Đối với những học sinh thì khi còn ngồi trên ghế nhà trường thì việc tiếp xúc với văn nghị luận xã hội đã không còn xa lạ. Đây là dạng văn phổ biến và thường được sử dụng trong các bài thi và đề kiểm tra do đó nhiều bạn học sinh, bậc phụ huynh và độc giả băn khoăn không biết mở bài nghị luận xã hội ra sao cho hay và hấp dẫn.
Nghị luận xã hội là gì
Trong cuộc sống có rất nhiều vấn đề quan trọng cần được nhắc đến, trao đổi, đánh giá,… Thể loại văn nghị luận được viết ra nhằm mục đích nêu ra cho người đọc và người nghe hiểu rõ về tư tưởng của chủ thể đối với một vấn đề, hiện tượng nào đó trong văn học hoặc đời sống. Người viết đưa ra được những minh chứng và giải thích rõ vấn đề đó. Trong đó nghị luận xã hội là một phương pháp nghị luận bàn về các vấn đề thuộc các lĩnh vực xã hội, chính trị, đạo đức, chân lý đời sống. Đây là thể loại văn học được sử dụng nhằm làm sáng tỏ, mở rộng vấn đề. Nghị luận xã hội bao gồm tất cả những vấn đề về lối sống, đạo lý, tư tưởng, những hiện tượng tốt xấu, đúng sai trong xã hội. Từ đó đưa ra cái nhìn chân thực của người viết về vấn đề đó và ứng dụng vào đời sống ra sao.
Mở bài nghị luận xã hội
Mở bài nghị luận xã hội là chìa khóa giúp gây ấn tượng với người nghe để dẫn dắt mọi người chú ý đến bài văn. Phần này phải đáp ứng giới thiệu vấn đề, đưa ra vấn đề và luận điểm cơ bản để giải quyết.
Cũng như các bài văn khác thì các bạn học sinh có thể lựa chọn mở bài nghị luận xã hội theo một trong hai cách là mở bài trực tiếp hoặc mở bài gián tiếp.
Mở bài nghị luận xã hội trực tiếp là cách mở bài đi thẳng vào vấn đề cần nghị luận. Sau khi đọc và tìm hiểu đề, các bạn học sinh đã tìm được vấn đề trọng tâm của bài nghị luận sẽ nêu thẳng vấn đề đó ra bằng một luận điểm rõ ràng. Tuy nhiên khi mở bài trực tiếp, ta cũng phải trình bày cho đủ ý, không nói thiếu nhưng cũng không nên nói hết nội dung, phải đáp ứng đủ các yêu cầu của một phần mở bài đúng mực trong nhà trường. Đặt vấn đề theo cách trực tiếp dễ làm, nhanh gọn, tự nhiên, dễ tiếp nhận, tuy nhiên thường khô khan, cứng nhắc, thiếu hấp dẫn cho bài viết.
Mở bài nghị luận xã hội gián tiếp là cách mở bài hay và ghi điểm đối với thầy cô tuy nhiên cần mở bài sao cho liên quan và dẫn dắt vấn đề hợp lí. Đây là cách mở bài mà người viết phải dẫn dắt vào đề bằng cách nêu lên những ý có liên quan đến luận đề (vấn đề cần nghị luận) để gây sự chú ý cho người đọc sau đó mới bắt sang luận đề.Mở bài theo cách này tạo được sự uyển chuyển, linh hoạt cho bài viết, hấp dẫn người đọc, tuy nhiên kiểu mở bài này dễ dẫn đến sự lan man, lạc đề cho bài viết.
Tùy thuộc từng đề bài nghị luận xã hội khác nhau mà các em học sinh có thể lựa chọn cho bản thân cách mở bài sao cho phù hợp với bản thân nhất.
Ví dụ mở bài nghị luận xã hội
Nhằm làm rõ hơn nội dung bài viết Luật Hoàng Phi xin đưa ra một số mở bài nghị luận xã hội với đề “Viết một bài văn nghị luận ngắn trình bày suy nghĩ của anh/chị về câu nói của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm: “Đời phải trải qua giông tố nhưng không được cúi đầu trước giông tố” để độc giả tham khảo.
Mởi bài trực tiếp
Đặng Thùy Trâm là một bác sĩ, liệt sĩ trong Chiến tranh Việt Nam. Bà từng nói “Đời phải trải qua giông tố nhưng không được cúi đầu trước giông tố”. Đây là câu nói giá trị để lại trong lòng chúng ta rất nhiều ý nghĩa về giá trị của con người, nhất là thể hiện nghị lực ý chí vươn lên hướng đến những giá trị tốt đẹp của cuộc đời.
Mở bài gián tiếp số 1
Cuộc sống muôn hình vạn trạng với biết bao nhiêu khó khăn và thử thách. Mỗi người sống đều có những mục tiêu, mục đích riêng cho bản thân. Thế nhưng trước sóng gió cuộc đời mỗi người lại chọn cho mình một lối đi riêng, có người dùng thử thách để tôi luyện trưởng thành hơn nhưng cũng có người lại không vượt qua được sóng gió ấy. Là người dù khó khăn ra sao hãy nhớ đến lời của của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm: “Đời phải trải qua giông tố nhưng không được cúi đầu trước giông tố” để vươn lên. Đây là câu nói rất ý nghĩa thể hiện giá trị nhân sinh với nghị lực vươn lên vượt qua giông tố cuộc đời.
Mở bài gián tiếp số 2
Mỗi người có một cách sống, quan điểm khác nhau trước khó khăn của cuộc đời. Tuy nhiên nếu chúng ta hèn nhát và yếu đuối trước những khó khăn vất vả của cuộc đời chắc chắn sẽ gặp thất bại. Còn nếu chúng ta ý chí và nghị lực vượt qua mọi gian khó thì con đường vươn đến thành công sẽ mở ra trước mắt. Liệt sĩ Đặng Thùy Trâm đã ghi lại trong những dòng nhật ký đầy máu, nước mắt và niềm tin: “Đời phải trải qua giông tố nhưng không được cúi đầu trước giông tố”. Đó là giá trị chân lý sống, là con đường vươn tới tương lai.
Nghị luận xã hội là một vấn đề vô cùng phong phú, đa dạng, đa diện đòi hỏi kiến thức xã hội, kỹ năng sống, khả năng tiếp cận vấn đề của người học sinh. Vì thế khi viết mở bài nghị luật xã hội các bạn học sinh dù mở bài trực tiếp hay gián tiếp đều cần đưa ra được vấn đề và đánh giá khái quát vấn đề đó. Trên đây là một số gợi ý nhỏ giúp các bạn làm hành trang khi viết văn nghị luận xã hội. Chúc các bạn học tốt.