#1 Một số điểm đến hấp dẫn khi du lịch Duy Xuyên
Một số điểm đến hấp dẫn khi du lịch Duy Xuyên
Ngoài Thánh Địa Mỹ Sơn thì Duy Xuyên còn là điểm đến hấp dẫn với du khách gần xa với nhiều địa danh nổi tiếng. Nếu ai muốn du lịch tham quan và khám phá Duy Xuyên.Hãy đọc bài viết để xem những điểm đến để có một chuyến đi thú vị.
1. Khu du lịch sinh thái Duy Sơn
Khu du lịch sinh thái Duy Sơn thuộc thôn Chiêm Sơn, xã Duy Sơn đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết trên diện tích 70ha với 14 hạng mục như khu vui chơi thiếu nhi, khu nghỉ mát cao cấp, vườn thú, khu tâm linh… nhằm biến nơi đây trở thành một khu du lịch sinh thái hấp dẫn với môi trường xanh, sạch, đẹp.Từ ngã ba Nam Phước (Duy Xuyên) đi khoảng 10km về phía tây nam du khách sẽ đến Khu du lịch Duy Sơn. Một khung cảnh lãng mạn nên thơ giữa bốn bề đồi núi.Trải nghiệm một ngày trọn vẹn tại Duy Sơn sẽ mang lại cho chúng ta nhiều cảm giác mới mẻ.
Con đường nhựa dẫn vào hồ thủy điện đẹp như tranh với lối đi rộng rãi, hai bên là hàng cây xà cừ cao lớn phủ đầy bóng mát gợi cho du khách cảm giác bình yên. Càng vào gần thủy điện, màu xanh rừng càng ngút ngàn, hoang sơ và yên tĩnh. Thấp thoáng một vài nhà dân khuất sâu giữa núi đồi. Du khách sẽ phấn chấn hơn khi tấm biển khu du lịch sinh thái Duy Sơn hiện ra trong làn sương lành lạnh phủ mờ cả nắng mai.
Bước chân vào cổng, chúng ta sẽ mát mắt bởi màu xanh thẳm của hồ Duy Sơn và những hàng cây nghiêng mình soi bóng. Ngày nắng, hồ là điểm đến lý tưởng để du khách và người dân địa phương cắm trại, câu cá, du ngoạn bằng thuyền nhỏ hay nghỉ ngơi ăn uống trong những ngôi nhà ẩn mình dưới bóng cây trên các đảo nhỏ.
Muốn ngắm hồ Duy Sơn đẹp nhất, vẹn toàn nhất thì leo lên đỉnh ngọn đồi bên bờ hồ. Từ trên cao, mặt nước như trong xanh hơn, ngợp rừng cây, tiếng chim chóc… Tất cả thấm vào các giác quan, khiến ai cũng không muốn rời đi.
»» Đặt phòng khách sạn tại Hội An giá rẻ
2. Làng du lịch sinh thái cộng đồng Trà Nhiêu
Thuộc xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam; là vùng đất có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời, với tổng diện tích tự nhiên là 147 ha, Phía Đông giáp cửa khẩu Trà Lộ, phía Bắc giáp Kim Bồng- Cẩm Phô, phía Tây giáp Bàn Thạch, phía Nam giáp sông Thu Bồn. Du khách có thể đến Trà Nhiêu bằng 2 tuyến khác nhau, có thể từ khu di tích Mỹ Sơn bằng đường bộ đến ngã ba Nam Phước theo trục đường 610 về hướng Đông khoảng 10 km, và từ đô thị cổ Hội An bằng đường thủy xuôi theo nhánh sông Thu Bồn hướng Đông Nam khoảng chừng 3 km, quý khách sẽ được đón tiếp tại cổng làng Trà Nhiêu nơi có bến xe và bến thuyền.
Trải qua nhiều biến cố, thời gian và không gian và đã qua nhiều thay đổi, tư liệu lịch sử lưu truyền chưa thu nhận tra cứu đầy đủ, không ai biết chính xác dân cư sinh sống trên làng Trà Nhiêu có tự bao giờ, ai là người có công dựng ấp, lập thôn. Tuy nhiên, theo sử cũ ghi lại, từ TK XVI- XVII, đây là nơi giao lưu buôn bán nhộn nhịp bởi địa thế thuận lợi của các nhánh sông: Thu Bồn, Ly Ly, Trường Giang đổ ra Cửa Đại Chiêm, ghe bầu từ Nam Bắc vô ra và tàu thuyền buôn bán của các thương nhân ngoại quốc thường lui tới trao đổi hàng hóa biến nơi đây thành cảng thị sầm uất một thời. Nơi đây còn nền móng và bia cổ của miếu thờ Quan Công do người Tàu xây dựng, đây là miếu được xây dựng trước phố cổ Hội An, giữa làng có ngôi đình do 4 tộc họ trong thôn đóng góp xây dựng để thờ các vị tiền bối, cư dân các nơi lần lượt về đây sinh cơ lập nghiệp; cho đến ngày nay, làng Trà Nhiêu quy tụ trên 30 tộc họ lớn nhỏ. Nhiều dấu tích nơi đây vẫn còn như: cây đa, đình làng, miếu thờ Quan Công, chùa Ông…càng minh chứng rõ nét cho bề dày lịch sử, văn hóa của vùng đất này.
Đến với Trà Nhiêu, quý khách có thể cảm nhận được nét làng quê yên bình với những con đường làng uốn lượn dưới bờ tre xanh rợp bóng, xuyên qua hàng chè tàu phủ dây tơ hồng vàng óng, những ngôi nhà ẩn hiện dưới hàng cau tít tắp. Người Trà Nhiêu sống hiền hòa, chất phát, chân quê; thương yêu, đùm bọc lẫn nhau, đoàn kết chống giặc giữ nước xây dựng quê hương. Đặc biệt, trong hai cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, nhân dân nơi đây đã lợi dụng địa hình, địa thế là rừng dừa nước để nuôi giấu cán bộ, chiến sĩ cách mạng và ngăn chặn, đánh bại nhiều trận càng quét của địch. Qua 02 thời kỳ kháng chiến, làng Trà Nhiêu có: 97 người con đã anh dũng hy sinh cho Tổ quốc, 04 Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, 41 thương bệnh binh.
Làng Trà Nhiêu có nhiều ngành nghề đa dạng: trồng trọt chăn nuôi, đánh bắt thuỷ hải sản trên sông và trên biển, nghề chiếu cói truyền thống, nghề chằm lá dừa nước… Đến đây quý khách có thể thưởng thức nhiều món ăn truyền thống được chế biến từ sản vật của vùng sông nước như: hến, sìa, sứa, bún biển, lạch tươi, tôm, cua, cá, ghẹ… và nhiều món ăn dân gian đậm đà hương vị quê hương: khoai, sắn, bắp…luộc; mì quảng, bánh đập, bánh bèo,… uống nước chè xanh. Trong lộ trình tham quan làng Trà Nhiêu, quý khách còn được phục vụ món ăn tinh thần với hô hát bài chòi, hò khoan đối đáp, hát bả trạo…Quý khách còn có thể mua sắm những món hàng thủ công mỹ nghệ do nhân dân địa phương làm nên để làm quà tặng cho bạn bè thân hữu sau mỗi chuyến tham quan trở về.
Đến với làng quê Trà Nhiêu, du khách có thể tận mắt nhìn thấy các công đoạn trong quá trình tạo ra những sản phẩm thủ công mang tính đặc trưng và truyền thống của người dân nơi đây:
>> Tổng đài taxi Duy Xuyên
3. Nghề dệt chiếu truyền thống Trà Nhiêu
Nghề dệt chiếu là nghề thủ công có từ lâu đời của người dân làng Bàn Thạch nói chung và làng Trà Nhiêu nói riêng, được sử dụng nguyên liệu gồm cây đay và cây lát thích nghi với điều kiện đất đai thổ nhưỡng của địa phương.
Đến với Trà Nhiêu, quý khách sẽ thích thú khi nơi này lúc nào cũng đầy màu sắc từ trong nhà ra ngoài ngõ bởi những sợi lát xanh, đỏ, vàng, trắng, tím…Thật thú vị nếu được tận mắt chứng kiến cảnh tất bật của những người thợ lành nghề với những bàn tay khéo léo bên khung dệt, cọng lát, sợi đay…để sản xuất ra những chiếc chiếu xinh xắn, đẹp mắt, thực sự là một “bức tranh hài hòa về màu sắc” của những “họa sĩ nông dân” và quý khách có thể mua những sản phẩm thú vị này về làm quà cho người thân và bạn bè với nhiều kích thước và chủng loại theo yêu cầu của người sử dụng.
»» Đặt phòng khách sạn tại Hội An giá rẻ
4. Nghề chài lưới và đánh bắt thủy sản trên sông Trà Nhiêu
Với diện tích mặt nước bao la, trãi dài, vùng sông nước Trà Nhiêu có phong cảnh đẹp yên bình và nhiều loại thủy sản quý và đa dạng, góp phần nuôi sống cả vạn cư dân ven sông sống bằng nghề đánh bắt truyền thống. Đến đây, du khách có thể tham gia các hoạt động của nghề sông nước này giống như những ngư dân thực thụ, có thể lênh đênh trên thuyền đánh lưới nỗi bắt cá, đánh lưới chìm bắt tôm, cua, ghẹ; du khách có thể ở lại nhà dân vào những đêm trăng cùng sinh hoạt hát hò khoan đối đáp, hát bả trạo trên thuyền… và du khách có thể cảm nhận được nét làng quê yên bình và tính hiếu khách của người dân nơi đây mà không nơi nào có được. Ngư dân Trà Nhiêu ngoài đánh bắt thủy sản trên sông còn có nghề vá lưới thủ công để tái sử dụng khi lưới hỏng.
Khi tàu đánh thủy hải sản về bến, nhiều chị em phụ nữ ra nhận lưới kiểm tra và vá lại những chiếc lưới bị hỏng để tàu kịp chuyến ra khơi. Nghề vá lưới hiện nay không những tạo công ăn việc làm cho nhiều chị em phụ nữ mà còn giúp họ thoát nghèo, làm giảm lượng lao động nhàn rỗi. Hình ảnh chị em phụ nữ ngồi vá lưới còn tạo nên nét đẹp mang tính văn hóa truyền thống của một cụm ven cánh Nam của làng Trà Nhiêu.
5. Nghề chằm lá dừa nước Trà Nhiêu
Với đặc điểm vùng đất nhiễm phèn mặn rất phù hợp cho cây dừa nước phát triển, từ lâu người dân Trà Nhiêu đã biết sử dụng lá dừa nước để lợp nhà vừa chống nóng về mùa hè vừa ấm áp về mùa đông.
Đặc biệt với bàn tay của người thợ chằm thì lá và thân cây dừa đã trở thành nguyên liệu trang trí tuyệt đẹp cho các khu nhà nghỉ, các quán xá dịch vụ giải khát cà phê, ăn uống. Đến đây, quý khách sẽ thấy xuất hiện đâu đó những ngôi nhà làm bằng lá dừa tinh xảo tô điểm thêm cho không gian yên ả của làng quê sông nước. Hiện Trà Nhiêu có 05 hộ chuyên làm nghề chằm lá dừa nước đáp ứng cho nhu cầu trong và ngoài địa phương.
6. Khu nhà vườn Trà Nhiêu
Do điều kiện kinh tế phát triển, và để chống chọi với thiên tai bão lũ nên mô hình nhà lá dừa dần dần nhường chỗ cho nhà những ngôi nhà xây tương đối vững chắc, song với những khu vườn rộng được trồng cau, những hàng cau vươn mình thẳng tắp đến mùa ra hoa tỏa hương thơm ngát và kết thành buồng trĩu trái với những hàng rào chè tàu được cắt tỉa công phu.
Dưới hàng cau người dân còn trồng nhiều loại rau vừa đảm bảo rau sạch phục vụ cho các bữa ăn hằng ngày vừa cung cấp cho thị trường chợ Bàn Thạch và Hội An, những ngôi nhà được bố trí sâu vào trong khu vườn, bóng cau rợp mát lối đi, tạo cho du khách cảm giác thật mát mẻ trong những ngày hè oi ả. Đến đây, du khách có thể thưởng thức cảm giác êm dịu với chiếc võng đu đưa dưới vườn cau rợp mát, được tận hưởng những làn gió mát lạnh từ biển thổi vào và nghe tiếng chim hót thì không gì thú vị bằng. Hiện làng Trà Nhiêu có 15 hộ có nhà vườn đẹp và dịu mát như thế, sẽ là nơi đón du khách muốn tìm đến một nơi thôn dã yên binh.
»» Đặt phòng khách sạn tại Hội An giá rẻ
7. Khu dừa nước Trà Nhiêu
Khu dừa nước nằm về phía đông của làng trà Nhiêu, đã được các bậc tiền bối nhân trồng cách đây trên 300 năm với tổng diện tích khoảng 60 ha, song do chiến tranh tàn phá và sự xói lỡ bởi dòng chảy của các nhánh sông Thu Bồn, Trường Giang và Ly Ly nên diện tích khu dừa hiện còn khoảng 10 ha. Do cây dừa có nhiều tác dụng nên nhân dân luôn bảo vệ đôn trồng và tồn tại cho đến ngày nay, nhân dân dùng thân và lá dừa nước để lợp nhà, làm phên che chắn bằng cách đốn phơi khô hoặc kết từng tàu kết từng tấm…
Đặc biệt trong chiến tranh, khu dừa nước này là nơi để nuôi giấu cơ sở cách mạng hoạt động, nuôi giấu cán bộ, chiến sĩ cách mạng; ngăn chặn, đánh bại nhiều trận càng quét của địch và nhân dân du kích địa phương còn dùng bẹ dừa làm súng giả nhằm nghi binh, uy hiếp tinh thần của bọn ngụy tề.
Để bảo tồn khu dừa nước, hiện địa phương đang tra cứu các tư liệu để đề nghị cấp trên công nhận di tích cấp tỉnh. Đồng thời để du khách có thể thăm quan khu dừa nước, địa phương đầu tư xây dựng cầu tre dài gần 100m và bến thuyền để du khách có thể đi xuyên vào rừng dừa thưởng ngoạn và câu cá.
8. Lễ hội Dinh Bà Chiêm Sơn
Dinh Bà Chiêm Sơn thuộc thôn Chiêm Sơn, xã Duy Trinh, Dinh Bà Chiêm Sơn gắn với lễ hội dân gian truyền thống Bà Chiêm Sơn (ngày 12 tháng 1 AL) và nhiều truyền thuyết dân gian. Dinh Bà trùng tu năm 2011. Tương truyền, ngày xưa, trong một khu rừng nhỏ, dân làng Mậu Hòa phát hiện ra một pho tượng đá. Tất cả dân làng hối hả đến để chuyển pho tượng về thờ. Pho tượng càng ngày càng trở nên nặng một cách kỳ lạ. Sức trai làng không ai bê nổi. Vào một đêm trăng sáng, có 8 mục đồng ở làng Chiêm Sơn mang theo dây thừng và những cây tre chắc dẻo đã chuyển pho tượng nhẹ nhàng như không. Khiêng một đoạn đường, các dây thừng đột nhiên bị đứt. Những vị cao niên của làng Chiêm Sơn quyết định thờ “Ngài” chung với các vị thần Cao Tác của làng. Một lần nữa, pho tượng lại càng nặng hơn không thể nào nhích lên nổi. Từ đó mọi người mới quyết định lập Dinh để thỉnh Bà vào thờ ngay vị trí mà bà đã có ý chọn chỉ thờ cho riêng Bà.
Dân làng Chiêm Sơn từ đó trở nên yên bình. Mọi tai ương, hạn hán, dịch bệnh đều có Bà Chiêm Sơn che chở. Tương truyền, một vị vua triều Nguyễn có lần kinh lý Quảng Nam đến viếng lăng mộ Hiếu Văn Hoàng hậu và Hiếu Chiêu Hoàng hậu phải đi ngang đường lộ trước Dinh Bà. Khi đi ngang qua, ngựa bỗng nhiên lồng lên rồi vùng chạy. Khi được biết sự linh thiêng của ngôi Dinh và uy lực siêu nhiên của Bà Đá đem đến bình an cho dân làng Chiêm Sơn, ngày mồng 8 tháng 6 năm thứ 5 niên hiệu Duy Tân, Bà được vua ban sắc phong Thái Dương Phu nhân. Tiếp đến ngày 25 tháng 7 niên hiệu Khải Định thứ 9, một lần nữa Bà được tôn vinh Trinh Uyển Dực Bảo Trung Hưng Thái Dương Phu nhân tôn thần. Sắc phong có đoạn: “Ngài được ghi rõ tặng thêm thần hiệu Trai Tịnh Trung Đẳng thần. Đặc biệt phê chuẩn để phụng thờ Ngài và ghi vào hàng Quốc khánh để kính dâng lễ mục cúng kính Ngài theo nghi điển”.
Trải qua bao thăng trầm, Dinh Bà Chiêm Sơn và truyền thuyết về Bà vẫn được dân làng Chiêm Sơn gìn giữ như một bảo vật truyền thống đời đời. Tháng giêng, sau ba ngày tết, bảy ngày xuân thảnh thơi, dân làng Chiêm Sơn lại cùng nguyện cầu bình an viếng Dinh Bà Đá.Hằng năm nhân dân làng Chiêm Sơn và vùng lân cận tổ chức lệ Bà.
Phần lễ: Lễ tế Dinh Bà được chính thức bắt đầu vào lúc 0h sáng ngày 12 tháng Giêng. Mâm lễ tế Bà do dân làng sắm sửa gồm cơm, thịt heo, trái cây. Ngoài các lễ vật ấy bắt buộc phải có 1 con cua đồng, một nhánh tỏi có cả rễ và lá, một cây cải, một con chồn quay, một con cá lóc nấu om. Còn người dân nào có lòng thành thì dâng cúng một đũa xôi và một con gà luộc. Sau buổi tế lễ toàn bộ các lễ vật được cúng tế đều trả lại cho dân làng và bắt buộc phải dùng hết trong ngày. Những người dâng lễ hầu hết là các bô lão trong làng Chiêm Sơn, số lượng ban tế lễ từ 20 đến 30 người, được chọn từ các vị cao niên và có uy tín trong làng. Đúng 7 giờ sáng là lễ rước sắc phong xuất phát từ bến Giá Ngự về Dinh Bà.
Phần hội: Hội của làng có rất nhiều những hoạt động, những trò chơi dân gian như hát tuồng, bài chòi, đá gà, thi cờ tướng,…Những đứa trẻ mục đồng thì có một buổi sinh hoạt dưới chân núi, những chú nghé con được cậu bé mục đồng đội cho vương miện bằng hoa mua tím chuẩn bị cho hội thi nghé duyên dáng, khỏe đẹp, giỏi đường cày. Di tích được xếp hạng bảo vệ cấp tỉnh Quyết định số: 558/QĐ-UBND,năm 2007 của UBND tỉnh Quảng Nam.
9. Đình Mỹ Xuyên Đông -Nơi lưu giữ bảo vật triều đình
Tìm về cội nguồn lịch sử các di tích ở huyện Duy Xuyên nói chung và di tích ở đình Mỹ Xuyên Đông nói riêng, ta không khỏi tự hào một nơi vẫn còn vang bóng những cây đa, bến nước, sân đình – biểu tượng của làng quê Việt Nam.
Từ ngã ba Nam Phước đi về hướng Tây theo đường quốc lộ 14 H khoảng 2km đến Chợ Chùa, rẽ phải đến sân vận động, đi dọc theo đường ven bờ Bắc sông Đào khoảng 2,5km là đến di tích.Có thể di chuyển bằng xe máy hoặc dịch vụ xe du lịch, xe taxi tại Duy Xuyên để tham quan. Cả quần thể cây đa, chợ Đình và di tích đình làng Mỹ Xuyên Đông nằm trong một cụm (thuộc khối phố Mỹ Xuyên, thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam).
Đình Mỹ Xuyên Đông ngày hôm nay tuy không lớn nhưng bên trong lại hàm chứa nhiều giá trị nhân văn sâu sắc, nhiều tài sản vô cùng quí báu. Đó là những di vật lịch sử mà hiện nay còn lưu giữ, gồm 32 đạo sắc phong được các vua từ Minh Mạng đến Khải Định ban, dẫu trải qua bao dâu bể chiến tranh, nhưng dân làng vẫn gìn giữ và bảo vệ. Mỹ Xuyên là vùng đất nằm phía Nam hạ du sông Thu Bồn; phía Đông giáp đường Quốc lộ 1A, phía Bắc giáp sông Thu Bồn, phía Nam và phía Tây Nam giáp vòng cung sông Bà Rén; đều cách cửa biển Cửa Đại khoảng 12km. Vì cả ba mặt đều giáp sông nên Mỹ Xuyên được phù sa bồi đắp bởi dòng sông Thu Bồn và Bà Rén. Do vậy, đất đai màu mỡ, cây cối xanh tươi, lại giáp đường Quốc lộ 1A nên rất thuận tiện cho sản xuất và lưu thông.
Ngài Lê Quí Công đã chọn dải đất ở thế “nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận hải, tứ cận điền” để qui dân lập ấp. Khi ngài Lê Quí Công qua đời, phần mộ ngài được an táng tại làng Mỹ Xuyên (đây là ngôi mộ lâu đời nhất của làng). Khi đời sống dần khấm khá, các dòng tộc tại Mỹ Xuyên đã xây dựng đình thờ thần của làng. Theo lời hai cụ ở Mỹ Xuyên là cụ ông Nguyễn Văn Xuyên và cụ ông Văn Phú Phúc thì đình làng Mỹ Xuyên Đông được xây dựng vào khoảng thời Chúa Tiên – Nguyễn Hoàng (1600- 1613).
Do chiến tranh, ngôi đình và cây đa không còn nữa. Đến năm 2001, đình làng Mỹ Xuyên Đông được trùng tu lại trên nền móng cũ, chính điện xây về hướng Tây Nam, đình xây theo kiểu tam gian nhị hạ (ba gian hai chái), tường xây, trụ bê tông giả gỗ, mái đổ bê tông trên lợp ngói. Thời gian và việc trùng tu, tôn tạo đã ít nhiều làm thay đổi diện mạo của ngôi đình xưa, nhưng những nét chạm trổ, kiến trúc và những cấu trúc ban đầu vẫn còn giữ được nguyên gốc. Đây chính là dấu tích lịch sử chứng minh cho sự ra đời của sự cộng cư làng xã, đa tộc họ đã hình thành từ xa xưa còn lưu lại trên đất Quảng Nam. Đình đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Nam ban hành Quyết định số 4451/2011/QĐ-UBND, ngày 30/12/2011 xếp hạng di tích cấp tỉnh.
Với vị trí nằm giữa làng, đình Mỹ Xuyên Đông từ khi lập làng đến cuối triều Nguyễn, xóm làng luôn đông đúc, dân cư ấm no, có nhiều đóng góp cho đất nước. Các triều vua từ Minh Mạng đến Khải Định có 32 đạo sắc phong Thần của làng đã có công “Hộ quốc, tý dân, nẫm trứ linh ứng”. Một thiết chế văn hoá tâm linh thờ Thành Hoàng, thuỷ tổ để an dân ở vùng đất mới ra đời. Ngôi tiền đường của làng Mỹ Xuyên Đông được xây dựng từ thời vua Lê Kính Tông. Dẫu chiến tranh tàn phá, người dân Mỹ Xuyên vẫn luôn lưu giữ các bản sắc văn hóa, các đạo sắc – linh hồn của đình – vẫn còn đến nay nguyên màu giấy mực. Đó là minh chứng cho sự đóng góp của nhân dân làng Mỹ Xuyên qua nhiều thế hệ cho đất nước, cho quê hương. Hằng năm vào ngày 12/02 âm lịch dân làng thường tổ chức tế đình, nhằm tưởng nhớ các bậc tiền bối, các vị anh linh đã có công khai phá lập ấp, lập làng.
Việc bảo tồn phát huy các di sản văn hoá là một trong những hoạt động gắn liền với việc bảo tồn, phát huy bản sắc dân tộc, tạo sự phát triển trong tương lai của đất nước từ những liên kết đặc thù của quá khứ và tương lai. Vì thế, bảo tồn phát huy giá trị các di sản văn hoá là nhiệm vụ mang tính chiến lược cần phải được tiến hành thường xuyên. Mảnh đất Duy Xuyên nhờ địa hình thuận lợi, là nơi giao thoa, hội tụ của nhiều tầng văn hoá. Chính những điều đó đã làm cho Duy Xuyên ngày nay trở thành một vùng đất có nền văn hóa thâm hậu. Bản sắc văn hoá dân tộc chính là nền tảng tinh thần của xã hội, là năng lượng tạo ra năng lực nội sinh cho mọi sự phát triển của dân tộc. Nhân dân thị trấn Nam Phước nói riêng, huyện Duy Xuyên nói chung rất đỗi tự hào về điều này.
Tuy có thể chưa phải là làng cổ nhất xứ Quảng nhưng Mỹ Xuyên có quyền tự hào là làng sở hữu nhiều sắc phong nhất Việt Nam hiện nay. Các vua triều Nguyễn, từ năm Minh Mạng thứ 5 (1824) đến năm Khải Định thứ 9 (1924) đã ban cho làng 32 Đạo sắc phong.
Trong đó, triều Minh Mạng: 5 đạo; Thiệu Trị: 10; Tự Đức: 11; Đồng Khánh: 2; Duy Tân: 2; Khải Định: 2. Các vị thần được phong cho làng bao gồm những vị cao quý nhất trong hệ thống phong thần của triều Nguyễn như: Đông Hựu Thuận, Đông Quảng Hậu, Bạch Mã Tôn… Và đặc biệt, sắc phong của vua Minh Mạng ban năm 1824 thuộc hàng sắc phong cổ nhất còn được lưu giữ ở Quảng Nam.
Có lẽ cách “quân cấp” đất công điền của ông Tiền hiền và nhiều thành tích trong quá trình hình thành và phát triển của dân làng là cơ sở để các vua chúa ban cho làng Mỹ Xuyên 32 sắc phong nêu trên.
Để có thể bảo tồn trọn vẹn 32 đạo sắc phong trước dòng thiên di của lịch sử và bao trận càn quét của giặc, người dân Mỹ Xuyên đã tốn không ít máu xương và công sức. Trong đó, Ban trị sự làng ghi nhận tộc Trần của chúng ta có nhiều người làm “thủ sắc” (người được làng tin giao giữ sắc phong của Vua) …
Với giá trị về đạo lý và lịch sử như thế, qua khảo sát thẩm định, UBND tỉnh Quảng Nam đã kí Quyết định số 54/UBND ngày 09/3/2006 công nhận Mộ Tiền Hiền Lê Quý Công là Di tích Lịch sử xếp hạng cấp Tỉnh và QĐ số 4451/QĐ-UBND ngày 30/12/2011 công nhận Đình Làng Mỹ Xuyên cũng là Di tích Lịch sử xếp hạng cấp Tỉnh. Đó là niềm vinh dự và tự hào của nhân dân làng Mỹ Xuyên, vì các thành viên Hội đồng thẩm định của Tỉnh đều không ngờ rằng trong tỉnh lại có một làng lưu giữ được nhiều sắc phong nhất cả nước như làng Mỹ Xuyên (Xuyên Tây & Xuyên Đông).
»» Đặt phòng khách sạn tại Hội An giá rẻ
10. Trung tâm Thánh Mẫu Trà Kiệu
Từ thế kỷ 17 trên đỉnh núi Non Trượt, Hiếu Văn hoàng hậu cho xây một ngôi chùa rất đẹp gọi là Bửu Châu Quang Tự; đến đời Minh Mạng thứ 5 (1824) ngôi chùa này bị dời lên địa phận làng cũ Chiêm Sơn và đổi tên là Vĩnh An tự. Thay vào đó trên đỉnh Non Trượt là nhà thờ Đức Mẹ Trà Kiệu được xây dựng tân kỳ, nguy nga với huyền thoại mang đậm màu sắc tâm linh tôn giáo là nơi đây tương truyền Đức Bà Maria đã hai lần xuất hiện. Trung tâm thánh mẫu trên đồi Bửu Châu được trùng tu năm 1964 theo thiết kế của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ (người đã thiết kế Dinh Độc Lập- Sài Gòn trước đây). Nhà thờ chính Trà Kiệu xây dựng năm 1888, là một trong những công trình đầu tiên của kiến trúc Pháp trên đất Việt Nam.
11. Nhà thờ Ngũ Xã Trà Kiệu
Người dân Ngũ Xã Trà Kiệu đang sống trên mảnh đất vô cùng thiêng liêng, mảnh đất mà lịch sử hình thành, phát triển của nó chứa đựng biết bao bí ẩn của một vương quốc, một dân tộc với nhiều huyền thoại ly kỳ. Thời gian qua hàng ngàn năm nhưng vẫn chưa giải mã hết. Vùng đất ấy đóng vai trò quan trọng trong tiến trình mở cõi về phương Nam của nhân dân Đại Việt; là một đơn vị hành chính cấp cơ sở lớn nhất của Xứ Quảng lúc bấy giờ: Quảng Nam Tam đại xã (thứ nhất Trà Kiệu, thứ nhì La Qua, thứ ba Tú Tràng).
Vùng đất được phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nơi đây đã từng là cánh chim đầu đàn của cả nước về phong trào hợp tác hóa nông nghiệp, làm thủy điện nhỏ ở nông thôn với danh xưng Duy Sơn 2 – Anh hùng Lao động Thời kỳ đổi mới. Duy Sơn hôm nay là một trong những xã đầu tiên của tỉnh Quảng Nam đạt chuẩn Nông thôn mới.
Trà Kiệu – kinh đô của Hoàn Vương (Champa) một thời vang bóng…
Cuối đời Đông Hán năm 192, con của viên công tào huyện Tượng Lâm, một nhân vật xuất chúng trong Kalinga (Khu Liên) nhân trong xứ có loạn, nổi lên giết quan huyện, tự lập làm vua. Theo lời ghi khắc trên một tấm bia tìm được thì việc mở nước Lâm Ấp là công lao của Khu Liên, nên Khu Liên được coi là ông vua Champa đầu tiên trong lịch sử.
Vị vua Champa đầu tiên này lấy hiệu là Cri Mara. Nước của ông lập ra lấy tên là Lâm Ấp mà trung tâm là khu vực Amaravati, tức Quảng Nam sau này. Người dân Lâm Ấp tự xưng là Cam (Cham) hay Chiêm Bà (Champa). Cri Mara dựng đô ở phía Đông Mỹ Sơn tức là Trà Kiệu hiện tại. Như vậy tương truyền Trà Kiệu là kinh đô của Champa từ thời lập quốc năm 192.
Năm 446, kinh thành Trà Kiệu bị Đàn Hòa Chi, thứ sử Giao Châu được lệnh Tống Văn Đế tiến đánh. Chúng giết người, cướp vàng bạc châu báu vô kể, nhất là những bức tượng lớn đến 10 người ôm đã bị nấu chảy thu được đến 50 tấn vàng nguyên chất (Sử ngoại kỷ). Đàn Hòa Chi sau khi chiến thắng trở về được phong đến chức Hành khiển (Tể tướng). Sau đó ông ta bị điên loạn, la hét vang động cả kinh thành và chết một cách thê thảm. Sách Nam Tề thư ghi rõ: “Đàn Hoà Chi chết vì trông thấy thần man di ám ảnh ông ta”(Hồ Trung Tú – Tiếng vọng từ một kinh thành đã mất).
Đến đời nhà Tùy, năm 605, Lâm Ấp bị quân Tàu chiếm đánh. Vua Chiêm là Phạm Phạn Chí (Cambhuva-man) bỏ chạy. Tướng Tàu là Lưu Phương vào thành Trà Kiệu bắt hết người Chăm làm tù binh, tịch thu 18 thần chủ (bài vị của 18 vị vua đã trị vì vương quốc này) bằng vàng ròng thờ trong miếu, trên 1.350 bộ kinh Phật và rất nhiều sách viết bằng chữ Champa. Số phận của Lưu Phương cũng chẳng khác gì Đàn Hoà Chi, tương truyền Lưu Phương cùng tất cả binh sĩ đã chết trên đường rút về vì bị bệnh dịch chân voi.
Năm 615, nhân Trung Quốc có loạn, Phạm Phạn Chi khôi phục đất cũ và Hoàn Vương là quốc hiệu tồn tại từ năm 758 đến năm 859. Hoàn Vương được gọi là nước Chiêm Thành – tên gọi mới của nước Lâm Ấp, kinh đô dời vào Đồng Dương (Thăng Bình, Quảng Nam), Trà Kiệu (Simharpura) trở thành đơn vị hành chính của Hoàn Vương. Lúc này Mỹ Sơn được xây dựng thêm nhiều đền tháp, nhất là dưới thời vua Cnư Cát Địa (Vikrâtavarman), cháu ngoại của Rudravarman I.
Trà Kiệu xã – đơn vị hành chính cấp cơ sở lớn nhất Quảng Nam
Năm 1470, vuaLê Thánh Tông chiến thắng Chiêm, đã ban chính sách chiêu dân lập ấp. Những tùy tướng cùng binh sỹ từng tháp tùng xông pha chiến trận đã vâng lệnh ngài vượt núi băng rừng, tiến về phương Nam, trong đó 13 vị thủy tổ tiền hiền của 12 tộc từ đất Thanh Hoá, Nghệ An. Họ chọn Trà Kiệu để khai sơn, phá thạch dựng làng, lập ấp tạo nên Trà Kiệu xã. Các ngài là người có công rất lớn trong công cuộc dẹp loạn, khai thác đất đai, chiêu dân lập ấp.
Vào triều Hi Tông – Hiếu Văn hoàng đế tức Nguyễn Phúc Nguyên (1613 -1635), cả 13 vị thủy tổ tiền hiền Trà Kiệu xã đều được phong tước Bá.
Hơn hai thế kỷ sau khi các thủy tổ khai cơ dựng nghiệp, để ghi nhận công đức của tiền nhân, vào đời vua Lê Hi Tông, niên hiệu Chánh Hoà (1680) các vị tiền bối của Ngũ Xã Trà Kiệu đã chọn một vị trí rất đẹp, cách kinh đô Sinhapura hơn 50 mét về phía Đông Nam xây dựng nên nhà thờ Tiền hiền Trà Kiệu, thờ chung các vị tiền hiền, thứ thế tiền hiền, hậu hiền và liệt tổ. Trích bảy mẫu ruộng (tự điền) để hàng năm phụng thờ hương khói và tiến hành xây dựng một ngôi đình kế bên cạnh để thờ riêng các vị văn thần, võ chức cũng như các thần linh. Cạnh đó còn xây dựng một ngôi chùa để con cháu các chư tộc có nơi cầu kinh, niệm Phật, tu dưỡng đạo đức. Ngôi chùa Trà Kiệu này vẫn còn tồn tại từ ấy đến nay và đang tiếp tục phát huy vai trò đề cao văn hóa tâm linh của dân tộc.
Dưới thời vua Khải Định, tổng cộng ruộng đất các vị tiền hiền, hậu hiền Trà Kiệu xã đã khai khẩn lên đến 1.525 mẫu. Địa giới hành chính rất rộng lớn: phía Nam trùm núi Hòn Tàu (Duy Sơn), phía Bắc đạp sông Chợ Củi (Câu Lâu), phía Đông giáp huyện Quế Sơn và phía Tây gối núi Dương Thông (Duy Xuyên). Vì thế Trà Kiệu xã là đơn vị hành chính cơ sở lớn nhất Xứ Quảng với danh xưng Quảng Nam Tam đại xãnhư đã nêu ở phần đầu.
Viết tiếp truyền thống của quê hương
Kế thừa truyền thống của tổ tiên, trong hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm và trong hòa bình xây dựng, nhân dân Ngũ Xã Trà Kiệu đã viết tiếp những trang sử hào hùng của quê hương mang đậm truyền thống văn hóa, yêu nước và cách mạng. Nơi đây luôn đóng vai trò tiên phong trong các phong trào cách mạng từ các cuộc vận động chính trị, phát triển văn hoá, xây dựng kinh tế. Nhân dân hai xã Duy Sơn và Duy Trung (trong đó có Ngũ Xã) đã kiên cường chiến đấu và đều được tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng Vũ trang. Hàng ngàn liệt sỹ, hàng trăm Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng…là hình ảnh sáng ngời về tinh thần yêu nước và cách mạng của quê hương. Đặc biệt trong hòa bình xây dựng, nhân dân Duy Sơn 2 được xem như là cánh chim đầu đàn của phong trào xây dựng hợp tác xã nông nghiệp và làm thủy điện nông thôn trong cả nước, được phong danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới. Duy Sơn là một trong những xã đầu tiên của tỉnh Quảng Nam đạt chuẩnNông thôn mới.
Ngày 16/11/2005, nhà thờ Ngũ Xã Trà Kiệu được Bộ Văn hóa – Thông tin ban hành Quyết định số 68/2005/QĐ-BVHTT xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia. Cũng năm này, di tích được trùng tu, tôn tạo thêm khang trang.
Con cháu Ngũ Xã Trà Kiệu luôn tự hào về truyền thống của quê hương và có ý thức góp phần làm rạng rỡ truyền thống vẻ vang ấy. Hơn nửa thế kỷ qua, nhân dân Ngũ Xã từng thế hệ nối tiếp nhau gìn giữ, khai thác, phát huy và sáng tạo để truyền thống văn hóa, yêu nước, cách mạng của quê hương ngày càng tỏa sáng.
»» Đặt phòng khách sạn tại Hội An giá rẻ