12 Bài Hát Về Bác Nông Dân Cho Trẻ Mầm Non Hay Nhất
Hình ảnh người nông dân đã quá quen thuộc với những người dân Việt Nam, gắn liền với sự cần cù siêng năng, chịu thương chịu khó, dù vất vả nhưng vẫn lạc quan, yêu đời và hạnh phúc khi thu hoạch được mùa màng bội thu. Hiện tại thời buổi công nghiệp hoá hiện đại hoá, hình ảnh bác nông dân gắn liền với con trâu, cái cày và đồng lúa có lẽ đã xa lạ với những bạn nhỏ ở vùng thành thị. Vì vậy, những bài hát về bác nông dân là một phương tiện thích hợp để các bé biết rõ hơn về người nông dân Việt Nam và dạy các em về lòng biết ơn sự vất vả của người nông dân để làm nên thực phẩm chúng ta ăn hàng ngày. Vì vậy qua đó các bé học được trân quý và không được lãng phí đồ ăn. Hãy cùng POPS Kids khám phá những bài hát về bác nông dân từ xưa đến nay.
1. Ơn bác nông dân
- Sáng tác: Bùi Anh Tôn
Ơn Bác Nông Dân với nhịp ¾, giai điệu nhẹ nhàng, thiết tha. Bài hát nói về bác nông dân và sự biết ơn của các bạn nhỏ. Để làm nên hạt gạo mà chúng ta ăn hàng ngày người nông dân đã phải đổ ra bao giọt mồ hôi, chăm sóc bón phân cày cấy cho đồng lúa. Bài hát khuyên bảo các bạn nhỏ phải biết trân quý từng hạt cơm khi ăn, không được phí phạm công sức lao động của những người nông dân. Đó là bài học về lòng biết ơn mà các bậc phụ huynh nên hướng dẫn để giúp xây dựng tính cách cho trẻ.
Lời bài hát:
Hạt lúa hạt lúa vàng
Có từ nơi đâu
Từ nơi đồng lúa
Từ tay bác nông dân
2. Ai làm ra mùa vàng
- Sáng tác: Trần Chinh
Ai Làm Ra Mùa Vàng là bài hát về bác nông dân mầm non, câu từ đơn giản, dễ thuộc. Bài hát nói về hình ảnh bác nông dân phải làm lụng vất vả ngày đêm để trồng ra những thực phẩm chúng ta ăn hàng ngày. Qua đó dạy các bé phải biết yêu quý người nông dân đã làm nên mùa thóc vàng, và quý công sức của bác nông dân tạo nên từng hạt cơm.
Lời bài hát:
Hỏi ai cày cuốc làm ra mùa vàng.
Đất màu tơi xốp cây trồng tốt tươi.
Có bác nông dân ngày đêm vất vả.
Làm ra ngô lúa sắn khoai trên đồng
Cánh đồng lúa chín vàng và những người nông dân
3. Anh nông dân
- Nhạc ngoại, Lời việt: Nguyễn Ngọc Thiện
- Trình bày: Hương Lan
Anh Nông Dân là bài hát về bác nông dân cho trẻ mầm non với giai điệu tươi vui, tinh nghịch. Bài hát là câu chuyện về cuộc sống của một người nông dân đầy hạnh phúc, vui tươi và những mơ ước thần tiên trong khu vườn của mình.
Lời bài hát:
Người nông dân trên luống rau
Hát hay chăm làm vui xới tưới rau đêm ngày
4. Tía má em
- Sáng tác: Văn Lương
- Trình bày: Nhật Lan Vy
Tía Má Em là một trong những bài hát nói về bác nông dân quen thuộc được sáng tác từ năm 1953. Bài hát giúp các bạn nhỏ hiểu thêm về nghề nông cũng như là cuộc sống của những người nông dân, với những hình ảnh nhà nông với cánh đồng vàng ươm vào mùa thu hoạch, ánh trăng sáng soi rọi trên cánh đồng mỗi đêm. Bài hát ca ngợi người nông dân cùng với giai điệu bắt tai, thu hút, ca từ mộc mạc, gần gũi bài hát đã được các bạn nhỏ qua bao thế hệ thích thú và thuộc lòng.
Lời bài hát:
Tía em hừng đông đi cày bừa
Má em hừng đông đi cày bừa
Tía em là một người nông dân
Má em cũng là người nông dân
Cùng sống trên đồng bao la.
Tía má em – Nhật Lan Vy
5. Hạt gạo làng ta
- Sáng tác: Trần Viết Bính
- Trình bày: Phương Anh
Hạt Gạo Làng Ta, một bài hát nói về bác nông dân được phổ nhạc từ bài thơ cùng tên của tác giả Trần Đăng Khoa. Không nhắc trực tiếp đến người nông dân, nhưng xuyên suốt bài hát là hình ảnh hạt gạo, vốn được làm ra từ tay bác nông dân. Hạt gạo được xem như là hạt ngọc quý kết tinh từ hương vị của quê hương, của vị phù sa của con sông Kinh Thầy, của hương sen thơm và lời ru của mẹ. Nhưng hạt gạo còn được làm ra từ những giọt mồ hôi, những khó khăn vất vả, nhất là khi gặp phải thiên tai lũ lụt.
Ngoài ra, bài hát xuất xứ từ thời đất nước còn chiến tranh, nên những hạt gạo trong bài còn là sự quyết tâm đương đầu, sẵn sàng hy sinh của người nông dân để có được lương thực cung cấp cho tiền tuyến. Qua ca khúc cho thấy công sức của bác nông dân khi làm ra được hạt gạo, và các em nhỏ phải biết góp sức và đồng thời biết trân trọng những thành quả ngọt ngào được tạo ra. Bài hát đầy ý nghĩa, có thể cho các em nhỏ tưởng tượng được hình ảnh người nông dân xưa đã phải trải qua những gì mới có đất nước giàu đẹp ấm no như hôm nay.
Lời bài hát:
Hạt gạo làng ta
Có vị phù sa của sông Kinh Thầy
Có hương sen thơm trong hồ nước đầy
Có lời mẹ hát ngọt bùi hôm nay.
Hạt gạo làng ta, bài hát nói về hình ảnh hạt gạo làm ra từ tay của người nông dân
6. Hát về cây lúa hôm nay
- Sáng tác: Hoàng Vân
- Trình bày: Trọng Tấn
Bài hát được sáng tác từ thời đất nước còn chiến tranh và vẫn được phổ biến cho đến tận ngày nay. Hát Về Cây Lúa Hôm Nay ca ngợi tình yêu quê hương đất nước, ca ngợi cây lúa và người nông dân đã trồng nên chúng. Mở đầu nhẹ nhàng, thủ thỉ để bước vào đoạn điệp khúc dồn dập, cao trào, bài hát truyền đạt tấm lòng tự hào về những người “trồng lúa cho quê hương”, góp phần xây dựng và kiến thiết tổ quốc để “ngày mai đang bắt đầu từ ngày hôm nay”.
Ngoài ra, bài hát còn gửi gắm bài học về lòng biết ơn “được mùa lúa thóc chớ phụ ngô khoai, ăn quả ngọt ngon nhớ người vui trồng”, bản thân các em được sống trong thời bình cần phải nhớ ơn những người đã bảo vệ và góp phần xây dựng đất nước.
Lời bài hát:
Tôi hát bài ca ngợi ca cây lúa
và người trồng lúa cho quê hương…
Quê hương ơi, có gì đẹp hơn thế…
Đồng lúa hẹn hò những mùa gặt.
7. Bác nông dân
- Sáng tác: Trần Anh Tuấn
Đây là một bài hát về bác nông dân cho trẻ mầm non, nhịp điệu vui tươi ca từ ngắn gọn dễ thuộc. Bài hát thích hợp để các em nhỏ biểu diễn trong những tiết mục văn nghệ múa hát ở lớp. Qua bài hát cũng giúp các em hiểu được sự vất vả làm việc cả ngày của các bác nông dân để làm ra những hạt cơm chúng ta ăn hàng ngày.
Lời bài hát:
Chúng ta có đủ cơm ăn
Ấy là nhờ bác nông dân cấy cày
Nắng mưa bác chẳng ngừng tay
Làm việc suốt ngày bác vẫn vui tươi
8. Cháu yêu cô bác nông dân
- Sáng tác: Hoàng Yến
Một trong các bài hát về bác nông dân cho trẻ mầm non, ca khúc với giai điệu đơn giản, dễ thuộc thích hợp để dạy các bé. Nội dung bài hát là lòng biết ơn của bạn nhỏ đối với các cô bác nông dân đã vất vả cày cấy, gieo trồng và thu hoạch để làm ra những bát cơm trên tay.
Lời bài hát:
Bác nông dân đi cày trên đồng
Cô nông dân làm ra thóc lúa
Cháu bưng bát cảm ơn cô nông dân
Cháu luôn nhớ ơn cô bác nông dân.
Bác nông dân làm việc chăm chỉ trên đồng lúa chín vàng
9. Bài ca nông dân
- Sáng tác: Phạm Minh Khoa
- Trình bày: Tiến Lâm
Bài hát nói về bác nông dân với giai điệu tha thiết, truyền tải lòng biết ơn đến những người nông dân. Hình ảnh người nông dân gắn liền với đồng lúa thôn quê, sự khó khăn vất vả được thể hiện qua lời bài hát “chân lấm tay bùn”, “bán mặt cho đất bán lưng cho trời”. Sự cống hiến và hy sinh của những bác nông dân góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh và phồn vinh. “Ai ơi bưng bát cơm đầy. Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần”, thông qua ca khúc là lời nhắc nhở các em phải biết nhớ ơn và trân trọng công sức của người nông dân.
Lời bài hát:
Nông dân gắn với thôn quê sau lũy tre làng.
Nông dân gắn với ruộng đồng dâng hạt thóc vàng.
Nông dân chân lấm, tay bùn, lưng đổ mồ hôi.
Quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời
10. Thương người nông dân
- Sáng tác: Ngọc Sơn
- Trình bày: Ngọc Sơn
Thương Người Nông Dân chứa đựng những tình cảm, tâm tư chất chứa đối với người nông dân. Như các bài hát nói về bác nông dân khác, ca khúc cũng bắt đầu với hình ảnh người nông dân chân lấm tay bùn, không ngại khó ngại khổ, đổ từng giọt mồ hôi để làm ra từng hạt lúa, hạt ngô, nuôi trồng chăm sóc từng thửa ruộng vườn, ao cá.
Không chỉ là sự biết ơn với từng giọt mồ hôi bỏ ra, mà còn là sự tự hào khi nhận được quả ngọt từ công sức đó. Đó là những cánh đồng lúa trải dài bát ngát, là những vườn cây ăn quả xum xuê trái, là những luống rau những ao cá, chuồng trại đầy ắp. Như chính tựa đề, ca khúc nói lên tình cảm thương yêu, kính trọng và biết ơn đối với những bác nông dân.
Lời bài hát:
Tôi thương người nông dân chân lấm tay bùn
Yêu những cánh đồng phù sa bát ngát
Chẳng ngại gian lao khó khăn không sờn
Giọt mồ hôi cho ruộng vườn thêm tươi.
11. Lớn lên cháu lái máy cày
- Sáng tác: Kim Hưng
Ca khúc thiếu nhi xưa được yêu thích qua nhiều thế hệ với nhịp điệu rộn ràng, háo hức. Bài hát nói về bác nông dân, đặc biệt là về nghề lái máy cày để tạo nên những hạt thóc vàng phơi đầy sân. Qua đó, bài hát dạy cho các bé biết yêu quý và kính trọng bác nông dân cũng như là nghề nghiệp của họ.
Lời bài hát:
Cháu xem cày máy, cày thay con trâu.
Đường cày đã sâu, lại nhanh mà không mệt nhọc.
Mùa về lắm thóc, hạt thóc phơi đầy sân
12. Ngày mùa
- Sáng tác: Văn Cao
- Trình bày: Hồng Nhung
Một trong những bài hát về bác nông dân ra mắt từ lâu của nhạc sĩ Văn Cao nhưng mỗi lần nghe lại vẫn tái hiện hình ảnh người nông dân nông thôn Việt Nam và vùng quê thanh bình. Bài hát được sáng tác trong thời kỳ kháng chiến, nhưng tuyệt không có khói lửa, bom đạn, bài hát với giai điệu nhẹ nhàng với hình ảnh đồng quê thanh bình, yên ả chỉ là thấp thoáng “ giáo với gươmg” và những anh du kích “ súng tì tay anh đứng” sẵn sàng khi địch đến. Công việc nhà nông luôn luôn vất vả, nhưng tinh thần người nông dân Việt Nam luôn là lạc quan, yêu đời, không bao giờ bi quan trước hoàn cảnh. Hình ảnh người nông dân vui tươi, hạnh phúc tạo nên mùa màng bội thu phục vụ cho kháng chiến.
Lời bài hát:
Lúa lúa vàng, đồng lúa bát ngát trời.
Bao tay liềm từng nhánh lúa thơm rơi.
Ngày vui quân du kích đứng im trông lúa dập dờn.
Người người qua gánh lúa, nón nghiêng nghiêng cười ai.
Trên đây là những bài hát về bác nông dân hay và đầy ý nghĩa với nội dung ca ngợi và lòng biết ơn đối với người nông dân và công sức để tạo nên những vật phẩm quý giá. POPS Kids hy vọng thông qua những bài hát này sẽ giúp các em có thêm hiểu biết về hình tượng của người nông dân xưa và nay, đồng thời cũng xây dựng nên tinh thần biết ơn, trân trọng nghề nông và công lao của các bác nông dân đã làm nên những bát cơm, củ sắn, trái ngô con ăn hàng ngày. Từ đó giúp các bé biết các tiết kiệm và không lãng phí đồ ăn. Hãy cùng xem thêm những bài hát về sự biết ơn và những nghề nghiệp khác được tổng hợp trên POPS Kids nhé.