11-PL11 (HD trung bay du an-Poster)- Khoa học kĩ thuật – Thư viện Stem – Steam

Giới thiệu 11-PL11 (HD trung bay du an-Poster)

Thư viện Stem – Steam gửi đến quý thầy cô 11-PL11 (HD trung bay du an-Poster) mới nhất theo công văn BỘ Giáo Dục. Thầy cô lấy về chỉnh sửa cho phù hợp với địa phương mình nhé.

HƯỚNG DẪN TRƯNG BÀY DỰ ÁN TẠI

 CUỘC THI

I. Hướng dẫn chung:

1. Về trưng bày dự án tại Cuộc thi:        

Những dự án nhận được sự đồng ý cho tham dự Cuộc thi của ban tổ chức phải chuẩn bị cho việc trưng bày dự án tại cuộc thi. Ban tổ chức sẽ cung cấp cho mỗi dự án một gian trưng bày tại khu vực trưng bày dự án của cuộc thi. Khi chuẩn  bị gian trưng bày cần chú ý:

– Tìm hiểu quy định về trưng bày tại cuộc thi: thời gian, địa điểm (được thông báo trước khi cuộc thi diễn ra ít nhất 10 ngày); kích thước (theo quy định dưới đây), những vật được và không được phép trưng bày (theo phụ lục II-Thông tư 38),… Việc trưng bày dự án phải tuân thủ quy định an toàn của cuộc thi KHKT (có quy định riêng). Ban tổ chức Cuộc thi có thể yêu cầu học sinh tiến hành một số sửa đổi đối với gian trưng bày để đảm bảo đúng quy định.

– Gian trưng bày phải làm nổi bật được nội dung chính của đề tài, để giám khảo và người xem nắm bắt đề tài nhanh nhất. Hầu hết giám khảo nhìn vào gian trưng bày trước khi phỏng vấn.

– Gian trưng bày phải được sắp xếp ngăn nắp, hợp lí, thể hiện tính khoa học, tính thẩm mỹ, theo một quy trình, dễ theo dõi và dễ đọc.

– Tựa đề là thông tin thu hút sự quan tâm của giám khảo, khách quan. Tựa nên thể hiện một cách đơn giản, chính xác công trình nghiên cứu của tác giả và tính chất của dự án nghiên cứu. Tựa đề cũng phải khiến cho người xem muốn tìm hiểu thêm.

– Tạo cho gian trưng bày được nổi bật: sử dụng những tựa đề, bảng và biểu đồ sặc sỡ và rõ ràng để trình bày dự án; đặc biệt chú ý đến dán nhãn và tựa đề hoặc biểu đồ, hình vẽ, ảnh và bảng biểu cho mỗi phần, đảm bảo bất cứ ai cũng hiểu được phần minh họa mà không phải giải thích thêm.

– Đối với các dự án kèm theo những yếu tố mà có thể không an toàn nếu trưng bày tại cuộc thi, nhưng là một phần quan trọng của dự án. Tác giả có thể chụp ảnh những phần quan trọng đó/ những giai đoạn của thí nghiệm sử dụng trong phần trưng bày. Đối với những hình minh họa của thí nghiệm mà đối tượng thí nghiệm là con người, nếu muốn đăng hình của một người thì phải được sự đồng ý của người đó. Tác giả lưu ý phải ghi rõ nguồn gốc của các bức ảnh.

– Trong gian trưng bày luôn cần có sẵn các quyển tóm tắt dự án (như hướng dẫn tại phụ lục 10). Khi cần giám khảo có thể xem thêm về đề tài thông qua tóm tắt báo cáo.

– Tóm lại, yêu cầu để trình bày tốt một dự án là phần trình bày (qua poster) phải rõ ràng, súc tích để khi nhìn vào mọi người có thể hiểu được ý tưởng và thấy ngay được kết quả của dự án. Poster không nên quá nhiều chữ mà cần được sơ đồ hóa (xem thêm phần gợi ý trình bày poster).

– Quy định về kích thước gian trưng bày dự án:

         Ban tổ chức Cuộc thi yêu cầu học sinh tiến hành trưng bày đảm bảo về kích cỡ tối đa như sau:

Chiều sâu (từ trước ra sau): 76 cm.

Rộng (từ cạnh này đến cạnh kia): 122cm.

Cao (từ sàn tới đỉnh): 274cm.

Bàn trưng bày được cấp tại Cuộc thi không cao quá 91 cm.

         Kích cỡ tối đa của dự án bao gồm tất cả các vật liệu, giá đỡ, các dụng cụ hỗ trợ khác đều không được vượt quá kích thước cho phép. Nếu sử dụng một cái bàn, thì chiếc bàn đó sẽ là một phần trưng bày, yêu cầu bàn và các thành phần khác gộp lại cũng không được vượt quá kích thước tối đa cho phép.

2. Về phần thuyết minh dự án, trả lời các câu hỏi của BGK, người tham quan:

– Bên cạnh phần trình bày poster, thí sinh còn cần thuyết minh dự án. Thuyết minh là phần quan trọng, thể hiện hiểu biết và năng lực nghiên cứu của học sinh thực hiện dự án.

– Tại gian trưng bày dự án, thí sinh phải chuẩn bị để trình bày dự án cho thành viên ban giám khảo, giới thiệu cho khách tham quan. Thí sinh cần chuẩn bị để trình bày, giới thiệu ngắn gọn, súc tích, nêu bật được trọng tâm của dự án (thường không quá 07 phút). Nếu là đề tài tập thể thì nên có sự phối hợp giữa các thành viên khi trình bày.

– Một số lưu ý:

+ Khi thuyết minh dự án phải thể hiện dự án được chuẩn bị kỹ càng; thể hiện được bạn là tác giả của dự án (từ ý tưởng, thí nghiệm, …); Giám khảo sẽ đánh giá cao những thí sinh có thể diễn giải và thuyết trình một cách thoải mái và tự tin về dự án của mình. Giám khảo sẽ phỏng vấn bạn (hoặc nói chuyện) để xem bạn nắm vững nội dung dự án thế nào, từ đầu đến cuối.

+ Để gây ấn tượng cho giám khảo: ban đầu bạn chào hỏi và giới thiệu nhanh về bản thân; bạn phải thể hiện tốt từ trang phục đến tác phong, thái độ, sự nhiệt tình. Sau khi kết thúc phần hỏi của giám khảo, hãy thư giãn và mỉm cười để thư giãn với giám khảo và học hỏi từ giám khảo thông qua trò chuyện.

+ Nên chuẩn bị kĩ lưỡng, dự kiến trước câu hỏi của giám khảo, người tham quan và chuẩn bị trước câu trả lời (vd: Ý tưởng này nảy đến với bạn như thế nào? Vai trò của bạn trong dự án này là gì? Những gì bạn làm được/ chưa làm được? Những ứng dụng thực tế của dự án là gì? Nếu được áp dụng vào thực tế, dự án sẽ mang lại lợi ích gì?…).

+ Giám khảo cần phải biết: bạn có hiểu nguyên tắc khoa học cơ bản đằng sau dự án hay lĩnh vực chủ đề của bạn không; bạn đã đo đạc và phân tích chính xác dữ liệu hay chưa; bạn có thể tìm được nguyên nhân sai số trong các thí nghiệm không.

II. Hướng dẫn trình bày poster:

(Hướng dẫn chi tiết xem file powerpoin số 2 và số 7 trong tập tài liệu KHKT 2013)

  • Là “phông nền” cho phần thuyết trình của bạn

  •  Hỗ trợ cho nội dung nghiên cứu

  •  “Thuyết trình” cho đề tài của bạn khi bạn không có mặt.

  •  Lôi cuốn sự quan tâm của các đối tượng “khán giả”

  • Cung cấp cho giám khảo và người xem cái nhìn tổng quan về dự án của bạn khi bạn không có mặt ở đó để trình bày

  • Mô tả nổi bật và súc tích phạm vi, bản chất nghiên cứu và kết quả dự án

  • Thể hiện khả năng của bạn với tư cách 1 nhà nghiên cứu thực thụ thông qua sự chính xác và rõ ràng của các thông tin được trình bày.

  • Các thông tin trên poster như:

+ dữ liệu mẫu

+ hình ảnh nghiên cứu

+ một số khái niệm quan trọng

+ các mô tả trọng tâm

+ những dẫn giải giá trị và

+ tóm lược các kết luận của dự án.

  • Khi giám khảo hỏi, có thể dùng thông tin trên poster để hỗ trợ cho câu trả lời

Ví dụ 1 số hình ảnh về trưng bày Poster tại Cuộc thi KHKT quốc gia

năm học 2012-2013

        

Ngoài ra thầy cô có thể tìm thêm tài liệu tại đây.