10 năm thực hiện Luật Khoáng sản – những đóng góp cho nền kinh tế: Thúc đẩy phát triển bền vững công nghiệp khai khoáng
Ông Lại Hồng Thanh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam.
PV: Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Luật Khoáng sản 2010 đã thực sự tạo ra sự chuyển biến từ nhận thức đến hành động trong quá trình phát triển trong hơn 10 năm qua. Xin ông cho biết, Tổng cục đã triển khai thực hiện Luật Khoáng sản năm 2010 như thế nào?
Ông Lại Hồng Thanh:
Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được ban hành tại thời điểm Luật Khoáng sản 2010 vừa mới ban hành, chưa có hiệu lực. Ngay sau khi Luật Khoáng sản ban hành, Tổng cục đã xây dựng Kế hoạch xây dựng văn bản hướng dẫn và quy định chi tiết thi hành Luật; lập Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản để thể chế hóa các quan điểm, chính sách của Nghị quyết 02. Sau 10 năm thực hiện Luật Khoáng sản năm 2010, đến nay đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Hệ thống văn bản pháp luật về khoáng sản cơ bản được hoàn thiện với 1 Nghị quyết của Quốc hội, 10 Nghị định của Chính phủ, 7 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và khoảng 50 Thông tư hướng dẫn do Tổng cục chủ trì xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành là cơ sở pháp lý quan trọng để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về khoáng sản và công nghiệp khai khoáng phát triển theo hướng bền vững.
Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về khoáng sản được thực hiện thường xuyên, đa dạng về đối tượng, phong phú về hình thức đã tạo nên sự chuyển biến nhận thức về vai trò của tài nguyên khoáng sản, của ngành công nghiệp khai khoáng trong các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp, cộng đồng và người dân nơi có khoáng sản được khai thác.
Công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản đã phát hiện thêm nhiều vùng, điểm mỏ có triển vọng, trong đó, một số loại khoáng sản quan trọng, chiến lược như: titan, bauxit, đất hiếm, cát trắng… đã được đánh giá; một số khoáng sản có quy mô lớn như: than nâu đồng bằng sông Hồng, quặng urani ở Quảng Nam, quặng bô xít ở Tây Nguyên, quặng titan sa khoáng ven biển từ Ninh Thuận đến Bắc Bà Rịa – Vũng Tàu… góp phần gia tăng tài nguyên, trữ lượng khoáng sản để dự trữ quốc gia; phục vụ quy hoạch thăm dò, khai thác cho ngành công nghiệp khai khoáng. Ngoài ra, kết quả của công tác này còn được sử dụng trong nhiều ngành kinh tế khác như: Xây dựng, Công Thương, Thủy lợi, Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khí tượng thủy văn, Quốc phòng, Du lịch…
Công tác cấp phép hoạt động khoáng sản tuân thủ quy định của pháp luật về khoáng sản và ngày càng chặt chẽ, khai thác gắn với địa chỉ sử dụng, chế biến khoáng sản, bảo vệ môi trường, cảnh quan du lịch, bảo tồn thiên nhiên, di sản địa chất và quốc phòng – an ninh.
Công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động khoáng sản theo mô hình “thanh tra khu vực” đạt hiệu quả đáng kể. Nhờ đó, số doanh nghiệp vi phạm pháp luật về khoáng sản đã giảm; ý thức chấp hành pháp luật của tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản được nâng cao, nhất là trong công tác thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản; việc thực hiện trách nhiệm xã hội với địa phương và người dân nơi có khoáng sản khai thác.
PV: Có thể thấy, việc triển khai Luật Khoáng sản năm 2010 đã mang lại một số kết quả đáng ghi nhận. Vậy những kết quả này được thể hiện như thế nào trong việc góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, thưa ông?
Ông Lại Hồng Thanh:
Điểm nhấn của Luật Khoáng sản năm 2010 là chính sách tài chính về khoáng sản. Trong đó, những vấn đề kinh tế đã được đề ra cụ thể, tạo sự chuyển biến tích cực cả về nhận thức và thực thi trong cơ chế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa.
Thực hiện Luật Khoáng sản năm 2010, lần đầu tiên quy định về tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được triển khai từ năm 2014. Đến hết năm 2020, tổng số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đã phê duyệt khoảng trên 52.000 tỷ đồng, trong đó, thuộc thẩm quyền cấp phép của Trung ương là trên 37.000 tỷ đồng; thuộc thẩm quyền cấp phép của địa phương khoảng 15.00 tỷ đồng.
Theo đó, đã thu vào ngân sách Nhà nước gần 29.659 tỷ đồng, trung bình hàng năm ngân sách Nhà nước thu từ 4.300 – 4.500 tỷ đồng từ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Cùng với quy định về thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, từ năm 2012 đến nay Tổng cục đã thống kê và trình Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt để thu tiền sử dụng số liệu thông tin kết quả điều tra, thăm dò khoáng sản phải hoàn trả do Nhà nước đã đầu tư đối với các mỏ đang khai thác, tổng số tiền thu được trên 2.500 tỷ đồng.
Việc triển khai Luật Khoáng sản năm 2010 đã mang lại một số kết quả đáng ghi nhận
Công tác cấp phép thông qua hình thức đấu giá quyền khai thác khoáng sản được đẩy mạnh từ năm 2015 đến nay. Theo đó, đến hết 2020, có khoảng 830 khu vực mỏ khoáng sản đã được phê duyệt Kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Trong đó, đã tổ chức đấu giá thành công 384 khu vực khoáng sản giá trúng đấu giá tăng từ 20 – 135% so với giá khởi điểm, góp phần đưa các chính sách mới về tài chính trong hoạt động khoáng sản đi vào cuộc sống, đáp ứng cơ bản nhu cầu nguyên liệu khoáng cho các ngành kinh tế để phát triển kinh tế – xã hội đất nước.
PV: Theo ông, việc thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và thu tiền sử dụng số liệu thông tin về kết quả điều tra, thăm dò khoáng sản phải hoàn trả do Nhà nước đã đầu tư trong thời gian qua có ý nghĩa như thế nào trong việc quản lý hiệu quả tài nguyên khoáng sản?
Ông Lại Hồng Thanh:
Việc thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và thu tiền sử dụng số liệu thông tin về kết quả điều tra, thăm dò khoáng sản phải hoàn trả do Nhà nước đã đầu tư đã nâng cao hiệu quả của khai thác khoáng sản, nâng cao trách nhiệm, nghĩa vụ của doanh nghiệp khai thác khoáng sản đối với Nhà nước và địa phương có khoáng sản được khai thác; tăng cường ý thức khai thác tối đa, sử dụng hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên khoáng sản.
Bên cạnh đó, đã khắc phục được cơ bản tình trạng “đầu cơ mỏ khoáng sản” như trước đây, hạn chế tình trạng các doanh nghiệp khai thác nhỏ lẻ, manh mún, thiếu năng lực tài chính, tổ chức các hoạt động khai thác, đầu tư kém hiệu quả; góp phần nâng cao chất lượng, năng suất trong khai thác, sử dụng nguồn vật lực của đất nước.
Công tác cấp phép thông qua đấu giá quyền khai thác khoáng sản đã được đẩy mạnh triển khai đồng bộ cả ở Trung ương và địa phương. Kết quả qua các cuộc đấu giá, mức giá trúng đấu giá đều tăng từ 1,5 – 2,3 lần mức giá khởi điểm. Đấu giá quyền khai thác khoáng sản là bước tiến quan trọng trong nhận thức và triển khai các quy định của pháp luật về khoáng sản, tạo sự công khai, minh bạch trong cấp phép hoạt động khoáng sản để doanh nghiệp có năng lực về vốn, công nghệ, thiết bị đầu tư vào lĩnh vực khoáng sản và bước đầu tiếp cận với cơ chế thị trường trong hoạt động khoáng sản.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!