.:: Cong Giao Viet Nam ::.

Trần Hữu Hạnh, fsf

MỤC LỤC

Mục lục 

Chữ viết tắt

I. TỪ NGỮ: THÁNH HIẾN

1. Cựu ước

2. Tân ước

3. Sự thánh hiến của đời tu

II. THẦN HỌC VỀ ĐSTH TỪ VATICAN II

A. Công đồng Vatican II

B. Sau công đồng Vatican II

1. Tông huấn Vita Consecrata

    a. Chuẩn bị cho Tông huấn

    b. Bố cục của Tông huấn

2. Căn tính của ĐSTH theo VC: thánh hiến và sứ mệnh

    a. Thánh hiến

       – Kitô

       – Ba Ngôi

       – Đức Maria

       – Giáo hội

    b. Đặc sủng / Sứ mệnh

Tài liệu tham khảo

 

CHỮ VIẾT TẮT

AG      Sắc lệnh về Truyền giáo

CCC  Sách Giáo lý Giáo hội Công giáo

CL      Tông huấn Christifideles Laici

EE     Văn kiện Những Yếu tố Cốt yếu của Đời tu

FLC   Đời sống huynh đệ trong cộng đoàn

GS      Hiến chế mục vụ về Giáo hội trong thế giới hôm nay

LG      Hiến chế Tín lý về Hội thánh

PC      Sắc lệnh về việc Canh tân Dòng tu

RD    Tông huấn Hồng ân cứu độ

VC     Tông huấn về Đời sống Thánh hiến

 

I. TỪ NGỮ: THÁNH HIẾN

Theo nguyên nghĩa, sự thánh hiến, cung hiến hay tác thánh, là tách rời một người hay một vật ra khỏi lãnh vực phàm tục, để dành riêng cho công việc thánh. Thí dụ như cung hiến thánh đường, bàn thờ, … Sau khi đuợc thánh hiến, chúng được dành riêng cho việc phụng tự.

Kinh thánh cho thấy con người đã cung hiến cho Thiên Chúa một nơi (bàn thờ, đền thờ: x. Xh 29, 37), một lễ vật (x. Xh 13, 2), một người (x. Xh 28, 41). Nhưng Kinh thánh cũng nói nhiều đến việc chính Thiên Chúa thánh hiến (thánh hóa) con người, thậm chí cả một dân tộc như dân Israel. Theo thần học Kinh thánh, từ thánh hiến được hiểu không những con người cung hiến cho Thiên Chúa cái gì đó; mà còn chính Thiên Chúa thánh hiến con người, tách rời họ khỏi tội lỗi, trở thành sở hữu của Chúa. 

1. Cựu ước

Thiên Chúa đã chọn dân Israel làm dân riêng của Ngài, một dân được thánh hiến cho Thiên Chúa. Đây là sáng kiến xuất phát từ Thiên Chúa, nhưng cũng đòi hỏi sự đáp trả của con người (x. Đnl 4, 37; 7, 6-8; 10, 15; Is 42, 1-7; 43, 8-10; 45, 4; Xh 19, 3-6). Ngài thông ban sự thánh thiện cho họ và đòi hỏi họ phải cố gắng sống thánh thiện: “Các ngươi hãy nên thánh, vì ta là Đấng Thánh.”(x. Lv 11, 44- 45; 19, 2; 20, 7-8. 26) Việc thánh hiến Israel chủ yếu đòi hỏi nơi họ sự tách rời khỏi tội lỗi.

Từ trong dân tộc này, Thiên Chúa cũng chọn và thánh hiến một số người để phục vụ kế hoạch của Ngài: Abram (St 12), Moses (Xh 3), David (1Sm 16), các ngôn sứ (Is 6; 42, 1-7; Gr 1,5), v.v.

2. Tân ước

Khởi nguồn mọi sự hiến thánh là Chúa Kitô. Ngài được Chúa Cha thánh hiến (được thông truyền chính sự thánh thiện của Thiên Chúa, tức thiên tính) và sai đến trong thế gian (x. Ga 10, 36; x. Ga 17, 18-19; Lc 4, 18-19). Bởi vậy, Ngài được tuyên xưng là Đấng Thánh của Thiên Chúa (x. Ga 6, 69; 1Ga 2, 20; Kh 3, 9).

Những gì Cựu ước nói về Israel thì nay được áp dụng cho Hội thánh. Toàn thể Hội thánh trở thành dân được tuyển chọn, dân thánh (x. 1Pr 2, 9-10.19; 1Cr 6,19-20).  

Chúa Kitô cũng cầu xin cho các môn đệ của Ngài, để họ cũng được thánh hiến và được sai đi như Ngài: “Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật. Như Cha đã sai con đến thế gian, thì con cũng sai họ đến thế gian. Vì họ, con xin thánh hiến chính mình con, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến.” (Ga 17, 17- 19) Ở đây, chúng ta thấy Chúa Kitô “xin thánh hiến chính mình con.” Ngài tự nguyện dâng trót cuộc đời để thi hành sứ mệnh cứu độ nhân loại, tức thánh hóa họ. Và Ngài cũng muốn các môn đệ của Ngài tiếp tục sứ mệnh của Ngài: thánh hiến và sứ vụ.

Thật vậy, qua cái chết và sự Phục sinh, Chúa Kitô đã đưa thế gian ra khỏi tội lỗi, cho thông dự vào sự thánh thiện của Chúa. Qua bí tích Rửa tội, những người Kitô hữu được thông dự vào ơn hiến thánh của Chúa Kitô: được rửa sạch tội lỗi (x. Ga 15, 3), được thanh tẩy (x. Ep 5, 24), được thánh hóa trong sự thật (x. Ga 17, 17), là những người thánh (x. Rm 1, 7; 1Cr 1, 2; Ep 1, 1; Pl 1, 1; Cl 1, 2; 1Tx 5, 26; 2Tx 1, 10; 1Tm 5, 10; Dt 3, 1). Họ phải sống xứng đáng với ơn gọi nên thánh, vì Đấng đã kêu gọi họ là Đấng Thánh (x. 1Pr 1, 16; 1Tx 4, 3). Họ phải cố gắng nên trọn lành như Cha trên trời là Đấng trọn lành (x. Mt 5, 48).

Tóm lại, theo Kinh thánh, chính Thiên Chúa thánh hiến con người. Do tình yêu, Ngài chọn và tách biệt một người nào đó và thông ban sự thánh thiện của Ngài cho họ. Sự lựa chọn này không chỉ vì ích lợi riêng của người ấy, mà còn trao cho họ một sứ mệnh để phục vụ kế hoạch cứu độ của Ngài nữa. Tình yêu của Thiên Chúa có sức biến đổi con người, ban cho họ khả năng để đáp trả lại cũng bằng tình yêu.

3. Sự thánh hiến của đời tu

Thần học cận đại coi đời sống tu là “bậc trọn lành.” Việc sử dụng cụm từ này có thể gây hiểu lầm. Bởi vì, mọi Kitô hữu đều được kêu gọi trở nên trọn lành (x. Mt 5, 48). Công đồng Vatican II cũng đã khẳng định mọi Kitô hữu đều được kêu gọi nên thánh trong bậc sống của mình và có nhiều con đường để nên trọn lành (x. LG 11, 42), chứ không chỉ qua việc giữ các lời khuyên Phúc âm. Thêm vào đó, việc sử dụng cụm từ này sẽ làm cho người ta lầm tưởng rằng chỉ có những người sống trong bậc đó mới buộc phải nên trọn lành, còn các bậc khác thì không buộc. Ngày nay, cụm từ “đời sống thánh hiến/tận hiến” (Vita consecrata), bao gồm cả tu hội đời, đã được sử dụng để chỉ đời sống tu trì, mặc dù nó không được sự đồng tình rộng rãi vì cũng gây ra ngộ nhận rằng chỉ có các tu sĩ là được thánh hiến cho Chúa, còn những người khác không được thánh hiến? Nhưng mọi Kitô hữu đều được thánh hiến qua phép rửa tội.

Ở đây, chúng ta cần phân biệt “nên thánh” trong bậc giáo dân và “nên thánh” trong bậc tu trì: sự thánh hiến phổ quát và sự thánh hiến riêng biệt, ơn gọi phổ quát nên thánh và ơn gọi cụ thể nên thánh theo từng bậc sống. Như đã trình bày, trong Cựu ước, có sự thánh hiến của toàn thể dân Chúa và cũng có sự thánh hiến của các ngôn sứ. Cũng vậy, trong Tân ước, ngoài sự thánh hiến phổ quát dựa trên bí tích Rửa tội, còn có sự thánh hiến đặc biệt của bí tích Truyền chức (x. CCC 1535, 1556-1559), của bí tích Hôn nhân (x. GS 48; CCC 1535), của các hình thức tu trì (x. CCC 916, 931; LG 44; PC 5). Mỗi người phải sống theo đặc sủng đã nhận được (x. 1Cr 7, 7- 20). Chính Chúa Thánh Thần làm cho Giáo hội trở thành một mối hiệp thông hữu cơ, trong sự đa dạng về các ơn gọi, các đặc sủng và các thừa tác vụ (x. AG 4; LG 4, 12, 13; GS 32, CL 30-31)                             

Đời tu là một hình thức tận hiến đặc biệt cho Thiên Chúa, vì sự thánh hiến chính là nền tảng của đời tu. Chính Thiên Chúa thánh hiến người tu sĩ. Ngài kêu mọi một người, tách riêng người ấy ra và trao cho người ấy một sứ mệnh trong kế hoạch cứu độ của Ngài (x. EE 5). Sự thánh hiến của các tu sĩ dựa trên việc tuyên giữ các lời khuyên Phúc âm (x. Can 573 §1; EE 4, 7). Việc tuyên giữ các lời khuyên Phúc âm tách biệt họ khỏi những sự vật trần thế, để họ chỉ phụng sự một mình Chúa mà thôi (x. PC 5). Đời sống thánh hiến dựa trên phép Thánh Tẩy, nhưng sống bí tích này một cách triệt để hơn. Có thể nói là họ được thánh hiến một lần nữa: “Nhờ phép Thánh Tẩy, họ đã chết cho tội lỗi và được cung hiến cho Thiên Chúa; nhưng để có thể thâu lượm dồi dào ơn ích của bí tích ấy, người Kitô hữu muốn nhờ việc khấn giữ ba lời khuyên Phúc âm trong Hội thánh, thoát ly khỏi những ngăn trở có thể làm cho họ không nhiệt tâm yêu mến và tôn thờ Thiên Chúa cách hoàn hảo; và họ tận hiến để phụng sự Thiên Chúa cách thân tình hơn.” (LG 44) Đó là “một sự thánh hiến đặc biệt cắm rễ sâu trên sự thánh hiến của phép Rửa tội và bày tỏ sự thánh hiến phép Rửa tội cách đầy tràn viên mãn.” (PC 5; x. LG 44; EE 6) Mẫu gương tuyệt đối của họ là Chúa Kitô, Đấng đã hiến trọn đời để sống cho tình yêu Thiên Chúa. Qua các lời khấn, người tu sĩ bắt chước mẫu gương ấy để dâng hiến chính mình cho Thiên Chúa. Sự thánh hiến nói lên tình trạng họ được hoàn toàn dâng hiến cho Thiên Chúa, thuộc trọn về Chúa, trở thành sở hữu của Thiên Chúa, chỉ phụng sự một mình Ngài. Đức Gioan Phaolô II gọi đó là một sự thánh hiến mới, vì nó đòi hỏi một ý thức mới, một sự quyết tâm mới, tình yêu và ơn gọi mới, một sự cải hoán mới (x. RD 7) Đời sống thánh hiến được ví như “giao ước hôn nhân với Chúa” (RD 8; x. LG 44, PC 1; EE 5), Đấng đáng yêu trên hết mọi sự.

Chúng ta cũng có thể hiểu là Giáo hội tận hiến tu sĩ cho Thiên Chúa qua phụng vụ cung hiến. Trong phụng vụ, Hội thánh thay mặt Chúa mà nhận lời khấn và qua việc cử hành phụng vụ, Hội thánh trình bày việc tuyên khấn như một tình trạng thánh hiến cho Thiên Chúa (x. LG 45; can 654).

Chúng ta sẽ tiếp tục nói về sự thánh hiến trong đời tu khi khai triển tông huấn Vita Consecrata dưới đây.

 

II. THẦN HỌC VỀ ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN TỪ VATICAN II

A. Công đồng Vatican II

Mặc dầu đời tu đã hình thành từ thế kỷ III, nhưng thần học về đời sống thánh hiến mới phát triển từ công đồng Vatican II. Trước đây, người ta quá chú trọng đến khía cạnh luân lý và luật lệ. Từ đó dẫn đời tu đến chỗ sống khắc kỷ và vụ luật: cố gắng luyện tập các nhân đức và giữ mình để tránh phạm tội nghịch với các lời khấn. Công đồng Vatican II muốn kéo đời tu ra khỏi não trạng hẹp hòi đó (nhưng vẫn coi trọng sự khổ chế, vì ba lời khấn dòng cũng đã là những hình thức khổ chế rồi) và giúp họ ý thức được lý tưởng của mình là bước theo Chúa Kitô. Đời tu không chỉ giới hạn vào việc “tu thân” hay “giữ luật,” mà còn là một lý tưởng sống: bước theo sát Chúa Kitô trinh khiết, khó nghèo và vâng phục. Quy luật tối cao của đời tu là Chúa Kitô và Tin mừng. Công đồng trình bày nền tảng đời tu dựa trên ba lời khuyên Phúc âm, chứ không nói đến lời khấn; vì các tu hội đời và tu đoàn tông đồ chỉ có lời hứa hoặc một hình thức nào đó, chứ không có lời khấn. Nhưng khi trình bày như vậy, công đồng cũng nhắm mục đích là muốn những người tận hiến xem các lời khuyên Phúc âm như là những lời mời gọi của Chúa Kitô, chứ không phải là những ràng buộc của luật lệ. Bộ Giáo luật, được coi là văn kiện cuối cùng của công đồng, cũng được viết theo cái nhìn mới này: chú trọng đến khía cạnh thần học và tu đức. Luật giúp con người thăng tiến, phát triển đời sống thiêng liêng, chứ không uốn nắn theo những qui tắc.  Bộ giáo luật đã trình bày thần học phong phú về đời tu trong mối liên hệ giữa ba lời khuyên Phúc âm với Thiên Chúa Cha, Chúa Kitô, Chúa Thánh Thần và Giáo hội. Thật vậy, bộ giáo luật đã viết: “Đời sống thánh hiến qua việc tuyên giữ các lời khuyên Phúc âm là một lối sống bền vững, nhờ đó, dưới tác động của Chúa Thánh Thần, các tín hữu bước theo sát Chúa Kitô hơn, tự hiến hoàn toàn cho Thiên Chúa mà họ yêu mến trên hết mọi sự, ngõ hầu, một khi đã hiến thân với một danh hiệu mới và đặc biệt, để tôn vinh Thiên Chúa và xây dựng Hội thánh cùng mưu cầu phần rỗi cho thế giới, họ theo đuổi đức ái hoàn hảo trong việc phục vụ nước Chúa và một khi đã trở thành dấu chỉ rực rỡ trong Hội thánh, họ tiên báo vinh quang trên trời.” (Can 573 §1)

Tận hiến hoàn toàn cho Thiên Chúa: Cốt yếu của đời tu là sự tận hiến cho Thiên Chúa. Đó là một lối sống bền vững, được hình thành do việc tận hiến toàn thân cho chỉ một mình Thiên Chúa (x. PC 5). Vì yêu thương, Thiên Chúa đã tuyển chọn và thánh hiến họ để họ trở thành sở hữu của Ngài. Nhận thức được điều đó, họ hoàn toàn tận hiến cho Thiên Chúa, hoàn toàn thuộc về Chúa với một trái tim không chia sẻ. Họ được thánh hiến cho Thiên Chúa, hoàn toàn trao hiến mình cho Thiên Chúa bằng cách dâng lên Ngài một tình yêu trọn vẹn nhất (x. LG 44) Giá trị của đời tu được đo lường ở mức độ tình yêu ấy. “Đời sống tu trì, xét như là sự thánh hiến của cả con người, biểu lộ trong Giáo hội cuộc kết hôn huyền diệu do Thiên Chúa thiết lập, là dấu chỉ của đời sống mai hậu. Như thế, tu sĩ hoàn tất sự dâng hiến trọn vẹn như là một hy tế dâng cho Thiên Chúa. Nhờ đó, tất cả cuộc sống của mình trở thành việc thờ phượng liên lỉ trong đức ái.” (Can 607 §1) Công đồng nêu bật ơn gọi nên thánh của đời sống tu trì và bản chất của đời tu là bước theo Chúa Kitô, hiến trọn đời để phục vụ Thiên Chúa và công cuộc cứu độ của Ngài. Đây là lối sống diễn tả tình yêu trao hiến toàn thân cho Thiên Chúa và nhân loại.

Bắt chước Chúa Kitô: Mẫu gương tuyệt vời của sự tận hiến ấy là chính Chúa Kitô. Thật vậy, bản chất của đời tu là bước theo Chúa Kitô như công đồng nói: “Theo Chúa Kitô như Phúc âm dạy là tiêu chuẩn tối hậu của đời tu trì, nên tất cả các hội dòng phải coi tiêu chuẩn ấy như là qui luật tối thượng.” (PC 2) Tuy nhiên, việc bước theo hay bắt chước Chúa Kitô chưa xác định rõ căn tính của đời tu, vì mọi Kitô hữu đều được mời gọi noi gương Chúa Kitô. Vậy, đối với tu sĩ, việc bắt chước được cụ thể hóa qua việc tuyên giữ các lời khuyên Phúc âm. Công đồng gọi đó là sự “bắt chước lối sống của Chúa Kitô cách sát sao hơn” (LG 44), “ngày càng trở nên giống hơn” (LG 46), “theo Chúa Kitô với một tinh thần tự do thanh thoát hơn, bắt chước Người khắng khít hơn” (PC 1). Nơi Chúa Kitô, Đấng đã hiến trọn đời để sống cho tình yêu Thiên Chúa, người tu sĩ tìm thấy được mẫu gương tuyệt hảo để đáp lại tình yêu của Thiên Chúa. Người tu sĩ còn phải tham gia vào sứ vụ của Chúa Kitô, bước theo Ngài trên những con đường mà Ngài đã đi: cầu nguyện trên núi, rao giảng cho đám đông, chữa lành những người bệnh, khuyên nhủ các tội nhân ăn năn sám hối, chúc lành cho trẻ em và ban ơn lành cho mọi người, trong tinh thần vâng phục thánh ý Chúa Cha (x. LG 46; Can 577). Theo sát Chúa Kitô không chỉ là bắt chước đời sống trinh khiết, khó nghèo và vâng phục của Ngài, nhưng còn là tham gia vào sứ mệnh cứu độ nhân loại của Ngài.

Dưới tác động của Chúa Thánh Thần: Đời sống thánh hiến chính nó là một đặc sủng. Đó là một ân huệ đặc biệt của Chúa Thánh Thần được ban cho toàn thể Hội thánh (x. LG 43, 45). Chúa Thánh Thần khơi dậy nơi các tín hữu lòng khao khát nên trọn lành, bước theo Chúa Kitô qua việc sống các lời khuyên Phúc âm cách triệt để (x. LG 43; PC 1). Có nhiều hội dòng khác nhau, tùy theo đặc tính riêng của chúng. Tính đa dạng này là do công trình của Chúa Thánh Thần (x. PC 7, 8, 9, 10, 11). Mỗi dòng, qua sự  dấn thân của đấng sáng lập, đã đem lại một ơn gọi đặc biệt, như một ân huệ do Chúa Thánh Thần khơi dậy (x. LG 45; PC 1, 2).

Xây dựng Hội thánh: Chiều kích Kitô và Hội thánh liên hệ mật thiết với nhau, vì Hội thánh gồm những người đi theo Chúa Kitô và tiếp tục sứ mệnh của Ngài. Đời sống thánh hiến nằm trong bản chất của Hội thánh, gắn liền với đời sống và sự thánh thiện của Hội thánh (x. LG 44; Can 207 §2; 574 §1). Có thể nói sự thánh thiện là lý do cho sự hiện hữu của họ. Mặc dù đời sống thánh hiến không thuộc về cơ cấu phẩm trật của Hội thánh, nhưng thuộc về cơ cấu đặc sủng hay cơ cấu Thần khí. Trước đây, có nhiều người cho rằng đời tu chỉ là món đồ phụ thuộc, nằm bên ngoài Hội thánh; vì nó không xuất hiện cùng với Hội thánh, không nằm trong ý định của Chúa Kitô khi thành lập Hội thánh. Mặc dù các hình thức tu trì (ẩn tu, đan tu, viện tu,…) bắt đầu xuất hiện từ thế kỷ thứ III và phát triển theo giòng thời gian, nhưng công đồng quả quyết đời tu thuộc về bản chất của Hội thánh. Lý do là vì cốt yếu của đời tu không hệ tại hình thức tu trì, mà hệ tại các lời khuyên Phúc âm. Như vậy đời sống thánh hiến diễn tả chính bản chất của Hội thánh. Vì các lời khuyên Phúc âm gắn chặt với bản chất của Hội thánh: Hội thánh lãnh nhận các lời khuyên Phúc âm từ Chúa Kitô. Hội thánh có bổn phận duy trì và truyền lại cho mọi thế hệ không những lời giảng của Chúa Kitô, mà còn đời sống và hoạt động của Ngài nữa. Như vậy, việc họa lại đời sống Chúa Kitô qua các lời khuyên Phúc âm nằm trong chính bản chất của Hội thánh (x. LG 43; Can 575). Sự thánh thiện của Hội thánh được biểu lộ qua việc thực hành các lời khuyên Phúc âm (LG 39). Các lời khuyên Phúc âm dẫn những người tận hiến đến đức ái, và nhờ đó, các lời khuyên này kết hợp họ cách đặc biệt với Hội thánh và với mầu nhiệm Hội thánh. Do đó, đời sống thiêng liêng của họ phải mưu cầu ích lợi cho toàn thể Hội thánh. Họ có bổn phận làm cho nước Chúa được phát triển và hiển trị khắp nơi (x. LG 44). Vì thuộc về bản chất của Hội thánh, nên đời tu cũng gắn liền với sứ mệnh của Hội thánh. Sự tận hiến của tu sĩ được Hội thánh tiếp nhận, nên họ biết rằng họ cũng dấn thân để phục vụ Hội thánh (x. PC 5). Họ phải sống trong Hội thánh và sống bằng sự sống của Hội thánh. Đời sống thánh hiến nằm giữa trung tâm của Hội thánh như một yếu tố quyết định cho sứ mệnh của Hội thánh, bởi vì nó “biểu lộ bản tính sâu xa của ơn gọi Kitô giáo” (AG 18), và sự cố gắng vươn lên của Hội thánh, Hiền Thê, tới sự hiệp nhất với Đức Lang Quân duy nhất (x. LG 44). Qua họ, Hội thánh bộc lộ tình yêu không chia sẻ dành cho Chúa Kitô. Nói cách khác, các tu sĩ thay mặt cho Hội thánh để bày tỏ sự gắn bó mật thiết với Chúa Kitô, đặt Ngài trên hết mọi sự.  

Lumen Gentium đã đặt đời sống thánh hiến trong lòng Hội thánh, để nhắc nhở họ rằng việc theo Chúa không chỉ là lợi ích của riêng họ, mà còn liên hệ tới cả Hội thánh nữa. Hoạt động của họ cần được thực hiện trong sự hiệp thông với Hội thánh. Họ cần duy trì mối tương quan với Giám mục giáo phận trong tinh thần phục tùng và kính trọng. Đời sống chứng tá của họ là một dấu chỉ truyền giáo. Cốt yếu của đời sống thánh hiến là việc bắt chước Chúa Kitô qua việc thực hành các lời khuyên Phúc âm. Họ đem Phúc âm áp dụng vào những nhu cầu cụ thể, trong những môi trường và thời gian khác nhau. Qua cách sống của họ, người ta có thể thấy được Chúa Kitô đang hiện diện. Vì thế, đời tu thật sự cần thiết cho Hội thánh (x. LG 42, 44).

Đời tu còn hướng Hội thánh về cuộc sống mai hậu (LG 44; PC 1; Can 607 §1). Thật vậy, đời thánh hiến là dấu chỉ (chứng tá) đời sống mai hậu, vì họ thể hiện việc hình thành nước Thiên Chúa ngay tại trần gian này qua đời sống cá nhân cũng như cộng đoàn. Họ bắt chước Chúa Kitô trong việc tận hiến cho Thiên Chúa và phục vụ nước trời. Họ hướng Hội thánh về tương lai, đích điểm của cuộc lữ hành.

Mỗi hội dòng có một vị trí trong đời sống Giáo hội và một sứ mệnh phải hoàn thành. Khi được thiết lập, hội dòng đương nhiên trở thành pháp nhân công trong Hội thánh. Họ hoạt động nhân danh Hội thánh để đạt được mục đích nhằm tới lợi ích chung của Hội thánh. Do đó, hoạt động của hội dòng được coi như là hoạt động của Hội thánh (x. Can 116 §1; 675 §3).

Tóm lại, “những kẻ được Thiên Chúa mời gọi thực hành và quyết tâm khấn giữ trung thành với các lời khuyên Phúc âm đều hiến thân cho Thiên Chúa một cách đặc biệt, noi gương Chúa Kitô khiết tịnh và khó nghèo (x. Mt 8, 20; Lc 9, 58) và vì vâng phục Chúa Cha cho đến chết trên thập giá (x. Pl 2, 8) đã cứu chuộc và thánh hóa nhân loại. Được sự thúc đẩy của tình yêu mà Chúa Thánh Thần đã đổ tràn trong lòng (x. Rm 5, 5), họ càng ngày càng sống cho Chúa Kitô và Thân Thể Ngài là Giáo hội (x. Cl 1, 24). Bởi vậy, họ càng nồng nàn kết hợp với Chúa Kitô bao nhiêu qua sự dâng mình gồm trọn cả cuộc sống, thì đời sống Giáo hội càng phong phú hơn và việc tông đồ của Giáo hội càng dồi dào mãnh liệt hơn bấy nhiêu.” (PC 1)

Công đồng đã không đưa ra một định nghĩa nào về đời sống thánh hiến, nhưng nói đến bản chất và những yếu tố tạo nên đời sống này. Nói cách khác, công đồng đã mở ra một chân trời mới, một hướng mới cho nền thần học về đời sống thánh hiến để Hội thánh tiếp tục đào sâu.

B. Sau công đồng Vatican II

Sau công đồng, thần học về đời tu chú trọng tới ý niệm thánh hiến. Khuynh hướng này muốn làm nổi bật chiều kích hướng thượng của đời sống thánh hiến và định nghĩa đời tu như là sự tận hiến cho Thiên Chúa. Ý niệm này được giải thích rõ ràng trong văn kiện Những yếu tố cốt yếu của đời tu (EE) của Bộ Tu sĩ, từ số 5 đến số 12, năm 1983. Bên cạnh đó, thần học về đời tu cũng đi theo một chiều hướng khác, dựa trên ý niệm đặc sủng/sứ mệnh. Thần học về đặc sủng làm nổi bật tính cách năng động truyền giáo, tính chất đa dạng của các hội dòng và đề cao tác động của Chúa Thánh Thần. Trong khi đó, thần học về thánh hiến khai triển chiều kích thần bí (hướng thượng) của đời tu, thích hợp với các hội dòng chiêm niệm hơn là với các hội dòng hoạt động và nó có khuynh hướng dẫn đến một mẫu số chung cho tất cả các hội dòng, có nguy cơ làm mất đi tính cách đa dạng phong phú của đời tu. Thật vậy, ý niệm thánh hiến đào sâu chiều kích thiêng liêng, còn ý niệm đặc sủng nhấn mạnh đến sứ vụ. Như vậy, thánh hiến hay đặc sủng/sứ mệnh tạo nên căn tính của đời sống thánh hiến?

Sau công đồng, có nhiều văn kiện nói về thánh hiến và đặc sủng/sứ mệnh như: tông huấn Hồng ân cứu độ (RD) đào sâu về chiều kích thần bí của đời tu; văn kiện Mối tương quan giữa các Giám mục với các tu sĩ (MR) đề cập chiều kích đặc sủng/sứ mệnh; tông huấn Chứng tá Tin Mừng (ET), văn kiện Những yếu tố cốt yếu của đời tu (EE) và huấn thị Về việc đào tạo tu sĩ (PI) khai triển chiều kích thánh hiến và sứ mệnh; Tông thư gởi các người tận hiến nhân dịp năm Thánh Mẫu (22/5/1988) của Đức Gioan Phaolô II, mời gọi các tu sĩ  suy niệm với Đức Maria về ý nghĩa của đời sống thánh hiến, dựa trên ba chủ đề: ơn gọi, thánh hiến và hoạt động tông đồ; văn kiện Tu sĩ với sự thăng tiến con người nói về việc tu sĩ tham gia vào sứ mệnh của Giáo hội đối với con người và xã hội, v. v.

Tông huấn về đời sống thánh hiến (Vita consecrata, 1996) của Đức Gioan Phaolô II đã đúc kết các văn kiện của Giáo hội, cũng như những suy tư thần học về đời sống thánh hiến từ công đồng Vatican II. Đặc biệt, tông huấn khai triển hai chiều kích thánh hiến và sứ mệnh của đời sống thánh hiến. Đức Giáo hoàng có vẻ nghiêng về ý niệm thánh hiến, vì ngài đã dùng ý niệm này để định nghĩa căn tính của đời tu (Vita Consecrata). Nhưng tông huấn đã nối kết và dung hòa hai ý niệm này. Hai ý niệm này bổ sung cho nhau, tạo nên căn tính của đời sống thánh hiến.

   1. Tông huấn Vita Consecrata

   a. Chuẩn bị cho Tông huấn

Tông huấn Vita Consecrata của Đức Gioan Phaolô II được ban hành ngày 25/3/1996, là kết quả của THĐGM thế giới về chủ đề “Đời sống thánh hiến và sứ mệnh của đời sống này trong Giáo hội và trong thế giới” (khai mạc ngày 2/10 và kết thúc vào ngày 29/10/1994). THĐGM thế giới bao gồm: ngoài 244 nghị phụ được mời theo quy luật chung, còn có 75 dự thính viên thuộc các dòng tu (51 nữ và 24 nam thuộc về các hội dòng, tu hội đời và tu đoàn tông đồ), 20 chuyên viên (12 nam, 8 nữ) và 9 dự thính viên thuộc các Giáo hội ngoài Công giáo.

Đức Giáo hoàng đã tham dự các phiên họp của THĐ, ngài không can thiệp nhưng ghi chép lại những gì được đem ra thảo luận và trong suốt thời gian họp THĐ, ngài đã mời mọi người, theo từng nhóm, đến ăn tối với ngài.

Một trong số những vấn đề chính nổi lên trong các cuộc bàn luận của THĐ là thần học về sự “thánh hiến”. Nó bị cho là có tính cách hàm hồ: sự thánh hiến hay tận hiến là một hành vi của con người hay của Thiên Chúa? Mọi Kitô hữu đều được thánh hiến trong bí tích Rửa tội, vậy sự thánh hiến của tu sĩ có thêm gì mới hay không? Ngoài ra, ý niệm thánh hiến chỉ nhấn mạnh đến chiều kích thiêng liêng của đời tu, mà không thúc đẩy họ tham gia vào hoạt động tông đồ.

 Một vấn đề khác mà THĐ cũng không nhất trí được và xin Đức Giáo hoàng tìm ra câu giải đáp khi soạn tông huấn, đó là: sự thánh hiến của các tu sĩ có nằm trong bản chất của Giáo hội hay không hay chỉ là con đẻ của lịch sử? Vì đời tu chỉ xuất hiện vào thế kỷ III, như vậy nó không nằm trong ý định của Chúa Giêsu khi thành lập Giáo hội.  

Sau khi thảo luận, THĐ đã đúc kết thành 55 đề nghị (Propositiones) trình lên Đức Giáo hoàng để ngài soạn thảo tông huấn, theo dàn bài sau:

– Mở đầu (số 1- 2)

– Phần I: Đời sống thánh hiến (số 3- 27): phần này chủ yếu đưa ra những vấn đề về bản chất, các hình thức và những yếu tố tinh thần căn bản của đời sống thánh hiến

– Phần II: Sự hiệp thông (số 28- 34)

– Phần III: Sứ mệnh (số 35- 55)

Trong ba phần này, phần I (đề nghị số 3) được coi là quan trọng, vì nó yêu cầu Đức Giáo hoàng xác định bản chất thần học của đời tu.

Từ tài liệu làm việc (Instrumentum Laboris) đến các đề nghị (Propositiones) và tông huấn đều theo một cấu trúc giống nhau: thánh hiến- hiệp thông- sứ mệnh. Ba phần này ăn khớp và bổ túc cho nhau, giống như khi trình bày và hiểu về Giáo hội. Đây là mô hình về Giáo hội đã trở thành quen thuộc. Giáo hội được trình bày như là Mầu nhiệm, hiệp thông và sứ mệnh (x. LG, chương I; AG, chương I; CCC 748-975): chỉ có thể hiểu được Giáo hội trong mối tương quan với Thiên Chúa Ba Ngôi (Mystery), nguồn gốc của Giáo hội; qua đó, Giáo hội là bí tích của sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và của sự hiệp nhất toàn thể nhân loại (Trinitarian Communion); và như một hệ quả, Giáo hội tham gia vào sứ mệnh cứu độ của Thiên Chúa  (Mission).

Khi nhìn đời sống thánh hiến dưới khía cạnh Giáo hội học này, chúng ta mới hiểu được sự thánh hiến của đời tu, các đặc sủng, sự đa dạng, tính năng động và sáng tạo của đời sống này.

b. Bố cục của Tông huấn

Ngoài phần mở đầu nói lên sự cần thiết của đời sống thánh hiến trong Giáo hội (số 3) và sự đa dạng, phong phú của đời sống thánh hiến (số 5- 12; x. số 62), tông huấn được triển khai theo 3 phần chính: Confessio Trinitatis (thánh hiến hay hướng thượng): số 14- 40, Signum Fraternitatis (hiệp thông hay hướng nội): số 41- 71 và Servitium caritatis (sứ mệnh hay hướng ngoại): số 72- 103.

Phần I: Confessio Trinitatis (Tuyên xưng Thiên Chúa Ba Ngôi- Nguồn gốc Kitô và Ba Ngôi của đời sống thánh hiến). Đây là phần có nội dung thần học rất phong phú về đời sống thánh hiến, bao gồm các chiều kích/khía cạnh sau:

1. Kitô (số 14- 24)

2. Ba Ngôi (số 17- 19)

a. Trong tương quan với Chúa Cha (số 17)

b. Trong tương quan với Chúa Kitô (số 18)

c. Trong tương quan với Chúa Thánh Thần (số 19)

d. Tương quan với Thiên Chúa Ba Ngôi qua các lời khuyên Phúc âm (số 16- 21)

3. Đức Maria (số 23, 28, 34, 112)

4. Giáo hội (số 3, 25, 26, 29, 32- 34)

Phần II: Signum Fraternitatis (Dấu chỉ huynh đệ- Dấu chỉ hiệp thông trong Giáo hội).

Sự hiệp thông huynh đệ bắt nguồn và dựa trên khuôn mẫu hiệp thông của Ba Ngôi Thiên Chúa (số 41, 42). Đời sống huynh đệ trong cộng đoàn là dấu chỉ rõ ràng sự hiệp thông của Giáo hội (số 42a). Những người tận hiến là những chuyên gia về sự hiệp thông (số 46a), trở thành men hiệp thông truyền giáo (số 47a) và mở rộng sự hiệp thông tới toàn thể nhân loại (số 51). Thật vậy, “Giáo hội ký thác cho các cộng đoàn sống đời thánh hiến một nhiệm vụ đặc biệt: phát triển linh đạo hiệp thông trước tiên trong chính cộng đoàn của họ, sau đó trong cộng đồng Giáo hội và ngoài Giáo hội, bằng cách kiên trì theo đuổi cuộc đối thoại bác ái, nhất là tại những nơi mà nhân loại ngày nay đang bị xâu xé bởi hận thù chủng tộc hay bạo lực man rợ.” (số 51a)

Bên cạnh kiểu mẫu Ba Ngôi, tông huấn cũng nói đến cộng đoàn Giêrusalem nguyên thủy (Cv 2, 42- 47; 4, 32- 35) như là kiểu mẫu của tất cả các cộng đoàn tu trì (số 41a).

Sự hiệp thông được trình bày dưới những cấp độ sau:

1. Hiệp thông huynh đệ trong cộng đoàn (số 42- 45)

2. Hiệp thông với Giáo hội toàn cầu và địa phương (số 46- 51)

3. Hiệp thông giữa các dòng tu (số 52- 53)

4. Hiệp thông với giáo dân (số 54- 56)

Đây có thể nói là phần “nghèo nhất” của tông huấn, vì tựa đề của phần này đã được diễn giải trong các văn kiện trước đó: Mutuae Relationes (MR): Mối tương quan giữa các Giám mục với các tu sĩ, 1978), Vita Fraterna in Communitate (FLC): Đời sống huynh đệ trong cộng đoàn, 1994) và Potissimum Insitutioni (PI): Về việc đào tạo tu sĩ, 1990). Vì có nhiều vấn đề phức tạp trong phần này cũng như tông huấn muốn trả lời những câu hỏi được ghi trong các đề nghị, nên tông huấn đã qui chiếu vào những văn kiện này. Để hiểu rõ hơn phần này, chúng ta cần đọc những văn kiện trên, đặc biệt văn kiện Vita Fraterna in Communitate. Tông huấn cũng để ngỏ một số vấn đề (x. số 57- 58, 59, 60- 61, 62), vì một văn kiện không thể giải đáp được mọi vấn đề, cũng như không thể đưa ra được tất cả mọi qui tắc. Đây cũng là lý do tại sao phần này không được cấu trúc một cách mạch lạc và ăn khớp với nhau: sự hiệp thông, việc đào tạo, một số vấn đề của các dòng tu, vai trò của phụ nữ, v.v.

Phần III: Servitium caritatis (Phục vụ bác ái- Biểu lộ tình yêu Thiên Chúa giữa thế gian).

Người tu sĩ được thánh hiến để thi hành sứ vụ (số 72- 75). Vai trò đặc biệt của đời sống thánh hiến trong sứ mệnh truyền giáo là dấu chỉ/chứng tá (số 15, 25, 27, 32-35, 76, 92) và ngôn sứ (số 84- 95). Tông huấn nói đến một số môi trường hoạt động tông đồ sau:

1. Truyền giáo cho lương dân (số 77- 78)

2. Hội nhập văn hóa (số 79- 80)

3. Phục vụ người nghèo và người bệnh (số 82- 83)

4. Giáo dục (số 96- 97)

5. Truyền thông xã hội (số 99)

6. Đối thoại đại kết và liên tôn (số 100- 103)

Như vậy đời sống thánh hiến là lời tuyên xưng (Confessio), dấu chỉ/ chứng tá (Signum) và sự phục vụ (Servitium). Sự hiện diện của đời sống thánh hiến có tính cách chứng tá, ngôn sứ và sứ mệnh. Do đó, đời sống thánh hiến đáp ứng những nhu cầu căn bản của thời đại chúng ta (số 85a), là một “liệu pháp thiêng liêng” (số 87) và sự hiện diện của nó càng cần thiết hơn bao giờ hết (số 104- 105).

Theo ĐHY Martinez Somalo, Tổng trưởng Bộ Tu sĩ, ba phần này đáp ứng ba khát vọng của thời đại:

– Khát vọng về giá trị tinh thần (hướng thượng)

– Khát vọng về tình tương trợ, liên đới (hướng nội)

– Khát vọng về bác ái vô vị lợi (hướng ngoại)

Phần I là phần phong phú nhất về thần học đời tu. Nó là chìa khóa để hiểu được toàn bộ tông huấn: nguồn gốc Ba Ngôi của đời sống thánh hiến (phần I) còn là căn bản và kiểu mẫu của sự hiệp thông (phần II), và mọi đặc sủng (phần III) đều hướng về Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần (số 36).

Tông huấn trích dẫn Lumen Gentium 38 lần, trong đó chỉ có 16 lần trích từ chương VI nói về đời tu: số 43 (1 lần), 44 (9), 46 (6), không trích các số 45 và 47. Perfectae Caritatis được trích 14 lần: số 10 (4), số 1, 7, 8, 12, 15 (2). Như vậy, tông huấn không dựa nhiều vào Vatican II, dù nó được coi là hoa trái chín muồi của Vatican II. Tuy nhiên, tông huấn dựa vào và đào sâu một số yếu tố đã có sẵn trong  Lumen Gentium như sự thánh hiến; các lời khuyên Phúc âm; các chiều kích Kitô, Thần khí, Giáo hội, cánh chung của đời sống thánh hiến, v.v. So sánh với Perfectae Caritatis, tông huấn có cái nhìn mở hơn khi nói về những hình thức mới của đời sống thánh hiến, nhấn mạnh đến nguồn mạch đời sống thiêng liêng của bất cứ sự đổi mới nào, những chân trời mới cho các lời khuyên Phúc âm và đời sống huynh đệ, mối quan hệ với người giáo dân, đề cao vai trò và phẩm giá của người phụ nữ, những lãnh vực mới của sứ vụ, tân Phúc âm hóa, đại kết,… Những yếu tố này đã được nói tới trong Perfectae Caritatis, nhưng chúng được diễn giải trong bối cảnh của những năm 60; nay tông huấn muốn nhấn mạnh đến sự “trung thành sáng tạo” (số 37) để thích nghi với thế giới hiện tại.

Dù tông huấn đã đào sâu thần học về đời sống thánh hiến, nhưng Đức Giáo hoàng “ước mong công việc suy tư này vẫn còn được tiếp tục, nhằm giúp hiểu sâu hơn ân huệ lớn lao của đời sống thánh hiến trong ba chiều kích thánh hiến, hiệp thông và sứ mệnh.” (số 13e)

2. Căn tính của đời sống thánh hiến theo Vita Consecrata: thánh hiến và sứ mệnh

Hai chiều kích thánh hiến và sứ mệnh được gắn chặt với nhau, bổ túc cho nhau. Sự thánh hiến bao hàm sứ mệnh, vì việc trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô cũng có nghĩa là tham gia vào sứ mệnh của Ngài. Và sứ mệnh lại dẫn đến thánh hiến, vì việc truyền giáo của đời sống thánh hiến thiết yếu ở chứng tá của chính sự tận hiến (số 76). Chứng tá quan trọng nhất của đời sống thánh hiến là sự thánh thiện (số 32 – 35).

a. Thánh hiến (Phần I: số 14- 40)

Ngay số đầu tiên của phần I này, tông huấn đã cho thấy sự khác biệt giữa sự thánh hiến của phép Rửa và sự thánh hiến của đời tu. Sự thánh hiến của đời tu không phải là hệ quả tất yếu của sự thánh hiến của phép Rửa; vì để bước theo Chúa Kitô, họa lại nếp sống của Ngài, cần phải có một ơn gọi đặc biệt và nhờ một ân huệ đặc biệt của Chúa Thánh Thần. Ơn gọi bao hàm sự tuyển chọn và thánh hiến (số 14, 17, 30, 31). Ân huệ này Thiên Chúa không ban cho tất cả mọi người, như chính Chúa Giêsu đã nói trong trường hợp độc thân tự nguyện (x. Mt 19, 10- 12). Bí tích Rửa tội không bao hàm một ơn gọi sống độc thân, sự từ bỏ của cải và sự vâng lời một bề trên, như trong bậc sống tu trì (số 30b). Mọi tín hữu đều được thánh hiến qua phép Rửa và Thêm sức, những người lãnh tác vụ do bí tích Truyền chức và trong đời sống tu trì “giả thiết một ơn gọi riêng và một hình thái thánh hiến đặc biệt, nhằm chu toàn một sứ mệnh riêng… Những người tận hiến tuyên giữ những lời khuyên Phúc âm, được thánh hiến một cách mới mẻ và đặc biệt, dù không phải là bí tích, nhưng ràng buộc họ chấp nhận lối sống độc thân, khó nghèo và vâng phục mà chính Chúa Giêsu đã sống và đề nghị cho các môn đệ.” (số 31) “Trong truyền thống Giáo hội, việc tuyên khấn của đời sống tu trì được xem như việc đào sâu độc đáo và phong phú sự thánh hiến đã lãnh nhận trong phép Thánh Tẩy. Nhờ việc tuyên khấn ấy, sự kết hợp thâm sâu với Chúa Kitô đã khai mào trong phép Thánh Tẩy, được triển nở thành một hồng ân trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài một cách rõ rệt và trọn vẹn hơn nhờ tuyên giữ các lời khuyên Phúc âm… Việc tuyên giữ các lời khuyên Phúc âm cũng là việc triển khai ân sủng của bí tích Thêm sức, nhưng nó vượt quá những đòi hỏi thông thường của việc thánh hiến nhận trong bí tích này. Vì vậy, cần có một ơn đặc biệt của Chúa Thánh Thần để phát triển những khả năng mới, sản sinh những hoa trái thánh thiện và tông đồ như lịch sử đời sống thánh hiến đã chứng tỏ.” (số 30). Ba bậc sống trong Hội thánh tuy có cách thể hiện khác nhau, nhưng đều là công trình của Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần tạo nên sự đa dạng và chính Ngài cũng làm cho Hội thánh trở thành một mối hiệp thông giữa các ơn gọi, đặc sủng và thừa tác vụ (số 31) “Dù ba bậc sống khác nhau, đều biểu lộ mầu nhiệm duy nhất của Chúa Kitô. Giáo dân có đặc tính riêng biệt, tuy không độc hữu, là sinh hoạt trần thế; các chủ chăn có trách nhiệm về tác vụ; còn những người tận hiến thì cố gắng trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục.” (số 31; x. số 32)

Nhưng tại sao đời sống thánh hiến không phải là bí tích như các bậc sống khác? Đây là vấn đề đã và vẫn đang được bàn cãi. Chúng ta có thể trả lời rằng không cần thiết để có thêm một bí tích nữa, vì đời sống thánh hiến là một lối sống theo Thần khí để đào sâu thêm, sống triệt để ba bí tích đã có sẵn: các bí tích khai tâm Kitô giáo. Đây là ơn gọi đặc biệt và sứ mệnh của họ giữa dân Thiên Chúa. Thật vậy, đời sống thánh hiến làm nổi bật sự thánh hiến của Kitô hữu (bí tích Rửa tội), sự hiệp thông (bí tích Thánh Thể) và sứ mệnh (bí tích Thêm sức) (số 31b), khi bước theo Chúa Kitô trinh khiết, khó nghèo và vâng phục (số 1a). Vì thế, tông huấn đã khai triển ba phần chính: thánh hiến, hiệp thông và sứ mệnh, để nhấn mạnh đến ý nghĩa cũng như nội dung của chúng. Qua đó, đời sống thánh hiến “biểu lộ rõ ràng bản tính sâu xa của ơn gọi Kitô giáo”, “gắn chặt với nếp sống, sự thánh thiện và sứ mệnh của Giáo hội” (số 3a), “nhắc nhở cho những người đã được rửa tội về các giá trị cơ bản của Tin mừng” (số 33a).

Vatican II xây dựng thần học về đời tu trên nền tảng Kitô học: đời tu là sự hiệp thông với Chúa Kitô, bắt chước Ngài qua việc tuân giữ các lời khuyên Phúc âm. Tông huấn đã đánh dấu một bước tiến mới trong thần học về đời tu khi lấy lại ý niệm “bước theo Chúa Kitô” (số 15, 18) của công đồng và mở rộng đến tương quan với Ba Ngôi. Nói cách khác, tông huấn đào sâu về nguồn gốc Kitô và Ba ngôi của đời sống thánh hiến. Tông huấn khai triển những chiều kích sau: 

– Kitô (số 14- 24)

Theo truyền thống Latinh, đời tu được xem như là một đời sống tu thân khắc kỷ, bỏ mình, vác thập giá theo Chúa; nhưng truyền thống Đông phương lại chú trọng đến sự “biến hình”, biến đổi từ con người trần tục sang con người thánh thiêng khi bước theo Chúa. Mối phúc đối với người phương Đông là sự chiêm niệm: “Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa” (Mt 5, 8); còn đối với người phương Tây là “phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.” (Mt 5, 7)  Đức Gioan Phaolô II đã dung hòa hai cái nhìn trên khi sử dụng khung cảnh Chúa Giêsu biến hình trên núi (Mt 17, 1- 9) làm sườn cho cả văn kiện (số 14- 16): chủ đề thập giá và vinh quang liên kết với nhau trong mầu nhiệm Vượt qua của Chúa Kitô. Con đường tu đức không chỉ là con đường khổ chế, mà còn được coi như là cuộc đi tìm cái đẹp. Người tận hiến trải qua kinh nghiệm của ngôn sứ Giêrêmia: “Lạy Chúa, Ngài đã quyến rũ con, và con để cho Ngài quyến rũ” (Gr 20, 7) (số 19). Người tu sĩ bị thu hút bởi vẻ đẹp của Chúa, say mê chiêm ngưỡng Chúa, ở kề bên Chúa, đàm đạo với Ngài, để rồi phản chiếu dung nhan rạng ngời của Ngài (số 27). Sau khi chiêm ngắm Chúa biến hình, các môn đệ còn phải trèo lên núi Sọ (số 14, 40). Giống như Chúa Giêsu, họ cần phải qua núi Sọ để bước vào vinh quang khải hoàn. Thật vậy, đời sống thánh hiến phải được coi như là một cuộc “biến hình,” bước theo Chúa Kitô khiết tịnh, khó nghèo và vâng lời (số 14, 16, 18, 22), trở nên “đồng hình đồng dạng” với Chúa Kitô (số 16) và tham dự vào mầu nhiệm thập giá và phục sinh của Ngài (số 23- 24).

Tuy khung cảnh “biến hình” thích hợp với phương Đông hơn là phương Tây, nhưng tông huấn đã kết hợp Đông- Tây, hai lá phổi của Giáo hội, một cách rất hài hòa và sinh động: phương Đông “lên núi”, chiêm ngắm để hưởng vinh quang với Chúa; còn phương Tây “xuống núi”, trở về với thực tại cuộc sống và “phục vụ”, can đảm dấn bước trên con đường thập giá (số 14c). Sự khác biệt giữa Đông và Tây tạo nên sự phong phú cho Giáo hội.

Tóm lại, tông huấn trình bày thần học về đời sống thánh hiến với tất cả vẻ đẹp của nó trong khung cảnh Chúa Giêsu biến hình trên núi; đồng thời, việc chiêm ngắm dung mạo Chúa Kitô biến hình giúp người tận hiến cố gắng trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô, tìm cách diễn lại nơi chính mình, chừng nào có thể, “nếp sống Con Thiên Chúa đã chọn khi Ngài xuống thế” (số 16), để mọi người có thể nhận thấy Chúa Kitô nơi khuôn mặt và cuộc sống của họ (một cuộc sống “biến hình”). Tông huấn tô đậm chiều kích Kitô của đời sống thánh hiến, nhưng chiều kích Kitô này là một chiều kích Kitô Ba Ngôi như chúng ta thấy dưới đây

– Ba Ngôi (số 17- 19)

Khía cạnh Ba Ngôi của đời sống thánh hiến được tông huấn triển khai khi nói về nguồn gốc của sự thánh hiến (số 17- 19), các lời khuyên Phúc âm (số 20- 21), đoàn sủng (số 36), hiệp thông cộng đoàn (số 41), huấn luyện (số 66), sứ mệnh (số 72), và kinh nguyện dâng lên Ba Ngôi (số 111).

Việc trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô đương nhiên bao hàm tương quan với Ba Ngôi Thiên Chúa, vì Chúa Kitô đã sống trọn tình con thảo với Chúa Cha. Thật vậy, ngay từ đầu, tông huấn đã xác định nguồn gốc Ba Ngôi của đời sống thánh hiến: “Đời sống thánh hiến, bén rễ sâu trong gương mẫu và giáo huấn của Chúa Kitô, là một ân huệ của Thiên Chúa Cha ban cho Giáo hội qua Chúa Thánh Thần… Trải qua các thời đại, luôn có những người sẵn sàng nghe theo tiếng gọi của Chúa Cha, dưới sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, đã chọn con đường đặc biệt để bước theo Chúa Kitô.” (số 1)  Đời sống thánh hiến hiện hữu không chỉ nhờ Ba Ngôi, mà còn vì Ba Ngôi và cho Ba Ngôi. Ba Ngôi chính là nguồn gốc, cùng đích và kiểu mẫu của đời sống thánh hiến. Thật vậy, Ba Ngôi hiện diện trong tất cả nội dung nền tảng của đời sống thánh hiến: các lời khuyên Phúc âm (số 20- 21), đời sống cộng đoàn (số 41, 42, 72) và sứ mệnh (số 22, 72, 75); trong hành trình của đời sống tu: ơn gọi (số 17), “bước theo Chúa Kitô” (số 18) và thánh hiến (số 19); và trong những đặc tính của các đặc sủng (số 36). Do vậy, đời sống thánh hiến trở thành việc tuyên xưng Thiên Chúa Ba Ngôi (Confessio Trinitatis) (số 16d), việc tuyên xưng và dấu chỉ của Thiên Chúa Ba Ngôi (số 21f, 20b).

Sự kêu gọi và thánh hiến là do sáng kiến của Chúa Cha. Ngài tách riêng một ai đó cho Ngài (số 17). Bước theo Chúa Kitô, được thánh hiến nhờ tuyên giữ các lời khuyên Phúc âm, trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài. Ngài là con đường dẫn tới Chúa Cha và sứ mệnh (số 18). Các đặc sủng, sự thánh hiến và sứ mệnh là công việc của Chúa Thánh Thần (số 19). Có thể tóm tắt nguồn gốc Ba Ngôi của đời sống thánh hiến như sau: sáng kiến ban đầu phát xuất từ Chúa Cha (số 17), sự đáp trả qua việc bước theo Chúa Kitô (số 18) và được thánh hiến bởi Chúa Thánh Thần (số 19):

+ Trong tương quan với Thiên Chúa Cha (số 17): Sự thánh hiến là một hồng ân, hoàn toàn do sáng kiến phát xuất từ tình yêu của Thiên Chúa Cha (x. Ga 15, 16). Chính Ngài đã tuyển chọn và thánh hiến. Ngài mời gọi con người tiến lên trên đường trọn lành qua việc bước theo Chúa Kitô, vâng nghe lời Con yêu dấu của Ngài (x. Mt 17, 5). Để đáp trả tiếng gọi tình yêu huyền nhiệm đó, con người muốn dâng hiến toàn thân cho Ngài và cho chương trình cứu độ của Ngài (x. 1Cr 7, 32- 34). Sự tận hiến diễn ra trong khung cảnh của một giao ước tình yêu.

+ Trong tương quan với Chúa Kitô (số 18): Chúa Kitô là con đường dẫn tới Chúa Cha (x. Ga 15, 16). Chúa Kitô kêu gọi một số người bước theo Ngài, họa lại nếp sống của Ngài, trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài qua việc sống triệt để các lời khuyên Phúc âm, hoàn toàn hiến thân để phụng sự Thiên Chúa và tha nhân.

+ Trong tương quan với Chúa Thánh Thần (số 19): Trong khung cảnh biến hình (x. Mt 17, 5), đám mây là hình ảnh của Chúa Thánh Thần. Đời sống thánh hiến là một ân huệ do Chúa Thánh Thần, nguồn gốc của mọi đặc sủng, khơi gợi lên. Chính Ngài gợi lên nguyện ước đáp trả trọn vẹn, làm cho họ nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục, thúc đẩy họ đảm nhận sứ mạng của Chúa Kitô.

+ Tương quan với Ba Ngôi qua các lời khuyên Phúc âm (số 16- 21):

* Ba lời khuyên Phúc âm họa lại nếp sống của Chúa Kitô (số 18; x. 14a, 16c, 22ab, 29c, 31d, 111c).  

* Giá trị phong phú của các lời khuyên Phúc âm được đặt trong mối tương quan với Chúa Cha (giá trị tuyên xưng Chúa Kitô) (số 16c): sự khiết tịnh bắt chước tình yêu thanh khiết của Chúa Kitô và tuyên xưng Ngài là Con Một, đồng nhất với Chúa Cha (x. Ga 10, 30; 14, 11); sự khó nghèo tuyên xưng Chúa Kitô là Con, lãnh nhận mọi sự từ Chúa Cha và dâng mọi sự lại cho Chúa Cha vì yêu thương (x. Ga 17, 7. 10); sự vâng phục tuyên xưng Chúa Kitô là Con rất yêu dấu của Chúa Cha, luôn vui thích thi hành ý muốn của Chúa Cha (x. Ga 4, 34).

“Do việc trở nên đồng hình đồng dạng với mầu nhiệm Chúa Kitô như thế, đời sống thánh hiến thực hiện với một tư cách đặc biệt việc tuyên xưng Thiên Chúa Ba Ngôi, đặc tính của mọi đời sống Kitô hữu: nhận biết với lòng kính phục vẻ đẹp tuyệt vời của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, cùng hoan hỉ làm chứng về sự quan tâm yêu thương của Thiên Chúa dành cho mọi người.” (số 16d)

* Ba lời khuyên Phúc âm là một ân huệ của Thiên Chúa Ba Ngôi (số 20a). “Đời sống thánh hiến trở thành một trong những dấu ấn hữu hình mà Thiên Chúa Ba Ngôi để lại trong lịch sử, hầu mọi người có thể nhận ra được sức hấp dẫn mê hoặc của vẻ đẹp thần linh.” (số 20b)

* Ba lời khuyên Phúc âm biểu lộ tình yêu của Chúa Con đối với Chúa Cha trong sự hợp nhất với Chúa Thánh Thần. Khi thực hiện các lời khuyên này, người được thánh hiến sống một cách hết sức sinh động đặc tính Ba ngôi và Kitô, là dấu ấn của toàn thể đời sống Kitô hữu (số 21):

“Sự khiết tịnh biểu lộ sự dâng hiến một con tim không chia sẻ cho Thiên Chúa (x. 1Cr 7, 32- 34), phản ánh tình yêu liên kết Ba Ngôi Thiên Chúa trong đời sống sâu thẳm nhiệm mầu của Ba Ngôi, tình yêu mà Ngôi Lời Nhập Thể làm chứng cho đến hy sinh mạng sống, tình yêu được Chúa Thánh Thần ‘đổ tràn vào lòng chúng ta’ (Rm 5, 5) và thúc giục chúng ta đáp trả bằng tình yêu trọn vẹn dành cho Thiên Chúa và cho anh chị em.” (số 21b; x. số 22b)

“Sự khó nghèo tuyên xưng Thiên Chúa là kho tàng đích thực duy nhất của con người. Noi gương Chúa Kitô, ‘Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó’ (2Cr 8, 9), sự nghèo khó trở thành một cách diễn tả sự dâng hiến toàn thân như Ba Ngôi Thiên Chúa trao ban trọn vẹn cho nhau. Sự trao ban dạt dào ấy trào ra trong công cuộc sáng tạo và biểu lộ cách sung mãn trong sự Nhập thể của Ngôi Lời và trong cái chết cứu chuộc của Người.” (số 21c)

Sự vâng phục, noi gương Chúa Kitô, lấy thánh ý Chúa Cha làm lương thực (x. Ga 4, 34), tuyên xưng tình yêu hòa hợp của Ba Ngôi Thiên Chúa, biểu lộ một sự vâng phục hiếu thảo chứ không phải nô lệ (số 21d; x. số 22b; 16c)

“Bởi đó, đời sống thánh hiến được mời gọi không ngừng đào sâu ân huệ của các lời khuyên Phúc âm, bằng một tình yêu ngày càng chân thành và mãnh liệt hơn trong chiều kích Ba Ngôi: tình yêu của Chúa Kitô, mời gọi sống thân mật với Ngài; tình yêu của Chúa Thánh Thần, chuẩn bị tâm hồn đón nhận những linh hứng của Ngài; tình yêu của Chúa Cha, nguồn mạch đầu tiên và mục tiêu tối thượng của đời sống thánh hiến. Như thế, đời sống thánh hiến trở nên lời tuyên xưng và dấu chỉ về Ba Ngôi Thiên Chúa, mầu nhiệm được tỏ bày cho Giáo hội như mẫu mực và nguồn mạch của mọi hình thức đời sống Kitô hữu.” (số 21e)

Không phải ngẫu nhiên khi tông huấn đặt đời sống huynh đệ trong cộng đoàn nằm ngay sau ba lời khuyên Phúc âm trong số 21 này (số 21f), vì một số tác giả ngày nay coi đời sống huynh đệ như là “lời khuyên Phúc âm thứ tư”. Ngoài ra, tông huấn còn nối kết ba lời khuyên Phúc âm với đời sống huynh đệ trong các số 72d, 85a, và 88-92. Thật vậy, giống như ba lời khuyên Phúc âm, đời sống huynh đệ cũng có giá trị tuyên xưng Thiên Chúa Ba Ngôi: đời sống huynh đệ tuyên xưng Chúa Cha, Đấng muốn cho mọi người thành một gia đình duy nhất; tuyên xưng Chúa Con Nhập Thể, Đấng muốn qui tụ những người được cứu chuộc; tuyên xưng Chúa Thánh Thần là nguyên lý hiệp nhất trong Giáo hội (số 21f).

Các lời khuyên Phúc âm được tông huấn trình bày như là cốt lõi của đời sống thánh hiến. Tông huấn không triển khai những khía cạnh bên ngoài như pháp lý, khổ hạnh, luân lý,…, thường được nói đến trong các văn kiện trước đấy (x. LG 39, 42; CCC 915); nhưng đào sâu về thần học: chiều kích thần bí (Kitô và Ba Ngôi) của ba lời khuyên Phúc âm. Mọi sự biểu lộ ra bên ngoài của các lời khuyên Phúc âm đều phải là kết quả của sự kết hợp thâm sâu bên trong này. Các lời khuyên Phúc âm không nên hiểu và sống như những phương tiện để thanh luyện hoặc khổ chế, nhưng như là kinh nghiệm, sự biến đổi và hậu quả của “ước muốn được hoàn toàn trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô” (số 18c), “trở nên một với Ngài, mặc lấy tâm tình và nếp sống của Ngài.” (18b)  Chiều kích thần bí này đã được nói đến trong một số văn kiện trước đó (x. EE 14, 15; RD 7b; PI 12), nhưng tông huấn đã mở rộng và làm phong phú thêm.

Tóm lại, Chúa Kitô là “Tảng đá góc” (Ep 2, 20), nhưng đó là Kitô Ba Ngôi. Bên cạnh đó, tông huấn qui chiếu về Chúa Thánh Thần hơn 100 lần và Chúa Cha hầu như được nói đến trong khắp tông huấn. Đây cũng là một sự tổng hợp Đông- Tây của tông huấn: Đông có khuynh hướng thiên về chiều kích Ba Ngôi và Tây lại chú trọng đến việc bước theo Chúa Kitô. 

– Đức Maria (số 23, 28, 34, 112)

Tông huấn trình bày Đức Maria như là mẫu gương của đời sống thánh hiến:

+ Mẫu gương tuyệt vời của việc thánh hiến hoàn hảo, vì Mẹ hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa và  hiến thân trọn vẹn cho Ngài (số 28)

+ Mẫu gương trong việc bước theo Chúa Kitô (số 28)

+ Mẫu gương trong việc thông dự vào mầu nhiệm Vượt Qua: can trường trước thử thách khi đứng gần thập giá Chúa Giêsu (x. Ga 19, 25- 27) (số 23)

+ Mẫu gương của một tình yêu phong nhiêu đặc biệt, góp phần vào việc sinh ra và tăng triển sự sống thần linh trong các tâm hồn (số 34).

Ngoài ra, Đức Maria còn là Mẹ của các người tận hiến, cầu bầu cho họ trung thành với ơn gọi và trợ giúp họ rất hữu hiệu để tiến tới trong việc đáp trả và sống sung mãn ơn gọi của mình. Vì thế, tông huấn kết thúc với lời khẩn cầu Đức Trinh nữ Maria (số 112). 

– Giáo hội (số 3, 25, 26, 29, 32- 34)

Đời sống thánh hiến nằm trong bản chất thánh thiện của Giáo hội. Giáo hội có sứ mệnh chuyển thông Chúa Kitô cho nhân loại: không chỉ thông truyền những lời giảng, nhưng còn cả nếp sống của Ngài nữa. Do đó, đời sống thánh hiến, xét theo bản tính (họa lại nếp sống của Chúa Kitô trinh khiết, khó nghèo và vâng phục), gắn chặt với đời sống và sự thánh thiện của Giáo hội (số 3, 29), thuộc về cơ cấu thần thiêng của Giáo hội (số 30- 31). Đời sống thánh hiến họa lại nếp sống của Chúa Kitô trinh sạch, khó nghèo và vâng phục- nếp sống biểu lộ tình con thảo của Ngài với Chúa Cha (số 1a, 16, 18, 21…), nên nó có vị trí ưu việt trong Hội thánh, là một ân huệ qúi báu và cần thiết cho hiện tại và tương lai của dân Thiên Chúa (số 3, 18, 32, x. 105). Giáo hội cần họ để họa lại nếp sống của Con Thiên Chúa. Sứ mệnh của đời sống thánh hiến là làm chứng bằng chính đời sống thánh thiện (số 32- 35). Thêm vào đó, đời sống thánh hiến còn biểu lộ mối tình duy nhất của Giáo hội dành cho Đức Lang Quân (số 3, 34). Như thế, đời sống thánh hiến gắn liền với sứ mệnh (số 1, 25) và cánh chung của toàn thể Giáo hội (số 26).

Tông huấn khẳng định một cách rõ ràng tầm quan trọng và sự cần thiết của đời sống thánh hiến đối với Giáo hội (số 3, 6, 18,29, 32, 105). Mặc dù tông huấn cũng coi tất cả mọi Kitô hữu đều bình đẳng như nhau, cùng có chung một phẩm giá, cùng được kêu gọi nên thánh (số 31b, 18b) và mỗi người đều làm phong phú người khác (số 33b), nhưng tông huấn cho thấy vị trí trổi vượt của đời sống thánh hiến, vì người được thánh hiến sống triệt để nếp sống mà Chúa Giêsu đã sống khi được Chúa Cha sai đến thế gian.

b. Đặc sủng / Sứ mệnh (số 72- 103)

Sứ mệnh của đời sống thánh hiến (phần III) được xem như là sự phục vụ bác ái (Servitium caritatis). Biểu tượng chính ở đây là Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ của Ngài (số 75). Phần này là sự kết hợp giữa thần học và mục vụ.

Chủ đề “biến hình” trong tông huấn không những được nối kết với việc say mê chiêm ngưỡng dung nhan rạng ngời của Chúa, mà còn liên hệ tới sứ mệnh truyền giáo nữa. Sau khi chiêm ngắm Chúa biến hình, các môn đệ được mời gọi xuống núi để phục vụ (số 75). Ngay tựa đề của phần này, “Phục vụ bác ái- Biểu lộ tình yêu Thiên Chúa giữa thế gian”, đã cho thấy tông huấn không chỉ đào sâu về thánh hiến, nhưng còn nhấn mạnh đến sứ mệnh của đời sống này trong thế giới nữa.

Đặc sủng luôn gắn liền với sứ mệnh truyền giáo. Đặc sủng của đời sống thánh hiến nói chung và của mỗi hội dòng (nhận được qua đấng sáng lập) là ân huệ của Chúa Thánh Thần (số 1, 5, 19, 25, 32, 36, 48). Chúa Thánh Thần là nguồn gốc mọi ơn gọi tận hiến, nên cần phải trung thành sáng tạo với đặc sủng/đoàn sủng (số 36, 37, 73, 74), khi canh tân việc huấn luyện (số 65, 68, 71, 80), sống linh đạo (số 37, 93) và hoạt động tông đồ (số 48, 63, 72).

Tông huấn trình bày đặc sủng trong mối quan hệ với Thiên Chúa Ba Ngôi: “Mọi đặc sủng đều bao hàm ba định hướng: trước tiên, hướng về Chúa Cha, với lòng con thảo muốn tìm kiếm thánh ý Cha trong sự hoán cải liên tục, nơi mà sự vâng phục là nguồn mạch tự do đích thực, sự khiết tịnh biểu lộ niềm thao thức của một con tim không thể thỏa mãn bởi bất cứ tình yêu hữu hạn nào, sự khó nghèo nuôi dưỡng lòng đói khát công chính mà Thiên Chúa đã hứa ban cho thỏa lòng (x. Mt 5, 6). Trong viễn tượng này, đặc sủng của bất cứ hội dòng nào cũng thôi thúc người được thánh hiến thuộc trọn về Chúa… Các đặc sủng của đời sống thánh hiến cũng hướng về Chúa Con: các đặc sủng mời gọi duy trì một sự hiệp thông với Ngài trong đời sống thân mật vui tươi, noi gương Ngài quảng đại phụng sự Thiên Chúa và phục vụ anh chị em… Sau cùng, bất cứ đặc sủng nào cũng hướng về Chúa Thánh Thần, vì mọi đặc sủng đều mời gọi con người hãy để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn và nâng đỡ trên con đường thiêng liêng riêng biệt, cũng như trong đời sống hiệp thông và hoạt động tông đồ… Thật vậy, chính trong mối tương quan ba chiều này mà những đặc sủng sáng lập dòng xuất hiện, dù dưới những nét riêng biệt của các hình thức sống khác nhau, bởi vì đặc sủng nào cũng nổi bật niềm khát vọng sâu xa của tâm hồn muốn được trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô, để làm chứng về một khía cạnh nào đó thuộc mầu nhiệm của Ngài. Khía cạnh đó được cụ thể hóa và phát triển trong truyền thống trung thực nhất của hội dòng, phù hợp với quy luật và hiến pháp.” (số 36)     

Đời sống thánh hiến được đặt ở ngay trung tâm của Hội thánh như là một yếu tố quyết định cho sứ mệnh của Hội thánh. Chính Thần khí thúc đẩy họ đảm nhận sứ mệnh của Chúa Kitô. Thật vậy, ý thức về truyền giáo thấm sâu vào tận huyết mạch của mọi hình thức tu trì. Nó bao trùm mọi khía cạnh của đời sống họ. Sự thánh hiến luôn ẩn chứa một sứ mệnh và đặc sủng luôn gắn liền với sứ mệnh đặc biệt của mỗi hội dòng. Bởi vậy, việc truyền giáo là điều cốt yếu đối với mọi hội dòng, cả những hội dòng chuyên lo làm việc tông đồ, lẫn những hội dòng sống đời chiêm niệm. Ý thức truyền giáo luôn là ưu tiên số một của mọi hình thức tu trì (số 19, 25, 72).

Sứ mệnh truyền giáo của đời sống thánh hiến được tông huấn đề cập ở phần III này (32 số, nhiều hơn các phần khác), nhưng phần I (27 số) và II (31 số) cũng được liên kết với sứ mệnh truyền giáo: thánh hiến bao hàm sứ mệnh truyền giáo (số 14, 18, 19, 21, 22, 25, 27,…) và sự hiệp thông dẫn đến sứ mệnh và chính nó trở thành sứ mệnh truyền giáo (số 46, 47, 51,…). Thánh hiến và sứ mệnh không thể tách rời. Cả hai trở nên một trong sự hiệp thông: sống sự hiệp thông sâu xa là truyền giáo (số 46a). Chính ở đây mà đời sống thánh hiến biểu lộ tình yêu Thiên Chúa trong thế giới.

Theo tông huấn, sứ mệnh truyền giáo của đời sống thánh hiến bao gồm ba yếu tố: thánh hiến, đời sống cộng đoàn và sứ mệnh đặc biệt của mỗi hội dòng (số 72, 25). Qua số 72, chúng ta thấy mọi sự đều liên quan đến sứ mệnh: việc bắt chước Chúa Kitô, trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài, chứng tá cộng đoàn và cá nhân, ơn gọi, đặc sủng, các lời khuyên Phúc âm, đời sống huynh đệ trong cộng đoàn,  những hoạt động đặc biệt của mỗi hội dòng,… Tất cả đều được nối kết với sứ mệnh. Không một khía cạnh nào có thể được hiểu và sống riêng rẽ được.

Phản ánh đời sống Ba ngôi trong các lời khuyên Phúc âm, họa lại nếp sống của Chúa Kitô đã là một sự truyền giáo rồi. Bên cạnh đó, đời sống huynh đệ loan báo rằng nước Thiên Chúa đã hiện diện trên trần gian rồi (số 21, 22c, 73, 85a,…). Mỗi hội dòng còn có một sứ mệnh truyền giáo riêng biệt, tùy theo đặc sủng của mình (số 72, x. 46a)…

 “Người tận hiến càng sống một đời hoàn toàn hiến dâng cho Chúa Cha (x. Lc 2, 49; Ga 4, 34), được Chúa Con chiếm hữu (x. Ga 15, 16; Gl 1, 15- 16), được tác động bởi Chúa Thánh Thần (x. Lc 24, 49; Cv 1, 8; 2, 4), thì càng cộng tác hữu hiệu vào sứ mệnh của Chúa Kitô (x. Ga 20, 21) và góp phần đặc biệt vào việc canh tân thế giới.” (số 25) Những người tận hiến luôn phải nuôi dưỡng ngọn lửa nhiệt thành truyền giáo. Họ cần “làm cho Chúa Kitô khiết tịnh, khó nghèo, vâng phục, đang cầu nguyện cũng như đang rao giảng về nước Thiên Chúa, được hiện diện ngay cả giữa những người không phải là Kitô hữu.” (số 77).

Việc họa lại nếp sống của Chúa Kitô đương nhiên kèm theo việc họa lại trót tâm tình của Ngài, tận hiến hoàn toàn cho việc phục vụ nước Thiên Chúa. Giống như Chúa Giêsu, Người được Cha thánh hiến và sai đến thế gian (x. Ga 10, 36), những người được Thiên Chúa kêu gọi, cũng được thánh hiến và sai đến thế gian để noi gương Người và tiếp tục sứ mệnh của Người (số 3, 18, 22, 25, 27, 72- 75.

“Tình yêu Chúa Kitô thúc bách chúng ta” ( 2 Cr 5, 14): những người được thánh hiến cần lập lại lời xác quyết này với thánh Phaolô, bởi vì sứ mệnh của họ là hoạt động khắp nơi trên trái đất để củng cố và mở rộng nước của Chúa Kitô, rao giảng Tin mừng ở khắp mọi nơi, cả những nơi xa xôi hẻo lánh nhất.” (số 78).

Tông huấn lược qua một số môi trường hoạt động tông đồ truyền thống, nhưng cũng đang gây ra những thách đố cho tu sĩ ngày nay, như việc truyền giáo cho lương dân (số 77- 78), việc hội nhập văn hóa (số 79- 80), phục vụ người nghèo và người bệnh (số 82- 83), giáo dục (số 96- 97), truyền thông xã hội (số 99), đối thoại đại kết và liên tôn (số 100- 103).

Cách đặc biệt, đời sống thánh hiến phải trở thành dấu chỉ/chứng tá (số 15, 25, 27, 32-35, 76, 85, 92, 104- 105) và ngôn sứ (số 33a, 39, 84- 95) trong thế giới hôm nay.

– Dấu chỉ/chứng tá

Việc truyền giáo của đời sống thánh hiến thiết yếu ở chứng tá của chính sự tận hiến của họ (số 76). Chứng tá quan trọng nhất của đời sống thánh hiến là sự thánh thiện (số 32 – 35). Chứng tá của tình yêu thánh hiến hệ tại ở việc sống thân mật với Thiên Chúa, cảm nghiệm được tình yêu sâu thẳm của Ngài và cố gắng đáp lại tình yêu đó bằng đời sống noi gương Chúa Kitô trinh khiết, khó nghèo và vâng phục một cách triệt để. Việc họa lại nếp sống của Chúa Kitô làm cho Chúa Kitô luôn sống động trong cuộc sống.

Nền văn hóa hiện nay thường dễ bị tục hóa, nhưng lại rất dễ nhạy cảm với ngôn ngữ của các dấu chỉ (số 25). Việc tuyên giữ các lời khuyên Phúc âm biến những người tận hiến trở thành dấu chỉ ngôn sứ cho cộng đoàn anh/chị em họ và cho thế gian (số 15). Nhờ đoàn sủng của họ, những người tận hiến trở thành dấu chỉ của Thánh Thần hướng về một tương lai mới mẻ trong niềm tin và hy vọng. Sự mong đợi cánh chung này trở thành sứ mệnh để cho triều đại nước Thiên Chúa có thể hiện diện ngay từ bây giờ, qua việc thiết lập tinh thần các mối phúc, có khả năng khơi lên trong xã hội loài người lòng khát khao đích thực về công bằng, hòa bình, tình liên đới và sự khoan dung (số 27). Bên cạnh đó, đời sống cộng đoàn là một dấu chỉ của mối dây liên kết, dấu chỉ sáng ngời của tình phụ tử duy nhất đến từ Thiên Chúa, của tình huynh đệ phát xuất từ Thánh Thần (số 92).

– Ngôn sứ

Sự liên kết với người nghèo và người bị áp bức đã dẫn Chúa Giêsu đến chỗ đối đầu với những người có quyền thế. Tính cách ngôn sứ của đời sống thánh hiến “tham gia đặc biệt vào chức vụ ngôn sứ của Chúa Kitô” và nó “gắn liền với đời sống thánh hiến, vì nó đòi buộc phải triệt để theo Chúa Kitô.” Công đồng coi đời sống thánh hiến như là dấu chỉ, “một dấu chỉ có tính ngôn sứ về vị thế trổi vượt của Thiên Chúa và của những giá trị Tin mừng trong đời sống Kitô hữu. Chính do vị thế trổi vượt này, không có gì đáng kể hơn là mối tình dành riêng cho Chúa Kitô và cho những người nghèo, vì lẽ Chúa Kitô đang sống nơi họ.” (số 84) Người tận hiến sống mật thiết với Chúa đến độ trở thành phát ngôn viên của Ngài.

Trong thế giới hiện nay, dấu vết về Thiên Chúa dường như bị xóa nhòa, nên cần có một chứng tá ngôn sứ mãnh liệt từ phía những người được thánh hiến. Đặc biệt, người tu sĩ ngày nay cần có câu trả lời ngôn sứ cho ba thách thức của xã hội đương thời: nền văn hóa hưởng thụ phá bỏ mọi qui luật luân lý khách quan của tính dục, chủ nghĩa vật chất ích kỷ, và những quan niệm lệch lạc về tự do. Qua việc tuyên giữ các lời khuyên Phúc âm, họ trả lời bằng thái độ và hành động ngôn sứ trong việc vui vẻ thực hành đức khiết tịnh hoàn hảo, như chứng tá về quyền năng của tình yêu Thiên Chúa trong sự mỏng dòn của thân phận con người; trong việc bước theo Chúa Kitô nghèo khó, làm chứng cho Thiên Chúa, kho tàng đích thực của trái tim con người, và luôn sống trong sự liên kết với người nghèo, chia sẻ điều kiện sống của những người cùng khốn nhất; và trong việc tuân phục thánh ý Chúa Cha, để cùng nhau tiến bước trong sự hiệp thông huynh đệ (số 85- 92).

Sứ mệnh truyền giáo của đời sống thánh hiến được nói đến ở mọi nơi trong tông huấn, ngay từ số đầu tiên. Mọi sự đều được hiểu trong mối quan hệ với sứ mệnh. Mọi sự đều qui về sứ mệnh. Mọi sự đều trở thành sứ mệnh. Sứ mệnh bao trùm toàn bộ đời sống của những người tận hiến.

Tóm lại, các văn kiện về đời tu không đưa ra định nghĩa đầy đủ và chính xác về đời sống thánh hiến, nhưng đào sâu yếu tố nền tảng, nguồn gốc của nó cũng như chỗ đứng của đời sống này trong Hội thánh. Tông huấn Vita Consecrata đúc kết những khuynh hướng khác nhau về thần học và mục vụ trong suốt 30- 35 năm, kể từ công đồng Vatican II, trong một tổng hợp mới giữa Đông và Tây, dựa trên nền tảng Ba Ngôi, thấm đậm Kitô và sự hiệp thông của Giáo hội. Đặc biệt, tông huấn nối kết hai ý niệm thánh hiến và sứ mệnh: thánh hiến và sứ mệnh bổ túc cho nhau và đan quyện vào nhau, tạo nên căn tính của đời sống thánh hiến. Không thể hiểu cái này nếu không có cái kia. Người tận hiến không thể yêu Chúa, mà lại không yêu người thân cận (x. Mt 22, 34-40; 1Ga 4, 20-21). Thánh hiến bao hàm sứ mệnh: thánh hiến để được sai đi. Sứ mệnh lại dẫn đến thánh hiến, vì chứng tá quan trọng nhất của đời sống thánh hiến là sự thánh thiện (số 32 – 35). Sự thánh hiến, trước tất cả, là hành động của Chúa Cha; bước theo Chúa Kitô trên con đường đến với Chúa Cha và phục vụ kế hoạch cứu độ của Chúa Cha; Chúa Thánh Thần, nguồn gốc mọi đặc sủng, cụ thể hóa sứ mệnh của đời sống thánh hiến trong những tình huống lịch sử của nhân loại.

Mặc dù đang đứng trước cuộc khủng hoảng về ơn gọi do lối sống “buông thả” của nhiều tu sĩ, tông huấn coi đó như là “những cám dỗ” cần phải vượt qua (số 2, 13, 38, 43b, 46b, 70) và phó thác vào lòng thương xót của Thiên Chúa (số 70, 110a). Bởi đó, tông huấn mang một giọng văn tích cực: tạ ơn Chúa vì những hồng ân Ngài đã ban cho Giáo hội qua đời sống thánh hiến, khuyến khích các người tận hiến can đảm hướng đến tương lai để sống trọn vẹn sự dâng hiến của mình cho Thiên Chúa.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

– J. Rovira, cmf. The Post-Synodal Apostolic Exhortation “Vita Consecrata.” Philippines, Quezon City: ICLA, 2005.

– M. Ngọc Đính (Chuyển ngữ). Đời tu dưới ánh sáng công đồng Vatican II & Giáo luật, Quyển I. The Daughters of St. Paul, 1986.

– Phan Tấn Thành. Giải Thích Giáo Luật Quyển 2- Dân Thiên Chúa, tập 3, Các Hội Dòng Tận Hiến và các Tu Đoàn Tông Đồ. Rôma, 1993, tr. 390-402; 415-425.

– Văn kiện Đời tu- Theo Chúa Kitô, 2002.

– Bình Hòa. “Thần học về Đời sống thánh hiến”. Thời sự Thần học, số 8, tháng 6/97, tr. 7- 25.