Sữa mẹ chảy ướt áo mà con vẫn đói

Sau khi sinh “mẹ tròn con vuông” từ bệnh viện trở về nhà, Ngọc Hạnh (tổ 17, phường Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội) rất mừng vì đã có sữa ngay để cho con bú. Sữa “về” nhiều, mấy ngày đầu tiên mà ngực Hạnh đã căng sữa, chảy ướt cả áo.

Trừ hai ngày đầu tiên ngực còn căng một chút, sau đó lúc nào cũng mềm, không có cảm giác căng tức mà sữa vẫn chảy ướt đầm áo cả ngày lẫn đêm. Hạnh làm đủ mọi cách để chặn lại như day, ấn, giữ đầu “ti”… mà vẫn không thể nào ngăn được. Ngay cả những lúc tắm rửa, chỉ cần cọ nhẹ vào hai bầu ngực là sữa lại phun thành tia.

Đến lúc cho con bú, dù bé chưa đầy tháng, còn ăn ít mà “ti” sạch cả hai bên vú mẹ cũng chưa đủ no. Nhiều người bảo đó là do Hạnh bị “rỗng tia sữa” nên mới bị chảy hết ra ngoài. Ai mách chữa bằng cách gì, Hạnh cũng áp dụng làm theo như uống thuốc bắc, chữa mẹo… mà tình hình vẫn không cải thiện.

Sữa mẹ chảy tự nhiên, khó kiềm chế hoàn toàn có thể do nội tiết của mẹ .

Một bà mẹ khác là chị Thúy ở Văn Quán, Hà Đông (Hà Nội), cũng từng bị hiện tượng chảy sữa giống như Hạnh khi sinh con đầu lòng. Nhiều người rất ngạc nhiên khi thấy trong thời gian nuôi con, áo chị lúc nào cũng ướt đầm đìa mà con bú không no, phải dùng sữa ngoài.

Thương con và tiếc sữa cứ chảy mãi, chị Thúy nghĩ ra cách dùng cốc hứng lấy sữa mỗi lần nó phun trào ra. Lúc nào đầu giường hai mẹ con Thúy cũng phải chuẩn bị sẵn hai chiếc cốc sạch để hứng. Rồi tiện thể sau khi hứng sữa chảy, chị Thúy lại chủ động vắt luôn hết số còn lại vào bình cho con bú. Thế nên em bé nhà chị chỉ quen bú bình mà quên mất cả cách bú mẹ. Đến lúc đi làm, dù sữa đã giảm đi nhiều nhưng chị Thúy vẫn phải dùng tấm lót để khỏi ướt. Chị còn mang theo bình đến cơ quan để tranh thủ vắt lấy sữa cho vào bình rồi mang về cho con.

Thúy đang có dự định sinh thêm bé thứ hai nhưng rất lo lại giống như lần trước. “Sữa có bao nhiêu chảy hết ra ngoài, vừa thiệt cho con vừa khổ cho mẹ”, chị nói.

Nguyên nhân gây chảy sữa

Theo giáo sư Đỗ Trọng Hiếu, nguyên Vụ trưởng Vụ Sức khoẻ bà mẹ và trẻ em (Bộ Y tế), cố vấn chuyên môn của Viện Phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh sáng, hiện tượng chảy sữa không cầm được ở phụ nữ sau sinh có liên quan đến vấn đề nội tiết. Thông thường, nếu bà mẹ ở trong thời kỳ cho con bú, chỉ khi nào bầu sữa quá căng cứng do chứa nhiều sữa bên trong, kèm theo có kích thích từ bên ngoài như day nặn hay do em bé bú thì sữa mới chảy ra.

Còn đối với trường hợp bé không bú, không căng sữa, không có kích thích mà sữa vẫn tự chảy thì có thể nghĩ đến một số nguyên nhân chi phối như: nồng độ prolactin trong cơ thể quá cao (thường do tuyến yên có khối u nên kích thích sản sinh prolactin tăng đột biến), chất oxytocin tăng hay do một số điều kiện sinh lý bất thường tác động cũng gây tiết sữa.

Sự tiết sữa của cơ thể phụ thuộc rất nhiều vào hormone prolactin, một loại nội tiết tố do tuyến yên tiết ra. Khi nồng độ prolactin trong máu cao, nó sẽ tác động làm tăng quá trình tiết sữa. Giáo sư Hiếu cho biết, dù không phải thời kỳ cho con bú, nếu chất prolectin trong cơ thể tăng mạnh thì hiện tượng tiết sữa cũng xảy ra. Không chỉ với phụ nữ, điều này cũng có thể xảy ra cả với đàn ông.

Ngoài ra, trong cơ thể phụ nữ còn có chất oxytocin cũng liên quan đến quá trình tiết sữa. Oxytocin có tác dụng làm co bóp các xoang sữa, đẩy sữa tràn đầy vào bên trong các ống dẫn sữa ra phía đầu vú. Chất oxytocin càng nhiều sẽ càng làm cho quá trình co bóp xảy ra liên tục và mạnh mẽ hơn. Đó chính là nguyên nhân làm sữa bị chảy ra ngoài một cách tự nhiên, khó kiềm chế được.

Theo giáo sư Hiếu, trong trường hợp chị Thuý và chị Hạnh ở trên, có thể sự nhạy cảm của các dây thần kinh ở đầu vú kém, các cơ dẫn sữa yếu nên không kiểm soát được quá trình tiết sữa. Bình thường các cơ này sẽ giữ sữa trong ống dẫn, khi có kích thích như nặn bóp hay lực hút từ miệng trẻ thì sữa mới chảy ra ngoài. Hoặc khi các ống dẫn sữa này bị “quá tải”, tức là ngực đã căng cứng quá mức, sữa cũng bị chảy ra ngoài nhưng chỉ với lượng rất ít và trong thời gian ngắn chứ không liên tục. Còn ở đây, các cơ của ống dẫn sữa không làm tốt chức năng, các sợi cơ yếu, kém đàn hồi nên không giữ được sữa ở bên trong. Chị em cần có chế độ ăn uống hợp lý, luyện tập đều đặn (đặc biệt là các bài tập cho cơ ngực) trước và cả trong quá trình mang thai để tăng cường sự dẻo dai cho các cơ thì mới có thể khắc phục một phần tình trạng chảy sữa.

Còn với các trường hợp liên quan đến nội tiết phải đến cơ sở chuyên khoa để các bác sĩ khám, làm các xét nghiệm cần thiết nhằm tìm ra nguyên nhân chính xác, sau đó sẽ có hướng điều trị cụ thể.

Theo Báo Đất Việt