11 tháng tuổi: Bé biết “cãi lại” rồi đấy!

Chuyện ăn uống của bé

Ở lứa tuổi này trong 24 giờ bé cần khoảng 500ml sữa (sữa mẹ là tốt nhất, nếu sữa mẹ đủ không cần ăn thêm sữa công thức và các sản phẩm từ sữa), 3 bữa bột có đầy đủ 4 nhóm thực phẩm tổng gồm khoảng: 80 – 90gr gạo tẻ trắng, 80 – 90gr thịt (tôm, cá…), 15gr dầu (mỡ), 30 – 40gr rau xanh, 50 – 100gr quả chín…

Cân nặng và chiều cao

Bé tăng cân chậm nhưng lại phát triển chiều cao. Khi bé vận động nhiều, các cơ bắp sẽ khoẻ mạnh hơn. Nhiều bé mải chơi quên ăn, dẫn đến giảm cân.

Thời gian này, bé vận động nhiều và cứng cáp hơn. Chân và lưng bé dài hơn nên trông bé giống trẻ con hơn là em bé còn nằm nôi.

Ngôn ngữ của bé

Bé hiểu được những từ đơn giản như khi bạn nói “không”, bé sẽ ngưng chơi hay rút tay lại, hoặc khi bạn nói “đưa cho mẹ” bé sẽ cầm đưa cho bạn.

Hầu hết các bé vẫn chưa nói sõi nhưng đã có thể sử dụng được hầu hết nguyên âm và phụ âm. Nếu bé không còn chảy nước bọt tức là bé đã biết kiểm soát lưỡi, miệng và môi tốt hơn. Bé cũng có thể bắt chước cả từ của những người khác. Mẹ có thể tình cờ nghe bé nói một từ mới trong vốn từ đã có của bé.

Cha mẹ nên quan tâm tới bé khi bé nói chuyện bằng cách lắng nghe con, đáp lại nnững tiếng bập bẹ của bé. Đây là cách tương tác rất quan trọng để dạy bé về cách giao tiếp hai chiều.

11-thang-tuoi-be-biet-cai-lai-roi-day

Khả năng tập trung

Ở tháng tuổi này, khả năng tập trung đã tăng lên. Bé có thể nghe và hiểu được những câu chuyện ngắn. Giờ đây bé có thể chú ý đến mẹ lâu hơn, nghe và hiểu mẹ nói gì.

Trí nhớ và khả năng hiểu biết

Trong giai đoạn này, khả năng vận động và trí nhớ bé phát triển rõ rệt. Khi trí nhớ bé phát triển tốt, bé có thể tìm đồ vật mà người khác cất giấu. Sự phát triển trí nhớ và những trải nghiệm ảnh hưởng nhiều đến các hoạt động và hành vi của bé. Bé thể hiện điều này bằng việc phản ứng lại những điều vẫn diễn ra thường ngày – như bò đi chỗ khác thật nhanh khi thấy bạn chuẩn bị tắm hoặc thay áo quần cho bé.

Kỹ năng của bé

Giờ đây bé đã biết “sử dụng” bàn tay thành thạo, bé nhón thức ăn bằng những ngón tay không gặp khó khăn gì. Việc sử dụng thìa sẽ khó khăn hơn vì nó liên quan đến sự phối hợp tay, mắt và kiểm soát các cơ. Tuy nhiên bé đã có thể cầm thìa, xoay bàn tay để đưa thức ăn vào miệng mặc dù động tác còn hơi vụng về.

Khám phá các đồ vật khác nhau vẫn là một trong những hoạt động yêu thích của bé, nhưng giờ đây bé có thể không đưa mọi thứ nhặt được lên miệng nữa. Cảm giác cầm một vật trong tay thu hút sự chú ý của bé hơn và bé sẽ ngày càng có nhiều kinh nghiệm hơn với đôi bàn tay. Bé đã biết cách lấy một vật có chủ ý, giờ đây bé lại cảm thấy vui khi có thể chủ động ném đi mọi thứ.

11-thang-tuoi-be-biet-cai-lai-roi-day

Vận động

Cho đến cuối tháng này, bé có thể chập chững bước đi những bước đầu tiên. Tuy nhiên, vì thể chất mỗi bé khác nhau nên có bé đã biết đi rồi, cũng có bé mấy tháng nữa mới biết đi.

Khả năng giữ thăng bằng của bé hoàn thiện dần trong quá trình bé vịn vào các đồ vật trong nhà để tập đi, thỉnh thoảng bé có thể bị loạng choạng và ngồi sụp xuống. Tuy những té ngã này không ảnh hưởng gì đến bé nhưng bạn nên khuyến khích để bé tự tin hơn, hãy tạo một môi trường an toàn cho bé tập đi, dẹp bỏ các đồ vật không vững chắc để nó không gây nguy hiểm cho bé.

Một số đặc điểm phát triển của bé ở tháng này:

– Bé độc lập hơn: Khi bé học được cách đứng, cúi xuống, ngồi xổm thì sự độc lập ở bé càng bộc lộ rõ nét hơn.

– Bé hiểu được những chỉ dẫn đơn giản: Khi mẹ nói “Không”, bé hiểu nhưng vẫn cố tình tảng lờ đi. Để lời nói “không” có trọng lượng, mẹ chỉ nên dùng nó khi bé đang tiến sát đến nguy hiểm. Nếu bé làm gì đó mà mẹ không muốn, nên chuyển hướng chú ý của bé sang thứ khác thay vì nói “không”. Một khi bé phải nghe mẹ nói “không” quá liên tục thì lời nói “không” ít còn ý nghĩa cảnh báo bé.