10 món ăn ngon nổi tiếng khi du lịch Cao Bằng
Khách du lịch khi đến với vùng núi Cao Bằng sẽ có dịp thưởng thức những đặc sản, món ăn ẩm thực mang đậm nét riêng của địa phương như: hạt dẻ Trùng Khánh, bánh cuốn, phở chua, lợn sữa quay…
Cao Bằng là mảnh đất cội nguồn cách mạng với những địa danh lịch sử, di tích văn hóa, danh lam thắng cảnh nổi tiếng như: Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó, Khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo, thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao… Đến với Cao Bằng, ngoài thưởng lãm các danh thắng, du khách còn được tham quan một số làng nghề truyền thống và thưởng thức những đặc sản của đồng bào dân tộc nơi đây.
Cao Bằng là mảnh đất cội nguồn cách mạng với những địa danh lịch sử, di tích văn hóa, danh lam thắng cảnh nổi tiếng như: Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó, Khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo, thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao… Đến với Cao Bằng, ngoài thưởng lãm các danh thắng, du khách còn được tham quan một số làng nghề truyền thống và thưởng thức những đặc sản của đồng bào dân tộc nơi đây.
Nội Dung Chính
1. Vịt quay 7 vị Cao Bằng
Tỉnh Cao Bằng nước ta cũng có một món vịt quay mà khi ăn ai cũng phải tấm tắc đó là món vịt quay 7 vị. Gọi là món vịt quay 7 vị vì người Cao Bằng dùng đến 7 loại gia vị khác nhau để ướp món thịt vịt này.
Quan trọng nhất là khâu ướp vịt. Mắm, muối hoà lẫn trong nước 7 vị (7 vị đó có lẽ là bí quyết riêng của người Tày sống ở miền đông tỉnh Cao Bằng, bởi chỉ cần đi sang miền Tây, món vịt đã không còn mang cái vị lạ hấp dẫn ấy nữa) rút từ từ vào bụng vịt để gia vị ngấm sâu vào từng thớ thịt. Một chiếc lạt tre dẻo, chẻ mỏng và chuốt nhọn đầu dựng làm kim, khâu bụng vịt, giữ cho nước không chảy ra ngoài.
Vịt được thổi phồng và chần qua nước sôi một lần nữa, sau đó rưới mật ong và quét dấm lên khắp thân. Cách làm này khiến cho thịt vịt vừa mềm, vừa có vị đậm của mật ngọt, lại không bị khô da khi nướng trên than hồng.
2. Bánh khảo
Bánh khảo là một trong những đặc sản nổi tiếng của Cao Bằng được nhiều người ưa chuộng. Nguyên liệu làm bánh là loại gạo nếp ngon, thơm, hạt tròn mẩy đều. Đường dùng làm bánh khảo thường là đường kính hoặc đường phên. Nhân bánh có vị bùi của lạc, vừng, vị béo ngậy của mỡ lợn. Khi ăn ta cảm nhận được vị ngọt thanh của đường, vị thơm của bột nếp rất đậm đà. Bánh được gói thành từng phong hình chữ nhật; tại các cửa hàng bánh được đóng thành chục gồm 10 phong có in tên các cơ sở sản xuất, ngày sử dụng. Bánh khảo để được cả tháng không mốc, không ỉu.
Làm bánh khảo đòi hỏi phải khéo léo và tỉ mẩn. Bánh khảo thì ai có dụng cụ cũng có thể “làm được”, nhưng muốn “ăn ngon” thì thật là kiệt tác. Người làm bánh khảo khéo chính là người nghệ nhân. Làm bánh khảo cũng thật vui, vì lúc đó các thế hệ trong gia đình đều tham gia cả – người già làm việc nhẹ nhàng, thanh niên thì xông xáo những việc nặng hơn, hàng xóm cũng xúm tay lại giúp, mọi người cùng vui vẻ làm việc hăng say khi không khí Tết đang lại gần.
3. Bánh trứng kiến
Cứ vào khoảng tháng 4, tháng 5 hằng năm, bà con dân tộc Tày tỉnh Cao Bằng lại cùng nhau vào rừng tìm trứng kiến đen về làm bánh Trứng kiến. Bánh Trứng kiến (tiếng Tày gọi là pẻng rày) được làm từ bột nếp, trứng kiến cùng lá non của cây vả. Trứng kiến đen ở rừng Cao Bằng rất mẩy, béo và có hàm lượng đạm cao.
Làm được món pẻng rày phải vào rừng kiếm trứng kiến. Nhưng không phải loại kiến nào cũng có thể lấy trứng để ăn được. Chỉ lấy trứng của loại kiến đen mà người Tày thường gọi là tua rày có thân nhỏ, đuôi nhọn. Loại kiến này đi lại khá nhanh và thường làm tổ trên cây vầu. Tổ của chúng màu đen, hình tròn hoặc hình bầu dục được làm từ lá cây mục và kết chặt vào những cành cây. Một tổ kiến to có thể lấy được vài ba chén trứng.
Gạo nếp có pha một ít gạo tẻ để bột đỡ dẻo. Xay bột thật mịn, thêm nước vừa phải đảo nhuyễn với độ mềm vừa phải. Lá vả rửa sạch, bỏ phần gân lá ở mặt dưới rồi trải bột lên đó với độ dày vừa phải, chú ý không trải ra hết mép lá để khi hấp chỗ lá đó xoăn lại thành mép bột không tràn ra ngoài. Trứng kiến đem phi mỡ lợn cho thơm, cho thêm ít lá hẹ rồi rắc lên lớp bột và gập đôi chiến lá lại kế đó đem vào khay hấp. Khi bánh chín đem ra để nguội rồi dùng kéo cắt ra từng miếng vuông vừa phải. Bánh trứng kiến ăn dẻo, thơm mùi lá vả, béo và ngậy mùi trứng kiến.
4. Bánh chè lam
Vùng đất Cao Bằng, bên cạnh những loại bánh ngon, lạ miệng, không thể không nói đến món bánh chè lam – loại bánh cổ truyền của người dân nơi đây. Bánh làm bằng bột nếp rang, lạc rang, gừng và mạch nha. Khi thưởng thức cảm nhận được độ dính của mật, độ mịn, vị dẻo dai của bột nếp, vị ngọt ngào của mật, một chút cay của gừng, một chút bùi bùi của lạc, tất cả đem đến cho chiếc bánh một hương vị thơm ngon, khó quên. Khi thưởng thức bánh chè lam cùng với trà nóng, du khách sẽ nhớ về non nước Cao Bằng xinh đẹp. Sản phẩm có bán tại nhiều cửa hàng ở chợ Xanh.
5. Rau dạ hiến
Dạ hiến (hay còn gọi là rau bồ khai), tiếng Tày – Nùng gọi là Phjắc diển, thường mọc hoang ở vùng núi đá Cao Bằng. Ðây là loại cây thân dây rất giòn, bẻ dễ gãy. Thân được chia làm nhiều nhánh to bằng đầu đũa và những nhánh này bò, bám theo các cây thân gỗ gần đấy để vươn lên cao nhận ánh nắng mặt trời. Dù là thứ rau dại, mọc hoang nhưng không phải chỗ nào cũng có. Vì thế, khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 7 âm lịch, ai vào rừng hái được một, hai nắm rau dạ hiến là cảm thấy rất quý.
Thứ rau này chỉ cần rửa sạch, ngắt như ngắt rau muống là đem xào. Cách xào cũng gần như xào rau muống, nghĩa là mỡ càng già càng tốt và chỉ cần đảo qua vài lượt cho rau vừa chín tới (xào tái là ngon nhất). Chỉ nhai vài miếng ta đã thấy ngay cái vị hấp dẫn của thứ rau này, vì nó vừa có vị béo ngậy, vừa thơm. Khi ăn, ta cảm thấy như bao nhiêu tinh tuý của rau rừng mùa xuân đều tập trung ở thứ rau này. Nếu như ai đã ăn quen, lâu ngày xa quê, rồi bỗng trở về và được ăn rau Dạ hiến thì sẽ có cảm giác như mình vừa được thưởng thức “sơn hào hải vị”. Nhiều cụ lang cho rằng, Dạ hiến không chỉ đơn thuần là một thứ rau rừng có vị ngon hấp dẫn một cách kỳ lạ mà còn là một vị thuốc bổ thận, mạnh gân cốt. Ðặc biệt, rễ cây rau Dạ hiến đỏ còn là một trong nhiều vị thuốc chữa chứng vô sinh.
6. Miến dong Phia Đén
Cao Bằng nổi tiếng có sản phẩm miến dong Phia Đén được làm từ bột dong riềng nguyên chất, ngon và là đặc sản nổi tiếng của Nguyên Bình. Miến ở Nguyên Bình không biết có từ bao giờ, nhưng vào khoảng những năm 80 của thế kỷ trước nghề làm miến phát triển mạnh, nhiều gia đình từ làm nông chuyển sang làm miến.
Do điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu ưu đãi, cây dong riềng trồng trên đất Nguyên Bình (ở độ cao 900 – 1.200m so với mực nước biển) có chất lượng cao, hơn hẳn các nơi khác. Kết hợp với sự khéo léo và kinh nghiệm của những người làm, tạo nên những sợi miến bóng đẹp, dai, giòn, có hương thơm đặc trưng của bột dong riềng mà không hề sử dụng hóa chất. Miến dong Nguyên Bình sợi dai, sau khi nấu để lâu không bị bở, không nát, được người tiêu dùng ưa chuộng, giá bán từ 60 – 70 nghìn đồng/kg. Sản phẩm có bán tại các quầy hàng khô ở chợ Xanh (Thành phố).
7. Lạp sườn
Hương vị lạp sườn Cao Bằng có vị ngon đậm đà của thịt nạc vai ướp các loại gia vị, vị chua chua, thơm ngậy của thịt hun khói và lá, quả mác mật, thêm một chút vị thơm của củ gừng núi, dai dai của vỏ lòng non bào mỏng và đặc biệt là không dùng chất bảo quản. Khi sấy khô đến độ phù hợp, lạp sườn được đóng gói bao bì, hút chân không, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và thời gian sử dụng lên tới 6 tháng kể từ ngày sản xuất (bảo quản ngăn đá tủ lạnh).
Lạp sườn Cao Bằng chế biến bằng cách rán vàng đều, nướng trên than hoa rồi thái lát mỏng chấm tương ớt, ăn kèm với rau thơm, dưa chuột hoặc hấp vài phút cho mềm rồi xào cùng ngồng tỏi tươi… Lạp sườn có thể ăn với xôi trắng, dùng như món mặn trong bữa cơm hằng ngày, có thể làm quà tặng, biếu giản dị mà độc đáo.
8. Hạt dẻ Trùng Khánh
Khi nói về các sản vật quý của Cao Bằng ai cũng nhớ đến Hạt dẻ Trùng Khánh, đó là thứ quả ở Việt Nam duy nhất chỉ có ở Cao Bằng. Du khách nhớ đến hạt dẻ vì nó là loại quả có hương vị thơm ngon nhất; bùi ngậy nhất, dù bạn chế biến luộc, rang, sấy hoặc ninh với chân giò, thịt gà, hạt dẻ vẫn gũi được hương vị.
Quả có màu nâu đều, tròn trịa, hạt nhỏ nhất cũng bằng ngón chân cái. Tuy vậy, do đồng bào Tày, Nùng trồng theo lối quảng canh nên sản lượng không đáng kể. Ngay tại thị xã này ai có “cơ may” mới mua được đúng hạt dẻ Trùng Khánh, mà phải vào tháng Chín, tháng Mười hàng năm vì đây là mùa thu hoạch.
9. Xôi trám Cao Bằng
Khi tiết trời sang thu, bà con các dân tộc Tày, Nùng ở vùng đông bắc lên rừng hái trám. Mùa thu, vào các bản làng của đồng bào sẽ có dịp được thưởng thức món xôi trám (khẩu nua mác bây).
Vào tháng tám, tháng chín âm lịch, người dân lên rừng hái quả. Trám nấu xôi chọn quả chín mọng, không bị sâu, hái về ngâm vào nước ấm khoảng 25 đến 30 độ C một lúc cho mềm (nước nóng hơn trám sẽ không mềm). Trám om rồi đem bóc vỏ đen, lấy phần thịt bỏ hột, rồi trộn với xôi đã đồ chín đảo thật đều, nhuyễn, xôi có mầu hồng tím là được.
10. Bánh áp chao
Mùa đông ở Cao Bằng có một món ăn rất đặc biệt, món ăn làm xua tan đi nhanh chóng cơn giá lạnh miền núi. Đó là món ăn thoạt nhìn thì giống bánh rán, nhưng không phải là bánh rán, người Cao Bằng gọi đó là áp chao.
Món ăn được nhiều người Cao Bằng rất mê, và rất nhớ khi đi xa vì cái sự đơn giản nhưng ngon khó diễn tả. Chỉ cần một hũ bột, nêm gia vị đơn giản, với một chảo dầu đầy, nóng, lấy khuôn đong từng đọt bột, nhúng vào chảo dầu sôi lên, ăn nóng kèm với một số phụ gia, rau thơm.
Những ngày mùa đông đến với Cao Bằng, ở thị xã, bạn có thể tấp vào một quán lề đường, ngồi sưởi ấm giá rét bằng một chầu áp chao, thật khó quên.