10 lý do KHÔNG NÊN trở thành Kiến trúc sư – Tạp chí Kiến Trúc
Kiến trúc là một nghề gian nan. Đây chắc chắn không phải là nghề phù hợp với tất cả mọi người hay chính xác hơn là không phải phù hợp với tất cả những người nghĩ mình nên trở thành Kiến trúc sư.
Ở bài trước, KTS Michael Riscia đã đưa ra 10 lý do nên trở thành Kiến trúc sư. Trong bài viết này, Tạp chí Kiến trúc – tckt.vn giới thiệu tới độc giả bài viết “10 lý do không nên trở thành Kiến trúc sư” của đồng tác giả để bạn có thêm những góc nhìn đa chiều:
Nội Dung Chính
1. Luôn tiêu cực
“Ly nước chỉ đầy 1 nửa” là điều mà nghề kiến trúc sẽ dạy bạn. Luôn luôn có nhiều hơn những điều bạn có thể làm hay những cách để làm tốt hơn. Còn đồ án của bạn sẽ không bao giờ là hoàn hảo. Nhiều người đã dồn hết tâm huyết vào một đồ án nhưng cuối cùng lại phải trải qua quãng thời gian mệt mỏi bởi những lời chỉ trích.
Một trong những giải pháp cho việc này là học cách tách riêng “Công việc”. Bởi lẽ công việc cũng có “cuộc sống riêng” của nó. Sự thật là “Công việc” mới là đối tượng đang chịu những lời chỉ trích, chứ không phải cá nhân bạn. Tuy đơn giản như vậy nhưng lại có rất nhiều sinh viên chẳng thể vượt qua năm thứ nhất chỉ vì điều này.
2. Quá phấn khích về việc thể hiện mình là Kiến trúc sư
Nhờ nhà tiểu thuyết Ayn Rand, nhiều người (không phải giới nghề) đã có một sự “thần tượng hoá” đối với hình ảnh của Kiến trúc sư. Vì vậy, khi bạn nói mình là Kiến trúc sư có thể sẽ rất “oai” trong một một số tình huống mới gặp, hay chỉ trong chốc lát. Nhưng nếu điều này trở nên quá quan trọng với bạn, thì có lẽ bạn nên cân nhắc về việc trở thành KTS.
Những người thành công trong nghề này quan tâm nhiều hơn đến công việc và sẽ được công nhận bởi những gì họ làm. Giấc mơ trở thành Kiến trúc sư chỉ nên theo đuổi khi bạn thật sự đam mê với nghề nghiệp và làm việc.
3. Vấn đề về tiền bạc?
Có một sự khác biệt rất lớn khi so sánh lợi nhuận của nghề kiến trúc với các nghề khác. Khi mới vào nghề không những phải nhận mức lương thấp mà còn đòi hỏi cường độ làm việc cao.
Nhiều kiến trúc sư không nhận được mức lương xứng đáng cho đến khi họ trở thành đối tượng có kinh nghiệm hay có chứng chỉ hành nghề. Trong khi, điều này thường mất 5 đến 10 năm sau khi tốt nghiệp.
Tôi đã chứng kiến nhiều người thuộc ngành nghề khác nhận được số lương gấp đôi của một KTS mặc dù thời gian làm việc, học tập ít hơn. Có lẽ, trở thành Kiến trúc sư chỉ đơn giản là một cách sống khác.
Là một kiến trúc sư nghèo cũng là điều đáng để suy nghĩ. Không phải mọi KTS đều có trách nhiệm thay đổi điều này nhưng lại có rất nhiều cách để vượt qua nó. Điển hình như biến điều này thành thách thức cho một nhiệm vụ thiết kế to lớn của bản thân. Bắt đầu nghiên cứu về kinh doanh, và học cách để cung cấp các dịch vụ kiến trúc.
4. Không thật sự thiết kế
Thực tế đáng buồn là trong quá trình trở thành kiến trúc sư, nhiều sinh viên đã nhầm tưởng bản thân như một “Ngôi sao kiến trúc” khi được chủ động đưa ra các “quyết định” với đa dạng thể loại công trình trong các đồ án, nhưng lại không thật sự đối mặt với những vấn đề khắc nghiệt trong thực tế như kinh doanh, những quy tắc, khả năng xây dựng và cộng đồng.
Sinh viên mới tốt nghiệp thường chỉ thực hiện các công việc dưới sự chỉ đạo của người khác, trong bộ phận sản xuất của công ty, mà ít khi được đưa ra quyết định. Họ chỉ đơn giản là dành toàn bộ khoảng thời gian làm việc để hoàn thành nốt các thiết kế theo ý đồ của người khác.
Tuy nhiên, mặt tích cực là bạn sẽ học hỏi được nhiều thứ và bạn đang dần tiến bộ để trở thành một Kiến trúc sư có kinh nghiệm và có quyền quyết định trong tương lai.
5. Quá căng thẳng với toán học
Theo như bài 10 lý do nên trở thành Kiến trúc sư mà Tạp chí Kiến trúc đã chia sẻ, việc KTS gặp khó khăn trong môn Toán là điều khá phổ biến. Tuy nhiên, trong thời đại ngày nay, KTS đang liên tục thực hiện các phép toán phức tạp mà không dùng đến máy tính. Nếu đã từng vật lộn với toán học thì khi học Kiến trúc, bạn sẽ tiếp tục phải đối mặt với giải tích, vật lý, tĩnh học và cơ học kết cấu. Sau đó sẽ lại phải tiếp tục nghiên cứu để tính toán dầm, sàn, cột gỗ, thép và bê tông.
Kiến trúc sư làm các phép tính nhanh trong hầu hết thời gian. Nếu bạn không thể thích nghi với toán học, thì có lẽ kiến trúc không dành cho bạn.
6. Phải rất nỗ lực khi làm việc
Kiến trúc là một trong những ngành nghề cạnh tranh nhất, đây là điều dễ thấy ngay từ khi bạn bước vào trường học và sẽ không bao giờ dừng lại. Nhiều người có thể khám phá ra vô vàn những sáng tạo của bản thân trong một môi trường cạnh tranh. Chắc rằng sẽ có nhiều người ngạc nhiên với những khả năng của họ, giống như một nhà thiết kế.
7. Kiến trúc sư với giấy tờ hợp pháp
Hãy biết rằng, bằng tốt nghiệp kiến trúc chưa đủ để bạn trở thành Kiến trúc sư. Hơn nữa, nó cũng không hợp pháp để bạn cung cấp dịch vụ kiến trúc với khách hàng.
Ví dụ ở Mỹ, chỉ đến khi bạn đã đáp ứng đầy đủ các yêu cầu và vượt qua kỳ thi cấp Chứng chỉ hành nghề Kiến trúc thì mới được công nhận là Kiến trúc sư. Nếu chỉ tốt nghiệp đại học, bạn có thể gọi mình là: Nhà thiết kế, Nhà tư vấn kiến trúc,…(hoặc bất cứ thứ gì tương tự nhưng không phải là Kiến trúc sư). Nếu bạn cung cấp dịch vụ thiết kế kiến trúc, hoặc bạn tự công nhận mình là một Kiến trúc sư trong quá trình làm việc, bạn có khả năng nhận án phạt bởi Hội đồng thẩm định của tiểu bang. Mặc dù một số Hội đồng có thể “thoáng tay” hơn, nhưng lời khuyên là bạn nên tìm kiếm những giới hạn công việc cho một Kiến trúc sư chưa được cấp phép tại nơi làm việc.
Luôn luôn có rất nhiều tranh cãi xung quanh sự khắc nghiệt của chủ đề này. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành các thủ tục cấp phép để trở thành Kiến trúc sư hợp pháp, quan điểm của tôi đã thay đổi. Tôi nhận thức rất rõ việc tại sao lại tồn tại những quy tắc này. Kiến trúc sư thực hiện một trách nhiệm to lớn trong việc bảo vệ sức khỏe, an toàn và phúc lợi của công chúng. Xác định rõ bản thân là kiến trúc sư cũng tương tự gọi mình là bác sĩ, luật sư hay nhân viên cảnh sát.
8. Suy nghĩ như Luật sư hay Kiến trúc sư?
Một bộ hồ sơ bản vẽ theo quy cách có thể được xác định là văn bản quy phạm pháp luật để hướng dẫn cho nhà thầu thi công. Tôi đã làm việc với các nhà thầu có kinh nghiệm để nhận ra những lỗi nhỏ trong các bản vẽ kiến trúc và biến chúng thành sự thay đổi rất tốn kém cho chủ đầu tư. Mặc dù các bản vẽ và thông số kỹ thuật sẽ rất khó để trở nên hoàn hảo vì vẫn sẽ có những lỗi rất nhỏ mà KTS không ngờ tới. Tuy nhiên, khi trình bày các bản vẽ thi công (để giao cho nhà thầu xây dựng), bạn cần dành nhiều thời gian kiểm tra bản vẽ cùng các thông số kỹ thuật để tránh việc chủ đầu tư sẽ bị choáng khi làm việc với nhà thầu.
Thông thường thì vẫn liên tục có trục trặc cho các dự án, mọi thứ như rối tung. Nhưng nếu không có những trục trặc ấy, thì không ai có thể học được gì. Đơn giản là, học cách tránh những vấn đề này và đối mặt với chúng cũng có nghĩa đang học cách “sống sót” qua những rắc rối của dự án. Kiến trúc sư sẽ tăng khả năng quan sát, tư duy có hệ thống, và có phương pháp trong việc xây dựng bộ bản vẽ thi công.
9. Những việc tốt thường bị “trừng phạt”?
Có những điều kinh khủng thường xảy ra trong công việc. Đôi khi những người mà bạn đang cố gắng giúp đỡ sẽ chống lại bạn, đơn giản vì họ không quan tâm đến dự án của bạn. Chủ đầu tư quyết định không trả tiền và sẽ có những người cướp đi ý tưởng. Ý tưởng của bạn bị hạ thấp bởi những người không trân trọng nó. Nhà thầu tiếp cận chủ đầu tư và chỉ thẳng tay vào bạn. Cho dù bạn làm việc rất chăm chỉ với các dự án nhưng kết quả lại không được công nhận. Bạn có thể làm một dự án trong nhiều năm nhưng lại đột nhiên bị đưa vào xó tủ, và cuối cùng, chẳng bao giờ được xây dựng…
Những điều này hết sức bình thường và nó xảy ra với hầu hết mọi người. Điều quan trọng là đừng cho rằng đây là chuyện của riêng mình. Bạn vẫn sẽ còn phải làm hàng trăm dự án khác trong suốt cuộc đời. Sau khi vượt qua những tai họa, bạn sẽ quen và biết cách kiểm soát những lúc căng thẳng một cách hiệu quả.
May mắn thay, các dự án “thảm hoạ” đấy sẽ nhanh chóng được thay thế bằng các dự án mới, và nhìn lại thì, tất cả những nỗi thất vọng rồi cũng sẽ bị lãng quên theo thời gian.
10. Quá bi quan vào hành nghề
Rất nhiều KTS đã không hành nghề thuận lợi, họ sẽ luôn nhắc nhở bạn về những cuộc hành trình dài khắc nghiệt phía trước. Sẽ có nhiều người khiến bạn nản chí giấc mơ trở thành kiến trúc sư. Hãy nỗ lực đừng để rơi xuống dốc. Thêm những tiêu cực vào chủ đề này sẽ không giúp được gì.
Nếu bạn vẫn muốn trở thành một kiến trúc sư?
LTG: Tôi viết bài này không có ý định chê bai nghề hoặc ngăn cản, phá hoại giấc mơ của bất cứ ai muốn trở thành Kiến trúc sư. Tôi chỉ muốn chia sẻ một số những khắc nghiệt trong thực tế hành nghề. Bằng cách nhận thức sâu sắc về những mặt tối, bạn sẽ có sự chuẩn bị và thuận lợi hơn khi bước qua những vấn đề mà kiến trúc sư đi trước đã trải nghiệm.
Mặt khác, bạn có thể tham khảo cuốn sách “Architect? A Candid Guide to the Profession của Roger Lewis” – một “tài nguyên” tôi đánh giá rất hữu ích cho bất cứ ai muốn học kiến trúc hoặc trở thành KTS. Một tài liệu khác dành cho sinh viên mới tốt nghiệp với những định hướng rõ ràng về cách tìm kiếm công việc thích hợp trong ngành Kiến trúc, các bạn có thể tìm đọc cuốn sách “Architecture and Design: A guide to the practice of architecture (what they don’t teach you in architecture school)” của Ryan Hansanuwat.
Và, điều sau cùng tôi muốn nói là: Chúc bạn may mắn với nghề Kiến trúc, vì chúng ta vẫn có “10 lý do nên trở thành kiến trúc sư” !
Anh Dương – Thảo Lê / TCKT.VN (Biên dịch từ Youngarchitect)
© Tạp chí Kiến trúc