10 sheet nhạc piano tiêu biểu về mùa xuân – Luật Sư Nguyễn Hữu Phước

    Mùa Xuân có thể nói là khởi nguồn của sự sống, là sự kết tinh của những gì tinh túy và đẹp đẽ nhất được khởi đầu cho một năm mới. Mùa Xuân tràn về khắp muôn nơi và đã tự bao giờ nó mang đến cho chúng ta một niềm hy vọng, một sự vui vẻ, ấm áp, một sự náo nức, một sinh lực mới. Cho nên trước khung cảnh đất trời dường như trẻ lại, với hương xuân làm ngây ngất lòng người như vậy, mùa Xuân đã vô hình trung tạo ra mạch nguồn nhựa sống mà khơi gợi xúc cảm dâng trào và cảm xúc sáng tạo của các nhạc sĩ sáng tác và nghệ sĩ  biểu diễn. Những rung động ấy là động lực khơi gợi cho sự sáng tạo để cho các nhạc sĩ cho ra đời những tác phẩm âm nhạc tươi mới với những giai điệu, thanh âm, ca từ mượt mà, sâu lắng về mùa xuân đất nước, về tình yêu con người, tình yêu đôi lứa và là tiếng nói kết nối giữa những người ở các quốc gia khác nhau trên thế giới cùng hướng tới sự phát triển phồn vinh của nhân loại. Tiếng hát, lời ca thật nồng nàn, chan chứa tình xuân, mang lại cho chúng ta món ăn tinh thần sảng khoái qua mọi thời gian và không gian, qua mọi giới hạn và ngăn cách.

    Dựa trên cảm xúc đó, tôi đã chuyển soạn piano cho một số ca khúc của các tác giả mà đã được đánh giá là có tính chất tiêu biểu, đại diện cho từng thời kỳ, từng hoàn cảnh đồng thời có tính điển hình, độc đáo và sáng tạo, đã được thử thách qua thời gian và đã được sống mãi trong lòng mọi người với những dấu ấn về thẩm mỹ nghệ thuật sâu sắc. Hy vọng rằng các bạn chơi piano nghiệp dư và các bạn đang theo học piano sẽ có thêm một nguồn tài liệu mới để tham khảo.

  1. Điệp khúc mùa xuân (Quốc Dũng) – Rap

    Lời bình:Vào khoảng những năm 1988-1989, trong một buổi liên hoan năm mới cùng các bạn sinh viên, khi được mời góp tiết mục văn nghệ, tôi đã chọn “Bài ca tết cho em” để hát bởi đây là ca khúc đang rất được ưa chuộng thời điểm ấy. “Tết này anh không thèm kẹo mứt/Vì đã có môi em thơm ngọt tựa sen hồng/Tết nay anh không thèm đi chơi/Xi-nê hay nhạc hội, Đà Lạt hay Vũng Tàu/Vì đã có em đem lại mộng đời/Tô thêm vào lòng người chan chứa mọi nguồn vui/Tết nay anh không thèm đốt pháo/Vì tiếng cười em rộn rã lòng anh rồi!/Tết này anh không thèm chơi đánh bài/Vì trong vòng tay anh đã có em ngọc ngà/Tết này anh cũng chẳng chơi hoa/Vì môi em cười như chứa cả vườn Xuân”.Tôi chỉ được nghe bài hát này ở các quán cà phê, tụ điểm vui chơi giải trí chứ thời đó làm gì có Internet để cập nhật như bây giờ. Bài hát khi đó đã rất cuốn hút giới trẻ bởi ca từ và giai điệu vừa vui nhộn, dí dỏm lại dễ thương, dễ nhớ, hợp với những ai “mơ mộng phi vật chất” như giới học sinh, sinh viên. Nhưng có lẽ cần nhấn mạnh thêm là bài hát được yêu thích đến vậy còn là do được hát bởi nữ ca sĩ Bảo Yến – giọng ca tài sắc vẹn toàn, nổi tiếng lúc đó… Thú vị hơn, sau này tôi mới biết đó là ca khúc nhạc sĩ Quốc Dũng sáng tác để tặng Bảo Yến, và họ đã nên duyên vợ chồng. Bài hát được ưa chuộng nhiều năm sau đó và cả đến nay, mỗi khi Tết đến, Xuân về.Ca sĩ Bảo Yến thổ lộ: “Bài ca Tết cho em là ca khúc chồng tôi viết tặng riêng tôi thời hai người đang “cưa cẩm” nhau”. Lúc đó, Bảo Yến làm thư ký ở Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh, nhạc sĩ Quốc Dũng chơi guitar cho ban nhạc của Đài. Những quán cà phê, phòng trà Sài Gòn thời ấy đi đến đâu cũng nghe giọng ca Bảo Yến. Chị cũng là người hát dòng nhạc Bolero đầu tiên ở Việt Nam. Những thành công rực rỡ của nữ ca sĩ luôn có một người đàn ông thầm lặng đứng phía sau, sáng tác, hòa âm, phối khí, đó chính là nhạc sĩ Quốc Dũng. Chuyên gia âm nhạc Kim Chi nhận định: “Nhắc đến Quốc Dũng không thể không nhắc đến Bảo Yến, nàng thơ trong nhiều bài hát và cũng là vợ, người thể hiện trọn vẹn nhất những ca khúc của ông”.Nguồn – https://baobariavungtau.com.vn/van-hoa-nghe-thuat/201902/nhac-si-quoc-dung-va-diep-khuc-mua-xuan-839240/index.htm
  2. Phút giao thừa lặng lẽ (Anh Quân) – 16 Beat

    Lời bình: Bài hát “Phút giao thừa lặng lẽ” viết về cảm xúc sâu lắng trước thời khắc giao thừa khi nhìn lại suốt một năm đã qua với đủ cung bậc vui, buồn.“Cái một mình xa vắng đột ngột hiện ra khi không có việc gì để mà làm, không có ai ở bên cạnh để có một sự liên hệ nào đó, cái một mình ấy có tên gọi là cô đơn. Đó là cái cảm giác ta không nên có ở trên đời, tôi biết thế, và luôn luôn dị ứng với nó, nhưng lúc ấy mới ngoài hai mươi tuổi, mới mon men trong một góc của cuộc đời, biết làm sao được.Gần hai mươi năm sau, tức là ba mươi năm trước so với bây giờ, tôi đã có cái một mình khác vì tôi đã hơi biết mình là ai, biết mình thực sự muốn gì. Bấy giờ chưa cấm pháo, đúng mười hai giờ hàng xóm đốt pháo, tiếng pháo nổ xen lẫn tiếng còi tàu kéo đồng loạt từ phía bến cảng Sài Gòn thật vang động đã đánh thức trong tôi một cái gì đấy. Tôi ôm đàn im lặng để nghe cái gì đấy đang mơ hồ dâng lên trong nội tâm mình.Những giao thừa như thế, năm 1983 tôi viết Lắng nghe mùa xuân về, năm 1984 viết Hơi thở mùa xuân, và để sống lại những giao thừa một mình này, mùa đông năm 1998 viết Phút giao thừa lặng lẽ cùng với Anh Quân – Huy Tuấn. Những bài hát ấy buồn, đúng là vẫn buồn, nhưng là man mác buồn, một nỗi buồn không có tên gọi, nó sâu nặng và… đằm thắm. Sao lại đằm thắm? Vì ta yêu, ta mơ, ta khắc khoải khi biết rằng chính trong phút giao thừa ấy bỗng nhận ra mình đang mất đi nhiều thứ: tuổi trẻ, những phút sống đầy ắp niềm vui và nỗi buồn của ngày cũ, vĩnh viễn mất đi, vĩnh viễn không thể trở lại. Cái yêu, cái mơ, cái khắc khoải này vì thế dịu dàng lắm, tha thiết lắm.”

    Nguồn – https://thoidai.com.vn/loi-bai-hat-lyrics-phut-giao-thua-lang-le-127264.html

  3. Anh cho em mùa xuân (Thơ: Kim Tuấn, Nhạc: Nguyễn Hiền) – Pop

    Lời bình: Mùa xuân nữa đang trở lại, lòng người nao nao, rộn rã trước những âm thanh, sắc màu của xuân thì đang ùa về. Những khúc ca mùa xuân tình tự vang lên khắp các ngõ ngách từ phố phường đô hội tới thôn quê xa vắng. Trong những khúc xuân nồng ấy, hẳn không thể thiếu nhạc phẩm Anh Cho Em Mùa Xuân của nhạc sĩ Nguyễn Hiền, phổ từ bài thơ Nụ Hoa Vàng Ngày Xuân của Kim TuấnCa khúc ra đời từ 60 năm trước mà theo lời kể của nhạc sĩ Nguyễn Hiền, khi nhận được bài thơ và đặt bút viết những nốt nhạc đầu tiên, cái không khí mê say, ngọt lịm của mùa xuân, của Tết đang tràn ngập xung quanh, lâng lâng trong lòng nhạc sĩ: “Đó là ngày mùng Năm Tết 1962, tôi đi làm trong một không gian vẫn còn hơi hướm Tết. Đến sở, trên bàn làm việc của tôi có một tập thơ còn thơm mùi giấy mới. Tập thơ mỏng, có tựa là Ngàn Thương, gồm khoảng 40 bài của các nhà thơ Vương Đức Lệ, Định Giang, Kim Tuấn và một người nữa tôi quên tên. Tôi lần giở, đọc lướt qua từng bài và dừng lại ở bài thơ Nụ hoa vàng ngày Xuân, một bài thơ 5 chữ đầy ắp hình tượng và rất giàu cảm xúc : “Anh cho em mùa Xuân. Mùa Xuân này tất cả. Lộc non vừa trẩy lá. Thơ còn thương cõi đời. Con chim mừng ríu rít. Vui khói chiều chơi vơi. Đất mẹ gầy có lúa. Đồng ta xanh mấy mùa. Con trâu từ đồng cỏ. Khua mõ về rộn khua. Ngoài đê diều thẳng cánh. Trong xóm vang chuông chùa. Chiều in vào bóng núi. Câu hát hò vẳng đưa. Tóc mẹ già mây bạc. Trăng chờ trong liếp dừa. Con sông dài mấy nhánh. Cát trắng bờ quê xưa…”. Vậy là chỉ trong buổi sáng hôm đó tôi phổ nhạc xong bài thơ. Điều buồn cười là tôi lấy luôn 3 câu thơ đầu tiên phổ thành một câu nhạc (Anh cho em mùa Xuân, nụ hoa vàng mới nở, chiều đông nào nhung nhớ…), thấy rất “ngọt” nên cứ thế mà phát triển bài thơ thành ca khúc. Sáng hôm sau, có một nhà thơ còn rất trẻ, xưng tên là Kim Tuấn đến gặp tôi, hỏi : “Có gởi cho nhạc sĩ một tập thơ, không biết đã nhận được chưa?”. Tôi trả lời : “Nhận được rồi và riêng bài thơ Nụ hoa vàng ngày Xuân của Kim Tuấn thì tôi đã phổ thành ca khúc”. Kim Tuấn rất ngạc nhiên và sau khi nghe tôi hát thì anh rất vui. Tình cờ ông Giám đốc Hãng đĩa Asia cũng có mặt. Ông ấy lấy bài hát giao cho ca sĩ Lệ Thanh thâu đĩa và sau đó hát trên đài phát thanh. Từ đó, tôi và Kim Tuấn đã có một mối quan hệ – mối duyên văn nghệ rất tốt đẹp… Ba ngày trước khi tôi lên máy bay sang định cư ở Mỹ (1988), Kim Tuấn rủ tôi đi uống cà phê, chúng tôi đã chia tay nhau thật vui vẻ. Ai ngờ đó là lần cuối cùng của chúng tôi…”.Mối duyên gặp gỡ, tương thông của nhà thơ và nhạc sĩ nhẹ nhàng, thơm thảo như chính bài thơ, chính ca khúc và như chính cái cách mà tác phẩm nghệ thuật này đi vào lòng người, ngự trị mãi nơi trái tim người Việt dù là trong nước hay ngoài nước mỗi độ xuân về, suốt mấy chục năm qua. Năm 2007, trong một cuộc bình chọn do toà soạn báo Tuổi Trẻ Online thực hiện, Anh Cho Em Mùa Xuân được độc giả bình chọn là ca khúc hay nhất và được yêu thích nhất trong các nhạc phẩm viết về chủ đề mùa xuân. Cho đến nay, bài hát vẫn giữ được nét tươi mới dù đã có tuổi đời hơn nửa thế kỷ, bởi vì niềm yêu đời, yêu cuộc sống và yêu con người đó sẽ mãi mãi không bao giờ là cũ. Với nhạc sĩ Nguyễn Hiền và cả nhà thơ Kim Tuấn, ca khúc Anh Cho Em Mùa Xuân phổ nhạc từ bài thơ Nụ Hoa Vàng Ngày Xuân có thế được coi là một trong những tác phẩm quan trọng và nổi tiếng nhất trong suốt sự nghiệp sáng tác của cả hai người. Nguyên tác bài thơ Nụ Hoa Vàng Ngày Xuân của nhà thơ Kim Tuấn sáng tác năm 1961:Anh cho em mùa Xuân.

    Nụ hoa vàng mới nở.
    Chiều đông nào nhung nhớ.
    Đường lao xao lá đầy.
    Chân bước mòn vỉa phố.
    Mắt buồn vin ngọn cây.
    Anh cho em mùa xuân.
    Mùa xuân này tất cả.
    Lộc non vừa trẩy lá.
    Thơ còn thương cõi đời.
    Con chim mừng ríu rít.
    Vui khói chiều chơi vơi.
    Đất mẹ gầy có lúa.
    Đồng ta xanh mấy mùa.
    Con trâu từ đồng cỏ.
    Giục mõ về rộn khua.
    Ngoài đê diều thẳng cánh.
    Trong xóm vang chuông chùa.
    Chiều in vào bóng núi.
    Câu hát hò vẳng đưa.
    Tóc mẹ già mây bạc.
    Trăng chờ trong liếp dừa.
    Con sông dài mấy nhánh.
    Cát trắng bờ quê xưa.
    Anh cho em mùa xuân.
    Bàn tay thơm sữa ngọt.
    Dải đất hiền chim hót.
    Người yêu nhau trọn đời.
    Mái nhà ai mới lợp.
    Trẻ nô đùa nơi nơi.
    Hết buồn mưa phố nhỏ.
    Hẹn cho nhau cuộc đời.
    Khi hoa vàng sắp nở.
    Trời sắp sang mùa xuân.
    Anh cho em tất cả.
    Tình yêu non nước này.
    Bài thơ còn xao xuyến.
    Nắng vàng trên ngọn cây.Và ca khúc Anh Cho Em Mùa Xuân được nhạc sĩ Nguyễn Hiền phổ nhạc sáng mùng 5 tết năm 1962:

    Anh cho em mùa xuân,
    nụ hoa vàng mới nở,
    chiều đông nào nhung nhớ
    Đường lao xao lá đầy,
    chân bước mòn vỉa phố,
    mắt buồn vịn ngọn cây
    Anh cho em mùa xuân,
    mùa xuân này tất cả,
    lộc non vừa trẩy lá
    Lời thơ thương cõi đời,
    bầy chim lùa vạt nắng
    trong khói chiều chơi vơi.
    Đất mẹ gầy có lúa,
    đồng ta xanh mấy mùa
    Ngoài đê diều căng gió,
    thoảng câu hò đôi lứa
    Trong xóm vang chuông chùa,
    trăng sáng soi liếp dừa
    Con sông dài mấy nhánh,
    cát trắng bờ quê xưa
    Anh cho em mùa xuân,
    trẻ nô đùa khắp trời,
    niềm yêu đời phơi phới
    Bàn tay thơm sữa ngọt,
    dải đất hiền chim hót,
    mái nhà xinh kề nhau
    Anh cho em mùa xuân,
    đường hoa vào phố nhỏ,
    nhạc chan hòa đây đó
    Tình yêu non nước này,
    bài thơ còn xao xuyến
    rung nắng vàng ban mai
    Anh cho em mùa xuân,
    nhạc thơ tràn muôn lối

    Có thể thấy nhạc sĩ Nguyễn Hiền đã không thay đổi nhiều về ca từ khi phổ nhạc cho bài thơ của nhà thơ Kim Tuấn, bởi ông đã nhìn thấy được chất nhạc nhịp nhàng đã có sẵn của bài thơ ở ngay từ những câu đầu tiên, nên nhạc sĩ chỉ thay đổi một chút về ngôn từ, thêm chút ít gia vị cho phù hợp với nhịp điệu âm nhạc, và làm rực sắc cho bài thơ của Kim Tuấn được tình tứ hơn, thắm thiết hơn.

    Anh cho em mùa xuân,
    nụ hoa vàng mới nở
    chiều đông nào nhung nhớ
    Đường lao xao lá đầy,
    chân bước mòn vỉa phố,
    mắt buồn vin ngọn cây

    Đó là những ngày đầu xuân, đất trời vừa chuyển mình thức giấc sau một giấc ngủ đông dài. Những nụ hoa mới nở còn e ấp, chúm chím một màu vàng tinh khôi, không gian vẫn còn đượm hơi hướm của những ngày cuối đông bàng bạc, se se lạnh. Lòng người cũng đổi sắc theo những bước chuyển chậm rãi của thời gian và đổi thay của không gian. Bước chân của nhân vật tự sự cũng là bước chân của đứa con xa xứ đang ráo riết rảo những “bước chân mòn vỉa phố” tất bật với những mưu sinh nơi phố phường đô hội. Nhưng mùa xuân mới đã thấp thoáng ùa về khiến lòng người “lao xao lá đầy” một niềm nhớ thương da diết về nơi chốn sum vầy, đoàn tụ.  “Mắt buồn vin ngọn cây” để những giọt nước mắt đừng rơi xuống, để neo mình lại trước những cảm xúc nhớ nhung, bồn chồn, xao động. Đó là một hình ảnh ẩn dụ rất đẹp, rất thơ, buồn mà không bi luỵ, không suy sụp, cái buồn loáng thoáng, man mác cõi lòng.

    Với người Việt xa xứ nói chung, trong mỗi dịp Tết đến xuân về thì quê hương, xứ sở vẫn là nơi khiến người ta hướng về, nhớ về nhiều nhất. Bởi ở đó có gia đình, bè bạn, có những ký ức ngọt ngào mà chỉ mùa Xuân, mùa Tết mới có thể cảm nhận được. Và không ai thấm thía hơn điều đó bằng những đứa con xa xứ trong thời khắc xuân thì ùa về.

    Anh cho em mùa xuân,
    mùa xuân này tất cả,
    lộc non vừa trẩy lá
    Lời thơ thương cõi đời,
    bầy chim lùa vạt nắng
    trong khói chiều chơi vơi.

    Tình yêu và tình xuân hoà quyện tinh tế, dịu dàng trong không gian hoa mộng vừa nảy nở của mùa xuân, với những lời thì thầm mật ngọt của đôi tình nhân được kín đáo ẩn giấu dưới lớp áo xuân tình.

    “Bầy chim lùa vạt nắng trong khói chiều chơi vơi” là một sự hoà quyện mềm mại của sự vật và không gian. Sắc xuân nhè nhè đến, êm êm, xinh đẹp, lả lướt tựa như một mảnh lụa dịu dàng cuốn lấy tâm hồn người nghe, đưa về vùng quê mẹ hiền hoà của thi nhân.

    Đất mẹ gầy có lúa,
    đồng ta xanh mấy mùa
    Ngoài đê diều căng gió,
    thoảng câu hò đôi lứa
    Trong xóm vang chuông chùa,
    trăng sáng soi liếp dừa
    Con sông dài mấy nhánh,
    cát trắng bờ quê xưa

    Nhà thơ Kim Tuấn từng chia sẻ khá kỹ về những lời thơ này của mình như sau: “Tôi viết bài thơ Nụ Hoa Vàng Ngày Xuân để nhớ về quê mẹ Hà Tĩnh, vùng đất sỏi đá nhiều hơn cơm gạo, với ước mơ “đất mẹ gầy CÓ lúa”. Vậy mà nhiều người hát sai quá, cứ “đất mẹ gầy… cỏ lúa”, hoặc “đất mẹ gầy… cỏ úa”, hoặc “đất mẹ… đầy cỏ lúa”?! Cỏ lúa thì phải nhổ đi chứ, ai lại mơ ước có thêm. Câu thứ hai “đồng ta xanh mấy mùa” cũng là một ước mơ khác, được nhiều ca sĩ đổi thành “đồng xa xanh mấy mùa”, hoặc “đồng xanh xa mấy mùa”?! Làm mất hẳn ý nghĩa của nguyên tác”.

    Sự kỹ càng, chỉn chu của ông trong lời thơ chính là tình yêu và sự trân trọng không gì có thể thay đổi của Kim Tuấn dành cho quê hương, làng xóm. Tình yêu đó khiến bức tranh quê hương trong ký ức của đứa con xa xứ hiện lên thật đẹp, thật thơ và cũng thật nhân ái. “Đất mẹ gầy có lúa, đồng ta xanh mấy mùa” là tâm nguyện, là ước mơ, là tấm lòng của đứa con xa xứ luôn móng ngóng về quê mẹ, luôn ước mơ quê hương thêm giàu đẹp, thanh bình. Từng cảnh sắc quê hương hiện lên qua lời hát như những ô cửa ký ức dày đặc, ngọt lịm tình yêu quê hương, đất Việt mà những có lẽ bất kỳ người con Việt Nam nào cũng thấy gần gũi, thân thương.

    Anh cho em mùa xuân,
    trẻ nô đùa khắp trời,
    niềm yêu đời phơi phới
    Bàn tay thơm sữa ngọt,
    dải đất hiền chim hót,
    mái nhà xinh kề nhau
    Anh cho em mùa xuân,
    đường hoa vào phố nhỏ,
    nhạc chan hòa đây đó
    Tình yêu non nước này,
    bài thơ còn xao xuyến
    rung nắng vàng ban mai
    Anh cho em mùa xuân,
    nhạc thơ tràn muôn lối

    Nhạc sĩ Nguyễn Hiền đã rất tinh tế khi thêm thắt cho lời thơ một chút nhạc, một chút tình xuân, thêm “niềm yêu đời phơi phới” để thăng hoa xuân tình ý mộng đang rộn rã trong lòng nhà thơ Kim Tuấn, dệt lên một tấm thảm âm nhạc mượt mà từ những ý thơ của Kim Tuấn. Chẳng hạn như trong nguyên tác, nhà thơ viết “Bài thơ còn xao xuyến. Nắng vàng trên ngọn cây”, nhạc sĩ dệt lại thành lời hát rất lả lướt “bài thơ còn xao xuyến rung nắng vàng ban mai”.

    Nếu Kim Tuấn chẳng hề nhắc đến những khúc nhạc xuân trong bức tranh mùa xuân của mình, thì Nguyễn Hiền lại thêm vào rất nhiều và rất tự nhiên, chẳng hạn như trong câu hát “Anh cho em mùa xuân, đường hoa vào phố nhỏ, nhạc chan hòa đây đó”, hay trong câu hát cuối cùng nhạc sĩ viết: “Anh cho em mùa xuân, nhạc thơ tràn muôn lối”.

    Có thể nói ca khúc Anh Cho Em Mùa Xuân với những giai âm tình tự hoà quyện với những lời ca giản dị, hiền hoà thuần Việt từ ý thơ đến ngôn từ và cả lối thơ ngũ ngôn quen thuộc đã thu trọn cả tâm tình, ký ức, tình yêu quê hương xứ sở của những người con Việt. Chính sự dung dị, thân thuộc đó mà ca khúc dù 60 năm đã trôi qua vẫn được hát lên, hoà quyện vào tâm hồn người Việt từ già tới trẻ mỗi dịp tết đến xuân về.

    Nguồn – https://nhacxua.vn/hoan-canh-sang-tac-va-cam-nhan-ve-ca-khuc-anh-cho-em-mua-xuan-kim-tuan-nguyen-hien/

  4. Đón xuân này ta nhớ xuân xưa (Anh Châu & Châu Kỳ) – Rumba

    Lời bình: Nhạc sĩ Châu Kỳ qua đời vào một ngày đầu xuân năm 2008 ở tuổi 85. Trong cuộc đời và sự nghiệp âm nhạc đầy thăng trầm của mình, ông đã để lại cho đời rất nhiều tác phẩm bất hủ khó có thể thống kê hết, trong số đó có 2 bài hát viết về Xuân vẫn được nhiều thế hệ khán giả tìm nghe, đó là Tôi Chưa Có Mùa Xuân, đặc biệt là Đón Xuân Này Tôi Nhớ Xuân Xưa, bài hát mà ngay từ cái tên đã gợi được nhiều niềm nhớ về kỷ niệm xa xưa đối với bất kỳ ai.Đón Xuân này tôi nhớ Xuân xưa

    Một chiều Xuân em đã hẹn hò

    Như ướm tình trong cánh hoa mơ,
    Phơi hương theo làn gió
    Em bảo rằng nên viết thành thơ

    Đón mùa Xuân này lại nhớ đến mùa Xuân xưa – là mùa Xuân kỷ niệm của tình yêu, của những ngày đầu hẹn hò. Lời nhạc mở đầu bài hát đã gợi về một mối tình như thơ của: “Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy”. Cái thuở mà nàng mới lần đầu tiên e ấp hẹn hò trong một chiều Xuân trữ tình ươm đầy mộng ước thanh xuân.Tình yêu thanh xuân đã ngỏ lời trong ngày mới của mùa thương yêu chớm nụ, ướm trong cánh hoa mai vàng lung linh dưới nắng Xuân hồng, phơi hương theo gió ngát: “Như ướm tình trong cánh hoa mơ, phơi hương theo làn gió”. Những câu nhạc như thơ để nói về một chuyện tình yêu đẹp đẽ bắt đầu từ mùa Xuân đầu tiên mới hẹn hò.

    Đón Xuân này tôi nhớ Xuân xưa
    Hẹn gặp nhau khi pháo giao thừa
    Em đứng chờ tôi dưới song thưa
    Tôi đi qua đầu ngõ
    Hỏi nhau thầm Xuân đã về chưa

    Mùa Xuân xưa đôi tình nhân đã hẹn nhau khi pháo giao thừa, vào lúc đất trời rộng mở đón phút giao mùa năm mới, thời khắc thiêng liêng đón mừng mùa Xuân để cùng nhau hướng đến những điều tốt đẹp, khởi đầu cho tình duyên mai sau được tròn ước nguyện.

    Hình ảnh gặp nhau trong đêm giao thừa thật đẹp của đôi lứa mới hẹn hò: “Em đứng chờ tôi dưới song thưa – Tôi đi qua đầu ngõ” là hình ảnh nên thơ của những mối tình trong sáng của thế hệ ngày xưa, một thời tình yêu e ấp ngượng ngùng và đầy chất lãng mạn.

    Hẹn gặp nhau khi pháo giao thừa để “hỏi nhau thầm Xuân đã về chưa”. Câu thầm hỏi nhau có chút ngỡ ngàng với đôi lòng mới bước vào đường yêu, như là chưa thể tin rằng tình yêu đã đến với mình trong ngày đầu mùa Xuân tươi đẹp. Mùa Xuân đang về đến và mùa tình của đôi mình có thật sự về chưa?

    Xuân đến Xuân đi, Xuân về gieo thương nhớ
    Xuân qua để tôi chờ Xuân đến Xuân đi,
    Xuân về mơn lá hoa, Xuân qua rung đường tơ

    Bao lần Xuân đến Xuân đi Xuân lại về gieo thương nhớ cho nhau, để rồi khi xa là bao lần chờ đợi ngày trở về nơi cũ. Bao mùa “Xuân về mơn lá hoa” đầu mùa tươi thắm càng làm lòng da diết thương về ngày đầu năm đẹp tươi những cánh hoa mơ ngày nào.

    Mùa Xuân là mùa của thương yêu sum vầy, nhưng lại rung chi đường tơ lòng lưu luyến của đôi người nhớ nhau. Người nghe nhạc cảm được tâm tình của chàng trai xa quê hương, da diết nhớ người yêu xưa, mỗi độ Xuân về làm cho người ở phương xa trông chờ đến mùa Xuân hội ngộ với người em gái quê nhà.

    Bước sông hồ như đắm như mơ
    Trở về đây khi gió sang mùa
    Mong ước tìm cô gái Xuân xưa,
    Cho vơi bao niềm nhớ
    Có ngờ đâu Xuân vắng người thơ

    Lời nhạc như là lời thơ! Và cả bài hát đẹp như bài thơ, đúng như vào mùa xuân xưa người nói rằng chuyện tình mình nên viết thành thơ! Bài thơ tình yêu từ mùa Xuân xưa cũng là bản tình ca trữ tình, rung lên đường tơ lòng tha thiết của một người đi xa, mỗi mùa Xuân qua lòng luôn mong ước được trở về tìm lại người Xuân cũ.

    Bước sông hồ đắm mơ một mùa Xuân tương phùng. Xuân nay người trai trở về những tưởng gặp được tình xưa cho vơi niềm thương nhớ bao ngày tơ tưởng hình bóng người em gái ngây thơ. Ước mơ Mùa Xuân là mùa của hy vọng tràn đầy, nhưng khi về tìm lại thì đã: “Có ngờ đâu Xuân vắng người thơ”.

    Bài hát chấm dứt như ba dấu chấm lửng buồn thương, mang mang nỗi tình sầu mênh mông trống vắng. Mùa Xuân mà vắng người thơ thì như vắng cả trời thơ… Làm cho người trở về chỉ biết đứng một mình nghe da diết bài ca đón Xuân này lòng nhớ Xuân xưa…

    Nguồn – https://nhacxua.vn/don-xuan-nay-toi-nho-xuan-xua-ca-khuc-nhac-xuan-bat-tu-cua-nhac-si-chau-ky/

  5. Lời tỏ tình mùa xuân (Thanh Tùng) – 16 beat

    Lời bình: Đây là ca khúc được nhạc sĩ Thanh Tùng viết tặng riêng cho nữ ca sĩ Ngọc Bích, cùng với Ngôi sao cô đơn

    . Cũng chính ông sau đó đã dựng tiết mục này cho Ngọc Bích và đoàn nghệ thuật Hải Đăng.

    Nói về ca khúc này, nhạc sĩ Thanh Tùng từng hóm hỉnh chia sẻ: “Trong bài có câu: ‘Và tôi biết rằng, nói yêu em là điều khó khăn’, chẳng phải là tôi tỏ tình gì với Ngọc Bích cả. Thời đó, viết một ca khúc có chữ “yêu”, đề tài “tình yêu” rất khó được giải, được biểu diễn trên Đài phát thanh. Và tôi viết, “nói yêu em là điều khó khăn” là nói với khâu kiểm duyệt đấy”.

    Nguồn – https://suckhoedoisong.vn/hoan-canh-sang-tac-kho-ngo-cua-nhung-nhac-pham-thanh-tung-169113557.htm

  6. Cánh bướm vườn xuân (Huyền Vân) – Chachacha

    Lời bình: Mùa xuân đang đến và trên khắp nẻo đường đang vang lên những khúc ca mừng xuân rộn ràng náo nức lòng người. Nhiều ca khúc mừng xuân đã trở thành những bản “xuân ca” không thể thiếu mỗi khi năm mới đang dần tới. Ba câu chuyện về 3 khúc ca xuân nhạc ngoại lời Việt sau đây, chắc hẳn là không phải ai cũng đã từng được biết. Cánh Bướm Vườn Xuân “Cánh Bướm Vườn Xuân” một nhạc phẩm quen thuộc của Pháp, được Huyền Vân đặt lời Việt từ giai điệu của bản “Cerisier rose et Pommier blanc” (tạm dịch: Đào Hồng Táo Trắng). Bản lời Việt được dịch từ trước năm 1975.Nhạc phẩm này được tác giả Louiguy viết nhạc và Jacques Larue đặt lời. Nội dung của bài hát xoay quanh những kỷ niệm ngập tràn hồn nhiên cháy bỏng của một tình yêu đôi lứa, từ thuở niên thiếu chơi trò nhảy cò cò quanh gốc cây Đào hồng Táo trắng, khi cậu con trai vừa mới biết tiếng yêu đầu đời, và cô gái thì vô tư bẽn lẽn một mối tình trong sáng, cho đến khi họ thành đôi thành lứa sống hạnh phúc bên nhau mỗi độ Xuân về. Một câu chuyện có bắt đầu nhưng không có hồi kết, bởi đối với họ hạnh phúc là vô tận.Cerisier rose et Pommier blanc” được Louiguy viết vào khoảng những năm 1950 của thế kỷ trước, theo điệu nhạc “bal-musette” uyển chuyển dập dìu. Người yêu “nhạc Việt Nam hẳn không thể nào quên nhạc phẩm bất hủ “La vie en rose” (tạm dịch: Cuộc sống là màu hồng), luôn gắn liền với tên tuổi của nữ danh ca huyền thoại Pháp Édith Piaf, và không ai khác Louiguy cũng chính là tác giả của “La vie en rose”. Riêng đối với “Cerisier rose et Pommier blanc” thì nó đã được nam ca sĩ André Claveau chọn hát và thể hiện rất thành công, với chất giọng khoan thai, trầm ấm biểu cảm, in đậm trong tâm trí của người yêu nhạc Pháp cho đến tận ngày nay.Đó là những câu đầu tiên trong ca khúc nhạc xuân sôi động mang tên Xuân Yêu Thương, được đông đảo người yêu nhạc Việt biết đến qua giọng hát Kiều Nga, là ca khúc mà thoạt nghe cứ tưởng 100% là nhạc Việt Nam. Thật bài hát này có xuất xứ từ một bản nhạc Pháp và được Lê Đức Cường viết lời Việt.Ca khúc gốc của “Xuân Yêu Thương” chính là nhạc phẩm “T’as le look coco”, do ca sĩ kiêm nhạc sĩ Laroche Valmont sáng tác và trình bày vào khoảng năm 1984. Phần lời của bài hát được tác giả xen kẽ rất nhiều tiếng “lóng” mà dân chơi Paris rất ưa dùng vào thời điểm ấy. Nội dung có phần hơi châm biếm đả kích thành phần dân thị thành đua đòi ăn chơi, hình thức hào nhoáng bóng bẩy nhưng chẳng có một xu dính túi. Ca khúc “T’as le look coco” đã mang lại cho Laroche Valmont giải Đĩa Vàng của năm (1984), mặc dù nó đã bị không ít các nhà sản xuất băng đĩa thời điểm đó từ chối phát hành.

    Một điều đáng nghi nhận trong clip video của “T’as le look coco” khi được quảng bá rộng rãi trên các đài truyền hình của Pháp thời điểm giữa những năm 80, là lần đầu tiên người ta thấy Laroche Valmont đưa các nhóm nhảy Break Dance vào biểu diễn chung với mình, và có thể xem như đó là một trong số những yếu tố tiền thân cho phong trào nhảy Hip Hop tại Pháp sau này.

    Có thể thấy tác phẩm gốc không liên quan gì đến mùa xuân, nhưng khi chuyển sang lời Việt thì trở thành một ca khúc nhạc xuân sôi động nổi tiếng và được yêu thích suốt hơn 30 năm qua cả ở hải ngoại lẫn trong nước.

    Nguồn – https://nhacxua.vn/cau-chuyen-ve-3-ca-khuc-nhac-ngoai-loi-viet-noi-tieng-ve-mua-xuan-xuan-yeu-thuong-canh-buom-vuon-xuan-lac-mat-mua-xuan/

  7. Ly rượu mừng (Phạm Đình Chương) – Valse

    Lời bình: Nhắc đến sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ Phạm Đình Chương, người ta không thể không nhắc đến ca khúc Ly Rượu Mừng

     được ông sáng tác từ đầu những năm 1950 của thế kỷ trước. Bài hát này đã có thời bị cấm biểu diễn. Nhà báo Nguyên Minh – thành viên Hội đồng bình luận của chương trình Giai điệu tự hào số cuối năm 2016 đã nói rằng, bài hát đã có thời rất thịnh hành ở miền Nam. Vào thời khắc Giao thừa, trong tiếng chuông nhà thờ đổ ngân dài, tiếng pháo nổ là giọng hát của danh ca Thái Thanh cùng ban hợp ca Thăng Long. Nó thân thuộc tới nỗi, ngày Tết mà chưa nghe 

    “Ly Rượu Mừng”

     là chưa thấy không khí xuân về.

    “Ly Rượu Mừng” được viết trên nền giai điệu vals, từng được cố nhạc sĩ Nguyễn Ánh ca tụng “từ lời đến giai điệu ca khúc đều rất hay, rất có ý nghĩa với mọi người. Ai nghe cũng sẽ thấy được mình trong đó”. Giới âm nhạc khi đó vô cùng ngạc nhiên khi bài hát có những câu như bài vè, quy tụ hầu hết tầng lớp dân cư ở ngay phần mở đầu ca khúc: “Ngày xuân nâng chén ta chúc nơi nơi/ Mừng anh nông phu vui lúa thơm hơi/ Người thương gia lợi tức/ Người công nhân ấm no/ Thoát ly đời gian lao nghèo khó”; hay đầy lạc quan và hi vọng: “Rót thêm tràn đầy chén quan san/ Chúc người binh sĩ lên đàng/ Chiến đấu công thành/ Sáng cuộc đời lành/ Mừng người vì nước quên thân mình/ Nhấc cao ly này/ Hãy chúc ngày mai sáng trời tự do/ Nước non thanh bình/ Muôn người hạnh phúc chan hòa”… Nhưng chỉ vì có những ca từ “chung chung, mơ hồ” mà ca khúc này đã bị “cất đi” trong sự nuối tiếc của không ít công chúng.Sau này, nhiều đạo diễn âm nhạc muốn đưa ca khúc “Ly Rượu Mừng” vào các chương trình Tết, nhưng vì bị cấm mà đành từ bỏ. Khoảng 20 năm trước, hãng Phương Nam Film cũng từng làm thủ tục xin phép cho ca khúc “Ly Rượu Mừng” được phổ biến, nhưng vì không tập hợp được đủ tư liệu để xin cấp phép nên hồ sơ vẫn bị “tắc”.Đến năm 2015, bằng sự kiên trì, Phương Nam Film đã kết nối được với người thân của gia đình nhạc sĩ Phạm Đình Chương ở Mỹ và tìm được các tư liệu liên quan đến xuất xứ của ca khúc này. Theo thông tin trên báo chí đăng tải, Phương Nam Film và gia đình nhạc sĩ đã xác định được bài hát ra đời vào khoảng thời gian từ 1951 đến 1953. Tư liệu cũng cho thấy bài hát này nhạc sĩ viết về người lính chống Pháp. Trên cơ sở đó, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã cấp phép cho bài hát được hát hồi đầu năm 2016.Sau khi được cấp phép, Phương Nam Film đã lấy tên ca khúc này làm tựa đề cho album nhạc xuân do Quang Dũng và Phạm Thu Hà thể hiện. Như một ly rượu càng để lâu càng ngấm, càng say, dẫu cho 41 năm bị “ngủ quên”, một số ca từ của “Ly Rượu Mừng” không còn hợp thời, nhưng tinh thần của ca khúc về hạnh phúc, tình yêu mà nhạc sĩ gửi gắm thì vẫn không hề cũ đi …

    Nguồn – https://vangson.info/nhac-xuan/ly-ruou-mung.html

  8. Mộng chiều xuân (Ngọc Bích) – Tango

    Lời bình: Ca khúc “Mộng Chiều Xuân”, một sáng tác nổi tiếng của nhạc sỹ Ngọc Bích, viết từ đầu thập niên 50. Ca khúc được viết theo điệu Tango rất dễ thương, ca từ nghe rất du dương và êm ái. Về hoàn cảnh sáng tác ca khúc này thì thật sự không một ai ngoài nhạc sĩ Ngọc Bích được biết cả. Bởi vì cố nhạc sĩ Ngọc Bích có một đời sống khép kín, ông không chia sẻ điều gì ngay cả với những nhạc sĩ chơi thân với ông nhất. Ông gần như không tâm sự với ai, về phần đời tình cảm riêng của mình. Ông cũng không tiết lộ với ai về linh hồn hay nguồn cảm hứng từ người nữ hoặc mối tình nào, mà ông đã để lại cho hôm nay trong những tác phẩm của ông.
    Nguồn – https://dongnhacvang.com/ve-ca-khuc-mong-chieu-xuan-cua-nhac-si-ngoc-bich/
  9. Em đã thấy mùa xuân chưa (Quốc Dũng) – 16 beat (slow Suft)

    Lời bình: Kể từ khi Tân nhạc Việt Nam được hình thành từ thập niên 1930 và phát triển mạnh mẽ cho đến nay, không thiếu các trường hợp nhạc sĩ thể hiện được tài năng thiên bẩm khi mới còn ở tuổi niên thiếu để sáng tác được những bài ca bất hủ sống mãi qua nhiều thế hệ. Đó là nhạc sĩ Nhị Hà viết bài Mẹ Tôi năm 13 tuổi, nhạc sĩ Cung Tiến với ca khúc Thu Vàng, Hoài Cảm năm 14 tuổi, nhạc sĩ Lam Phương viết Chiều Thu Ấy năm 15 tuổi, nhạc sĩ Văn Cao với Buồn Tàn Thu năm 16 tuổi, nhạc sĩ Chung Quân viết Làng Tôi năm 16 tuổi… Nhưng kỷ lục về bài hát nổi tiếng được sáng tác khi nhạc sĩ còn nhỏ tuổi nhất thuộc về nhạc sĩ Quốc Dũng, khi ông sáng tác những nốt nhạc đầu tiên của bài Em Đã Thấy Mùa Xuân Chưa lúc mới 11 tuổi.Nhạc sĩ Quốc Dũng xuất thân từ Ban Tuổi Xanh do nữ kịch sĩ Kiều Hạnh (mẹ của danh ca Mai Hương) phụ trách. Khi mới 10 tuổi, ông đã tốt nghiệp thủ khoa môn nhạc pháp Tây phương. Bản nhạc đầu tiên của Quốc Dũng sáng tác khi ông mới 11 tuổi, nhưng đó chỉ là một nhạc phẩm không lời. Phải đến năm 17 tuổi, sau khi đã tốt nghiệp trường Quốc Gia Âm Nhạc thì ông mới viết thêm lời và hoàn chỉnh bản nhạc đó thành ca khúc đầu tay mang tên Em Đã Thấy Mùa Xuân Chưa. Gần nửa thế kỷ từ khi ra mắt, ca khúc này luôn nằm trong danh sách những bài nhạc trữ tình về mùa xuân tiêu biểu nhất.Khác với nhạc trẻ hoặc những bài nhạc xuân có giai điệu ràng, có một nét chung dễ nhận thấy của những bài nhạc xuân trữ tình của Việt Nam thời kỳ thập niên 1960-1970, đó là bài hát có giai điệu nhẹ nhàng mượt mà, nội dung bài hát thường là những nỗi nhớ xa xăm, bâng khuâng và đầy hoài niệm… Tiêu biểu của thể loại “xuân trữ tình” này là nhạc sĩ Từ Công Phụng với Mùa Xuân Trên Đỉnh Bình Yên, Tình Tự Mùa Xuân, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với Ru Em Từng Ngón Xuân Nồng, nhạc sĩ Phạm Duy với Xuân Thì, nhạc sĩ Tuấn Khanh với Mộng Đêm Xuân, và Quốc Dũng – chàng trai rất trẻ vừa mới chạm ngõ cuộc đời cũng tham gia vào thể loại này với bài hát đã trở thành bất tử:
    Em Đã Thấy Mùa Xuân Chưa.
    Một vừng mây trắng bay đi tìm nhau
    chẳng còn thấy đâu, mắt em hoen sầu
    vì mình xa nhau nên em chưa biết, xuân về đấy thôi
    Ngày xuân vẫn trôi, rừng còn ngây dại, mơ bóng hình aiNhững giai điệu đầu tiên của ca khúc này đã được ra đời từ năm 1962, khi tác giả được 11 tuổi. Phải mất 6 năm sau đó, khi chập chững bước vào cuộc đời, cuộc tình, rồi chia tay người bạn gái đầu đời, những cảm xúc buồn mênh mang từ mối tình đó đã trở thành động lực để nhạc sĩ Quốc Dũng viết thêm lời để hoàn tất bài hát.

    Trời mưa giăng lối áo em lệ rơi
    nhạt nhòa nét môi, đá xanh quên lời
    vì mình xa nhau nên em chưa biết xuân về đấy thôi
    giọt sương vẫn rơi, tình mình vẫn hoài thương nhớ đầy vơi

    Câu hát “vì mình xa nhau nên em chưa biết xuân về đấy thôi” được lặp lại 2 lần trong bài thể hiện sự luyến tiếc với cuộc tình vừa qua. Bởi vì khi có người yêu trong đời thì dường như mùa xuân lúc nào cũng hiện hữu, còn khi đã xa nhau rồi thì mùa xuân về lúc nào mà người cũng không hề hay biết, bởi vì vẫn còn đang hoài thương nhớ đầy vơi.

    Chiều xưa ngồi bên em
    anh nghe như đã xót xa trong tay mềm
    một giây hồn lênh đênh môi em thơm ngát đón đưa hương say tình
    em biết không em, anh như bóng mây tìm nơi đổ bến
    đâu bến xa vời, mà tình vẫn rơi, mây hoài vẫn trôi

    Hoài tưởng quá khứ, nhớ lại những chiều xưa bên nhau, dù lúc đó tình còn đắm say nhưng dường như anh đã dự cảm được sự chia ly đang đón đợi rất gần. Nên trong những lúc lênh đênh phiêu du trên môi nàng thơm ngát, anh đã mơ hồ cảm nhận một niềm đau xót xa vì biết rằng tình yêu này sẽ không có nơi đổ bến êm đềm, chỉ hoài như cánh mây trôi lang thang mà thôi.

    Trời dào dạt sóng, gió reo mùa đông
    tìm trong giá băng bóng xuân mịt mùng
    mình còn xa nhau nên xuân vẫn mãi xa vời chốn nao
    còn thương nhớ nhau, còn nặng u sầu muôn kiếp về sau…

    Bởi vì mình còn xa nhau, nên mùa xuân dù có đến hay là chưa, thì mùa xuân trong lòng người vẫn còn xa xôi lắm, chỉ toàn là một mùa đông lạnh lẽo xâm chiếm tâm hồn, rồi dâng lên dào dạt từng đợt sóng nhớ nhung. Vì mình xa nhau mà vẫn cứ còn hoài thương nhớ nhau như vậy, nên mối u sầu này sẽ còn mãi mãi muôn kiếp về sau.

    Bài hát này được hoàn thành năm 1969, nhưng phải vài năm sau đó, công chúng mới được thưởng thức qua tiếng hát Dạ Hương trong băng Shotguns của nhạc sĩ Ngọc Chánh. Giọng hát tha thiết của Dạ Hương cùng ca khúc Em Đã Thấy Mùa Xuân Chưa nổi tiếng không được bao lâu thì biến cố 1975 làm cho những bài nhạc trữ tình buồn không còn được phổ biến nữa. Phải hơn 10 năm sau đó, ca khúc này mới được sống lại qua giọng hát mênh mang buồn của Ngọc Lan.

    Nguồn – https://nhacxua.vn/ca-khuc-em-da-thay-mua-xuan-chua-tuyet-tac-cua-nhac-si-quoc-dung-nam-11-tuoi/

  10. Mùa xuân đầu tiên (Văn Cao) – Valse

    Lời bình: Kể lại những ngày cha mình sáng tác ca khúc “Mùa xuân đầu tiên”, con trưởng nhạc sĩ Văn Cao là họa sĩ Văn Thao cho biết: “Cho đến lúc giải phóng miền Nam thì niềm vui vỡ òa, niềm vui đó bây giờ không thể tả lại hết được. Mọi người vui mừng nhảy nhót ngoài phố, mừng ngày đất nước được thống nhất.Những người bạn của cha tôi cũng thế, đặc biệt là những người bạn miền Nam tập kết như nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thế, Trương Quang Lục, họa sĩ Nguyễn Sáng… Hẳn cha tôi cảm nhận cái mừng rất lớn của cả dân tộc, trong đó có những người bạn mình, cái mừng của người con xa quê, xa vợ xa chồng bao nhiêu năm giờ đây có thể gặp lại vợ con, thăm lại quê hương.Những ngày đó cha tôi vui lắm, nhưng sau những phút vui đó tôi vẫn thấy cái trầm lắng, tôi hiểu rằng ông đang ấp ủ một điều gì đó. Cha bảo tôi: Trong tình hình thế này, bố phải sáng tác một bài gì đó”.Một ngày giáp Tết Bính Thìn (1976), mùa xuân đầu tiên của đất nước sau ngày đất nước hoàn toàn độc lập, non sông thu về một mối, Bắc Nam sum họp, khi đến thăm cha mình, họa sĩ Văn Thao ngạc nhiên vô cùng khi thấy cha ngồi bên cây đàn dương cầm. Sau một thời gian dài vắng bóng, kể từ sau khi viết “Tiến về Hà Nội” (năm 1948) nhiều người những tưởng Văn Cao đã khép lại công việc sáng tác ca khúc. Nhiều năm sau đó, ông làm thơ, viết khí nhạc, vẽ minh họa để kiếm sống.

    “Lâu lắm rồi tôi mới chứng kiến ông ngồi bên cây đàn piano đã cũ, nhiều nốt đã phô. Ông say sưa và một giai điệu valse rất nhẹ nhàng, đẹp vang lên trong căn phòng nhỏ trên gác hai ở 108 Yết Kiêu, Hà Nội.

    Khi viết xong bài hát, cha bảo với tôi: Bố sẽ đặt tên bài hát đó là “Mùa xuân đầu tiên”. Đối với bố, cả cuộc đời đi theo cách mạng, trải qua rất nhiều thăng trầm vui có buồn có nhưng cái đích cuối cùng để bố đi theo đã hoàn thành. Đất nước đã được thống nhất, đối với bố đấy mới là mùa xuân đầu tiên. Hôm nay mùa xuân đó đã đến với bố, đến với dân tộc. Có lẽ bố sẽ phải sớm cùng mẹ con vào Nam để tìm lại bác con (cha tôi có một người chị từ trước cách mạng đã vào đấy và lấy chồng)”.

    “Mùa xuân đầu tiên” đã ra đời với giai điệu valse nhẹ nhàng, dìu dặt khiến lòng người trở nên thư thái, ngẫm ngợi, rung lên những cung bậc xúc cảm chân thành, dung dị về một mùa xuân độc lập đầu tiên của đất nước, của dân tộc:

    “Rồi dặt dìu, mùa xuân theo én về
    Mùa bình thường, mùa vui nay đã về
    Mùa xuân mơ ước ấy, đang đến đầu tiên…”

    Nói về mùa xuân, với Văn Cao là một mùa xuân cực kỳ bình dị “ với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông”, là “một trưa nắng vui cho bao tâm hồn”. Một bức tranh thanh khiết, trong sáng, in đậm nét thiên nhiên của làng quê Việt Nam với những thanh âm quen thuộc, gần gũi.

    Mùa xuân đầu tiên ấy, với Văn Cao, bên cạnh niềm vui lớn của toàn dân tộc, là giọt nước mắt ấm áp ngày hội ngộ: “nước mắt trên vai anh, giọt sưởi ấm đôi vai anh”.

    Cũng mùa xuân ấy, nhạc sĩ Văn Cao và vợ là bà Nghiêm Thúy Băng đã vào miền Nam thăm lại bạn bè. Anh em nhạc sĩ trong đó tổ chức một đêm văn nghệ mừng hai vợ chồng nhạc sĩ và “Mùa xuân đầu tiên” cũng đã được hát lên.

    Nhưng phải đến gần hai mươi năm sau, khi nhạc sĩ Văn Cao đã mất thì “Mùa xuân đầu tiên” mới đến với công chúng một cách rộng rãi. Người ta đã chứng kiến sức lan tỏa mãnh liệt của ca khúc này, như thể không có gì có thể cưỡng lại được.

    Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha gọi cố nhạc sĩ Văn Cao là “trời cho”. Không chỉ riêng với “Tiến quân ca” là Quốc ca của nước Việt Nam, những sáng tạo âm nhạc của Văn Cao tuy không nhiều nhưng hầu hết đều nổi tiếng và được đón nhận nồng nhiệt, khẳng định giá trị qua nhiều thời gian.

    Từ ca khúc đầu tiên “Buồn tàn thu” Văn Cao sáng tác năm 1939, rồi lần lượt cho ra đời: Cung đàn xưa (1940), Thiên Thai (1941), Bến xuân (1942), Suối mơ (1943), Tiến quân ca (1944), Đàn chim Việt (chuyển từ Bến xuân- năm 1946), Làng tôi (1947), Trường ca sông Lô (1947), Tiến về Hà Nội (1948)… đã khẳng định tài năng thiên phú của Văn Cao.

    Năm 1975, khi đất nước được giải phóng, nhạc sĩ của Quốc ca Việt Nam tự nhận thấy rằng ông phải có trách nhiệm viết một cái gì đó để “khép lại” cuộc chiến đấu đã kéo dài trong nhiều năm của dân tộc.

    “Bằng cảm hứng khép lại như thế, và cũng phải có tầm cỡ như vậy nên “Mùa xuân đầu tiên” đã được Văn Cao sáng tác mang cảm hứng của nhân loại”, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha nhận định (Nhạc sĩ, nhà thơ Nguyễn Thụy Kha cùng quê với tác giả của Quốc ca; nhiều năm gắn bó thân thiết, nghiên cứu rất kỹ về cuộc đời và sự nghiệp của “bậc tài danh thế kỷ” Văn Cao. Năm 2017, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha ra mắt bộ sách “Những tài năng âm nhạc Việt Nam” – Nhà xuất bản Văn học, trong đó có tập sách về nhạc sĩ Văn Cao- PV).

    Một điều rất đặc biệt là ca khúc này ngay sau khi ra đời đã được in trên báo Sài Gòn Giải Phóng số Xuân Bính Thìn. Nhà xuất bản Âm nhạc Matxcơva cũng dịch ra tiếng Nga và in ngay. Tuy nhiên, “Mùa xuân đầu tiên” lại có một đời sống rất “chuân chuyên” trong số các tác phẩm của Văn Cao. Phải mất rất nhiều năm sau đó ca khúc này mới đến được với công chúng một cách rộng rãi và ngày càng lan tỏa mãnh liệt.

    Nguồn: https://baotintuc.vn/long-form/emagazine/nhac-si-van-cao-voi-tuyet-pham-mua-xuan-dau-tien-20180214231048858.htm