10 Câu hỏi phỏng vấn đầu bếp thường gặp và những điều ứng viên cần biết
Để được tuyển dụng làm đầu bếp, bạn cần phải trả lời tốt các câu hỏi và vượt qua vòng phỏng vấn. Hoteljob.vn xin chia sẻ 10 câu hỏi phỏng vấn đầu bếp thường gặp và những điều cần biết để các bạn ứng viên trong ngành có thể tham khảo.
Những câu hỏi phỏng vấn đầu bếp thường gặp (Ảnh nguồn Internet)
♦ Bạn hãy giới thiệu đôi nét về bản thân?
Đây dường như là một câu hỏi mở đầu bắt buộc trong bất kỳ cuộc phỏng vấn tuyển dụng nào. Với câu hỏi giới thiệu bản thân, ngoài việc giới thiệu tên, tuổi, quê quán – ứng viên cần phải đề cập đến bằng cấp, kinh nghiệm làm việc, kỹ năng, thành tích… phù hợp với vị trí công việc mà bạn đang ứng tuyển là đầu bếp bánh, đầu bếp Âu – Á, đầu bếp nóng – lạnh… Bạn cần tóm tắt câu trả lời thật ngắn gọn – súc tích, trong vòng 1 phút trở lại.
♦ Điểm mạnh của bạn là gì?
Với câu hỏi này, bạn phải cho nhà tuyển dụng biết được bạn có những thế mạnh, kỹ năng nào đáp ứng các yêu cầu công việc đang ứng tuyển. Ví dụ ứng tuyển vị trí đầu bếp bánh, điểm mạnh của bạn có thể là: ước lượng nguyên liệu một cách chính xác bằng mắt thường, có khả năng décor bánh đẹp, có kỹ năng quản lý công việc hiệu quả…
Đầu bếp bánh cần phải có kỹ năng décor bánh đẹp (Ảnh nguồn Internet)
♦ Điểm yếu của bạn là gì?
Mục đích khi hỏi câu hỏi này của nhà tuyển dụng không phải để “bắt thóp” bạn mà muốn biết bạn làm gì để khắc phục những điểm yếu của bản thân như thế nào. Nhà tuyển dụng sẽ đánh giá cao những ứng viên có quyết tâm cải thiện những mặt còn thiếu sót đó để đáp ứng tốt hơn các yêu cầu công việc.
♦ Vì sao bạn muốn làm việc cho khách sạn – nhà hàng của chúng tôi?
Câu hỏi này sẽ giúp nhà tuyển dụng biết được bạn đã tìm hiểu kỹ các thông tin về nơi bạn đã ứng tuyển hay chưa. Để trả lời tốt câu hỏi này, ứng viên cần phải nghiên cứu các thông tin về nơi mình ứng tuyển, đưa ra những lý do khiến bạn muốn làm việc ở đó: chế độ đãi ngộ hấp dẫn, môi trường làm việc tốt, là thương hiệu yêu thích…
Ứng viên cần phải tìm hiểu kỹ các thông tin về nhà tuyển dụng trước khi đi phỏng vấn
(Ảnh nguồn Internet)
Tìm hiểu thêm: Bí quyết chinh phục nhà tuyển dụng ứng viên nào cũng cần phải biết
♦ Vì sao chúng tôi nên chọn bạn cho vị trí công việc này?
Đây là một câu hỏi khó nhưng cũng chính là cơ hội để bạn PR bản thân mình. Bạn cần thể hiện cho nhà tuyển dụng thấy mình phù hợp với vị trí công việc đó như thế nào: thành thạo những kỹ năng gì, kinh nghiệm làm việc ra sao, nhiệt tình, có nhiều ý tưởng sáng tạo…
♦ Vì sao bạn nghỉ việc ở chỗ làm cũ?
Câu hỏi này khá nhạy cảm nên ứng viên cần phải thận trọng khi trả lời. Có thể có nhiều nguyên nhân khác nhau khiến bạn nghỉ làm ở chỗ cũ: mâu thuẫn với quản lý, bị phân biệt đối xử, lương thấp, chế độ đãi ngộ không tốt,… Một điều ứng viên cần nhớ là không nên nói xấu sếp cũ, nơi làm việc cũ trước nhà tuyển dụng mới. Nếu lý do khiến bạn nghỉ việc là tiêu cực, thì nên lái sang khía cạnh tích cực hơn “muốn thử thách bản thân ở một môi trường mới, chuyên nghiệp hơn”.
♦ Bạn giỏi làm việc độc lập hay làm việc nhóm?
Với câu hỏi này bạn không thể chọn 1 trong 2 mà phải là cả hai. Bởi với nghề đầu bếp, đòi hỏi bạn phải có khả năng làm việc độc lập chế biến các món ăn theo yêu cầu vừa phải phối hợp với các đồng nghiệp làm việc thật hiệu quả. Ứng viên cần đưa ra dẫn chứng cụ thể bạn giỏi làm việc độc lập (trong 10 phút chế biến xong một món ăn nào đó, nhanh nhưng vẫn đảm bảo chất lượng yêu cầu) và linh hoạt, khéo léo trong phối hợp làm việc nhóm như thế nào…
Đầu bếp cần phải giỏi làm việc độc lập vừa linh hoạt khi phối hợp làm việc nhóm (Ảnh nguồn Internet)
♦ Bạn đã bao giờ xảy ra mâu thuẫn với đồng nghiệp chưa? Nếu đã từng thì khi đó bạn xử lý như thế nào?
Với môi trường làm việc “nóng nực” như trong gian bếp thật khó để tránh khỏi những mâu thuẫn với đồng nghiệp. Nếu được hỏi câu hỏi này, ứng viên phải cho nhà tuyển dụng biết cách bạn ứng xử trong tình huống đó như thế nào: nói chuyện riêng, lắng nghe quan điểm của nhau khi có mâu thuẫn xảy ra và cùng tìm một giải pháp “hòa bình” cho cả hai… Ứng viên có thể nêu ra một tình huống cụ thể nào đó đã từng gặp để nhà tuyển dụng thấy được cách xử lý hợp lý của bạn.
♦ Mục tiêu của bạn trong vài năm tới là gì?
Nếu bạn đã lập ra lộ trình thăng tiến của bản thân thì hãy mạnh dạn chia sẻ nó với nhà tuyển dụng. Và bạn đang làm gì để đạt được những mục tiêu đó. Bởi nhà tuyển dụng thường rất thích những ứng viên có định hướng nghề nghiệp rõ ràng, biết cách quản lý công việc – sự nghiệp của mình. Qua đó, ứng viên cũng sẽ làm tốt được những công việc được giao.
Ứng viên đầu bếp cần phải lập cho mình một lộ trình thăng tiến rõ ràng (Ảnh nguồn Internet)
♦ Bạn mong muốn nhận được mức lương bao nhiêu?
Để trả lời tốt câu hỏi này, bạn cần phải tìm hiểu mặt bằng lương chung của vị trí đầu bếp mà bạn ứng tuyển. Hiện nay, mức lương đầu bếp chính vào khoảng 5 – 8 triệu đồng/ tháng; tổ trưởng, giám sát bếp lương 8 – 12 triệu đồng. Tùy thuộc vào quy mô của nhà hàng – khách sạn mà bạn ứng tuyển để đưa ra một mức lương mong muốn nhưng phải phù hợp để nhà tuyển dụng cân nhắc.
Xem thêm: 7 Suy nghĩ sai lầm về nghề đầu bếp
Ms. Smile