Tâm sự kẻ làm thuê

Đã hơn 10 năm từ khi rời ghế giảng đường đại học, con đường công danh sự nghiệp của tôi vẫn còn nhiều truân chuyên và chậm chạm so với bạn bè cùng trang lứa. Với FPT, tôi chỉ là một thằng lính mới tò te, ngơ ngác và vụng về. Khi đọc bài viết của HiềnNV trên báo Chúng ta số ra ngày 15/03, tôi rất băn khoăn và tự nhiên muốn trải lòng mình, góp thêm tiếng nói xây dựng cùng tác giả bài báo “Dứt áo ra đi” và hơn hết là mong được chia sẻ với các bạn đồng nghiệp gần xa.

Còn nhớ những ngày tôi chưa vào công ty làm việc, mỗi khi được nghe họăc thấy các anh BìnhTG, NgọcBQ, ChâuHM… trên báo hay truyền hình là cảm thấy vô cùng ngưỡng mộ và kính phục. Trong mắt tôi khi ấy, những ai đã hoặc đang làm việc tại FPT đều thuộc diện rất tài giỏi và năng động. Những thông tin và hình ảnh về công ty mà tôi có được vô cùng đẹp đẽ. Lúc đó, tôi và đám bạn học đều có chung một ước ao là khi ra trường được vào làm việc tại FPT. Không riêng gì tôi, mọi người đều đánh giá rất cao và trân trọng nhưng gì mà FPT đã làm được và môi trường làm việc ở đó thật là lý tưởng lúc bấy giờ.

Mãi cho đến tận sau này, chẳng có đứa nào trong số đám bạn của tôi vào được FPT trừ tôi, mặc dù khá muộn mằn nhưng tôi là niềm hạnh diện của chúng nó. Đối với chúng nó, FPT là một công ty tập hợp toàn những tài năng xuất chúng với những người thông minh và thành đạt. Lại còn cổ phiếu nữa chứ, làm ở đấy chắc sẽ phất to.

Tất nhiên, thực tế tôi chưa được như sự đánh giá quá cao của bạn bè và trong một chừng mực nào đó thì công ty của chúng ta cũng vậy. Tôi đã làm ở FPT được hơn một năm và dù rất yêu quý công ty nhưng hình ảnh của FPT trong tâm trí tôi đã có sự khác biệt khá lớn so với trước đây. Phải chăngFPT bây giờ giống như một căn nhà quá lớn, quá nhiều tầng nên có nhiều góc khuất hay chỗ tối mà chủ nhân của nó không để ý tới?

Bạn đang đọc: Tâm sự kẻ làm thuê

Khác với các đồng nghiệp, tôi có được may mắn là đã từng được nói chuyện trực tiếp hay hóng chuyện với mấy anh trong ban TGĐ, thật thích thú và một chút tự hào. Nhưng còn các bạn đồng nghiệp khác thì sao? Một năm có mấy dịp được gặp gỡ hay trò truyện với các anh? Còn các anh nữa, một năm mấy lần các anh vi hành xuống thăm hỏi anh em, xem chúng nó ăn ở, làm việc ra sao? Khoảng cách giữa những “phận làm thuê” và các anh càng xa vời vợi.

Quy trình nhân sự đã ghi rõ, mọi việc đều phải thông qua sếp quản lý trực tiếp trước. Sếp bảo sao, nhân viên phải theo vậy, nếu biết ngoan ngoãn vâng lời thì mới được đề xuất tăng lương, thêm thưởng. Nếu không, đến kỳ làm checkpoint có tự tiện đề xuất thì cũng chỉ hãy đợi đấy thôi. Nhân viên “quèn” có hàng trăm nỗi khổ. Ai thấu?

Tôi thì lâm vào cảnh sếp trẻ, lính già trăm điều khó! Khó cho cả mình và cho cả sếp. Sếp trẻ lại mới lên, đôi lúc cần phải ra oai một tý để giữ thể diện với cấp dưới âu cũng là chuyện thường tình. Nhưng khổ cái những kinh nghiệm đối nhân xử thế hay đắc nhân tâm thì ông sếp trẻ của tôi lại chưa được đào tạo theo quy trình như trong ISO. Tôi có tự tiện đánh NC hay NX gì đó cũng chẳng được, nên có kêu cũng chẳng ai thấu, nói chẳng ai hay. Đành ngậm đắng, nuốt cay để mà sống, để được yên thân mà có việc làm nuôi vợ nuôi con.

Mới vào công ty được hai ngày, thì đưa vợ đi đẻ, được dăm bữa thì đưa em đi viện, cực quá nhưng vẫn cố sống chết với công việc. Đến cuối năm vừa rồi, bỗng dưng lại được danh hiệu cá nhân suất xắc của đơn vị, điều mà tôi chẳng thể ngờ được. Đến khi hỏi ra mới biết, trường hợp của tôi là do “sếp to hơn” đánh giá tốt, anh em trong phòng ủng hộ chứ nếu không còn lâu mới có chuyện may mắn ấy…

Một bức tranh muốn đẹp mãi với thời gian cần có cách bảo quản và chăm sóc đúng đắn. Hình ảnh của công ty cũng vậy, hơn 7000 con người nếu cùng đồng tâm sẽ là một “kho báu” rất lớn cho Thương hiệu FPT. Nhưng làm thế nào để nhân viên thật sự “tâm phục khẩu phục” là điều không phải sếp nào cũng làm được.