Học để làm việc, làm người, làm cán bộ

Học không phải chạy theo bằng cấp, mà phải có thực học. Học để làm việc làm người, làm cán bộ, học để phục vụ nhân dân, làm đầy tớ tốt cho nhân dân. Người đặt việc học làm cán bộ sau việc học để làm việc và làm người là hàm chứa một ý nghĩa hoàn toàn khác với việc học để làm quan của xã hội cũ. Trong những mục tiêu đó, học để làm người là mục tiêu khó nhất.

Ngày 19 tháng 1 năm 1955, khi đến thăm và nói chuyện trong lễ khai mạc trường Đại học Nhân Dân Việt Nam, Người nêu rõ: “Nhiệm vụ của thanh niên không phải là hỏi nước nhà đã cho mình những gì. Mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà? Mình phải làm thế nào cho lợi ích nước nhà nhiều hơn? Mình đã vì lợi ích nước nhà mà hy sinh phấn đấu chừng nào?”.

Trong lần về thăm quê Nghệ An ngày 14 tháng 6 năm 1957, nói chuyện với các thanh niên học sinh tỉnh nhà, Bác nói: “Mục đích học để làm gì? Không phải như trước, học để làm ông thông ông ký. Chúng ta học cho tốt, để lao động cho tốt… Tất cả cán bộ trong Chính phủ, trong chính quyền từ Bác đến các khu, các tỉnh, các huyện, cho đến các xã đều là đầy tớ của nhân dân… Bây giờ phải biết học để làm đầy tớ tốt cho nhân dân”.

Với quan niệm học để làm người, làm đầy tớ tốt cho nhân dân, Người luôn yêu cầu tất cả mọi người, đặc biệt là cán bộ, đảng viên phải biết học ở mọi nơi mọi lúc, coi trọng tự học, học suốt đời, học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn, để vừa có đức vừa có tài, phục vụ cống hiến được nhiều hơn cho tổ quốc và chính Người là mẫu mực tuyệt vời về tinh thần ấy.

Năm mươi năm đã trôi qua, những lời dạy của Bác vẫn còn nguyên vẹn giá trị thời sự đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo của chúng ta hôm nay. Trong đó có việc giáo dục, xây dựng mục tiêu lý tưởng đúng đắn, ý thức trách nhiệm công dân của người học đối với sự nghiệp công nghiệp hoá hiện đại hoá đất nước.

Học để làm việc, làm người cho đúng nghĩa, học để phục vụ nhiều hơn cho Tổ quốc, cho sự nghiệp chung của cách mạng đã trở thành mục tiêu lý tưởng cao đẹp, thành động lực to lớn của bao thế hệ con ngoan, trò giỏi, bao lớp người ưu tú của thế hệ Hồ Chí Minh góp phần làm nên những kỳ tích của dân tộc. Tuy nhiên trước sự tác động tiêu cực của mặt trái kinh tế thị trường và một số biểu hiện thiếu lành mạnh trong đời sống xã hội, lối sống thực dụng, chủ nghĩa cá nhân đang có nguy cơ phát triển mạnh, đòi hỏi chúng ta càng không được coi nhẹ việc GD đạo đức và trách nhiệm công dân cho người học.

Quyết tâm thực hiện tốt cuộc vận động “hai không” một cách triệt để, dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật, dám đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực trong dạy và học hiện nay, thi đua dạy tốt, học tốt theo đúng tinh thần mà toàn ngành GD đang quyết tâm thực hiện, đó cũng chính là làm cho tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh toả sáng trong sự nghiệp GD và ĐT nước ta, làm cho sự nghiệp ấy ngày càng có thêm những bước tiến vững chắc.

PhuthoPortal (Theo Giáo dục thời đại )