Tị
Húy Trong Sinh Hoạt Của Người Việt Nam

                                     
phạm văn 
bân

 

I.
Khái niệm:

Phàm khi muốn tìm hiểu về tiếng nói, phong tục và tập quán,
nguồn tài liệu chính của tôi là lịch sử bởi lẽ một bên là
cái bóng và bên kia là cái hình; hai cái không thể tách rời ra
được. Các sự kiện lịch sử giúp giải thích được rất
nhiều nghi vấn, đặc biệt về tục tị húy cùng các ảnh hưởng
của nó trong ngôn ngữ, địa danh và nhân danh.

Trong quá trình Trung và Nam tiến, khởi sự từ thời vua Lê Đại
Hành (năm 980, chiếm tỉnh Quảng Bình) kéo dài mãi cho đến năm
1847 là năm vua Thiệu Trị phong vương cho Nặc Ông Đôn làm Cao Miên
quốc vương, người Việt Nam đã hoàn toàn xâm chiếm và tiêu
diệt các nước Chiêm Thành và Thủy Chân Lạp (tức miền Trung và
Nam Việt Nam ngày nay).  Nhưng sau đó, miền Nam bị Pháp
chiếm làm thuộc địa (régime colonial), còn miền Bắc là xứ
bảo hộ (forme protectorale, cai trị bởi chức quan Kinh Lược, Pháp
dịch là Vice-roi) và miền Trung được “tự trị” bởi
triều đình nhà Nguyễn trong khoảng 100 năm. Thực ra, ba xứ Bắc,
Trung, Nam là ba trong năm xứ thuộc Liên Bang Đông Dương thuộc Pháp. 
Trải qua các biến cố lịch sử vừa nói, nhiều dấu vết đã lưu
lại trong đời sống người Việt Nam, đặc biệt khi xét đến các
khác biệt về tiếng nói và phong tục của người miền Bắc và
miền Nam.

Có lẽ vì ở giáp ranh giới phía Nam Trung quốc nên người miền
Bắc Việt Nam dùng khá nhiều tiếng Hán, càng đi vào phía Nam thì
ảnh hưởng của tiếng Hán càng phai mờ dần.  Thử lấy
một tiếng thông thường trong đời sống làm thí dụ. 
Tiếng miền Bắc gọi tên người anh hay chị lớn nhất trong gia
đình là “anh Cả, chị Cả”, tiếng miền Nam gọi là 
“anh Hai, chị Hai”.  Tại sao có sự khác nhau này?

Cả là tiếng Việt thuần túy, có nghĩa là to lớn (cả cười,
cả gan, ao sâu nước cả, ông cả, cả vú lấp miệng em), bao
gồm hết (cả thảy, vơ đũa cả nắm, cả đời lận đận). 
Người miền Bắc gọi người con lớn nhất là anh hoặc chị
Cả, người kế tiếp gọi theo thứ tự số đếm là anh hoặc
chị Hai, Ba, v.v…  Đối chiếu với cách gọi của người
Trung quốc thì thấy cách gọi của người miền Bắc giống y như
vậy.  Trung quốc có hai tiếng chung để gọi.  Nếu là
anh trai, em trai thì gọi là ca ca

  

 , đệ đệ

   

 còn chị gái, em gái
thì gọi là tỷ tỷ 

 

 , muội muội

  

.  Người anh hay chị lớn nhất thì họ gọi là đại
ca, đại tỷ (dàige, dàijie). (Trong giới giang hồ, tiếng lóng đại
ca, đại tỷ dùng để gọi kẻ cầm đầu một nhóm ăn cướp,
ăn trộm, bất lương nào đó.).  Người miền Nam không dùng
tiếng Cả mà lại bắt đầu bằng thứ tự Hai, Ba, Tư, v.v…

Theo thiển kiến, tôi nghĩ cách gọi anh hoặc chị Hai của người
miền Nam so với anh hoặc chị Cả của miền Bắc là do vấn đề
tị húy.

Ở Việt Nam, làng xã là một đơn vị rất quan trọng.  Ý
thức quốc gia không mạnh bằng làng xã: phép vua thua lệ làng. 
Khi bị Pháp chiếm làm thuộc địa, cơ quan cai trị ở mỗi xã
miền Nam được gọi là Hội Đồng Tề, trong đó người đứng
đầu được gọi là Hương Cả.  Nếu gọi người con lớn
nhất là Cả, thí dụ: “Thằng Cả đâu, vô đây biểu”
thì vô tình đã gọi trùng với tên Hương Cả.  Điều này có
thể bị suy diễn là hỗn láo, mỉa mai và bị kết tội phạm húy. 
Vì vậy, người miền Nam tránh tiếng Cả mà gọi người con
lớn nhất là anh Hai hoặc chị Hai.

Tiếng Hán Việt kỵ 

  ,
tị  

  có
nghĩa là sợ hãi mà tránh đi, kiêng tránh (thành ngữ: kiêng rượu,
kiêng thịt, kiêng kỵ, có kiêng có lành).  Người ta lo sợ
tai họa có thể xảy ra nếu không biết kiêng kỵ hoặc vì tai
họa nên phải bỏ chạy tìm chỗ tị nạn. Cụ Ngô Đức Thọ
viết:

“Húy  

  theo
Thuyết Văn (1) có nghĩa là khuyên răn (húy, kỵ dã).  Theo
từ điển cổ Quảng Vận (2), húy nghĩa là tránh (húy, tị dã),
theo Ngọc Thiên, húy nghĩa là giấu, tránh (húy, ẩn dã, kỵ dã).

Từ hai nghĩa nói trên, húy còn có nghĩa mở rộng là tên của người
đã quá cố.  Nhập môn nhi vấn húy (vào nhà phải hỏi
tiếng cần tránh của chủ nhà- Lễ Ký, Đàn Cung).  Trịnh
Huyền chú thích: “Húy là tên của gia tiên chủ nhà”. 
Sở dĩ như vậy là vì theo tục lệ từ đời Chu bên Trung quốc,
tuy mỗi người đều có tên riêng (danh

), nhưng trong giao tiếp người ta thường xưng hô bằng họ
(tính

)
còn tên chỉ dùng khi cần kê khai sổ sách giấy tờ v.v… để
tiện phân biệt.  Sau khi chết, đến lễ tốt khốc (3) thì
người nhà viết chữ tên riêng ấy vào bài vị để thờ, và cũng
từ lúc ấy tránh không nói đến tên người quá cố vì thế
gọi là tên húy.

Nghĩa thường dùng của húy là như vậy nên các từ điển đời
sau như Khang Hi, Từ Hải đều ghi thẳng nghĩa: húy là tên người
đã chết (Khang Hi (4): sinh viết danh, tử viết húy / tên người
khi còn sống gọi là danh, sau khi chết gọi là húy.  Từ
Hải: Tử giả chi danh viết húy / tên người đã chết gọi là húy.”
(5)

Tên thụy

 và
tên tự

  cũng
được kiêng nhưng ở mức độ nhẹ nhàng hơn bằng cách viết
bớt nét hoặc gia dạng thêm bằng các dấu gãy <<<< trên
mặt chữ.  Tên thụy, còn gọi là tên hèm, tức là tên đặt
cho người sắp chết, căn cứ vào đức hạnh và tính tình của
họ khi còn sống.  Vì vậy, khi cúng giỗ, người ta phải
khấn bằng tên húy hoặc tên thụy để người được khấn
biết mà trở về chứng giám lễ giỗ và phù hộ cho con cháụ 
Còn tên tự, theo kinh Lễ, là tên đặt cho con trai khi tới tuổi
trưởng thành (20 tuổi), làm lẽ đội mũ (Cổ giả nam tử nhị
thập nhi quán vị chi thành niên) hoặc cho con gái khi đã nhận
lời gả chồng và lúc đó mới được cài trâm.  (Nguyên
tự có nghĩa gốc là việc sinh sản con cái, gọi văn tự để
ngụ ý văn sinh sôi nảy nở ra như người ta sinh con vậy! ).

Trên thế giới, tục tị húy là một tục chỉ có ở Trung quốc
từ thời xa xưa và tồn tại mãi đến nay.  Do hoàn cảnh
lịch sử và địa lý, tục này đã truyền qua Việt Nam từ đời
nhà Trần và đặc biệt rõ nét nhất là vào các đời vua triều
Nguyễn, ảnh hưởng sâu rộng trong sinh hoạt của người Việt
Nam qua thi cử, nhân danh và địa danh.    

II. Ảnh hưởng của tục tị húy qua thi cử:

Tục tị húy là tục được tuyệt đối tôn trọng.  Nếu
trong phạm vi gia đình, dòng họ thì chỉ có gia đình, dòng họ
đó kiêng cữ (gia húy, tộc húy) nhưng nếu vua đã ban lệnh
những chữ nào phải kiêng húy thì cả nước phải tuân theo. 
Nhân danh và địa danh nào mà trùng với chữ húy thì khi gọi
phải đổi âm và khi viết phải đổi hình dạng chữ.  Chữ
đây là chữ Hán bởi vì Việt Nam dùng chữ Hán trong văn tự
từ lúc có nước cho đến khoảng năm 1900 mới bỏ chế độ thi
cử chữ Hán.


Một thí dụ quy định về âm còn được ghi lại như sau:

“Mùa xuân năm Quang Thiệu thứ 2 (1517) đời vua Lê Chiêu Tông:
sai Lễ bộ thượng thư Đàm Thận Huy hiệu định miếu húy và
ngự danh (miếu húy 20 chữ, ngự danh là hai chữ Y và Huệ) 
Phàm khi viết chữ hay khắc in sách đều không cấm, nhưng tiếng
đọc thì phải tránh, hai chữ liền nhau như Trưng Tại đều không
được viết” (7)
(“Phàm lâm văn tả dụng, san thư tịch, giai bất chi cấm,
thanh độc giai ưng hồi tị, liên tự như Trưng Tại chi loại
bất đắc tả dụng”).

Thí dụ về cách viết kiêng chữ húy:

-Không tự: tức là bỏ trống ô chữ,

-Cải dụng: tức là dùng chữ khác để thế,

-Viết biến dạng: tức là đảo bộ, thêm nét, bớt nét, dùng
chữ dị thể.

Quy định về tị húy vào đời nhà Trần thường là viết bỏ
bớt nét hoặc thêm vòng tròn nhỏ kế bên chữ.

Quy định về  tị húy vào đời đời nhà Lê thường là
viết thêm trên chữ húy 4 hay 3 nét gãy (<<<< hay
<<<), hoặc bỏ trống, không viết chữ húy hoặc đổi
chữ.  Riêng đời vua Lê Thánh Tông đã 4 lần ban lệnh kỵ húy
(vào các năm 1460, 1461, 1462 và 1466.) (8). 

Tị húy có tính chất “luật pháp” phải được tuân
thủ nghiêm chỉnh trong giới sĩ phu Việt Nam.  Bất cần thông
minh, tài cao học rộng đến đâu nhưng nộp quyển có chữ phạm
húy thì không cách nào đỗ đạt, mà không đỗ đạt thì không
sao tiến thân được!  Thi nhân Trần Tế Xương đã chua chát
than rằng:       

Rõ thực nôm hay mà chữ dốt,

Tám khoa chưa khỏi phạm trường qui.


                       
(Thi Hỏng, Trần Tế Xương)

Trong cuốn Lều Chõng, cụ Ngô Tất Tố đặc biệt mô tả rất
chi tiết tất cả các điều tị húy và khéo léo lồng vào khung
cảnh của các thí sinh đi thi.  Đại khái các điều kiêng
kỵ đó như sau:

-Tất cả chữ húy đều bị cấm đọc, cấm viết, phải coi như
chữ bỏ đi.  Trọng húy chính là tên vua. Khinh húy là tên
những bà mẹ vua hay tiên tổ lâu đời của vua.

-Trường hợp trọng húy thì thường phải tách chữ ra. Thí dụ:
đọc thấy bên trái viết chữ nhật và bên phải viết chữ ương
thì biết đó là chữ ánh (vì kiêng húy nên phải viết tách ra
như vậy).  Hoặc đọc thấy bên trái viết chữ hòa và bên
phải viết chữ trọng thì biết đó là chữ chủng.

-Trường hợp khinh húy (húy nhẹ) thì phải kính khuyết nhất bút,
nghĩa là cung kính mà viết sót một nét của chữ húy; nếu
viết đủ nét tức là phạm húy.

-Khiếm tị tức là sơ ý viết hai chữ húy kế bên nhau.  Thí dụ: lăng vua Gia Long là Thiên Thụ thì khi làm
văn không được viết liền hai chữ này, hoàng cung có điện
Cần Chánh thì cũng phải kiêng, không được viết liền.

-Khiếm trang tức là thiếu sự kính trọng, dùng các chữ có nghĩa
không hay, như bạo (tợn), hôn (tối), cách (đấm), sát (giết) và
nhất là không được viết trên các chữ hoàng, đế, quân, vương,
chủ.           

-Cổ húy tức là phạm tên húy đời
cổ.  Thí dụ: làm bài
chiếu đời vua Thái Tôn nhà Đường thì phải kiêng chữ uyên, dân.

-Trường hợp có sự chấm điểm bất đồng giữa các Chủ
khảo, Phân khảo thì phải lập tức làm Sớ đàn hặc đưa về
triều đình.

III. Ảnh hưởng của tị húy trong tiếng nói và tên người:
     

Miền Nam vốn là thành quả khẩn hoang lập ấp, mở chợ đào sông
của các chúa Nguyễn và về sau, triều Nguyễn (1802-1945) là
triều duy nhất trong lịch sử đã ban hành rất nhiều lệnh tị
húy, ảnh hưởng lớn đến sự hình thành tiếng miền Nam. 
Bên cạnh đó là sự di dân của nhóm người Minh hương từ Trung
quốc vào miền Nam nhằm phản Thanh, phục Minh đã củng cố thêm
tục tị húy.

Đời Gia Long có hai lần ban lệnh kiêng húy:

-Tháng 3 năm Gia Long thứ 2 (4-1803): ban 6 chữ húy: dùng chữ áo
thay chữ noãn, dùng chữ chiếu thay chữ ánh, dùng chữ thực thay
chữ chủng, dùng chữ diệu thay chữ cốn, dùng chữ viên thay
chữ hoàn, dùng chữ hương thay chữ lan.

-Tháng 3 năm Gia Long thứ 15 (4-1816): ban thêm 2 chữ húy: dùng chữ
hạo thay chữ kiểu, dùng chữ phủ thay chữ đảm.

Đến đời Minh Mệnh có năm lần ban lệnh kiêng húy vào các năm
1820, 1825, 1833, 1834 và 1836.

Đời Thiệu Trị có tám lần ban lệnh kiêng húy: hai lần trong năm
1841, ba lần trong năm 1842, 1843, 1844 và 1845.

Đời Tự Đức có bốn lần ban lệnh kiêng húy vào các năm:
1847, 1850, 1851 và 1861.  Riêng năm 1850, có quy định xử phạt
tội phạm húy, gồm hai khoản như sau:

-Phàm những chữ húy chính tự theo lệ quy định phải đổi dùng
chữ khác mà không tuân hành, mỗi chữ phạm húy bị đánh đòn
một trăm trượng.  Nếu là Cử nhân, Tú tài phạm lỗi thì
phải cách hết danh tịch (tức là gạch tên khỏi sổ Cử nhân,
Tú tài).

-Những chữ quy định phải gia dạng (thêm bộ <<<) hoặc
bớt nét, cùng là những chữ đồng âm và những chữ có thiên bàng
giống chữ húy, theo lệ quy định phải đổi dùng chữ khác mà
phạm phải thì phải đòn 90 trượng.  Nếu là Cử nhân, Tú
tài thì cho được miễn, không phải xóa tên khỏi sổ.

-Đối với những chữ theo lệ phải bớt nét hoặc gia dạng cùng
là những chữ có thiên bàng giống chữ húy mà lại đồng âm
với chữ húy, theo lệ phải kiêng đổi mà phạm phải thì giảm
một bậc, phải đòn 80 trượng.  Nếu là Cử nhân, Tú tài
thì cho được miễn, không phải xóa tên khỏi sổ.

Các đời vua sau đó: Hiệp Hòa, Kiến Phúc, Hàm Nghi, Đồng Khánh,
Thành Thái, Duy Tân, Khải Định và Bảo Đại vẫn tiếp tục duy
trì tục tị húy.

Dưới đây là một số thí dụ tiêu biểu của ảnh hưởng tị
húy trong tiếng nói của người miền Nam.

-Nam đổi thành Nôm: đọc lệch chính âm, chưa biết được Nam là
tên húy của ai, nhưng căn cứ vào một số bia đá, chuông chùa còn
lưu lại thì từ đời Trần (khoảng năm 1230), do kiêng húy nên
chữ Nam đã được khắc thiếu nét hoặc bỏ nét sổ thẳng. 

-Kiền đổi thành Càn: đọc lệch chính âm, kiêng từ đời nhà
Trần (khoảng năm 1230); đây là chữ thứ hai trong tước phong
Phụng Kiền Vương Trần Liễu.

-Hoàng đổi thành Huỳnh: do kiêng húy Đoan Quốc Công Nguyễn Hoàng. 
Đến nay các tỉnh miền Trung và Nam vẫn dùng âm Huỳnh, đọc là
Huỳnh Mẫn Đạt, Huỳnh Thúc Kháng thay vì Hoàng Mẫn Đạt, Hoàng
Thúc Kháng.

-Nhân đổi thành Nhơn: do kiêng tên thụy của Nhân Chiêu Vương
Nguyễn Phúc Lan.  Thí dụ: thành phố Quy Nhân đọc thành Quy
Nhơn, nhân nghĩa đọc thành nhơn nghĩa.

-Thái đổi thành Thới: đọc lệch chính âm, do kiêng tên húy
của Hoằng Nghĩa Vương Nguyễn Phúc Thái. Thí dụ: Châu Thái thành
Châu Thới, Bình Thái thành Bình Thới, thái bình thành thới bình.

-Nghĩa đổi thành Ngãi: đọc lệch chính âm, do kiêng tên thụy
của Hoằng Nghĩa Vương Nguyễn Phúc Thái. Thí dụ: Quảng Nghĩa
thành Quảng Ngãi, ân nghĩa thành ân ngãi, tình nghĩa thành tình
ngãi.

-Tông đổi thành Tôn: đọc lệch chính âm, do kiêng tiểu tự Miên
Tông của vua Thiệu Trị.

-Nguyên đổi thành Ngươn: do kiêng húy Thụy Dương Vương Nguyễn
Phúc Nguyên.

-Thụy đổi thành Thoại: đọc lệch chính âm.  Sau khi mất,
Thụy Dương Vương Nguyễn Phúc Nguyên được suy tôn tên thụy là:
Đại đô thống trấn nam phương tổng quốc chính dực thiện tuy
du Thụy Dương Vương (11-1635).  Thí dụ: Nguyễn Văn Thoại hoàn
thành việc khai sông Thụy Hà, nhà vua rất hài lòng, nên “cho
gọi tên sông là Thụy Hà để biểu dương công lao” (Đại
Nam Nhất Thống Chí).  Về sau , đọc lệch ra là Thoại Ngọc
Hầu, Thoại Hà, Thoại Sơn.

-Dũng đổi thành Dõng: đọc lệch chính âm, do kiêng tên thụy
của Dũng Triết Vương Nguyễn Phúc Tần.

-Chu đổi thành Châu: đọc lệch chính âm, do kiêng húy của Minh
Vương Nguyễn Phúc Chu.  Đến nay các tỉnh miền Trung và Nam
vẫn dùng âm Châu, đọc là Châu Văn Tiếp, Ngô Tòng Châu thay vì
Chu Văn Tiếp, Ngô Tòng Chu.

-Vũ đổi thành Võ: đọc lệch chính âm, do kiêng tên thụy của
Vũ Vương Nguyễn Phúc Khoát là: Kiền cương uy đoán thần nghị
thánh du nhân từ duệ trí Hiếu Vũ Vương.  Đến nay các
tỉnh miền Trung và Nam vẫn dùng âm Võ, đọc là Võ Trường
Toản, Võ Tánh thay vì Vũ Trường Toản, Vũ Tính.

-“Tộ quốc công Nguyễn Phúc Khoát sai tướng Nguyễn Hữu
Cảnh đi dánh Cao Miên, lấy đất của họ đặt thành phủ Gia Định”
(9).  Thực ra Nguyễn Hữu Cảnh tên là Nguyễn Hữu Kính, kiêng
húy chữ Kính là một trong 47 chữ húy được vua Tự Đức ban hành
vào năm 1861 như: kim, hoàng, thái, noãn, ánh, chủng, đảm, miên,
tông, lan, đang, kính, thật, hoa, hạo, v.v…

IV. Ảnh hưởng của tị húy trong tên đất:

Để biết ơn những bậc anh hùng có công với đất nước, người
ta kiêng, không gọi đúng tên trong giấy tờ mà gọi tên thường
dùng hoặc biệt hiệu…  Trường hợp tên Cao Lãnh là một
thí dụ.  Nguyên ông bà Đỗ Công Tường tự Lãnh, vốn tính
tình cương trực, kiến thức quảng bác, đã có nhiều công
trạng giúp dân vùng Cao Lãnh, lúc sống làm chức Câu Đương (là
một chức trong Hội Đồng Tề, phụ trách việc dàn xếp xích mích
của dân trước khi họ phải tới cửa quan).  Khi mất, dân
chúng quý trọng, kiêng không gọi tên ông mà ghép chức (Câu
Đương) với tên thường dùng (Lãnh) gọi la Câu Lãnh; lâu ngày
gọi lệch ra là Cao Lãnh.  Năm 1936, vua Bảo Đại sắc phong
ông là: Dự Bảo Trung Hưng Linh Phò Chi Thần, nguyên văn như sau:

“Sắc Sa Đéc tỉnh, Mỹ Trà xã, phụng sự khai lập thị ấp
Câu Lãnh Đỗ Công Tường tôn thần, nằm trước linh ứng tứ
kinh phí thừa cánh mang, diếm niệm thần hưu, trước phong vị:
“Dự Bảo Trung Hưng Linh Phò Chi Thần” chuẩn kỳ phụng
sự, thứ cơ thần kỳ tương hựu, bảo ngã lê dân.  Khâm
tai.

Bảo Đại thập niên thập cửu nhật”.

Nghĩa:

“Sắc rằng: vị thần Câu Lãnh Đỗ Công Tường ở xã Mỹ
Trà, tỉnh Sa Đéc có mở chợ lập ấp, từ trước đã tỏ ra
linh ứng, nay có sắc lệnh nhà vua nhớ đến công đức của
thần, sắc phong cho vệ hiệu là: “Dự Bảo Trung Hưng Linh Phò
Chi Thần” để dân phụng thờ nhờ hầu thần giúp đỡ,
bảo hộ chọ Kính cẩn vậy thay.

Bảo Đại năm thứ 10, ngày 19″.

Dưới đây là một số thí dụ do tị húy mà đổi tên đất:

-Kiền đổi thành Càn: kiêng từ đời nhà Trần (khoảng năm
1230); đây là chữ thứ hai trong tước phong Phụng Kiền Vương
Trần Liễu.

a)Cửa biển Kiền Hải (tức Cửa Cờn) ở huyện Quỳnh Lưu,
tỉnh Nghệ An do kiêng húy chữ Kiền, năm 1299 đổi thành Cần
Hải.

b)Núi Kiền Ni có chùa Hương Nghiêm, ở huyện Đông Sơn, tỉnh
Thanh Hóa, nay còn tấm bia Kiền Ni sơn Hương Nghiêm tự bi minh
dựng năm 1124 đời Lý Nhân Tông.  Cuốn Thiền Uyển Tập Anh
chép thiền sư Pháp Dung trụ trì chùa Hương Nghiêm, núi Ma Ni. 
Cụ Hoàng Xuân Hãn đã xác định đó chính là núi Kiền Ni đời
Lý, đến đời Trần vì kiêng húy nên Thiền Uyển Tập Anh đổi
thành Ma Ni. (10)

-Lợi đổi thành Lại hoặc Nghi: Lợi là tên húy của vua Lê Thái
Tổ; huyện Đồng Lợi, phủ Tân An đổi thành Đồng Lại, sau đổi
thành Vĩnh Lại, tức huyện Ninh Giang thuộc tỉnh Hải Phòng ngày
nay.

-Dung: đổi các địa danh có tên Dung.  Huyện Phù Dung đổi là
Phù Hoa vào đầu đời nhà Mạc.  Đời Lê Trung Hưng lấy
lại tên cũ là Phù Dung. Đến năm 1842 vì kiêng húy đồng âm
với tên húy của vua Thiệu Trị (Dung) và cả với tên húy của
mẹ vua Thiệu Trị (Hoa) nên đổi thành Phù Cừ, nay thuộc huyện
Phù Tiên, tỉnh Hải Hưng.  Tương tự như vậy, cửa biển Tư
Dung ở Thuận Hóa đổi thành Tư Khách vào đầu đời nhà Mạc,
đến đời Lê Trung Hưng lấy lại tên cũ nhưng đến đời
Thiệu Trị thì đổi thành Tư Hiền.

-Chữ Ninh (húy của vua Lê Trang Tông): kiêng tiếng Ninh nên đổi
thành:

a)huyện Ninh Sơn, tỉnh Sơn Tây đổi là Yên Sơn, nay là huyện
Quốc Oai, tỉnh Hà Tây.

b)Phù Ninh đổi là Phù Khang, nay thuộc huyện Phong Châu, tỉnh Vĩnh
Phú.

c)huyện Yên Ninh đổi là Yên Khang.  Đến đời Nguyễn Gia
Long vì kiêng húy chữ Khang nên đổi thành Yên Khánh, thuộc
tỉnh Ninh Bình ngày nay.

d)Vũ Ninh đổi là Vũ Giang.  Sau vì kiêng tên chúa Trịnh Giang
nên đọc lệch thành Võ Giàng.

e)Tĩnh Ninh đổi thành Tĩnh Gia, nay thuộc tỉnh Thanh Hóa.

-Bang (húy của vua Lê Anh Tông): An Bang đổi thành An Quảng, rồi
đổi thành Quảng Yên, nay thuộc tỉnh Quảng Ninh.

-Đàm (húy của vua Lê Thế Tông): Thanh Đàm đổi thành Thanh Trì,
nay là ngoại thành Hà Nội.

-Tân (húy của vua Lê Kính Tông):

a)Tân Minh đổi thành Tiên Minh, nay thuộc huyện Tiên Lãng, Hải
Phòng.

b)Tân An đổi thành Tiên An, nay thuộc huyện Hải Ninh, Quảng
Ninh.

c)Tân Phong đổi thành Tiên Phong, nay thuộc huyện Quảng Oai, Hà Tây.

d)Tân Hưng đổi thành Tiên Hưng, nay thuộc tỉnh Thái Bình.

-Hựu (húy của vua Lê Chân Tông): Thuần Hựu đổi thành Thuần
Lộc, Phong Lộc, Hậu Lộc, nay thuộc tỉnh Thanh Hóa.

-Tùng (húy của Minh Khang Thái Vương, 1570-1623): Đoàn Tùng đổi
thành Đoàn Lâm, nay thuộc tỉnh Hải Hưng.

-Tây (húy của Tây Vương Trịnh Tạc, 1657-1682):

a)Tây Chân đổi thành Nam Chân, rồi đổi thành Nam Trực, nay
thuộc tỉnh Nam Hà.

b)Sơn Tây: từ thời Trịnh Tạc trở đi kiêng âm Tây, thường
gọi là Xứ Đoài.

c)Tây Hồ: từ thời Trịnh Tạc trở đi kiêng âm Tây, thường
gọi là Đoài Hồ.

-Giang (húy của Thuận Vương):

a)Thanh Giang đổi thành Thanh Chương, nay thuộc tỉnh Nghệ An.

b)La Giang đổi thành La Sơn, nay thuộc tỉnh Hà Tĩnh.

c)Tống Giang đổi thành Tống Sơn, nay thuộc tỉnh Thanh Hóa.

-Minh (húy của Minh Vương Trịnh Doanh):

a)Sơn Minh đổi thành Sơn Miêng, nay thuộc tỉnh Hà Tây.

b)Tiên Minh đổi thành Tiên Miêng, nay thuộc Hải Phòng.

-Bình (húy của vua Quang Trung Nguyễn Huệ còn có tên Nguyễn Quang
Bình):

a)Cao Bình đổi thành Cao Bằng, nay vẫn giữ là Cao Bằng.

b)Lộc Bình đổi thành Cao Bằng, nay vẫn giữ là Cao Bằng. (10)

-Phúc (húy của vua Quang Trung Nguyễn Huệ còn có tên giả là Phúc):

a)Gia Phúc đổi thành Gia Lộc, nay là huyện Tứ Lộc, tỉnh Hải
Hưng.

b)Phúc Lộc đổi thành Phú Lộc, nay là huyện Phúc Thọ, tỉnh Hà
Tây.

c)Vĩnh Phúc đổi thành Vĩnh Lộc, nay huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh
Hóa.

d)Chân Phúc đổi thành Chân Lộc.  Đời vua Thành Thái
(1889-1907) kiêng húy chữ Chân (Ưng Chân, tên cha vua) nên đổi thành
Nghi Lộc, nay là huyện Nghi Lộc, tỉnh Hà Tây.

e)Phúc Diễn đổi thành Phú Diễn, nay là xã Phú Minh, huyện Từ
Liêm, Hà Nội.

Hầu hết các tên húy do triều Nguyễn Tây Sơn đổi đều bị các
triều Nguyễn tiếp theo đổi lại để thể hiện ý căm ghét; đây
là trường hợp mà cụ Trần Viên gọi là ố ý tị húy (kiêng húy
do căm ghét) (11)

 
V. Kết luận:

Nguyên nhân ban lệnh tị húy của vua chúa là vì muốn dân chúng
phải chú tâm kiêng sợ và cũng để thỏa mãn tâm lý quyền uy
tối cao vô thượng.  Tục thờ cúng tiên tổ cũng là một
nguyên nhân hình thành tục tị húy.  Người ta quan niệm linh
hồn của ông bà cha mẹ đã mất cũng cần phải có tên riêng như
người đang sống, do đó viết tên khi còn sống vào bài vị để
thờ, khi có tế tự phải khấn cáo đúng tên húy đó thì linh
hồn gia tiên mới nhận biết để về chứng giám.

Trong sinh hoạt hàng ngày, người Trung quốc và Việt Nam có khuynh
hướng thiêng liêng hóa tên gọi. Người Trung quốc gọi nhau
bằng họ, xem tên riêng có liên quan trực tiếp với số phận
con người, và họ cố gắng không gọi tên khi có thể được.
Người Việt Nam, tuy gọi nhau bằng tên, nhưng nói chung thì coi tên
riêng rất quan trọng.  Do kiêng nể, họ giấu tên thật và
thay vào đó, gọi theo thứ tự sinh ra.  Thí dụ: anh Hai, anh
Ba, v.v…

 

Các xã hội phương Tây lại quan niệm nghịch hẳn phương Đông. 
Họ không che giấu mà lại lấy tên riêng của các danh nhân để
đặt tên cho trường học, bệnh viện, phố xá, v.v… để tỏ lòng
biết ơn hoặc vinh danh nhân vật nào đó.

Trong cuốn Việt Nam Phong Tục Khảo, cụ Phan Kế Bính liệt kê trên
50 điều kiêng kỵ của người Việt Nam; xin kể ra đây vài kiêng
kỵ tiêu biểu như sau:

-Đầu năm chưa làm lễ động thổ thì kiêng đào đất hoặc giã
chày cối và quét nhà, sợ cả năm làm ăn không lợi.

-Đàn bà chửa kiêng gần tử thi và kiêng đưa ma tiểu thương, e
độc.

-Vợ chửa, chồng kiêng sát sinh và kiêng đóng cộc, e độc.

-Vợ chồng kiêng rửa chung một khăn mặt, e độc.

-Làm cửa ngõ kiêng đối ngõ với nhà khác, sợ độc.

-Ra ngõ kiêng gặp gái, e bất lợi.

Và kết luận:

“Xem các sự kiêng kỵ của ta, thật lắm sự nực cười, không
có nghĩa lý gì, mà tục cứ thấy kiêng thì kiêng chớ không ai
hiểu bởi cớ làm sao cả.

Lạ quá!  Những sự nên kiêng thế nào cho khỏi ngu dốt, kiêng
thế nào cho khỏi yếu đau, kiêng thế nào cho khỏi nghèo hèn, kiêng
thế nào cho khỏi nhục nhân cách thì không mấy người tìm cách
mà kiêng, đi kiêng những điều vụn vặt, những sự vu vơ, nào
kiêng ngày, kiêng tháng, nào kiêng đứng kiêng ngồi, nào kiêng ăn
kiêng mặc, nào kiêng cười kiêng nói, kiêng cả đến ra ngõ
gặp gái, kiêng cả đến sáng sớm đòi nợ, sao mà kiêng lắm điều
lạ lùng làm vậy? Thôi nói qua mấy điều, đủ biết là tính mình
tin nhảm, thực là lý tưởng trẻ thơ.” (12) 

Nực cười bởi vì các tập quán kiêng kỵ này đã trở nên
lỗi thời hoặc vì không thể dùng lý luận để giải thích
tại sao lại kiêng kỵ.  Chẳng hạn như trong giờ lâm tử,
người nhà của người hấp hối phải giữ thật yên tĩnh,
tuyệt đối không được khóc để thân nhân có thể ra đi nhẹ
nhàng, trong niềm tin rằng nếu lúc đó náo loạn, khóc lóc thì
thân nhân khó ra đi và tâm thần rối loạn mà thấy cảnh dữ và
kiếp sau sẽ sa vào cõi hung tàn.  Một số người không tin,
gọi đó là mê tín, dị đoan nhưng trong cách nào đó, họ vẫn
… kiêng kỵ.  Họ có thể kiêng kỵ chỉ để vui đùa mà cũng
có thể tâm lý bị ám ảnh, dằn co cho nên thôi thì có kiêng, có
lành.

Chú giải:
(1)Thuyết Văn: tức chữ viết tắt của từ điển Hứa
Thận, Thuyết Văn Giải Tự, Bắc Kinh, Trung Hoa thư cục ấn
ảnh, 1979

(2)Quảng Vận: tức chữ viết tắt của từ điển Trùng Tu
Quảng Vận, Thượng Hải, Trung Hoa thư cục.

(3) Tốt khốc: quy chế tang lễ thời xưa, con cái thương khóc không
ngớt trong 100 ngày sau khi cha mẹ chết; đến lễ cúng 100 ngày
mới hết thời kỳ thương khóc.  Do đó, lễ cúng 100 ngày
gọi là lễ Tốt khốc (thôi khóc)

(4)Khang Hi: tức chữ viết tắt của Khang Hi Từ Điển, Bắc Kinh,
Trung Hoa thư cục, 1992.

(5) Ngô Đức Thọ, Nghiên cứu chữ húy Việt Nam qua các triều đại,
Viện nghiên cứu Hán Nôm, Nhà xuất bản Văn Hóa, 1997, p.17 – 20.

(6)Hiện chỉ có Đại Việt Sử Ký Toàn Thư là tài liệu duy
nhất ghi được 8 điều lệnh của triều Trần quy định về
việc kiêng húy:

“Tháng 6 năm Kiến Trung thứ 8 (7-1232) đời Trần Thái Tông Đại
Việt Sử Ký Toàn Thư ghi ban bố các chữ quốc húy và miếu húy
chỉ giải thích một trường hợp như sau:

Vì Nguyên tổ tên húy là Lý mới đổi họ Lý làm họ Nguyễn,
vả lại cũng để dứt bỏ lòng mong nhớ của dân chúng đối
với nhà Lý”

Thực ra, chưa hẳn tên thật của ông nội Trần Cảnh là Lý nhưng
khi ban bố lệnh kỵ húy, nhà Trần đã lấy chữ Lý làm tên húy
của ông nội của vua Trần Cảnh và mượn cớ đó mà cấm dùng
chữ Lý, bắt mọi người họ Lý đổi qua họ Nguyễn. Từ đời
Trần đến đời Nguyễn (1802-1945), rải rác vẫn có quy định
kỵ húy nhưng mạnh mẽ nhất là đời Nguyễn Gia Long (1802) trở
đi.

(7)Nhiều tác giả, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Bản Kỷ Thực
Lục, Quyển XV – Kỷ nhà Lê, Hà Nội, NXB Khoa Học Xã Hội, p. 81

(8)Nhiều tác giả, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Bản Kỷ Thực
Lục, Quyển XII – Kỷ nhà Lê, Hà Nội, NXB Khoa Học Xã Hội, p.
393 – 412.

(9)Đặng Xuân Bảng, Việt Sử Cương Mục Tiết Yếu, Viện Nghiên
Cứu Hán Nôm, Hà Nội, in lại bản chữ Hán năm 1905, p. 490.

(10)Ngô Đức Thọ, Nghiên cứu chữ húy Việt Nam qua các triều đại,
Viện Nghiên Cứu Hán Nôm, NXB Văn Hóa, 1997, p. 40 – 42.

(11)Trần Viên, Sử húy cữ lệ, Bắc Kinh, Trung Hoa Thư Cục, 1963,
p. 33

(12)Phan Kế Bính, Việt Nam phong tục khảo, Sài Gòn, Khai Trí (tái
bản), 1973, p. 334 – 366