1. Nhu cầu protein (chất đạm)
Protein là thành phần cơ bản của các vật chất sống. Protein tham gia vào thành phần cấu tạo nên tế bào. Protein là thành phần quan trọng của các hormon, các enzym (men), tham gia quá trình sản xuất kháng thể. Protein cũng tham gia vào hoạt động điều hòa chuyển hoá, duy trì cân bằng dịch thể. Ngoài ra, protein còn có vai trò quan trọng trong vận chuyển các chất dinh dưỡng qua thành ruột vào máu và từ máu đến các mô của cơ thể và qua màng tế bào. Protein có nhiều trong thịt, cá, trứng, sữa, đậu đỗ… Nhu cầu protein thay đổi nhiều tuỳ thuộc vào lứa tuổi, trọng lượng cơ thể, giới tính, tình trạng sinh lý. Đối với trẻ em tiểu học, năng lượng do protein cung cấp dao động từ 13-20% nhu cầu năng lượng của cơ thể. Trong đó, yêu cầu tỷ lệ protein động vật/protein tổng số đối với trẻ từ 6-9 tuổi nên đạt ≥ 48 % và tỷ lệ này nên đạt ≥ 35 % đối với trẻ từ 10-11 tuổi.
2. Nhu cầu lipid (chất béo)
Lipid trong cơ thể đóng vai trò quan trọng trong cấu trúc màng tế bào và dự trữ trong các mô như nguồn năng lượng dự trữ của cơ thể. Lipid là dung môi để hòa tan các vitamin tan trong chất béo, mặt khác lipid cũng là thành phần cung cấp năng lượng quan trọng trong khẩu phần. Nguồn cung cấp lipid là dầu, mỡ và các loại hạt có dầu như lạc, vừng, hạt điều… Theo nhu cầu khuyến nghị cho người Việt Nam, đối với trẻ em tiểu học năng lượng do lipid cung cấp cần đạt 20-30% nhu cầu năng lượng của cơ thể (tối đa là 30%), trong đó lipid có nguồn gốc thực vật nên chiếm khoảng 30-50% lipid tổng số, acid béo no không được vượt quá 11% năng lượng khẩu phần.
3. Nhu cầu glucid (chất đường bột)
Glucid có vai trò quan trọng nhất là cung cấp năng lượng cho cơ thể. Ngoài vai trò sinh năng lượng, glucid còn có vai trò tạo hình vì có mặt trong thành phần tế bào, tổ chức và tham gia chuyển hoá lipid. Nguồn cung cấp glucid chủ yếu cho khẩu phần là từ gạo, bún, miến, phở, khoai, củ… Đối với học sinh tiểu học, năng lượng do glucid cung cấp cần đạt 50-65% nhu cầu năng lượng của cơ thể.