10 lợi ích sức khỏe của thảo quả
Thảo quả là một loại gia vị có hương vị đậm đà, hơi ngọt mà một số người thường so sánh với bạc hà. Thảo quả có nguồn gốc ở Ấn Độ nhưng hiện nay có sẵn trên toàn thế giới và được sử dụng trong cả công thức dành cho món ngọt và mặn.
Nội Dung Chính
1. Thảo quả là gì?
Thảo quả (tên tiếng Anh là Cardamom) là một loại gia vị mà mọi người đã sử dụng trong nhiều thế kỷ trong chế biến món ăn và làm thuốc. Ban đầu, đây là loại gia vị phổ biến trong nền ẩm thực Trung Đông và Ả Rập, tuy nhiên, ngày này, thảo quả cũng đã trở nên phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Thảo quả xuất phát từ hạt của một số loại cây khác nhau thuộc cùng họ với gừng. Nó có một hương vị đặc biệt được dùng bổ sung cho cả các món ăn ngọt và mặn. Mọi người có thể sử dụng hạt thảo quả và vỏ quả trong các món cà ri, món tráng miệng và các món thịt, cũng như trong đồ uống, chẳng hạn như cà phê và trà chai Ấn Độ (chai tea).
Có các dạng sản phẩm của thảo quả như:
- Toàn bộ vỏ với hạt bên trong
- Bột gia vị thảo quả trước khi xay
- Tinh dầu thảo quả
- Thực phẩm chức năng ở dạng viên nang
Các nhà nghiên cứu đã thực hiện một số nghiên cứu nhỏ về thảo quả, những phát hiện trong đó cho thấy rằng, thảo quả có một số lợi ích cho sức khỏe. Mặc dù các nghiên cứu này rất hứa hẹn, các nghiên cứu lớn hơn được thực hiện trên người vẫn cần phải thực hiện trước khi các chuyên gia chăm sóc sức khỏe có thể khuyên dùng thảo quả để điều trị các bệnh lý.
2. 10 lợi ích sức khỏe của thảo quả
2.1 Đặc tính chống oxy hóa và lợi tiểu có thể làm giảm huyết áp
Thảo quả có thể hữu ích cho những người bị huyết áp cao. Trong một nghiên cứu, các nhà nghiên cứu đã cung cấp ba gram bột thảo quả mỗi ngày cho 20 người trưởng thành mới được chẩn đoán bị huyết áp cao. Sau 12 tuần, mức huyết áp đã giảm đáng kể về đến mức bình thường.
Các kết quả đầy hứa hẹn của nghiên cứu này có thể liên quan đến hàm lượng chất chống oxy hóa cao trong thảo quả. Trên thực tế, lượng chất chống oxy hóa của những người tham gia đã tăng 90% vào thời điểm kết thúc nghiên cứu. Chất chống oxy hóa có liên quan đến hạ huyết áp.
Các nhà nghiên cứu cũng cho rằng loại gia vị này có thể làm giảm huyết áp do tác dụng lợi tiểu của nó, có nghĩa là thảo quả có thể thúc đẩy đi tiểu để loại bỏ nước tích tụ trong cơ thể, ví dụ như xung quanh trái tim. Chiết xuất thảo quả đã được chứng minh là làm tăng đi tiểu và giảm huyết áp ở chuột.
2.2 Chứa các hợp chất chống ung thư
Các hợp chất trong thảo quả có thể giúp chống lại các tế bào ung thư. Các nghiên cứu trên chuột đã chỉ ra rằng bột thảo quả có thể làm tăng hoạt động của một số enzyme giúp chống ung thư. Loại gia vị cũng có thể tăng cường khả năng của các tế bào diệt tự nhiên hay còn gọi là tế bào NK (natural killer cells ) để tấn công các khối u.
Trong một nghiên cứu, các nhà nghiên cứu đã cho hai nhóm chuột phơi nhiễm với một hợp chất gây ung thư da và chỉ cho ăn một nhóm ăn 500mg thảo quả mỗi kg (227 mg mỗi pound) trọng lượng mỗi ngày.
Sau 12 tuần, chỉ có 29% nhóm chuột ăn ăn thảo quả bị ung thư còn nhóm không được ăn thì tỷ lệ mắc ung thư lên tới hơn 90%. Nghiên cứu về tế bào ung thư ở người và thảo quả cho thấy kết quả tương tự. Một nghiên cứu cho thấy một hợp chất nhất định trong thảo quả đã ngăn chặn các tế bào ung thư miệng trong ống nghiệm nhân lên.
Mặc dù kết quả rất hứa hẹn, tuy nhiên những nghiên cứu này mới chỉ được thực hiện trên chuột hoặc trong ống nghiệm. Nghiên cứu thực hiện trên con người vẫn cần được thực hiện trước khi đưa ra kết luận cuối cùng về tác dụng này của thảo quả trên con người.
2.3 Bảo vệ khỏi các bệnh mãn tính nhờ tác dụng chống viêm
Thảo quả rất giàu các hợp chất có thể chống viêm. Viêm xảy ra khi cơ thể bạn tiếp xúc với các chất lạ. Viêm cấp tính là phản ứng cần thiết và có lợi cho cơ thể, nhưng viêm lâu dài có thể dẫn đến các bệnh mãn tính. Chất chống oxy hóa được tìm thấy rất nhiều trong thảo quả có tác dụng bảo vệ các tế bào khỏi bị hư hại và ngăn chặn tình trạng viêm xảy ra.
Một nghiên cứu cho thấy chiết xuất thảo quả với liều 50-100 mg/kg trọng lượng cơ thể (23-46 mg/pound) có hiệu quả trong việc ức chế ít nhất bốn hợp chất gây viêm khác nhau ở chuột. Một nghiên cứu khác trên chuột cho thấy ăn bột thảo quả làm giảm viêm gan do ăn chế độ ăn nhiều carbs và chất béo.
Mặc dù không có nhiều nghiên cứu về tác dụng chống viêm của thảo quả ở người, nghiên cứu cho thấy các chất bổ sung từ thảo quả có thể làm tăng tình trạng chống oxy hóa lên đến 90%.
2.4 Hỗ trợ các vấn đề tiêu hóa
Thảo quả đã được sử dụng trong hàng ngàn năm để giúp giảm bớt các vấn đề về đường tiêu hóa. Gia vị này thường được trộn với các loại gia vị thuốc khác để giảm bớt sự khó chịu, buồn nôn và nôn. Thảo quả còn có khả năng chữa lành vết loét dạ dày.
Trong một nghiên cứu, chuột được cho uống nước nóng có chứa chiết xuất từ thảo quả, củ nghệ và lá sembung trước khi tiếp xúc với aspirin liều cao để gây loét dạ dày. Những con chuột này xuất hiện ít loét hơn so với những con chuột chỉ được sử dụng aspirin.
Một nghiên cứu tương tự trên chuột cho thấy chỉ riêng chiết xuất thảo quả đã có thể ngăn ngừa hoặc giảm hoàn toàn kích thước của ổ loét dạ dày ít nhất 50%. Trên thực tế, với liều 12,5 mg mỗi kg (5,7 mg mỗi pound), chiết xuất thảo quả cũng đã có hiệu quả hơn một loại thuốc chống loét thông thường.
Nghiên cứu trong ống nghiệm cũng cho thấy, thảo quả có thể chống lại Helicobacter pylori, đây là một loại vi khuẩn có liên quan đến sự phát triển của hầu hết các vấn đề loét dạ dày. Tuy nhiên, vẫn cần nhiều nghiên cứu hơn để biết được liệu loại gia vị này có tác dụng tương tự chống loét ở người hay không.
2.5 Điều trị hôi miệng và ngăn ngừa sâu răng
Việc sử dụng thảo quả để điều trị hôi miệng và cải thiện sức khỏe răng miệng là một phương thuốc cổ xưa. Trong một số nền văn hóa, thảo quả được sử dụng phổ biến để làm thơm hơi thở bằng cách ăn toàn bộ vỏ quả thảo quả sau bữa ăn.
Lý do tại sao thảo quả có thể dẫn đến hơi thở thơm mát có thể liên quan đến khả năng chống lại vi khuẩn có trong khoang miệng.
Một nghiên cứu cho thấy chiết xuất thảo quả có hiệu quả trong việc chống lại năm loại vi khuẩn có thể gây sâu răng. Trong một số nghiên cứu trong ống nghiệm, chất chiết xuất từ thảo quả đã ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn lên đến 0,82 inch (2,08 cm). Nghiên cứu khác cho thấy, chiết xuất thảo quả có thể làm giảm 54% số lượng vi khuẩn trong mẫu nước bọt.
Tuy nhiên, tất cả các nghiên cứu này đã được tiến hành trong các ống nghiệm, nên chưa thể suy luận kết quả này cho con người.
2.6 Có tác dụng kháng khuẩn và điều trị nhiễm trùng
Thảo quả cũng có tác dụng kháng khuẩn bên ngoài miệng và có thể điều trị nhiễm trùng. Nghiên cứu cho thấy chiết xuất thảo quả và tinh dầu có chứa các hợp chất chống lại một số chủng vi khuẩn phổ biến.
Một nghiên cứu trong ống nghiệm đã xem xét tác động của các chất chiết xuất này đối với các chủng Candida kháng thuốc, đây là một loại nấm men có thể gây nhiễm nấm. Các chất chiết xuất này có thể ức chế sự tăng trưởng của một số chủng giảm 0,39-0,59 inch (0,99-1,49 cm).
Nghiên cứu ống nghiệm khác cho thấy rằng tinh dầu và chiết xuất thảo quả cũng có kết quả tương tự và đôi khi hiệu quả hơn một số loại thuốc chống lại vi khuẩn E. coli và Staphylococcus, đây là hai loại vi khuẩn có thể gây ngộ độc thực phẩm.
Các nghiên cứu trong ống nghiệm cũng cho thấy tinh dầu thảo quả chống lại vi khuẩn Salmonella (gây ngộ độc thực phẩm) và Campylobacter (góp phần gây viêm dạ dày).
Các nghiên cứu hiện tại về tác dụng kháng khuẩn của thảo quả chỉ xem xét các chủng vi khuẩn bị cô lập trong phòng thí nghiệm. Do đó, bằng chứng vẫn chưa đủ mạnh để đưa ra khuyến cáo thảo quả có tác dụng tương tự ở trên người hay không.
2.7 Cải thiện việc chức năng thở và sử dụng oxy
Các hợp chất trong thảo quả có thể giúp tăng lưu lượng khí đến phổi và cải thiện nhịp thở. Khi được sử dụng trong liệu pháp mùi hương (aromatherapy), thảo quả có thể tỏa ra mùi mạnh giúp tăng cường khả năng sử dụng oxy trong cơ thể của bạn.
Một nghiên cứu được thực hiện bằng cho một nhóm người tham gia hít tinh dầu thảo quả trong một phút trước khi đi bộ trên máy chạy bộ trong khoảng thời gian 15 phút. Kết quả cho thấy, nhóm người này có sự hấp thụ oxy cao hơn đáng kể so với nhóm đối chứng.
Ngoài ra, lý giải cho tác dụng có thể cải thiện chức năng thở và sử dụng oxy của thảo quả là do làm giãn đường thở, điều này có thể đặc biệt hữu ích để điều trị hen suyễn.
Một nghiên cứu trên chuột và thỏ cũng đã phát hiện ra rằng tiêm chiết xuất thảo quả có thể làm giãn đường dẫn khí. Nếu chiết xuất có tác dụng tương tự ở những người mắc bệnh hen suyễn, nó có thể ngăn chặn đường hô hấp bị viêm dẫn đến hẹp và cải thiện khả năng thở.
2.8 Có thể giúp hạ đường huyết
Khi dùng ở dạng bột, thảo quả có thể làm giảm lượng đường trong máu. Một nghiên cứu cho thấy, chuột ăn chế độ ăn nhiều chất béo, giàu carb (HFHC) khiến lượng đường trong máu của chúng tăng cao hơn so với khi được cho ăn chế độ ăn bình thường.
Khi chuột thực hiện chế độ ăn HFHC được cho ăn bột thảo quả, kết quả cho thấy, lượng đường trong máu của chúng không duy trì được lâu hơn so với lượng đường trong máu của chuột trong chế độ ăn bình thường.
Tuy nhiên, bột thảo quả có thể không có tác dụng tương tự ở người mắc bệnh tiểu đường type 2. Trong một nghiên cứu trên 200 người trưởng thành mắc bệnh này được thực hiện bằng cách chia những người tham gia thành các nhóm chỉ uống trà đen hoặc trà đen với 3 gram quế, thảo quả hoặc gừng mỗi ngày trong tám tuần. Kết quả cho thấy, chỉ có quế đã cải thiện kiểm soát lượng đường trong máu. Để hiểu rõ hơn về tác dụng của thảo quả đối với lượng đường trong máu ở người, trong tương lai vẫn cần nhiều nghiên cứu hơn.
2.9 Các lợi ích sức khỏe tiềm năng khác của thảo quả
Ngoài các lợi ích sức khỏe đã nói ở trên, thảo quả có thể tốt cho sức khỏe theo nhiều cách khác nhau. Các nghiên cứu trên chuột đã phát hiện ra rằng, mức độ chống oxy hóa cao trong thảo quả có thể ngăn ngừa gan phì đại, lo lắng và thậm chí hỗ trợ giảm cân:
- Bảo vệ gan: Chiết xuất thảo quả có thể làm giảm men gan, triglyceride và cholesterol. Chúng cũng có thể ngăn ngừa gan phì đại và giảm trọng lượng gan, làm giảm nguy cơ mắc bệnh gan nhiễm mỡ.
- Lo lắng: Một nghiên cứu về chuột cho thấy, chiết xuất thảo quả có thể ngăn chặn các hành vi lo lắng. Điều này có thể là do nồng độ chất chống oxy hóa trong máu thấp có liên quan đến sự phát triển của chứng lo âu và các rối loạn tâm trạng khác.
- Giảm cân: Một nghiên cứu ở 80 phụ nữ mắc bệnh tiểu đường thừa cân và béo phì đã tìm thấy mối liên hệ giữa thảo quả và giảm chỉ số vòng eo. Tuy nhiên, nghiên cứu chuột về giảm cân và thảo quả chưa tìm thấy kết quả này.
Số lượng nghiên cứu về mối liên hệ giữa thảo quả và những lợi ích tiềm năng hiện nay vẫn còn hạn chế và chủ yếu được thực hiện trên động vật. Hơn nữa, lý do tại sao thảo quả có thể giúp cải thiện sức khỏe gan, lo lắng và cân nặng vẫn chưa rõ ràng.
2.10 An toàn cho hầu hết mọi người và có sẵn khắp nơi
Nhìn chung thảo quả an toàn cho hầu hết người sử dụng. Cách phổ biến nhất để sử dụng thảo quả là nấu ăn hoặc nướng. Thảo quả được sử dụng rất linh hoạt và thường được thêm vào các món cà ri và món hầm Ấn Độ, cũng như bánh quy gừng, bánh mì và các loại bánh nướng khác.
Việc sử dụng các chất bổ sung, chiết xuất và tinh dầu từ thảo quả có khả năng trở nên phổ biến hơn trong tương lai. Tuy nhiên, hiện tại không có liều khuyến cáo cho loại gia vị này vì hầu hết các nghiên cứu đã được thực hiện trên động vật. Việc sử dụng thực phẩm chức năng từ thảo quả vẫn cần được tư vấn và theo dõi bởi một chuyên gia y tế. Hơn nữa, thực phẩm chức năng từ thảo quả có thể không phù hợp cho trẻ em và phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú.
Hầu hết các chất bổ sung khuyên dùng 500 mg bột thảo quả hoặc chiết xuất từ một hoặc hai lần một ngày. Nếu bạn thích dùng thử thảo quả, hãy thêm loại gia vị vào thức ăn, vì đây có thể là cách sử dụng an toàn nhất.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec với hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế hiện đại cùng đội ngũ chuyên gia, bác sĩ nhiều năm kinh nghiệm trong khám điều trị bệnh, người bệnh hoàn toàn có thể yên tâm thăm khám và điều trị tại Bệnh viện.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số
hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.
Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: healthline.com, medicalnewstoday.com