1001 nỗi ám ảnh của sinh viên trước Tết: Đặt xe cả tháng mà không có vé, dọn dẹp nhà cửa 2-3 ngày không xong!
Những ngày giáp Tết, ai nấy đều hối hả với trăm công nghìn việc để chuẩn bị đón năm mới. Không chỉ riêng những ai đã thành gia lập nghiệp hay đã đi làm mà hội sinh viên cũng vậy thôi. Dù nghỉ Tết thích thật đấy, được ăn nhiều món ngon, được nhận tiền lì xì, được xả stress sau một quãng thời gian dài phải bận tâm bài vở hay áp lực học hành thi cử thì đối với nhiều người, Tết nhất cận kề vẫn kéo theo vô vàn những nỗi “ám ảnh” không thể nói ra.
Ví dụ như thế này…
Trước khi được chính thức nghỉ Tết độ 2-3 tuần, các bạn sinh viên đã phải rục rịch đặt vé xe về Tết. Cứ tưởng mình là người đặt sớm lắm rồi, nhưng mà không đâu nha. Mua được vé là một chuyện, chỗ ngồi thế nào lại là chuyện khác. Một là bị dồn xuống phía cuối xe, hai là phải ngồi chen ngồi chúc 6-7 người trong một băng ghế với quy chuẩn là 4 người. Lúc này, ai bị say xe thì đúng kiểu “ám ảnh”, nhưng biết sao giờ không đi thì chẳng còn xe nào nữa…
Cảnh phải khuân vác lỉnh kỉnh đồ đạc để bắt xe về quê nghĩ thôi đã thấy thật… đáng sợ. Hết vali lớn rồi đến vali nhỏ đồ, cái nào cũng nặng trĩu cả tay. Nhưng không mang nhiều đồ về thì chẳng có gì mà mặc. Thôi thì chịu khó một tí, “khổ trước sướng sau” thì mới có đồ “xinh xỉu” mà ăn diện dịp Tết.
Đối với đa phần sinh viên, thời điểm này dường như chẳng muốn học hành gì cả. Dù ngồi trong lớp nhưng tâm trí lại ở nồi bánh chưng, hay mâm cỗ ngày tết. Lúc này, đứa nào cũng liên mồm xin: “Thôi cô ơi, Tết nhất đến nơi rồi cho nghỉ thôi”, “Cô cho chúng em về sớm để bắt xe về quê ạ”… Tưởng các thầy cô sẽ thấu cảm, ai ngờ thầy cô phát biểu một câu chẳng khác gì tạt một gáo nước lạnh: “Ai kêu nữa tôi cho gấp đôi bài tập Tết”.
Tưởng rằng Tết nhất sẽ được nghỉ ngơi, được ngủ nướng vô tư nhưng sự thật phũ phàng vì ngày nào cũng phải thức từ 6 giờ để rửa lá bánh, dọn dẹp nhà cửa, đi chợ mua đồ Tết… Lúc này buồn ngủ muốn “xỉu” nhưng vẫn phải cố dậy, không thì cứ liệu hồn với “anh bố chị mẹ” ngay!
Tết nhất sợ nhất là những câu hỏi: “Thi cử thế nào cháu?”, “Kỳ rồi được học bổng không?”, “Có người yêu chưa?”, “Năm cuối rồi đi làm ở đâu nhỉ”… Để không bị cứng họng khi người khác hỏi những câu này, mình liền nhanh trí lên mạng tìm kiếm “Cách trả lời những câu hỏi khó ngày tết thể hiện EQ cao”.
Và đương nhiên, không thể bỏ qua nỗi “ám ảnh” mang tên dọn nhà ngày Tết. Cả năm đi học xa nên về nhà kiểu gì cũng phải phụ bố mẹ quét nhà rồi lau bàn lau ghế. Nhà nào ít đồ còn đỡ, nhà nào có nguyên bộ bàn ghế tủ giường chạm trổ rồng phượng thì ôi thôi, tay không còn là tay nữa
Lễ Tết cùng đồng nghĩa với những cuộc liên hoan, ăn uống tràn lan từ nhà ông bà sang nhà cô gì chú bác. Vì là phận con phận cháu, nên lúc nào cũng phải đến sớm để nấu cơm, rồi phải chờ mọi người ăn xong để dọn dẹp, rửa bát. Ngày nào cũng quẩn quanh với những công việc được lập trình sẵn như thế!
Thế nhưng có mệt mỏi đến mấy thì nó vẫn không làm giảm đi sự hào hứng mỗi dịp Tết đến phải không nào? Vậy nên hãy cứ vui vẻ đón năm mới nhé bởi một năm có mấy lần Tết đến cơ chứ!