Thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam: Mô hình quản lý rủi ro và một số khuyến nghị
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam: Mô hình quản lý rủi ro và một số khuyến nghị
Đại dịch Covid-19 đã mang lại những hậu quả nặng nề về kinh tế và con người đối với nước ta. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III/2021 ước tính giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước, là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay, số ca tử vong do Covid-19 tính đến ngày 29/11/2021 là 24.882 người.
Triển khai chủ trương “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” theo Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ nên hoạt động kinh tế đã bắt đầu có sự phục hồi, chỉ số chứng khoán VNIndex đã có sự phục hồi ngoạn mục: Tăng 214 điểm đạt lên 1.461 từ mốc 1.247 vào ngày 19/7/2021, cùng với đó chỉ số trái phiếu theo mức tổng thu nhập tăng 41 điểm từ mốc 221 cuối năm 2020 đến 261 tại thời điểm hiện tại. Các kênh đầu tư trong đó có kênh đầu tư trái phiếu doanh nghiệp dần trở nên hấp dẫn trở lại trong điều kiện lãi suất tiền gửi khá thấp là dưới 6% cho kỳ hạn dưới 12 tháng, Tuy nhiên, vẫn còn đó những rủi ro, khi áp lực lạm phát trên thế giới đã và đang nóng lên thể hiện qua việc: Giá năng lượng tăng 56,1%, giá nông nghiệp tăng 6,46%, giá phân bón tăng rất mạnh 79,8%, giá kim loại cơ bản và khoáng chất tăng 14,6% so với đầu năm 2021, chỉ số lạm phát của Mỹ tháng 10/2021 tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2020, vượt xa so với mức mục tiêu bình quân 2% và là kỷ lục trong vòng 31 năm; tại châu Âu chỉ số lạm phát tháng 10/2021 ở mức cao là 4,1% – cao nhất trong vòng 13 năm trở lại đây. Bài viết đánh giá tổng quan, thực trạng thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam, đề xuất mô hình quản lý rủi ro khi phát hành và đầu tư vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp, từ đó đưa ra các khuyến nghị với các cơ quan chức năng, tổ chức phát hành và chủ thể đầu tư (tổ chức và cá nhân) trái phiếu doanh nghiệp.
1. Tổng quan về trái phiếu và trái phiếu doanh nghiệp
1.1. Tổng quan về trái phiếu
Trái phiếu là một chứng nhận nghĩa vụ nợ của người phát hành buộc phải trả cho người sở hữu trái phiếu với một khoản tiền cụ thể. Trong một khoảng thời gian xác định, với một lợi tức theo quy định. Người phát hành có thể là doanh nghiệp hay một tổ chức chính quyền như chính quyền và Kho bạc Nhà nước.
Trái phiếu được phân loại theo 05 đặc điểm là: Người phát hành, lợi tức, hình thức, tính chất trái phiếu, mức độ đảm bảo thanh toán.
Bản chất của trái phiếu là chứng khoán nợ. Do đó, khi công ty bị phá sản, giải thể thì cổ phần của công ty trước hết phải thanh toán cho những người nắm giữ trái phiếu trước đó, được xem như là một nghĩa vụ bắt buộc. Sau khi trả nợ trái phiếu thì cổ phần mới được chia cho những cổ đông.
1.2. Đặc điểm của trái phiếu doanh nghiệp
Trái phiếu doanh nghiệp có đầy đủ những đặc điểm chung của trái phiếu, tuy nhiên có những đặc điểm đặc thù hơn theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 163/2018/NĐ-CP ngày 04/12/2018 của Chính phủ quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, cụ thể như sau:
Kỳ hạn trái phiếu: Do doanh nghiệp phát hành quyết định đối với từng đợt phát hành căn cứ vào nhu cầu sử dụng vốn của doanh nghiệp và tình hình thị trường.
Khối lượng phát hành: Do doanh nghiệp phát hành quyết định đối với từng đợt căn cứ vào nhu cầu sử dụng vốn và khả năng huy động của thị trường trong từng thời kỳ.
Đồng tiền phát hành và thanh toán trái phiếu: Đối với trái phiếu phát hành tại thị trường trong nước, đồng tiền phát hành là đồng Việt Nam; đối với trái phiếu phát hành ra thị trường quốc tế, đồng tiền phát hành thực hiện theo quy định tại thị trường phát hành; đồng tiền sử dụng để thanh toán gốc, lãi trái phiếu cùng loại với đồng tiền phát hành.
Mệnh giá trái phiếu: Trái phiếu phát hành tại thị trường trong nước, mệnh giá là 100.000 (một trăm nghìn) đồng Việt Nam hoặc bội số của 100.000 (một trăm nghìn) đồng Việt Nam; mệnh giá của trái phiếu phát hành ra thị trường quốc tế thực hiện theo quy định tại thị trường phát hành.
Hình thức trái phiếu: Trái phiếu được phát hành dưới hình thức chứng chỉ, bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử; doanh nghiệp phát hành quyết định cụ thể hình thức trái phiếu đối với mỗi đợt phát hành theo quy định tại thị trường phát hành.
Lãi suất danh nghĩa trái phiếu: (i) Lãi suất danh nghĩa trái phiếu có thể xác định theo một trong các phương thức: Lãi suất cố định cho cả kỳ hạn trái phiếu; lãi suất thả nổi; hoặc kết hợp giữa lãi suất cố định và thả nổi; (ii) Trường hợp lãi suất danh nghĩa là lãi suất thả nổi, doanh nghiệp phát hành phải nêu cụ thể cơ sở tham chiếu để xác định lãi suất danh nghĩa tại phương án phát hành và công bố thông tin cho nhà đầu tư mua trái phiếu về cơ sở tham chiếu được sử dụng; (iii) Doanh nghiệp quyết định lãi suất danh nghĩa cho từng đợt phát hành phù hợp với tình hình tài chính và khả năng thanh toán nợ. Lãi suất trái phiếu do tổ chức tín dụng phát hành ngoài việc tuân thủ quy định tại Nghị định này phải phù hợp với quy định về lãi suất của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Loại hình trái phiếu: (i) Trái phiếu không chuyển đổi: là trái phiếu không có khả năng chuyển đổi thành cổ phiếu; (ii) Trái phiếu chuyển đổi: là trái phiếu có thể chuyển thành cổ phiếu thường vào một thời điểm được xác định trước trong tương lai.
Giao dịch trái phiếu: Trái phiếu doanh nghiệp phát hành tại thị trường trong nước bị hạn chế giao dịch trong phạm vi dưới 100 nhà đầu tư không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, trong vòng một năm kể từ ngày hoàn thành đợt phát hành trừ trường hợp theo quyết định của Tòa án hoặc thừa kế theo quy định của pháp luật. Sau thời gian nêu trên, trái phiếu doanh nghiệp được giao dịch không hạn chế về số lượng nhà đầu tư, trừ trường hợp doanh nghiệp phát hành có quyết định khác. Trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra thị trường quốc tế thực hiện theo quy định về giao dịch tại thị trường phát hành.
Phương thức thanh toán gốc, lãi trái phiếu do doanh nghiệp phát hành quyết định căn cứ vào nhu cầu sử dụng vốn và thông lệ thị trường phát hành, được công bố cho nhà đầu tư trước khi phát hành trái phiếu.
Ngoài các đặc điểm trên, Điều 9 Nghị định số 163/2018/NĐ-CP còn quy định chủ sở hữu trái phiếu còn có các quyền lợi: (i) Được doanh nghiệp phát hành trái phiếu thanh toán đầy đủ, đúng hạn gốc, lãi trái phiếu khi đến hạn và bảo đảm việc thực hiện các quyền kèm theo (nếu có) theo các điều kiện, điều khoản của trái phiếu khi phát hành; (ii) Được dùng trái phiếu để chuyển nhượng, cho, tặng, để lại, thừa kế, chiết khấu và sử dụng trái phiếu làm tài sản bảo đảm trong các quan hệ dân sự và quan hệ thương mại theo quy định của pháp luật.
Theo quy định tại Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế, có những loại trái phiếu sau:
+ Trái phiếu doanh nghiệp xanh: Là trái phiếu doanh nghiệp được phát hành để đầu tư cho dự án thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường, dự án mang lại lợi ích về môi trường theo quy định của pháp luật bảo vệ môi trường.
+ Trái phiếu chuyển đổi: Là loại hình trái phiếu do công ty cổ phần phát hành, có thể chuyển đổi thành cổ phiếu phổ thông của chính doanh nghiệp phát hành theo điều kiện, điều khoản đã được xác định tại phương án phát hành trái phiếu.
+ Trái phiếu có bảo đảm: Là loại hình trái phiếu được bảo đảm thanh toán toàn bộ hoặc một phần lãi, gốc khi đến hạn bằng tài sản của doanh nghiệp phát hành hoặc tài sản của bên thứ ba theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm; hoặc được bảo lãnh thanh toán theo quy định của pháp luật.
+ Trái phiếu kèm chứng quyền: Là loại hình trái phiếu được công ty cổ phần phát hành kèm theo chứng quyền, cho phép người sở hữu chứng quyền được quyền mua một số cổ phiếu phổ thông của doanh nghiệp phát hành theo điều kiện, điều khoản đã được xác định tại phương án phát hành trái phiếu.
2. Đặc điểm của thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam
2.1. Điểm tích cực
Thị trường trái phiếu Việt Nam bắt đầu được xác lập từ những năm 1990 với việc Chính phủ ban hành Nghị định số 120-CP ngày 17/9/1994 về quy chế tạm thời về việc phát hành trái phiếu, cổ phiếu của doanh nghiệp Nhà nước và Nghị định số 23-CP ngày 22/3/1995 về phát hành trái phiếu quốc tế. Tuy nhiên, khi Trung tâm giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh đi vào hoạt động năm 2000, thì thị trường trái phiếu mới chính thức được hình thành. Trong những năm gần đây, thị trường trái phiếu có bước phát triển tích cực, tốc độ tăng trưởng bình quân thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt 40%/năm, khẳng định vai trò huy động vốn hiệu quả cho các chủ thể trong nền kinh tế thể hiện qua việc đánh giá trên các khía cạnh chính:
– Về nhà đầu tư: Các công ty chứng khoán và các ngân hàng thương mại hiện là các nhà đầu tư lớn nhất trên thị trường sơ cấp. Theo Báo cáo “Thị trường trái phiếu doanh nghiệp”, do Công ty cổ phần Chứng khoán SSI vừa công bố, tính đến hết tháng 9/2021 có tới gần 60% lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành là do các ngân hàng thương mại và công ty chứng khoán nắm giữ. Cụ thể, các ngân hàng thương mại đã mua vào 124,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 27,3%; các công ty chứng khoán mua 148,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 32,6%.
– Về nhà phát hành: Tính đến quý II/2021, nhóm ngân hàng đi đầu trong việc phát hành trái phiếu. Trong 3 tháng là 04, 05 và 06/2021, các ngân hàng đã phát hành 73,7 nghìn tỷ đồng trái phiếu. Tổng cộng trong 6 tháng đầu năm 2021, có 15 ngân hàng khác nhau huy động được 75 nghìn tỷ đồng trái phiếu, tỷ lệ 37%. Kỳ hạn bình quân gia quyền các trái phiếu ngân hàng là 3,58 năm. Mức lãi suất bình quân đạt 4,3%/năm. Nhóm đứng thứ 2 về mặt khối lượng trái phiếu phát hành là nhóm bất động sản với 38,2 nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp được phát hành trong quý III/2021; từ đầu năm 2021, lượng trái phiếu huy động lên tới 67 nghìn tỷ đồng, chiếm 33% tổng lượng trái phiếu phát hành. Lãi suất bình quân gia quyền của những trái phiếu bất động sản là 11,5%/năm, tăng một điểm phần trăm so với năm 2020 trong khi kỳ hạn bình quân là 4,16/năm.
– Về khối lượng phát hành: Trong giai đoạn 2016-2020, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành trên thị trường đạt trên 1.100 tỷ đồng. Lũy kế cả năm 2020, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành đạt mức 437.689 tỷ đồng, tăng 38,8% so với mức 315.441 tỷ đồng năm 2019; tính đến quý II/2021, có 159.004 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp được phát hành qua các kênh riêng lẻ và công chúng, tăng khoảng 23% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó chỉ có 2.590 tỷ đồng được phát hành ra công chúng, chiếm khoảng 2% tổng khối lượng trái phiếu doanh nghiệp huy động.
Biểu đồ 1: Giá trị và tỷ lệ phát hành trái phiếu doanh nghiệp
Nguồn: Ủy ban Chứng khoán Nhà nước
2.2. Điểm hạn chế
Mặc dù thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã phát triển khá nhanh trong những năm qua, song đang đặt ra những câu hỏi về sự phát triển bền vững của thị trường này. Một số tồn tại ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của thị trường như sau:
Một là, tiềm ẩn những rủi ro đối với nhà đầu tư xuất phát từ đặc điểm của trái phiếu là công cụ nợ do doanh nghiệp phát hành theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn và khả năng trả nợ. Nhiều doanh nghiệp khát vốn lợi dụng điều này để đưa ra mức lãi suất cao nhưng không có phương án kinh doanh khả thi rõ ràng. Doanh nghiệp phát hành trái phiếu với khối lượng lớn gấp nhiều lần so với vốn chủ sở hữu, liên tục huy động thông qua chia nhỏ thành nhiều đợt phát hành và tăng mức lãi suất để thu hút nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ gây rủi ro cho nhà đầu tư. Thậm chí nhiều trái phiếu doanh nghiệp không xếp hạng tín nhiệm, không tài sản bảo đảm, không bảo lãnh thanh toán, đến kỳ hạn thanh toán doanh nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh dẫn đến không có khả năng thanh toán gốc, lãi trái phiếu.
Hai là, thiếu các cơ sở dữ liệu về trái phiếu doanh nghiệp mới được hình thành hoặc dữ liệu chưa đủ độ rộng và sâu để cung cấp thông tin cần thiết cho nhà đầu tư đánh giá các rủi ro và cơ hội. Ngoài ra, giao dịch trên thị trường thứ cấp còn hạn chế.
Ba là, thiếu tổ chức định giá, xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp phát hành trái phiếu, hoặc đã có một số công ty hoạt động trong lĩnh vực định giá, xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp nhưng chưa đạt yêu cầu cả về số lượng và chất lượng. Do vậy, nhà đầu tư khi đầu tư hoàn toàn dựa vào bảng công bố thông tin do tổ chức phát hành công bố, mà không có nguồn thông tin dữ liệu độc lập để kiểm tra lại tính minh bạch của thị trường.
Bốn là, quy mô thị trường còn nhỏ khi so sánh với Hàn Quốc, Trung Quốc, Indonesia hay Thái Lan, thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn mới phát triển khi sự tham gia của các nhà đầu tư như các công ty bảo hiểm, quỹ trái phiếu hay đặc biệt là quỹ hưu trí vẫn còn hạn chế.
3. Mô hình quản lý rủi ro thị trường trái phiếu
Để quản lý rủi ro khi phát hành, đầu tư vào các thị trường nói chung và thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói riêng, thông thường các cơ quan hữu quan, tổ chức và cá nhân thường áp dụng 07 bước sau:
Bước 1: Xây dựng kế hoạch quản lý rủi ro bao gồm các hành động: (i) Lựa chọn các phương pháp thích hợp để đo lường các rủi ro; (ii) Xác định cấp quản lý thích hợp; và (iii) Xây dựng các phương pháp kiểm soát hiệu quả và thích hợp.
Bước 2: Triển khai kế hoạch quản lý rủi ro bao gồm các hành động: Thiết lập mục tiêu; xác định rõ mục tiêu; cung cấp và kiểm soát các nguồn lực thực hiện, bao gồm cả ngân sách tài chính; xác định kế hoạch và giai đoạn thực hiện và đánh giá tác động của chúng; kiểm tra và báo cáo về tiến trình thực hiện, kết quả đạt được và đánh giá cách thức giải quyết vấn đề.
Bước 3: Thiết lập phạm vi rủi ro: Lường đón và đưa ra mức chấp nhận về rủi ro sẽ gặp phải khi phát hành hay đầu tư trái phiếu doanh nghiệp.
Bước 4: Nhận dạng rủi ro: Đây là bước cực kỳ quan trọng làm cơ sở để thực hiện việc xử lý rủi ro tại các bước sau, các dạng rủi ro gặp phải đến từ 03 nhóm chính: Rủi ro hoạt động, rủi ro tác nghiệp, rủi ro thị trường. Trong từng nhóm rủi ro lại phân chia rủi ro ở dạng thấp hơn bao gồm: Rủi ro tín dụng, rủi ro thanh khoản, rủi ro nhân lực, rủi ro văn hóa, rủi ro từ môi trường làm việc, rủi ro khách hàng…
Bước 5: Đánh giá rủi ro: Việc đánh giá rủi ro thường được thực hiện bằng phương pháp định lượng và định tính, cụ thể:
– Định lượng là phương pháp lượng hóa mức độ thiệt hại của rủi ro dựa trên con số cụ thể, phương pháp này đòi hỏi sử dụng kết hợp các hàm số tính toán khác nhau nhằm đưa ra số liệu cụ thể.
– Phương pháp phân tích định tính sử dụng biểu đồ dựa trên hai trục là khả năng xảy ra và mức độ tác động đến chủ thể (tổ chức, cá nhân…), từ đó lựa chọn rủi ro nào cần phải xử lý trước tiên; theo đó, dạng rủi ro nào có điểm số cao nhất là kết quả của phép nhân giữa điểm mức độ tác động nhân với khả năng xảy ra, như trong Biểu đồ 3: rủi ro cần xử lý ngay và xử lý đầu tiên là rủi ro có giá trị 25, tiếp đến rủi ro có giá trị 20. Trường hợp nếu hai rủi ro có cùng điểm thì ưu tiên xử lý rủi ro có mức độ tác động lớn.
Bước 6: Chọn phương án xử lý rủi ro: Để lựa chọn phương án xử lý rủi ro, có thể cân nhắc bốn phương án: Tránh rủi ro, giảm thiểu rủi ro, kiềm chế rủi ro và chuyển giao rủi ro.
– Tránh rủi ro bao gồm các hành động: Không thực hiện các hành vi có thể gây ra rủi ro; không tham gia vào việc kinh doanh để tránh rủi ro cũng có nghĩa là đánh mất khả năng tìm kiếm lợi nhuận;
– Giảm thiểu rủi ro bao gồm các hành động: Làm giảm các tác hại từ các sự cố có thể xảy ra rủi ro thường được áp dụng trong trường hợp là các rủi ro không thể tránh;
– Kiềm chế rủi ro bao gồm các hành động: Chấp nhận và duy trì mức độ thiệt hại khi xảy ra sự cố và có các hành động phù hợp, đây là chiến lược thích hợp cho những rủi ro nhỏ nhưng lợi ích lớn;
– Chuyển giao rủi ro bao gồm các hành động: Chuyển rủi ro sang cho chủ thể khác; mua bảo hiểm cho đối tượng bị rủi ro; sử dụng các công cụ bảo đảm trong ký kết hợp đồng và chuyển rủi ro từ nhóm sang các thành viên trong nhóm.
Bước 7: Điều chỉnh kế hoạch quản lý rủi ro: Căn cứ vào thực trạng các phương án xử lý rủi ro đã xây dựng, tiến hành đánh giá xem liệu các phương thức kiểm soát đã được chọn trước đây còn thích hợp và hiệu quả nữa không? Đánh giá mức độ rủi ro có thể thay đổi môi trường kinh doanh, đặc biệt, đánh giá mức độ rủi ro của các quyết định khi tiến hành phát hành hay đầu tư trái phiếu doanh nghiệp để từ đó điều chỉnh kế hoạch quản lý rủi ro một cách phù hợp.
4. Một số đề xuất, khuyến nghị
Để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển một cách bền vững thì cần triển khai các nhóm giải pháp từ 03 nhóm chủ thể là các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và nhà đầu tư (gồm cá nhân và tổ chức), cụ thể:
4.1. Đối với các cơ quan chức năng
Thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ để chỉ đạo các đơn vị chuyên trách trực thuộc tăng cường quản lý giám sát hoạt động phát hành, đầu tư, phân phối, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp; thường xuyên tổ chức đoàn kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật về đầu tư và phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Thứ hai, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục ban hành các quy định nhằm siết chặt việc đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các ngân hàng, đặc biệt là trái phiếu bất động sản, quy định rõ những loại trái phiếu đảm bảo đầy đủ các điều kiện về khả năng trả nợ và mục đích phát hành rõ ràng mới được đầu tư.
Thứ ba, các cơ quan chức năng cần xây dựng một kế hoạch tổng thể trong việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp, cùng với đó là các quy định chặt chẽ trong việc phát hành trái phiếu để tránh việc cung vượt gấp nhiều lần so với cầu gây lãng phí nguồn lực và thị trường gồm nhiều trái phiếu kém chất lượng. Đặc biệt, cần xây dựng kế hoạch quản lý rủi ro thị trường trái phiếu doanh nghiệp với các kế hoạch ứng phó cụ thể với các kịch bản xảy ra để đảm bảo thị trường tránh bị ảnh hưởng bởi các “cú sốc” bất ngờ của tình hình kinh tế – xã hội Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung.
Thứ tư, tăng cường đào tạo về việc xây dựng kế hoạch quản lý rủi ro khi đầu tư trái phiếu doanh nghiệp cho các chủ thể gồm tổ chức và cá nhân. Xây dựng và truyền thông quy trình quản lý rủi ro khi đầu tư trái phiếu doanh nghiệp cho các tổ chức và cá nhân.
4.2. Đối với tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp
Thứ nhất, cần có trách nhiệm với nhà đầu tư trong việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp, minh bạch hóa các thông tin liên quan đến việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Thứ hai, cần lành mạnh hóa hoạt động trước khi phát hành và tuân thủ các quy định của cơ quan Nhà nước trong việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Thứ ba, xây dựng kế hoạch quản lý rủi ro trong việc phát hành trái phiếu nhằm tránh các khả năng rủi ro tín dụng khi phát hành, đồng thời có các kế hoạch ứng phó khi có những tình huống bất ngờ xảy ra.
4.3. Đối với tổ chức và cá nhân đầu tư trái phiếu doanh nghiệp
Thứ nhất, cần tuân thủ các quy định của cơ quan chức năng trong việc đầu tư trái phiếu doanh nghiệp.
Thứ hai, nghiên cứu đầy đủ các thông tin về doanh nghiệp định đầu tư trái phiếu: Tình hình kinh doanh thực tế, các khoản nợ hiện có, kết hợp với việc sử dụng các chỉ số tài chính để đánh giá khả năng trả nợ của doanh nghiệp. Hai chỉ số thường được sử dụng là khả năng chi trả nợ gốc (nợ vay/EBITDA) và chỉ số khả năng chi trả lãi vay EBITDA (EBITDA/chi phí lãi vay) để đánh giá năng lực của doanh nghiệp phát hành.
Thứ ba, xây dựng kế hoạch quản lý rủi ro khi đầu tư trái phiếu bao gồm: Khối lượng trái phiếu sẽ đầu tư, kịch bản ứng phó với các rủi ro sẽ xảy ra trên thị trường trái phiếu và môi trường kinh doanh của doanh nghiệp.
Thứ tư, tự trang bị cho chính bản thân các kiến thức, nguyên lý và kinh nghiệm trong đầu tư trái phiếu doanh nghiệp để tránh các rủi ro xảy ra cho bản thân.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp là kênh dẫn vốn hiệu quả dành cho doanh nghiệp, nhưng không phải dành cho tất cả, mà chỉ dành cho những doanh nghiệp có nỗ lực xây dựng thương hiệu, hình ảnh, chất lượng quản trị điều hành, đảm bảo tiêu chí nhất định thì mới tận dụng được kênh dẫn vốn, để huy động và phát triển mạnh hơn. Do vậy, nhà đầu tư cần tỉnh táo, cân nhắc thận trọng trước khi đưa ra quyết định đầu tư. Việc xây dựng một quy trình quản lý rủi ro trong việc phát hành và đầu tư trái phiếu doanh nghiệp là thực sự cần thiết với các cơ quan chức năng, tổ chức phát hành và nhà đầu tư để đảm bảo cho hoạt động này phát triển bền vững, ổn định.
TS. Vũ Hồng Thanh (Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV)