Bảo tồn những bài ca nghi lễ của người Mường huyện Ngọc Lặc
Một trong những vốn quý của vùng đất Ngọc Lặc hiện đang còn bảo tồn được đó là những bài ca nghi lễ hay phong tục thờ cúng của người Mường, mà từ lâu nó đã phản ánh sâu sắc ý thức cội nguồn dân tộc và trở thành nét đẹp văn hóa tinh thần không thể thiếu trong đời sống tâm linh của họ.
Ông Mo diễn xướng trong đám tang của người Mường Ngọc Lặc.
Tín ngưỡng của người Mường Ngọc Lặc là theo tín ngưỡng đa thần, vạn vật hữu linh, thế nên mỗi một bài cúng đều mang một nội dung, ý nghĩa khác nhau. Đó không đơn giản là những lời cầu khấn, là tấm lòng thơm thảo của con cháu đối với tổ tiên mà còn là những bài ca có vần điệu, cảm xúc dạt dào ẩn chứa trong từng ca từ. Vì thế mà khi thực hành các bài ca nghi lễ đó giống như một tổ hợp khúc được xướng lên trong không khí linh thiêng, trang nghiêm, ấm áp giữa núi rừng. Các bài ca nghi lễ của người Mường Ngọc Lặc hiện còn lưu giữ được gồm các bài cúng dịp tết như: Cúng chiều 30 tết, cúng mời thổ địa táo quân, cúng sáng mùng 1 tết, bài khấn ăn các bữa trong dịp tết, xin âm dương, cúng đưa ma nhà trong ba ngày tết… Ngoài ra còn có các bài cúng ma khi ốm đau; các bài làm vía, gọi vía như: Làm vía kéo si, vía phiền muộn, vía đặt tên, vía lên nhà mới, vía cơm mới…
Theo phong tục của người Mường Ngọc Lặc, sáng mùng một tết, trong gia đình người Mường quây quần đông đủ bên mâm vía. Trên mâm vía đặt mấy bộ quần áo của người sống để cúng vía cho người sống luôn được mạnh khỏe, bình an. Sau đó, mọi người cùng nhau ăn bữa cơm vui vầy, thân mật. Mâm cơm cúng của người Mường Ngọc Lặc không thể thiếu những món ăn truyền thống, trong đó nhất thiết phải có trứng vịt hoặc trứng gà luộc, với ý nghĩa mang lại may mắn cho các thành viên trong gia đình.
Trong tang lễ của đồng bào Mường Ngọc Lặc, Mo là bài ca nghi lễ không thể thiếu trong đời sống tinh thần của họ. Mo là một sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người Mường để đoàn kết người sống trước một người vĩnh viễn ra đi trong cộng đồng (gia đình, dòng họ, xóm làng), là dịp để mọi thế hệ người sống đều có mặt để chia tay vĩnh biệt người chết. Sự có mặt trong giờ phút thiêng liêng này như là một sợi dây tình cảm gắn chặt họ với nhau. Bằng những đêm Mo, người ta nhắc lại lịch sử nguồn gốc của người Mường, truyền dạy cho nhau những kinh nghiệm, những tri thức của cuộc sống, những phong tục, tập quán. Truyền dạy cho nhau cách tổ chức đám tang khi có người chết, cách ăn mặc tang phục, cách làm lễ vật dâng cúng cho hồn ma, cách xắp xếp thứ bậc trong lúc có đám, qua đó mà ghi nhớ và truyền lại cho các thế hệ. Mo là phương tiện để cho người sống và người chết giao tế với nhau và hiểu nhau hơn. Mo nói với họ về những điều họ nghĩ, những điều họ tưởng tượng, những điều họ cảm xúc. Mo còn là lời nhắn gửi giữa người sống với người chết, giữa người sống với người sống, được thực hiện bởi các ngôn từ, nhạc điệu, đạo cụ, âm nhạc… Mo còn là cả một hệ thống giáo dục đạo lý làm người qua những lời răn dạy và nó đã được chuyển tải qua nghệ thuật diễn xướng của ông Mo, để khuyên răn con người phải ứng xử tốt với con người, với thiên nhiên và với chính bản thân mình. Lời Mo khiến cho lòng mình trở nên sâu lắng hơn, muốn sống tốt hơn, sống cho nên người hơn. Nghe Mo, những con người đang sống cần phải soi mình vào đấy để sống tốt hơn, cố gắng làm điều thiện cho mình: Vì mình, vì tổ tiên, vì con cháu, vì làng xóm và cộng đồng. Do đó, Mo Mường có sức sống trường tồn, vượt qua mọi thời gian và không gian để trở thành một nét văn hoá độc đáo của cộng đồng người Mường Ngọc Lặc nói riêng, cũng như sự góp mặt xứng đáng trong nền văn hoá dân tộc nói chung.
Đi sâu tìm hiểu những bài ca nghi lễ của người Mường Ngọc Lặc để thấy được nét đẹp văn hóa tinh thần và sức sống mãnh liệt của cộng đồng hiện đang nắm giữ. Đó là giá trị sáng tạo trong mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên thông qua các tri thức sản xuất nông nghiệp; với xã hội thông qua các phong tục tập quán, hội xuân; với nhân sinh quan thông qua các nghi lễ gắn với con người; với vũ trụ và thế giới tự nhiên đã được siêu nhiên hóa thông qua các loại hình tín ngưỡng; với thẩm mỹ thông qua các sáng tạo nghệ thuật mà mỗi một dân tộc được thể hiện bằng một sắc thái riêng. Chính vì vậy, thông qua các hoạt động văn hóa như: Các trò chơi, trò diễn, các làn điệu xường đang, nhạc cụ cồng chiêng, phường chúc và các hoạt động tín ngưỡng như: Thờ cúng tổ tiên vào các dịp giỗ, tết, rằm tháng bảy, làm vía đặt tên, lên nhà mới, ăn cơm lúa mới… để góp phần gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa của người Mường Ngọc Lặc hôm nay và mai sau.
Anh Phạm Đình Cường, Phó trưởng Phòng Văn hóa Thông tin huyện Ngọc Lặc chia sẻ: Nhận thấy được tầm quan trọng, ý nghĩa và giá trị những bài ca nghi lễ của dân tộc Mường, thời gian qua, các thành viên Câu lạc bộ Văn hóa dân gian Mường huyện Ngọc Lặc đã bỏ nhiều thời gian, công sức để sưu tầm, lưu giữ những phong tục, tín ngưỡng thờ cúng nhằm lưu giữ lại nền văn hóa của cha ông và để phục vụ cho chính sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của cộng đồng người Mường nơi đây. Để đáp ứng nhu cầu của phần đông người Mường đang sinh sống tại Ngọc Lặc cũng như người Mường sống xa quê hương thường xuyên quan tâm tìm hiểu về các tư liệu văn hóa dân tộc, Câu lạc bộ Văn hóa dân gian Mường huyện Ngọc Lặc đã phối hợp Trung tâm Văn hóa thể thao huyện tiến hành sưu tầm, soạn thảo, biên tập cuốn sách “Những bài ca nghi lễ”. Trước mắt, trong dự định xuất bản cuốn sách chỉ trình bày các bài khấn tổ tiên trong dịp tết và tiến tới tiếp tục soạn thảo, biên tập các bài cúng vía đặt tên, lên nhà mới… Với mong muốn, đây sẽ là việc làm thiết thực, là nguồn tài liệu quý nhằm phục vụ công tác nghiên cứu; đồng thời góp phần gìn giữ những nét đẹp phong tục tâm linh tín ngưỡng của đồng bào Mường Ngọc Lặc trong sự phát triển của nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.
Ngọc Anh