10 công thức nấu các món hải sản ngon như nhà hàng
Tổng hợp những công thức món ăn ngon giúp bạn có thể tự thực hành tại nhà. Đây là điều kiện thuận lợi giúp bạn tối ưu chi phí, thời gian cũng như mang lại sự sum vầy cho gia đình.
1. Bạch tuộc xào cay kiểu Hàn
Nguyên liệu:
- 2 con bạch tuộc nhỏ
- 1 củ hành tây cỡ vừa
- 1 củ cà rốt lớn
- 6 quả ớt xanh, tỏi băm, bột ớt Hàn Quốc Gochugaru
- Dầu mè, đường, nước tương, tiêu, hạt mè, mắm tôm
Cách làm:
Bạn ngâm bạch tuộc trong nước muối lạnh, nếu là bạch tuộc đông lạnh thì chờ cho tan hết đá. Nếu bạch tuộc bị đóng băng quá lâu; cũng có thể dùng nước ấm hoặc rã đông trong lò vi sóng. Trong 1 bát tô, bạn cho bạch tuộc đã để ráo và muối hạt; bột và xoa bóp bạch tuộc trong vòng vài phút.
Bạn đem bạch tuộc ra rửa sạch 2 lần với nước lạnh. Dùng dao hoặc kéo cắt phần bụng bạch tuộc ra. Lấy hết các bộ phận bên trong bụng nó và bỏ đi. Loại bỏ mắt bạch tuộc. Loại bỏ những bọc tròn đen dưới nách bạch tuộc. Rửa sạch lại bạch tuộc 2 lần với nước và để ráo hoàn toàn. Thái bạch tuộc thành miếng vừa ăn.
Rửa sạch các loại rau củ và thái lát chúng. Bạn trộn bột ớt với đường, mắm tôm, nước tương, dầu mè, 1 chút tiêu và tỏi băm. Làm nóng chảo với dầu rồi cho bạch tuộc vào xào khoảng 1 phút; và xúc ra để sang một bên.
Làm nóng chảo và xào cà rốt 1 phút trên lửa lớn. Thêm hành tây vào và xào. Thêm hành lá và ớt xanh, bạch tuộc vào chảo rau xào; và đổ gia vị đã trộn vào; nấu thêm 3 phút trên lửa lớn. Nêm thêm một chút muối nếu cần. Xúc món xào ra đĩa, rắc ít hạt mè lên trên và thưởng thức.
2. Cách làm cua rang me
Nguyên liệu:
- Cua thịt: 1Kg (Nên chọn Cua thịt Y3, Cua thịt Y5 hoặc Cua thịt Y7)
- Me chua chín: 1/2 bát con
- Tỏi: 4 tép băm nhuyễn
- Hành tây: 1 củ nhỏ đã thái mỏng
- Bột năng: 1 thìa
- Dưa leo: 1 quả
- Các gia vị khác: Đường, hạt tiêu, ớt, hạt nêm…
Cách làm:
Bước 1: Sơ chế cua
Cua đem rửa sạch, tách bỏ phần mai, dùng đũa khều nhẹ phần gạch ở mai cua để riêng ra một cái bát nhỏ. Bạn có thể để cua nguyên con, nhưng nếu muốn cua ngấm đều gia vị tốt nhất nên cắt cua làm làm đôi, hoặc làm 4 tùy theo sở thích của từng người.
Phần càng cua vốn rất cứng vì vậy nên dùng dao hay chày đập hơi dập để các gia vị ngấm đều vào phần thịt trong càng cũng như tránh tình trạng nổ khi chiên.
Lấy phần cua đã được sơ chế xong cho vào một cái tô lớn, cho thêm một chút hạt nêm và hạt tiêu rắc đều lên phần cua, đảo nhẹ để cua ngấm gia vị, ướp cua trong tô khoảng 30 phút.
Sau khi cua ướp đã ngấm đều gia vị, bạn bắc chảo lên bếp, cho dầu vào chiên cua. Cua cần được chiên vàng sao cho không quá trắng cũng không bị cháy, sau đó vớt cua ra một cái rổ để ráo mỡ.
Bước 2: Xào cua cùng nước sốt me
Đây là công đoạn quan trọng nhất trong quá trình làm món Cua rang me, nước sốt me ngon hay không sẽ quyết định đến độ ngon của món ăn nên bạn cần chú ý hơn.
Trước tiên cho me vào nước nóng, lấy muỗng đánh nhuyễn, gắp bỏ hết phần hạt, dùng dụng cụ lọc, lọc lấy khoảng 3/4 bát.
Cho 2 thìa dầu ăn, đổ tỏi vào phi lên, khi tỏi có màu vàng nhạt và thơm thì cho hành tây, nước me cùng với đường và 2 muỗng cà phê hạt nêm vào cùng. Đun hỗn hợp trên đến khi nước me sôi thì cho thêm một chút ớt vào (Lượng ớt nhiều hay ít tùy theo vào sở thích ăn cay của mỗi người).
Bột năng hòa tan cùng một chút nước, đổ từ từ vào nước sốt để tạo độ sánh, một tay đổ, một tay quấy đều để bột không bị vón cục.
Nêm nếm lại gia vị một lần nữa, khi thấy các vị chua, cay, mặn, ngọt đã hài hòa thì cho cua vào xóc đều, đun nhỏ lửa 5 – 7 phút là được.
Phần gạch cua: Cho một chút dầu vào phi thơm tỏi, đổ gạch cua vào, nêm một chút gia vị.
Bước 3: Trình bày
Sau khi món cua rang me đã hoàn tất để trang trí cho món ăn bạn hãy dùng xà lách xếp một lượt xuống dưới, dưa leo xắt lát xếp quanh viền dĩa. Xếp Cua lại thành hình nguyên con, úp mai lên, rưới gạch cua lên trên và rắc thêm một chút rau răm hoặc rau mùi.
3. Nghêu nướng mỡ hành
Nguyên liệu:
- Nghêu cỡ lớn
- Lạc rang
- Hành lá
- Gia vị: hạt nêm, nước mắm, đường, hành tím, dầu ăn và tiêu
Cách làm:
Ngâm nghêu thật kỹ cho sạch cát.
Phi hành cho thơm. Sau đó, thêm đường, mắm, hạt nêm, tiêu và chút lạc rang đã giã vừa vào cùng.
Hành lá đem cắt khúc chừng 0,5cm, đun nóng dầu ăn và đổ hành lá vào.
Tiếp đó, cho phần hành vào bát, rồi đổ hỗn hợp trên vào cùng.
Đem nghêu ra nướng đến khi mở miệng thì cho hỗn hợp trên vào. Bạn hãy chờ một chút khi chúng nóng đều là có thể thưởng thức được rồi.
4. Mực sốt tỏi ớt
Nguyên liệu
- Mực
- Tỏi, ớt, gừng, nước mắm, đường, dầu ăn
Cách làm
Mực mang về rửa sạch rồi cho vào hấp sơ qua sau đó lại rửa sạch với nước rồi trụng qua nước sôi có pha với chút dấm, gừng để khử mùi tanh rồi để ráo nước.
Tỏi, ớt đập dập rồi cho vào chảo dầu phi thơm và tắt bếp. Tiếp theo cho nước mắm, đường vào và bật lên bếp đun liu riu cho hỗn hợp sôi thì cho mực vào xào cùng. Xào đến khi mực săn lại, và nước sốt, gia vị hòa quyện vào mực thì tắt bếp.
Mực sốt tỏi ớt ăn với cơm nóng rất ngon mà ai cũng phải tấm tắc khen ngon, bạn hãy thêm vào thực đơn nhé!
5. Mực hấp hành gừng
Nguyên liệu
- Mực tươi: 500g, bạn có thể sử dụng mực ống, mực cơm, mực lá đều ngon nhé.
- Gừng: 1 nhánh khoảng 100g.
- Hành lá: 100g.
- Ớt sừng đỏ: 6 trái.
- Rau sống ăn kèm mực hấp gừng: 1 trái dưa leo, 1 trái vả (không bắt buộc nhé), rau thơm, rau mùi, xà lách.
- Tỏi: 1 củ.
- Chanh tươi: 1 trái.
- Gia vị: Hạt nêm, nước mắm, đường, rượu trắng.
Cách làm
Mực: Sơ chế, rửa sạch cùng với nước có pha rượu trắng và gừng đập dập cho mực bớt tanh, khi hấp sẽ thơm ngon hơn. Cắt mực thành từng khoanh tròn dài 3cm, khứa nhẹ trên thân mật. Nếu mực cơm nhỏ thì để nguyên con nhé. Ướp mực với 1 thìa hạt nêm, 1 thìa nước mắm, ½ thìa bột ngọt trong 20 phút cho mực ngấm gia vị.
Gừng: Gọt vỏ, rửa sạch, chia làm 3 phần, 2/3 thái chỉ, 1/3 để nguyên. Hành lá: Nhặt vừa rửa sạch, để ráo, cắt khúc dài 5cm. Ớt sừng: 3 trái bỏ cuống, rửa sạch, chẻ đôi, bỏ hạt, thái chỉ, 3 trái để nguyên. Tỏi: Lột vỏ, rửa sạch, để ráo. Chanh tươi: Lấy nước cốt.
Rau sống ăn kèm mực hấp hành gừng: Nhặt và rửa sạch, để ráo, dưa leo chà kỷ mũ 2 đầu, thái lát dài 3cm, vả gọt vỏ, thái lát mỏng ngâm với nước có pha ít chanh cho vả được trắng rồi bày ra đĩa sao cho hấp dẫn.
Khi mực đã ngấm gia vị, trộn chung mực với gừng – ớt thái chỉ, hành thái khúc, cho vào xửng hấp cách thủy khoảng 10 phút tới khi mực vừa chín tới là được, bạn không nên hấp mực quá lâu sẽ khiến mực mất đi độ giòn ngon nhé. Bày món mực hấp hành gừng ra đĩa sao cho đẹp mắt.
Làm nước mắm ăn kèm là bước quan trọng của cách làm món mực hấp hành gừng: Bạn cần lưu ý, đối với món mực hấp thì chỉ có nước mắm gừng chanh tỏi là hợp vị nhất đấy nhé, cách làm nước mắm như sau: Bạn cho 3 trái ớt sừng, phần gừng còn lại, tỏi, 2 thìa đường vào cối giã thật nhuyễn, có thể thái ớt, gừng ra thành từng lát sẽ dễ giã hơn nhé. Sau đó cho hỗn hợp ra bát, trộn thêm 5 thìa nước mắm, 2 thìa nước cốt chanh, khuấy đều là bạn đã có 1 bát nước mắm gừng ngon đậm đà rồi đấy, có thể gia giảm lượng đường, ớt, nước mắm,… tùy khẩu vị cả gia đình nhé.
Dùng mực hấp hành gừng chấm nước mắm và ăn kèm rau sống sẽ vô cùng thơm ngon và hấp dẫn, chính rau sống ăn kèm và nước mắm gừng sẽ giúp cho món mực hấp đậm đà hơn rất nhiều đấy.
6. Lẩu thái hải sản
Nguyên liệu:
- Xương lợn – 1kg
- Tôm sú – 500gr
- Thịt bắp bò – 200gr
- Ngao – 1kg
- Mực – 200gr
- Rau muống – 1 mớ
- Rau cải ngọt – 1 mớ
- Rau cải xong – 1 mớ
- Cải thảo – 1/2 cái
- Cà chua – 200gr
- Sả – 3 cây
- Giềng – 1 nhánh
- Hành tỏi – Vừa đủ
- Gia vị – Vừa đủ
- Gói gia vị lẩu thái – 1 gói
Cách làm:
Xương lợn rửa sạch, cho vào nồi nước sôi trần sơ rồi đổ ra, rửa lại cho sạch và hết mùi hôi. Cho xương vào nồi, thêm nước rồi đun với lửa to. Khi nước sôi, các bạn hạ nhỏ lửa, hầm cho xương ra nước ngọt để làm nước dùng cho lẩu.
Mực làm sạch, khứa vảy rồng (cắt các đường chéo để thành hình quả trám) rồi cắt miếng vừa ăn
Ngao rửa sạch, ngâm với nước pha một chút muối và cắt vài lát ớt vào. Dùng rá đậy kín, ngâm trong khoảng 30 phút cho ngao tiết hết cát bẩn rồi rửa sạch
Tôm rửa sạch, có thể cắt bớt râu.
Thịt bò rửa sạch,dùng dao thật sắc thái lát mỏng.
Bày tôm, mực, thịt bò, ngao ra đĩa cho đẹp mắt
Cà chua rửa sạch, bổ múi cau. Dứa gọt vỏ, bỏ mắt, cắt lát. Sả đập dập, cắt khúc. Giềng rửa sạch, cắt lát. Nấm rơm chẻ thữ thập trên đầu cho đẹp mắt rồi rửa sạch. Các loại rau ăn lẩu nhặt bỏ phần già, rửa sạch rồi cắt khúc vừa ăn, riêng cải thảo tách từng bẹ ra, rửa sạch rồi cũng cắt miếng vừa ăn. Xếp các nguyên liệu ra đĩa.
Phi thơm tỏi băm, cho cà chua, dứa, giềng, sả vào xào chín rồi thêm nước dùng xương vào.
Thêm gói gia vị lẩu Thái vào đảo đều, sau đó thêm hành tím, nấm rơm, lá chanh vào. Nêm nếm lại cho vừa ăn. Nếu thích ăn chua, các bạn có thể thêm nước cốt chanh vào lẩu cho thêm thơm ngon nhé. Có thể thêm sa tế nếu thích nhé.
Khi ăn, các bạn nhúng các nguyên liệu vào lẩu chờ cho chín rồi gắp ra ăn nóng. Có thể chấm với nước tương, muối tiêu chanh hay nước mắm tùy thích nhé (mình thì thích chấm muối tiêu chanh có thêm một ít ớt và sa tế cho cay và thơm nhé)
7. Súp cua
Nguyên liệu
- 1 con cua to (chuẩn bị cua Cà Mau hoặc loại cua biển bạn thích)
- 2 quả trứng gà (chỉ lấy lòng trắng)
- 1 kg xương ống
- 1/2 chén đậu Hà Lan
- 1 chén bắp ngọt
- 2 muống bột năng
- Rau mùi, hành lá
Cách làm
Xương ống luộc qua rồi rửa sạch cho hết chất bẩn. Ninh xương khoảng 1 giờ rồi chắt lấy 1 lít nước dùng làm nước súp.
Cua rửa sạch, luộc chín. Sau đó, gỡ lấy thịt cua.
Bắc 1 cái chảo lên bếp, chảo nóng cho 1 ít dầu ăn rồi xào sơ thịt cua cho thơm.
Rửa sạch bắp, đậu Hà Lan, mùi dây. Đánh tan lòng trắng trứng, hòa bột năng với nước vừa đủ.
Bắc nồi nước dùng lên bếp, cho hạt bắp và đậu Hà Lan vào nấu. Đến khi hạt bắp và đậu nhừ thì cho cua vào, nêm nếm gia vị vừa ăn.
Tiếp theo từ từ đổ lòng trắng trứng vào khấy theo 1 chiều để tạo vân cho đẹp.
Sau cùng thì cho bột năng vào, chú ý là đổ từ từ, đến khi thấy nồi súp sánh lại thì dừng lại. Không nên đổ ngay cùng 1 lúc sẽ dễ bị đặc quá nhé.Nấu đến khi nồi súp chuyển màu trong thì múc ra chén, rắc rau mùi, thêm tiêu bột, ớt tùy ý lên và thưởng thức.
8. Tôm hấp thái
Nguyên liệu:
- Tôm to: 10 con
- Miến: 1 gói
- Sả: 1 củ, thái lát nhỏ
- Rau mùi thái nhỏ
- Tỏi: 1 nhánh
- Gia vị: 2 thìa dầu hào, 2 thìa xì dầu, ½ thìa đường, ½ thìa muối tiêu, 1 thìa rượu
Cách làm:
Cho tỏi, hạt tiêu và rau mùi vào cối giã nhuyễn.
Lấy một cái bát, trộn dầu hào, đường, xì dầu, muối tiêu, 1 chén nước và chỗ tỏi đã giã nhuyễn, trộn đều thành nước sốt.
Đặt nồi lên bếp, cho dầu ăn vào, tiếp đến cho ½ chỗ sả thái nhỏ xuống dưới cùng.
Miến ngâm nước mềm, sau đó cho một nửa chỗ miến lên trên sả, rồi đến tôm. Tưới ½ chỗ nước sốt vừa trộn vào.
Tiếp tục làm một lớp nữa như thế: sả, miến, tôm, nước sốt.
Đậy vung nồi, đun lửa nhỏ, hấp trong 20 phút. Chú ý kiểm tra thường xuyên để không bị cháy đáy nồi, có thể thêm một chút nước nếu bị khô quá.
Cho 1 thìa rượu và rau mùi thái nhỏ lên trên, đậy vung nồi đun tiếp trong 1 phút.
Kiểm tra để chắc chắn tôm đã chín rồi tắt bếp. Cho ra đĩa ăn nóng
9. Sò huyết xào tỏi
Nguyên liệu:
- 1kg sò huyết
- Vài củ tỏi
- Rau răm
- Gia vị gồm hạt nêm, muối, đường, tiêu và dầu ăn.
Cách làm:
Tỏi băm nhuyễn ra được khoảng 5 muỗng cafe.
Làm nóng dầu trong chảo, cho tỏi vào xào đến khi chuyển màu hơi vàng (không được để tỏi thật vàng rồi mới cho vào vì đợi sò huyết chín sẽ làm cháy tỏi) thì thêm sò huyết, đảo đều tay, nêm nếm hạt nêm, muối, đường và tiêu cho vừa ăn.
Bạn đảo khoảng 5 phút cho sò huyết vừa hơi mở miệng, tỏi thật vàng là ăn được. (Nếu muốn ăn nhiều tỏi hơn, bạn có thể phi 1 ít tỏi để riêng, khi nào sò huyết gần được thì cho vào, nhấc nồi ra ngay).
Chuẩn bị một đĩa muối tiêu chanh ớt và ít rau răm để ăn kèm. Sò huyết là món hải sản ngon, được nhiều người ưa thích. Món ăn có nhiều cách chế biến khác nhau như sò huyết xào me, nướng mọi… nhưng món sò huyết xào tỏi vừa thơm ngon lại chế biến đơn giản được lòng người ăn hơn cả. Sò huyết xào tỏi với lớp tỏi bọc ở ngoài giòn và thấm gia vị, kết hợp với thịt sò ngọt sẽ là món nhâm nhi cuối tuần thích hợp cho cho ông xã đấy!
10. Tôm nướng muối ớt ngon đậm đà
Nguyên liệu:
- Tôm sú: 500g
- Ớt sừng: 5 trái,
- Rau răm: 50g.
- Chanh tươi: 1 trái.
- Dưa leo: 1 trái.
- Tiêu sọ xanh: 1 nhánh.
- Gia vị: Tỏi, muối tinh, bột ngọt, dầu ăn, tiêu bột, ớt bột, tương ớt, nước mắm, đường, muối hạt.
- Dụng cụ: Bếp nướng than hoa, vỷ nướng, xiên tre nhỏ (bao nhiêu con tôm thì bấy nhiêu xiên tre nhé), cối – chày để giã
Cách làm:
Tôm sú rửa sạch, cắt bỏ bớt phần râu, để ráo.
Ớt sừng rửa sạch, bỏ cuống, 2 trái để nguyên, 3 trái giã nhỏ. Tỏi lột vỏ, rửa sạch, băm nhỏ. Tiêu sọ xanh tách hạt, rửa sạch, để ráo. Chanh tươi lấy nước cốt. Dưa leo rửa sạch, gọt 2 đầu, chả kỹ mủ, thái lát tròn xếp quanh viền đĩa. Rau răm nhặt và rửa sạch, để ráo, trang trí phần dưới đĩa trình bày món tôm nướng muối ớt.
Xiên tre đem ngâm vào nước lạnh để khi nướng tôm bằng bếp than hoa sẽ không bị cháy.
Cho tôm vào tô lớn rồi cho các loại gia vị dùng để ướp tôm vào bao gồm: Ớt, tỏi đã băm nhỏ, 1 thìa muối tinh, 1 thìa nước mắm, 1 thìa bột ngọt, ½ thìa đường, ½ thìa tiêu bột, ½ thìa ớt bột, 2 thìa tương ớt, 2 thìa dầu ăn rồi ướp tôm trong 1 tiếng cho tôm ngấm gia vị, tốt nhất bạn cho tôm vào ngăn mát tủ lạnh trong quá trình ướp để món cách nướng tôm muối ớt thêm phần thơm ngon, đậm đà nhé.
Sau khi tôm đã nướng gia vị, bạn vớt xiên tre ra khỏi nước lạnh, để khoảng 10 phút cho ráo rồi xiên thẳng từng con tôm và cho lên bếp than hoa để nướng, để tôm được ngon bạn cần để than ở nhiệt độ vừa phải và trở tôm đều tay để tôm chín đều, hấp dẫn, đẹp mắt và không bị cháy phần vỏ bên ngoài nhé. Khi thấy vỏ tôm chuyển qua màu đỏ gạch, dậy mùi thơm là nướng tôm muối ớt ngon đã đạt yêu cầu rồi đấy.
Làm muối chanh ớt dùng kèm tôm nướng muối ớt: Cho 2 trái ớt sừng đỏ, 2 thìa muối hạt, ½ thìa bột ngọt, tiêu sọ tách hạt vào cối, giã thật nhỏ,cho ra đĩa nhỏ, khi ăn cho them 1 thìa nước cốt chanh nữa là bạn đã có 1 đĩa muối chanh ớt cực ngon rồi đấy.
Bày món tôm nướng muối ớt ra đĩa có sẵn dưa leo, rau răm là cả gia đình bạn đã có thể thưởng thức hương vị thơm ngon vô cùng đặc trưng của món ăn mang phong cách nhà hàng này rồi đấy, dùng kèm muối chanh ớt cho thêm phần đậm đà, hấp dẫn nhé.