10 đại học đào tạo khoa học máy tính tốt nhất thế giới

Đại học Oxford tiếp tục đứng đầu bảng xếp hạng đại học đào tạo ngành khoa học máy tính tốt nhất thế giới năm 2023, trong khi lần đầu tiên có một trường của Đức vào top 10.

Trong bảng xếp hạng 10 đại học đào tạo Khoa học máy tính tốt nhất thế giới do tổ chức Times Higher Education (THE) công bố hôm 26/10, có 5 trường ở Mỹ, 2 trường ở Anh. Ba trường còn lại đến từ Thụy Sĩ, Singapore và Đức.

Xếp hạng
Tên trường
Quốc gia
Điểm số
Học phí (USD)
1
Đại học Oxford
Anh
92,6
51.245
2
Viện công nghệ Massachusetts (MIT)
Mỹ
92,4
57.986
3
Đại học Stanford
Mỹ
91,8
56.169
4
Viện Kỹ thuật liên bang Thụy Sĩ (ETH Zurich)
Thuỵ Sĩ
90,8
1.463
5
Đại học Carnegie Mellon
Mỹ
90
61.344
6
Đại học Cambridge
Anh
89,9
43.197
7
Đại học quốc gia Singapore
Singapore
89,2
12.485
8
Đại học California, Berkeley
Mỹ
88,7
43.980
9
Đại học Harvard
Mỹ
87,8
57.261
10
Đại học Kỹ thuật Munich
Đức
86,9
274.4

Đại học Oxford lần thứ 5 liên tiếp đứng đầu bảng xếp hạng này. Trường đạt 92,6 điểm, cách biệt 0,2 điểm so với đại học ở vị trí số 2 là Viện Công nghệ Massachusetts. Ở vị trí số ba là Đại học Stanford với 91,8 điểm, tụt một hạng so với năm ngoái và đổi chỗ cho MIT.

Xếp ở vị trí thứ 4 là Viện Kỹ thuật Liên bang Thụy Sĩ (ETH Zurich) với 90,8 điểm, không thay đổi thứ hạng so với năm ngoái, nhưng tụt hai bậc so với năm 2019. Học phí của trường thấp thứ hai trong top 10 với 1.463 USD (khoảng 38 triệu đồng) một năm.

Đại học Carnegie Mellon ở vị trí số 5, đạt 90 điểm, tăng một bậc. Đây là trường thu học phí cao nhất trong top 10 với 61.344 USD (1,5 tỷ đồng) một năm. Đại học Cambridge của nước Anh năm nay xếp ở vị trí thứ 6, tụt hai bậc so với 2022.

Đại diện duy nhất của châu Á là Đại học Quốc gia Singapore ở vị trí số 7. Trường này liên tục tăng hạng trong 3 năm qua, từ vị trí số 11 năm 2020 vào top 10 năm 2021, xếp thứ 8 năm 2022. Trong top 10, trường có mức học phí thấp thứ ba, thu 12.485 USD (khoảng 310 triệu đồng) một năm.

Giữ vững được vị trí số 8 là Đại học California, Berkeley. Xếp thứ 9 là Đại học Harvard, tụt hai bậc so với năm ngoái. Đại học Kỹ thuật Munich lần đầu tiên vào top 10 sau nhiều năm đứng ở vị trí thứ 14 và 16. Đây là trường có học phí rẻ nhất trong bảng xếp hạng, khoảng 276 USD (hơn 6,8 triệu đồng) một năm.

Bảng xếp hạng đại học thế giới theo lĩnh vực của THE dựa trên ba nguồn dữ liệu: kết quả khảo sát do THE thực hiện độc lập, số lượng công bố khoa học trên hệ thống Scopus (hệ thống dữ liệu uy tín trên thế giới, đăng tải tóm tắt và trích dẫn các bài báo khoa học) và dữ liệu do trường đại học cung cấp. Kết quả xếp hạng được đánh giá dựa trên năm nhóm tiêu chí, gồm: Giảng dạy (Teaching), Nghiên cứu (Research), Trích dẫn (Citation), Thu nhập từ chuyển giao công nghệ (Industry income) và Triển vọng quốc tế (International outlook).

Năm nay, Việt Nam có 6 đại diện được xếp hạng ở 7/11 ngành học, trong đó hai ngành vào top 200 thế giới là Khoa học máy tính, Lâm sàng và Sức khỏe, lần lượt tại Đại học Tôn Đức Thắng và Đại học Duy Tân.

Bảy đại học của Việt Nam cũng nằm trong bảng xếp hạng theo nhóm ngành của tổ chức giáo dục Quacquarelli Symonds (QS). Thứ hạng cao nhất thuộc về ngành Kỹ thuật – Dầu khí của Đại học Quốc gia TP HCM với vị trí trong top 50-100.

THE và QS là hai tổ chức xếp hạng đại học có uy tín và ảnh hưởng lớn nhất thế giới có trụ sở ở Anh.

Doãn Hùng (Theo THE)