Khoáng sản là những dạng vật chất rất gần gũi và đóng vai trò to lớn trong đời sống con người như sắt, than đá, kẽm, vàng, dầu khí, nước khoáng thiên nhiên, nước nóng thiên nhiên… Vậy tài nguyên khoáng sản là gì? Tài nguyên khoáng sản gồm những gì?

Tài nguyên khoáng sản là gì?

Tài nguyên khoáng sản là khoáng vật, khoáng chất được tích tụ ở thể rắn, thể khí và thể lỏng nằm ở trong lòng đất hay trên mặt đất như: sắt, kẽm, đồng, than đá, vàng, dầu khí, nước khoáng thiên nhiên lỏng… mà con người có thể khai thác để phục vụ cho các hoạt động sản xuất.

Đặc điểm của tài nguyên khoáng sản?

Tài nguyên khoáng sản có những đặc điểm như sau:

Tính hữu hạn của khoáng sản: Như đã nói ở trên khoáng sản được hình thành từ hoạt động địa chất trong thời gian hàng trăm triệu năm cho nên nó không phải là vô hạn và hầu hết không thể cải tạo lại được.

Không thể sử dụng một cách trực tiếp các loại khoáng chất: Các loại khoáng sản chỉ được sử dụng khi đã trải qua xong quá trình xử lý và tinh chế.

Tính rủi ro về địa chất: Thông thường khoáng sản đều nằm rất sâu trong lòng đất nên việc khai thác phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố địa lý và địa chất. Địa chất khu vực có khoáng sản yếu sẽ dẫn đến các rủi ro về sập mỏ khoáng sản gây thiệt hại về người và của.

Quan hệ hữu cơ với tài nguyên đất: Khi con người khai thác khoáng sản luôn phải sử dụng một diện tích mặt đất nhất định và khi khai thác khoáng sản có thể làm biến đổi tính chất của đất xung quanh nó.

Quan hệ hữu cơ với tài nguyên nước: Khi chúng ta tiến hành khai thác khoáng sản thì cần phải dùng một lượng lớn nước mặt cũng như nước ngầm gần khu vực khai thác, điều này là nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm nguồn nước hiện nay.

Các loại tài nguyên khoáng sản

Dựa vào tính chất và công dụng, khoáng sản được chia thành 4 nhóm chính:

– Khoáng sản kim loại: Là các quặng kim loại sau khi được luyện chế sẽ lấy được kim loại hoặc là hợp chất của chúng. Khoáng sản kim loại được chia làm 4 nhóm nhỏ bao gồm:

+ Nhóm khoáng sản của sắt và hợp kim sắt có: sắt, Mangan, Crom…

+ Nhóm kim loại cơ bản gồm có: Thiếc, Đồng, Chì, Kẽm…

+ Nhóm kim loại nhẹ gồm có: Nhôm, Titan, Magiê…

+  Nhóm kim loại phóng xạ gồm có: Uran, thori, rađi.

+ Nhóm kim loại hiếm và đất hiếm.

– Nhóm thứ 2 là các loại khoáng sản phi kim loại: Đây là nhóm mà quặng của chúng được sử dụng trực tiếp hoặc là qua chế biến để lấy được đơn chất hoặc hợp chất không kim loại và được chia thành 3 loại sau:

+ Nhóm khoáng sản phân bón và hóa chất như: Lưu huỳnh, apatit, photphorit…

+ Nhóm nguyên liệu gốm sứ có khả năng chịu lửa như: đất sét, kaolin…

+ Nhóm nguyên liệu dành cho ngành kiến trúc xây dựng như: cát, đá vôi, đá hoa…

– Nhóm thứ 3 là các loại khoáng sản nhiên liệu bao gồm các đá có nguồn gốc sinh vật như: Than bùn, than đá, dầu…. Những loại khoáng sản này ngoài việc làm chất đốt ra thì chúng còn dùng để sản xuất hóa phẩm, dược phẩm và một số sản phẩm khác như: Sợi nhân tạo, vật liệu khuôn đúc…

+ Nhóm thứ tư: Khoáng sản nước: Là các loại nước được dùng cho sinh hoạt, y tế và công nghệ có thể kể đến như: Nước khoáng, bùn khoáng..v.v..

Vai trò của tài nguyên khoáng sản

Tuy không có vai trò quyết định sự tồn tại và phát triển của loài như các thành phần môi trường nước, đất và không khí… nhưng tài nguyên khoáng sản cũng là những yếu tố hết sức quan trọng trong việc bảo đảm sự duy trì và phát triển xã hội. Vai trò và tầm quan trọng của khoáng sản được thể hiện ở những khía cạnh sau đây:

– Về phương diện kinh tế: Khoáng sản là nguồn nguyên liệu chính cho nhiều ngành công nghiệp then chốt, như đá vôi dùng cho sản xuất xi măng, sản xuất vật liệu xây dựng; quặng sắt được dùng cho ngành luyện kim, cơ khí… Than đá, dầu mỏ, khí gas… là những khoáng sản cung cấp năng lượng chủ yếu cho nhiều ngành kinh tế quan trọng cũng như phục vụ sinh hoạt hằng ngày của con người, nước khoáng, nước nóng thiên nhiên là những tài nguyên có giá trị cao trong việc bảo vệ sức khỏe con người, đồng thời cũng là nguồn nguyên liệu đặc biệt đối với một số ngành công nghiệp.

Bản thân ngành công nghiệp khoáng sản là một ngành chiếm tỷ trọng cao trong nền kinh tế của nhiều nước, như công nghiệp khai thác đồng ở Chilê, công nghiệp than đá ở Ucraina, công nghiệp dầu mỏ ở Cooet, Irăc và Veneduela. Xuất khẩu khoáng sản thường đem lại nguồn thu lớn cho các quốc gia, nhiều nước có nguồn thu ngân sách chủ yếu là từ khai khoáng: Bruei, Cooet, Veneduela là những ví dụ điển hình.

– Về phương diện chính trị: Khoáng sản tạo cho các quốc gia có một vị trí quan trọng trong giao lưu quốc tế. Nó góp phần không nhỏ vào việc làm tăng tính độc lập, tự chủ của mỗi quốc gia. Thậm chí trong một số trường hợp, nó còn làm tăng các ảnh hưởng về mặt chính trị của quốc gia này đối với quốc gia khác, các quốc gia không có tài nguyên khoáng sản thường phụ thuộc rất nhiều về kinh tế cũng như chính trị đối với các quốc gia có ưu thế trong vấn đề này. Vai trò, tầm quan trọng của tài nguyên khoáng sản còn thể hiện trong các ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp của các hoạt động khoáng sản tới môi trường xung quanh.

Thực tế cho thấy các ảnh hưởng của hoạt động khoáng sản tới các thành phần môi trường khác như đất, nước, không khí, hệ sinh thái… thường rất nghiêm trọng. Điều này bắt nguồn từ đặc điểm của hoạt động khoáng sản là thường được tiến hành trên quy mô rộng lớn, với số lượng khai thác nhiều, thời gian hoạt động kéo dài và thường phải sử dụng nhiều phương tiện và hóa chất trợ giúp. Phạm vi và mức độ ảnh hưởng tới môi trường càng nghiêm trọng khi đó là những hoạt động khai thác khoáng sản độc hại.

Trên đây là nội dung bài viết tài nguyên khoáng sản là gì? Tài nguyên khoáng sản gồm những gì? Cảm ơn Quý khách hàng đã quan tâm theo dõi bài viết của chúng tôi.