10 ĐIỂM MỚI NỔI BẬT TRONG LUẬT DOANH NGHIỆP 2020

Sau đây là những điểm mới nổi bật trong Luật Doanh nghiệp 2020

  1. Không còn quy định về thông báo mẫu dấu doanh nghiệp trước khi sử dụng

Quy định về con dấu của doanh nghiệp được quy định tại Điều 43 của Luật Doanh nghiệp 2020 như sau:

  • Dấu bao gồm dấu được làm tại cơ sở khắc dấu hoặc dấu dưới hình thức chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.
  • Doanh nghiệp quyết định loại dấu, số lượng, hình thức và nội dung dấu của doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện và đơn vị khác của doanh nghiệp.
  • Việc quản lý và lưu giữ dấu thực hiện theo quy định của Điều lệ công ty hoặc quy chế do doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc đơn vị khác của doanh nghiệp có dấu ban hành. Doanh nghiệp sử dụng dấu trong các giao dịch theo quy định của pháp luật.

So với quy định trong Luật Doanh nghiệp 2014 từ nay trước khi sử dụng, doanh nghiệp không cần phải thông báo mẫu con dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

  1. Bổ sung thêm đối tượng không được phép thành lập doanh nghiệp

Một số đối tượng không được phép thành lập, quản lý doanh nghiệp bao gồm:

– Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi;

– Công nhân công an trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam (trừ những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp);

– Tổ chức là pháp nhân thương mại bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định theo quy định của Bộ luật Hình sự.

  1. Giảm thời gian báo trước khi tạm ngừng kinh doanh

Trước đây trong Luật Doanh nghiệp 2014, doanh nghiệp có quyền tạm ngừng kinh doanh nhưng với điều kiện là phải thông báo bằng văn bản về thời điểm, thời hạn tạm ngừng hoặc tiếp tục kinh doanh cho Cơ quan đăng ký kinh doanh chậm nhất là 15 ngày trước ngày tạm ngừng/ tiếp tục kinh doanh. Tuy nhiên, Luật Doanh nghiệp 2020 đã rút ngắn thời gian báo trước khi tạm ngừng kinh doanh xuống chỉ còn chậm nhất là 03 ngày làm việc trước ngày tạm ngừng kinh doanh hoặc tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo.

  1. Bổ sung quy định về chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết

Quy định về chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết được bổ sung như sau:

“Cổ phần phổ thông được dùng làm tài sản cơ sở để phát hành chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết được gọi là cổ phần phổ thông cơ sở. Chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết có lợi ích kinh tế và nghĩa vụ tương ứng với cổ phần phổ thông cơ sở, trừ quyền biểu quyết.

Chính phủ quy định về chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết.” (Điều 114 Luật Doanh nghiệp 2020).

  1. Bổ sung hồ sơ đăng ký công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần

Luật Doanh nghiệp 2020 bổ sung thêm yêu cầu đối với hồ sơ đăng ký công ty TNHH và công ty CP là phải có bản sao giấy tờ pháp lý của người đại diện theo pháp luật tương tự như thành viên công ty TNHH và cổ đông sáng lập công ty CP.

  1. Khái niệm doanh nghiệp nhà nước đã được thay đổi

Trong Luật Doanh nghiệp 2014, doanh nghiệp nhà nước được định nghĩa là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Luật Doanh nghiệp 2020 đã quy định trong Khoản 11 Điều 4 như sau:

“Doanh nghiệp nhà nước bao gồm các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết theo quy định tại Điều 88 của Luật này.”

  1. Doanh nghiệp nhà nước phải lập Ban Kiểm soát

Khoản 1 Điều 103 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định như sau:

“Căn cứ quy mô của công ty, cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định thành lập Ban kiểm soát có từ 01 đến 05 Kiểm soát viên, trong đó có Trưởng Ban kiểm soát. Nhiệm kỳ Kiểm soát viên không quá 05 năm và có thể được bổ nhiệm lại nhưng không quá 02 nhiệm kỳ liên tục tại công ty đó. Trường hợp Ban kiểm soát chỉ có 01 Kiểm soát viên thì Kiểm soát viên đó đồng thời là Trưởng Ban kiểm soát và phải đáp ứng tiêu chuẩn của Trưởng Ban kiểm soát.”

  1. Sửa đổi quy định về quyền của cổ đông phổ thông

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2014 thì cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 10% tổng số cổ phần phổ thông trở lên trong thời hạn liên tục ít nhất 06 tháng hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty để có các quyền theo quy định tại Khoản 2 Điều 114 Luật Doanh nghiệp 2014.

Quy định này đã được sửa đổi trong Luật Doanh nghiệp 2020, theo đó “Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 05% tổng số cổ phần phổ thông trở lên hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn theo quy định tại Điều lệ công ty có quyền của cổ đông phổ thông quy định tại Khoản 2 Điều 115 Luật này.”

  1. Doanh nghiệp tư nhân có thể chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh

Doanh nghiệp tư nhân có thể chuyển đổi thành công ty TNHH, công ty CP hoặc công ty hợp danh theo quyết định của chủ doanh nghiệp tư nhân nếu đáp ứng được các điều kiện theo quy định tại Điều 205 Luật Doanh nghiệp 2020 như sau:

“a. Doanh nghiệp được chuyển đổi phải có đủ các điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 27 của Luật này;

  • Chủ doanh nghiệp tư nhân cam kết bằng văn bản chịu trách nhiệm cá nhân bằng toàn bộ tài sản của mình đối với tất cả khoản nợ chưa thanh toán và cam kết thanh toán đủ số nợ khi đến hạn;
  • Chủ doanh nghiệp tư nhân có thỏa thuận bằng văn bản với các bên của hợp đồng chưa thanh lý về việc công ty được chuyển đổi tiếp nhận và tiếp tục thực hiện các hợp đồng đó;
  • Chủ doanh nghiệp tư nhân cam kết bằng văn bản hoặc có thỏa thuận bằng văn bản với các thành viên góp vốn khác về việc tiếp nhận và sử dụng lao động hiện có của doanh nghiệp tư nhân.”
  • Bổ sung thêm trường hợp chấm dứt tư cách thành viên hợp danh

Căn cứ Khoản 1 Điều 185 Luật Doanh nghiệp 2020, thành viên hợp danh bị chấm dứt tư cách trong trường hợp sau đây:

– Tự nguyện rút vốn khỏi công ty;

– Chết, mất tích, bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi;

– Bị khai trừ khỏi công ty;

– Chấp hành hành phạt tù hoặc bị Tòa án cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định theo quy định của pháp luật;

– Trường hợp khác do Điều lệ công ty quy định.

So với Luật Doanh nghiệp 2014, Luật Doanh nghiệp 2020 đã bổ sung thêm 2 trường hợp là “có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi” và “chấp hành hành phạt tù hoặc bị Tòa án cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định theo quy định của pháp luật“.