1001 Lý do bị tẩy chay khi đi học và cách xử lý
Tiếng chuông báo giờ nghỉ trưa, với nhiều người, là niềm hân hoan, còn với tôi, nó đáng sợ vô cùng. Tôi sợ mọi giờ nghỉ giải lao, giờ nghỉ trưa và giờ học thể dục vì đó là những khoảng thời gian mà sự tẩy chay được nhìn thấy rõ nhất. Vì sao ư? Vì tôi sẽ phải ngồi một mình một góc, và ai cũng sẽ trông thấy điều đó.
Bị gửi thư dọa nạt trong ngăn bàn, bị bôi hồ dán vào sách vở, bị chơi xấu trong những cuộc thi, bị xì xầm nói xấu ngay trước mắt chỉ là một trong vô số những điều mà một người bị tẩy chay phải trải qua. Và tôi biết, vấn nạn tẩy chay học đường vẫn diễn ra mỗi ngày với rất nhiều người. Vậy, đâu là lý do dẫn đến việc một người bị tẩy chay? Nếu người bị tẩy chay là bạn, bạn sẽ xử lý ra sao?
Nội Dung Chính
Tẩy chay ảnh hưởng đến tâm lý như thế nào?
Theo số liệu của UNICEF công bố năm 2017, hơn 150 triệu trẻ em toàn cầu trong độ tuổi 13-15 là nạn nhân của bạo lực học đường. Những hành động bạo lực phổ biến nhất là sỉ nhục tinh thần, bao gồm chửi bới và tẩy chay, tiếp đến là đánh đập dài ngày.
Tại Việt Nam, khảo sát liên ngành của Bộ Công An, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết từ năm 2011 đến hết quý I năm 2018, trong các vụ bạo lực học đường, những vụ việc uy hiếp về tinh thần chiếm 4,92%.
Giáo sư Kipling D. Williams, chuyên gia khoa học tâm lý tại ĐH Purdue (Mỹ), cho biết tẩy chay có thể không gây ra những thương tổn về mặt thể xác nhưng có thể tạo ra những nỗi đau và sang chấn về mặt tâm lý nghiêm trọng.
Từ thời tiền sử, mọi người phải nương tựa vào nhau để sinh tồn nên việc bị khai trừ ra khỏi nhóm đồng nghĩa với cái chết do không tìm được thức ăn và không tự mình chống lại được thú dữ. Ở thời hiện đại tuy bị tẩy chay không còn dẫn đến cái chết nhưng nó đã đe doạ đến những nhu cầu căn bản của con người – cần được đùm bọc và nương tựa.
Đặc biệt là ở tuổi dậy thì, tẩy chay tác động đến sự tự tin, cái tôi, lòng tự trọng, từ đó dẫn đến những hậu quả như trầm cảm, phản kháng và có thể là tự sát ở phía nạn nhân. Tại thời điểm bị tẩy chay, tôi đã khóc rất nhiều trong nhà vệ sinh ở trường, tôi sợ đi học và học lực của tôi cũng phần nào bị ảnh hưởng.
Từ góc độ của người bị tẩy chay, quá trình này gồm ba giai đoạn: (1) bị phớt lờ, (2) phản ứng lại và (3) bỏ cuộc. Tuỳ vào từng cá nhân, mỗi giai đoạn sẽ có những tiến triển khác nhau.
Nguồn: Minh Phương @phuongsongdep cho Vietcetera
Sau khi biết mình bị tẩy chay, ở giai đoạn 2, một số người có thể tìm cách lấy lại sự chú ý. Họ sẵn sàng làm mọi thứ từ bắt chước đến nghe lời người bắt nạt. Tuy nhiên, nếu một người bị tẩy chay một thời gian dài, họ có thể chọn bỏ cuộc. Ở giai đoạn 3, người bị tẩy chay thường cảm nhận nỗi buồn lớn cùng sự bất lực toàn diện, có thể dẫn đến trầm cảm hoặc các hành vi kích động.
Tẩy chay từ đâu mà có?
Không dễ để liệt kê hết nguyên nhân của việc bị tẩy chay vì mỗi người đi tẩy chay người khác lại nghĩ ra những lý do rất riêng. Nhưng nhìn chung, sự khác biệt là lý do lớn dẫn đến việc một người bị tẩy chay.
Khác biệt về hình thức
Dù ở bất cứ môi trường nào, tính nhỏ nhen vẫn luôn tồn tại. Bên cạnh đó, tính tập thể Á Đông khiến chúng ta dễ để ý và xét nét những thứ có phần lệch chuẩn, đặc biệt về ngoại hình.
Những môi trường tập thể như trường học càng khiến vấn đề khác biệt hình thức bị đưa ra bàn tán nhiều hơn. Cao, thấp, mập, ốm hơn “bình thường” hay những sự khiếm khuyết về cơ thể đều có thể là lý do khiến một người bị tẩy chay.
Khác biệt về trình độ
Những người có học lực nổi bật trong lớp thường dễ bị số đông ganh ghét và tẩy chay. Ngược lại, ở những ngôi trường top với tỉ lệ cạnh tranh cao, các bạn học sinh thể hiện thua sút so với mặt bằng chung thường sẽ bị cô lập bởi ở những môi trường đó, học sinh thường có cái tôi rất lớn. Đây cũng chính là lý do tôi bị cô lập bởi những người học giỏi hơn năm cấp 2.
Chưa kể đến những lý do “khó hiểu” khác
Trên thực tế, việc tẩy chay có thể đến từ những hiểu lầm, những điều nhỏ nhặt như điệu, mặc trùng áo, lỡ miệng,… Đôi khi những người đi bắt nạt bị ảnh hưởng từ phim ảnh nên chọn bắt nạt người khác để thể hiện bản thân.
Cũng có khi một người kêu gọi tẩy chay một người khác để cảm thấy quan trọng, nổi tiếng hoặc được nắm quyền kiểm soát. Một ví dụ điển hình chính là nhân vật Regina George trong bộ phim Mean Girls. Một vài người lại thích tẩy chay người khác vì chính các bạn đã từng bị tẩy chay bởi ai đó nên muốn thoát khỏi cái vòng xoáy là nạn nhân bằng việc biến mình trở thành kẻ đi tẩy chay.
Hoặc đơn giản, những người đi tẩy chay biết rằng bạo lực về mặt tinh thần thường khó bị phạt hơn và đỡ tốn sức hơn những hành động bạo lực thể chất nên họ lựa chọn hình thức này đối với nạn nhân của mình.
Nguồn: Minh Phương @phuongsongdep cho Vietcetera
Cũng theo UNICEF, tuy nam và nữ có nguy cơ bị bắt nạt như nhau, nữ giới thường có nhiều khả năng trở thành nạn nhân của các hình thức bắt nạt tâm lý hơn nam giới. Điều này có thể đến từ việc phụ nữ vẫn luôn được xem là nhóm dễ bị tổn thương, dễ bị lạm dụng ở bất cứ xã hội nào và thường thì phụ nữ không thể hiện sự tức giận bằng việc “đánh nhau” như nam giới.
Vượt qua sự tẩy chay như thế nào?
Giáo sư Williams cũng chỉ ra rằng, việc ngăn chặn hoàn toàn nạn tẩy chay là một điều rất khó. Tuy vậy, nếu gặp phải câu chuyện tương tự, chúng ta có thể học cách giảm bớt sức ảnh hưởng của vấn nạn tẩy chay lên bản thân.
Chủ động tìm kiếm sự trợ giúp từ người lớn
Những năm tháng đi học không dài nhưng cũng chẳng ngắn. Việc im lặng chịu đựng đôi khi sẽ để lại những di chứng về tâm lý khó phai nhoà theo năm tháng. Bạn có thể lựa chọn chia sẻ với bố mẹ và thầy cô để tìm kiếm sự giúp đỡ. Đó là những người có đủ thẩm quyền để mang lại cho bạn những giải pháp như chuyển lớp, chuyển trường,…
Bên cạnh đó, bạn cũng có thể sao lưu lại bằng chứng cho thấy rõ mình bị bắt nạt học đường. Nếu bị nhắn tin đe doạ, bạn hãy chụp màn hình lại. Nếu bị gửi thư, bạn hãy luôn giữ những bức thư đó lại. Tuy không phải tất cả nhưng khi muốn thầy cô can thiệp, bạn đã có trong tay ít nhiều bằng chứng.
Nên có ít nhất một đồng minh
Tâm lý của kẻ bắt nạt thường nhắm vào những người ít có khả năng phản kháng. Chính vì vậy, việc có cho mình ít nhất một đồng minh có thể giúp đỡ bạn nhiều về mặt tinh thần. Đồng minh có thể là một bạn cùng lớp hoặc khác lớp, bạn khác trường, anh, chị em (họ), bạn trên mạng hoặc chính là… bố mẹ.
Đồng minh có thể an ủi bạn, giúp bạn cảm thấy bớt áp lực về thời gian ở trường và cho bạn một động lực rằng khi giờ học kết thúc, bạn vẫn còn ai đó yêu thương và ủng hộ mình, đang chờ mình bên ngoài cánh cổng trường.
Lựa chọn nghe và không nghe gì
Có một sự thật rằng bạn không thể kiểm soát được những gì người khác nghĩ và nói về mình, cũng không thể thay đổi những gì thuộc về bản thân như hình thức, trình độ nhưng bạn có thể tập trung yêu quý bản thân theo cách của riêng mình. Thay vì nghĩ “mình bị tẩy chay”, bạn có thể nghĩ “mình không cần làm bạn với những người đó”.
Nếu biết có người đang nói xấu mình, đừng cố gắng nghe xem người ta đang nói gì, hãy tự nhủ rằng “những điều đó chẳng đáng nghe”. Đừng bao giờ thay đổi bản thân chỉ vì bạn bị tẩy chay, điều đó sẽ khiến những kẻ bắt nạt khinh thường bạn hơn.