi chuyên viên CNTT muốn tìm được việc làm nhất thiết phải có sự hiểu biết về công tác an ninh và bảo mật trong phạm vi chuyên ngành của mình. Hopkins nhận xét : “Phản hồi từ các công ty nghiên cứu thị trường cho thấy kỹ năng bảo mật và an ninh là cần thiết ở mọi người, mọi việc ; ngay cả nhân viên kỹ thuật tập sự cũng phải biết về an ninh”. Còn theo Saunders của Đại học DeVry, để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, trường DeVry đã xây dựng giáo trình về an ninh CNTT đưa ra giảng dạy ở tất cả các chi nhánh của trường trên đất Mỹ. Ông nói : “Các công ty ngày càng quan tâm bảo vệ tài sản của mình trước sự tấn công của bọn khủng bố trên mạng (cyberterrorism) và những mối đe dọa ngay trong nội bộ”.

11. Mái nhà công nghệ số

Gia đình ngày càng trở thành “bến đậu” công nghệ cao (hi-tech haven) nhờ sự phổ biến của công nghệ âm thanh, hình ảnh kỹ thuật số, bảo vệ an ninh, thậm chí công nghệ chiếu sáng và phân phối năng lượng tiên tiến. Ai sẽ là người lắp đặt, vận hành và bảo dưỡng công nghệ này ? Theo Hopkins, “Lâu rồi chúng tôi mới nhìn thấy một thị trường sinh động nhất là thị trường chuyên viên về công nghệ số ở gia đình (digital home technology)”.

12. .Net, C#, C++ và Java

Từng có một sự ngộ nhận cho rằng lập trình viên chỉ cần nắm vững các ngôn ngữ và kỹ thuật lập trình thì đã có thể kiếm được việc làm. Nhu cầu về chuyên viên lập trình có kỹ năng về ứng dụng và về ngôn ngữ lập trình như ASP.Net, VB.Net, XML, PHP, Java, C# và C++ vẫn còn cao nhưng theo Hopkins, “các nhà tuyển dụng không muốn thuê những người viết mã (coder) suốt ngày ngồi lặng lẽ sau máy tính. Họ muốn có những người am hiểu Java nhưng đồng thời là thành viên của một tập thể, một người lãnh đạo nhóm hoặc điều phối dự án”.

Hãy đối chiếu những kiến thức và kỹ năng nêu trên với bản thân bạn. Nếu phát hiện “điểm yếu” của mình thì đây chính là thời điểm bạn nên tích cực chuẩn bị đầu tư học tập, nghiên cứu và rèn luyện cho sự nghiệp tương lai trong lĩnh vực CNTT. 

  Theo TbVTSG