10 năm cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học

Cuộc thi khoa học kỹ thuật do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức trong suốt 10 năm qua đã thu hút đông đảo các đối tượng học sinh trung học trên cả nước.

Cuộc thi được tổ chức nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục trong tình hình mới, kích thích sự sáng tạo trong môi trường học đường; khuyến khích học sinh trung học nghiên cứu khoa học; sáng tạo kỹ thuật, công nghệ và vận dụng kiến thức của các môn học vào giải quyết những vấn đề thực tiễn; góp phần đổi mới hình thức tổ chức dạy học gắn với phát triển văn hóa đọc; thúc đẩy giáo viên tự bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ; nâng cao chất lượng dạy học trong các cơ sở giáo dục trung học; khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, cơ sở nghiên cứu, các tổ chức và cá nhân hỗ trợ hoạt động nghiên cứu nghiên cứu khoa học của học sinh trung học.

Trong suốt 10 năm triển khai cuộc thi, các dự án nghiên cứu tham gia thi khoa học kỹ thuật tập trung vào các lĩnh vực do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định, như: Khoa học động vật, Khoa học xã hội và hành vi, Hóa Sinh, Y Sinh và khoa học Sức khỏe, Kỹ thuật Y Sinh, Sinh học tế bào và phân tử, Hóa học, Sinh học trên máy tính và Sinh -Tin, Khoa học Trái đất và Môi trường, Hệ thống nhúng, Năng lượng: Hóa học, Năng lượng: Vật lí, Kỹ thuật cơ khí, Kỹ thuật môi trường, Khoa học vật liệu, Toán học, Vi Sinh, Vật lí và Thiên văn, Khoa học Thực vật, Rô bốt và máy thông minh, Phần mềm hệ thống, Y học chuyển dịch.


Đoàn Bắc Giang tham gia Cuộc thi cấp Quốc gia tại Huế

Với Giáo dục Bắc Giang, đây cũng là năm thứ 10 mà ngành tham gia cuộc thi. Xác định hoạt động nghiên cứu khoa học và Cuộc thi khoa học kỹ thuật là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, là hoạt động thường xuyên đối với các cơ sở giáo dục trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo đã hướng dẫn các đơn vị chú trọng triển khai hoạt động nghiên cứu khoa học trong trường trung học, lập hồ sơ dự án đăng ký tham dự thi Cuộc thi hàng năm; chỉ đạo các đơn vị tổ chức các Cuộc thi từ cấp trường và cấp huyện, thành phố qua đó để lựa chọn những đề tài, dự án tham dự Cuộc thi cấp tỉnh.

Cuộc thi khoa học kỹ thuật các cấp được tổ chức hàng năm đã có sức lan tỏa lớn, không phân biệt vùng, miền với các điều kiện khác nhau. Đặc biệt, học sinh đã mạnh dạn vận dụng kiến thức, kỹ năng được học trong trường trung học để ứng dụng vào thực tiễn, khoa học kỹ thuật, tạo ra những sản phẩm khoa học phục vụ học tập và đời sống sản xuất. Đây là cuộc thi có ý nghĩa rất lớn đối với lứa tuổi học sinh, với nhà trường trung học; thu hút được sự quan tâm của đông đảo các bậc phụ huynh, các nhà khoa học tham gia giúp đỡ về khoa học kỹ thuật và tài chính, tạo động lực mạnh mẽ cho các em học sinh học tập, nghiên cứu, nuôi dưỡng và phát triển ước mơ, ý tưởng khoa học thành các sản phẩm hiện thực.

Các đề tài, dự án tham gia dự thi phong phú về thể loại với nhiều lĩnh vực khác nhau từ khoa học tự nhiên đến khoa học xã hội – hành vi. Qua nội dung của các đề tài, dự án cho thấy các em học sinh không chỉ quan tâm đến việc học mà còn quan tâm đến lao động, sản xuất, đến môi trường sống xung quanh.


Không gian trưng bày Cuộc thi cấp tỉnh

Trong 10 năm qua, Cuộc thi cấp tỉnh đã thu hút 336 dự án cấp trung học cơ sở với 118 lĩnh vực, 400 dự án cấp trung học phổ thông với 147 lĩnh vực. Đó có 524 dự án đạt giải cấp tỉnh trong đó có 237 dự án cấp trung học cơ sở. Sau khi tổ chức các Cuộc thi cấp tỉnh, ban tổ chức đã lựa chọn 38 dự án tham dự Cuộc thi cấp quốc gia. Kết quả đã có 28 dự án đạt giải, tỉ lệ 74%; liên tiếp trong 3 năm học từ năm học 2019-2020 đến năm học 2021-2022, 100% dự án của Bắc Giang được lựa chọn tham gia thi cấp quốc gia đều đoạt giải.


Dự án của học sinh Trường THPT Chuyên Bắc Giang đoạt giải Nhất toàn quốc

Những đơn vị có thành tích xuất sắc tham gia Cuộc thi phải kể đến như Trường THPT Ngô Sỹ Liên, THPT Chuyên Bắc Giang, THPT Giáp Hải, THPT Việt Yên số 1; Trường THCS Lê Quý Đôn, THCS Trần Phú – thành phố Bắc Giang,….

Có thể khẳng định, Cuộc thi đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông, thay đổi phương pháp và hình thức tổ chức dạy học, tạo tiền đề cho các nhà quản lý giáo dục thay đổi quan điểm giáo dục phù hợp với thời đại.

Đối với giáo viên: Việc phát hiện, định hướng trong hoạt động nghiên cứu khoa học của học sinh nhằm hướng đến các vấn đề của cuộc sống, kết nối kiến thức học được ở trường phổ thông với thực tế sinh động của thế giới tự nhiên và xã hội, rèn luyện kỹ năng vận dụng kiến thức tổng hợp để giải quyết các vấn đề thực tiễn đã thúc đẩy giáo viên thay đổi phương pháp, hình thức tổ chức hoạt động dạy học, kiểm tra đánh giá trong các nhà trường, qua đó phát huy phẩm chất, năng lực người học.

Đối với học sinh và các đơn vị, nhà trường: Hoạt động nghiên cứu khoa học kỹ thuật của các em học sinh đã góp phần tạo lập được mối liên hệ, đưa các nhà khoa học, các phòng thí nghiệm của trung tâm nghiên cứu về gần với các trường phổ thông, tạo điều kiện để các chuyên gia, nhà khoa học của các trường đại học, các trung tâm nghiên cứu gặp gỡ các em học sinh phổ thông, hướng dẫn các em tìm tòi, sáng tạo trong nghiên cứu khoa học và truyền lửa cho thế hệ sau, qua đó thực hiện một cách sinh động phương châm của giáo dục hiện đại, học đi đôi với hành, lý thuyết gắn liền với thực tiễn, kết hợp giáo dục nhà trường, giáo dục gia đình và giáo dục xã hội. Hoạt động này cũng góp phần tăng cường liên thông giữa giáo dục phổ thông với giáo dục đại học, góp phần hướng nghiệp, phân luồng cho học sinh phổ thông và là tiền đề để triển khai mô hình giáo dục STEM trong Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Cuộc thi giúp học sinh phát huy khả năng sáng tạo, tìm kiếm ý tưởng khoa học mới, những sáng kiến và giải pháp cụ thể, thiết thực. Các nghiên cứu đã giúp học sinh có những trải nghiệm thú vị, góp phần định hướng nghề nghiệp, phân luồng cho học sinh sau tốt nghiệp trung học.


Trong giai đoạn dịch bệnh căng thẳng, với phương châm “Khó khăn gấp đôi, nỗ lực gấp ba”, Cuộc thi đã được tổ chức thành công với hình thức trực tuyến

Tuy nhiên, sau nhiều năm tổ chức Cuộc thi, nhiều hạn chế cũng bộc lộ rõ như: công tác hướng dẫn học sinh nghiên cứu các dự án khoa học kỹ thuật còn gặp khó khăn; năng lực và quy trình hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học của một số nhà trường, giáo viên còn hạn chế, chưa tạo cơ hội để học sinh phát huy tính tích cực, tự lực, sáng tạo trong việc đề xuất và thực thi ý tưởng khoa học kỹ thuật. Thiếu kinh phí nghiên cứu, thực hiện dự án, thiếu trang thiết bị và môi trường nghiên cứu, ứng dụng, vận hành, thử nghiệm, hiệu chỉnh, kiểm định sản phẩm trước khi tham gia các cuộc thi cũng là những cản trở tham gia Cuộc thi.

Ngoài ra, những khó khăn trong tìm kiếm ý tưởng nghiên cứu, tìm tòi và tham khảo các tài liệu khoa học chuyên ngành, nhất là việc tìm và nghiên cứu các tài liệu bằng tiếng Anh; khả năng thu thập thông tin, tìm kiếm và xử lý số liệu khoa học; khả năng tương tác, phối hợp làm việc nhóm trong nghiên cứu khoa học của học sinh trung học nhất là học sinh cấp trung học cơ sở cũng là những hạn chế của Cuộc thi cần có những giải pháp khắc phục trong thời gian tới để nâng cao chất lượng tham gia Cuộc thi.

NVN