10 phong tục tiêu biểu đón tết của người Nhật | Cẩm Nang Du Lịch

 

Người Nhật Bản không có phong tục đón tết âm lịch như hầu hết các nước châu Á, mà họ đón năm mới theo lịch dương vào ba ngày đầu tiên của tháng giêng, với nhiều nghi thức hết sức đặc biệt và mang phong cách riêng của một đất nước giàu truyền thống. Dưới đây xin giới thiệu với các bạn vài nét về Tết của người Nhật và tìm hiểu những hoạt động thú vị họ thường làm trong dịp này.

1. Treo mũ rơm (Shimekazari)

shimekazari

Được trang trí ở cửa vào khi năm mới tới và có ý nghĩa đuổi tà ma quỷ dữ. Những sợi dây thừng đạo Shinto được treo biểu thị địa điểm thanh khiết để nghênh đón các vị thần. Những chiếc mũ rơm được đính kèm những vật may mắn như cam đắng, dương xỉ, tôm hùm . Mỗi vật trang trí đó đều có ý nghĩa riêng ví dụ như cam đắng biểu thị sự phồn vinh của thế hệ con cháu. Khi năm mới kết thúc thì những vật trang trí này sẽ được đem đến đền thờ Thần đạo để hóa.

2. Đặt Kadomatsu ở cạnh cửa

kadomatsu

Kadomatsu là 3 ống tre tươi vát chéo cùng một vài cành thông. Số đoạn trên cành thông phải lẻ chứ không được chẵn bởi theo quan niệm xa xưa thì hạnh phúc không thể chia được và cứ mãi mãi được duy trì, chỉ có nỗi bất hạnh mới chia được để chấm dứt. Kadomatsu là đại diện cho điều ước trường thọ và sức khỏe tốt. Do ngày càng có nhiều người sống trong căn hộ, thấy khó thấy những căn nhà treo kadomatsu ngày nay. Tuy nhiên, những khách sạn, cửa hàng bách hóa và công ty vẫn đặt kadomatsu trước cổng, do đó nhiều thành phố vẫn còn giữ nét ngày hội năm mới.

3. Thiếp chúc mừng năm mới (Nengajo)

Ở Nhật Bản từ lâu đã có thông lệ gửi thiệp chúc Tết vào dịp cuối năm. Và sang năm mới, mỗi gia đình đều nhận được thiệp chúc tết, họ vừa thưởng thức món ăn ngày Tết, vừa chuyền tay nhau đọc thiệp chúc mừng tết. Đọc lời chúc mừng của người thân, bạn bè, đồng nghiệp là một trong những thú vui ngày Tết đối với hầu hết người Nhật.

nengajo

Thiệp mừng Nengajo có rất nhiều loại. Nhiều người thích tự làm tay, viết những lời chúc bằng bút lông và vẽ những hình lấy chủ đề từ con giáp của năm đó. Có người thì thuê hiệu in ấn làm các tấm thiệp theo sở thích của mình. Ngoài ra, ngày nay nhiều người vẽ thiệp bằng máy vi tính cá nhân. Đương nhiên, các công ty, nhà hàng, cửa hiệu cũng gửi nhiều thiệp chúc Tết cho khách hàng.

4. Cúng các vị thần bánh nếp hình tròn (Kagamimochi)

banh-kagami-mochi

Kagamimochi là một cặp bánh hình tròn một to một nhỏ cỡ 10-20 cm được xếp chồng lên nhau. Vào dịp tết chúng được bày ở hốc tường (chỗ tường thụt vào để đặt giường) để cúng các vị thần của đạo Shinto và đạo Phật. Ở Nhật Bản người ta có niềm tin lâu đời rằng những vị thần tôn kính như thần năm mới Toshikami sẽ đến nhà và bánh Kagamimochi được làm là để dâng thần. Tuy nhiên gần đây rất ít người nhận thức điều đó mà chỉ đơn giản coi đó như vật trang trí vào ngày tết mà thôi.

5. Món ăn Osechi (Osechi ryori)

Osechi-ryori có khoảng vài chục món ăn làm theo thực đơn ngày Tết rất cầu kỳ bày trong một cái hộp nhiều tầng gọi là jubako (hiện nay có khoảng 3 tầng hoặc 5 tầng). Điểm đặc biệt của bữa tiệc này là cách sắp xếp các món ăn hầu như không có sự thay đổi qua nhiều thế kỷ. Về cơ bản, thức ăn trong mỗi hộp sẽ được sắp xếp theo quy tắc: hộp đầu tiên là các món hầm và luộc khai vị cùng cá, hộp thứ hai gồm món ăn nhẹ hoặc hơi có vị chua và hộp cuối cùng là các món ăn chính, món hầm nước hoặc kho. Vị của các món Osechi khá đặc biệt vì đủ cả vị mặn, ngọt và được bảo quản trong tủ lạnh để dùng trong ba ngày Tết.

Osechiryori

Đặc biệt hơn nữa mỗi nguyên liệu để làm nên món Osechi-Ryori đều mang một ý nghĩa riêng hàm chứa lời cầu chúc năm mới như cá tráp (tiếng Nhật đọc là Tai) mang ý nghĩa hạnh phúc, vui vẻ (medetai) , trứng cá trích (kazu no ko) diễn tả “ hậu duệ phồn vinh” và tảo biển cuốn (Konbumaki), diễn tả hạnh phúc (Yorokobu).

6. Ăn súp năm mới (Zoni)

banh-kagami-mochi2

Zōni (雑煮) hiểu theo nghĩa đen là nhiều nguyên liệu được nấu chung với nhau. Mỗi gia đình có một cách chế biến riêng, tạo nên một hương vị đặc biệt không thể trộn lẫn. Nhưng tất cả đều có một nguyên liệu chung không gì thay thế được là mochi. Có thể nói, mochi chính là cái hồn của món ăn này. Zoni là món súp gồm có mochi (bánh nếp) và rau. Nó là món không thể thiếu vào ngày tết. Ở vùng Kanto (Đông Nhật Bản), người ta thường làm món Zoni với Mochi hình vuông trong khi ở vùng Kansai (Tây Nhật Bản) người ta lại làm Mochi hình tròn. Đặc trưng của Zoni là sử dụng các sản vật nổi tiếng của địa phương, khu vực đó.

7. Món mì năm mới (Toshikoshi soba)

Toshikoshisoba

Phong tục ăn món này vào đêm giao thừa bắt đầu lan rộng vào thời E-do. Nguồn gốc của phong tục này là khi một người thợ kim hoàn vào thời điểm quét dọn nhà cửa đón năm mới đã thu thập các mạt vàng rơi vãi xung quanh nơi ông ta làm việc với bột bánh soba, sau đó đốt cháy soba trong lò than và thu lại các vụn vàng. Bởi vậy người ta cho rằng soba có thể thu thập được tiền và dần hình thành tập tục ăn Soba vào đêm giao thừa. Tuy nhiên ngày nay bởi vì soba dài và mảnh vì vậy người ta còn quan niệm nó có ý nghĩa trường thọ.

8. Mở bánh Kagamimochi (Kagamibiraki)

kagamibiraki

Là sự kiện được diễn ra khi chiếc bánh Kagamimochi được dỡ xuống từ bệ thờ để ăn vào ngày 11 tháng giêng. Ban đầu thì sự kiện này diễn ra vào ngày 20 nhưng với cái chết của Shogun đời thứ ba tên là Iemitsu trong chế độ Mạc phủ trúng vào ngày 20 (cho dù đó là ngày 20 tháng 4 năm 1651) nên người Nhật đã đổi sang ngày 11. Đến ngày 11 thì bánh đã trở nên giòn và cứng nhưng bởi đó là vật may mắn nên người ta tránh cắt nó bằng vật sắc nhọn mà dùng tay hoặc búa để chia. Nó được gọi là Kagami biraki với nghĩa đen là “ mở tấm gương” .

9. Giấc mơ đầu năm mới (Hatsuyume)

Hatsuyume

Chỉ giấc mơ đầu tiên của năm tính từ đêm giao thừa tới sáng ngày mùng hai. Nếu nó là một giấc mơ lành thì nó báo hiệu một năm mới nhiều may mắn. Những giấc mơ tốt lành nhất theo thứ tự là “ núi Phú Sĩ, chim ưng, quả cà”. Để có được giấc mơ tốt lành đầu năm thì một bức tranh vẽ bảy vị phúc thần trên chiếc thuyền chở đầy châu báu được đặt dưới gối hoặc một bức tranh vẽ baku(một loại động vật tưởng tượng ăn giấc mơ) được đặt ở đó để nó ăn những giấc mơ xấu. Tuy nhiên phong tục này bây giờ hầu như không còn nữa.

10. Lì xì cho trẻ thơ (Otoshi-dama)

Otoshi-dama

Số tiền đưa cho lũ trẻ ấy gọi là “Otoshi-dama”. Số tiền thông thường là 1đến 2 ngàn yên cho những trẻ nhỏ (chưa vào tiểu học), 3- 5ngàn yên cho học sinh tiểu học, 5 ngàn yên cho học sinh trung học sơ cở, 5 ngàn đến 1 vạn yên cho học sinh trung học phổ thông và 1 vạn yên cho sinh viên đại học. Những đứa trẻ có quan hệ gần gũi và học lớp cao hơn thì nhận được số tiền lớn hơn. Số tiền cho trẻ thường phải nằm trong các con số: 1, 2, 3, 5 và 10 ví dụ như: 1000, 2000, 3000, 5000,10.000 yên . Những chiếc phong bì đặc biệt dùng để mừng tuổi được bán tại các siêu thị.

Do ý nghĩa lịch sử ẩn đằng sau phong tục này, “Otoshidama” thường là người trên ban cho người dưới. Theo cách nghĩ đó thì dường như nó có vẻ là bất lịch sự nếu như ai đó tặng “Otoshidama” cho con cái của người trên. Một số người thì tặng lũ trẻ những món quà khác như vé vào thư viện, nhưng hiện tại thì hầu hết mọi người vẫn giữ phong tục này.