Nghiên cứu, bảo tồn, khai thác và phát triển bền vững một số cây dược liệu – Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cao Bằng

Nghiên cứu, bảo tồn, khai thác và phát triển bền vững một số cây dược liệu

Thứ tư – 26/05/2021 03 : 23

Cao Bằng là tỉnh có điều kiện tự nhiên phù hợp để phát triển nhiều loài dược liệu quý, hiếm. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, do tình trạng khai thác bừa bãi các loại cây dược liệu mọc tự nhiên với phương thức khai thác tận thu của người dân trên địa bàn, Cao Bằng đã dần mất đi một lượng lớn nguồn tài nguyên quý. Để bảo tồn nguồn gen và phát triển cây dược liệu, trong những năm qua, Ngành Khoa học và công nghệ Cao Bằng đã chú trọng đẩy mạnh công tác nghiên cứu, bảo tồn, phát triển một số cây dược liệu và đạt được một số kết quả nhất định.

Mô hình trồng thử nghiệm Thạch Hộc Thiết Bì tại Trùng Khánh thuộc nhiệm vụ Ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô nhân giống và phát triển sản xuất cây dược liệu Thạch Hộc Thiết bì

Mô hình trồng thử nghiệm Thạch Hộc Thiết Bì tại Trùng Khánh thuộc nhiệm vụ Ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô nhân giống và phát triển sản xuất cây dược liệu Thạch Hộc Thiết bì

Để đánh giá được tiềm năng nguồn dược liệu của địa phương, từ năm 2005, Sở Khoa học và Công nghệ đã ký hợp đồng nghiên cứu với Viện dược liệu tiến hành điều tra sự phân bố, đánh giá sơ bộ trữ lượng và chất lượng dược liệu của một số cây thuốc quý trên địa bàn tỉnh Cao Bằng; nghiên cứu thành phần chất, công nghệ nhân giống, chăm sóc, thu hái và chế biến một số cây lược liệu quý hiếm của tỉnh. Kết quả điều tra, đánh giá đã khẳng định Cao Bằng là tỉnh có nguồn tài nguyên thực vật phong phú với 617 loài cây thuốc được sử dụng ở các mức độ khác nhau, thuộc 211 họ thực vật, đây là nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng quý giá, trong đó, đã điều tra phân bố, đánh giá trữ lượng và chất lượng của 15 loại dược liệu quý, như: Hà thủ ô đỏ, Hoàng tinh, Hy thiêm, Dền toòng, Cỏ mật gấu, Ba kích, Kim ngân,…. Cả 15 cây thuốc quý thu hái tại Cao Bằng có chất lượng tốt, đạt hoặc vượt tiêu chuẩn của Dược điển Việt Nam 3; trong đó, 13/15 dược liệu đã được đưa vào dược điển Việt Nam và 9 dược liệu được đưa vào Danh mục thuốc thiết yếu y học cổ truyền. Đã phân tích sơ bộ thành phần hóa học và xác định hàm lượng các nhóm chất chính trong các dược liệu thu hái tại Cao Bằng, gồm alcaloid, anthranoid, artemisinin, flavonoid, saponin, polysaccharid, tinh dầu, dầu béo.

Với mong muốn tạo ra nguồn dược liệu hàng hóa ổn định về sản lượng và chất lượng, cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu, trồng các cây dược liệu, đồng thời nghiên cứu công nghệ chế biến các sản phẩm làm thuốc từ cây dược liệu, tạo thu nhập ổn định cho người dân. Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của địa phương, Sở Khoa học và Công nghệ đã tham mưu, trình UBND tỉnh cho triển khai thực hiện một số đề tài, dự án nghiên cứu, trồng thử nghiệm và sản xuất dược phẩm từ một số cây dược liệu có tiềm năng phát triển, đem lại giá trị kinh tế, xã hội cho địa phương. Kết quả nghiên cứu của các đề tài, dự án đã góp phần bảo tồn được nguồn gen cây dược liệu tại địa phương, như: Ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô nhân giống và phát triển sản xuất cây dược liệu Thạch Hộc Thiết bì trên địa bàn tỉnh Cao Bằng; Nghiên cứu hoàn thiện quy trình nhân giống cây dược liệu Lan Kim Tuyến bằng phương pháp nuôi cấy mô tại Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN tỉnh Cao Bằng và trồng thử nghiệm tại huyện Nguyên Bình – Cao Bằng; Nghiên cứu bào chế, tính an toàn và tác dụng sinh học của chế phẩm Trường xuân CB từ bài thuốc với các dược liệu chính trên địa bàn tỉnh Cao Bằng; Nghiên cứu biện pháp kỹ thuật nhân giống, canh tác và phát triển cây thuốc Thất diệp nhất chi hoa (Paris poluphylla Sm) tại Cao Bằng; Ứng dụng KH&CN xây dựng mô hình trồng và chế biến dược liệu Hà thủ ô đỏ (polygonum multiflorum thunb) tại huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng… một số đề tài, dự án đã được nghiệm thu và đánh giá đạt được một số kết quả nhất định trong công tác nghiên cứu, là cơ sở quan trọng để xem xét, khuyến khích mở rộng diện tích trồng trong những năm tới, cụ thể như:

Đề tài “Ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô nhân giống và phát triển sản xuất cây dược liệu Thạch Hộc Thiết bì trên địa bàn tỉnh Cao Bằng”, đã xây dựng được quy trình nhân giống lan dược liệu Thạch hộc Thiết bì bằng phương pháp nuôi cấy mô để tạo được nguồn mẫu giống có chất lượng và hệ số nhân tạo; Xây dựng mô hình trồng thử nghiệm cây dược liệu Thạch hộc Thiết bì với quy mô 500m2 tại huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Hoàn thiện quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc cây dược liệu Thạch hộc Thiết bì…

Đề tài “Nghiên cứu và trồng thử nghiệm Lan kim tuyến tại Cao Bằng” đã nghiên cứu thành công giống lan kim tuyến bằng công nghệ nuôi cấy mô tế bào thực vật; tổ chức trồng thử nghiệm 2.000 cây Lan kim tuyến cấy mô tại Bản Đổng, xã Thành Công, huyện Nguyên Bình, tỉ lệ cây sống đạt trên 90%.

Đề tài “Xây dựng mô hình trồng cây Thất diệp nhất chi hoa tại huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng”, đã khảo sát địa điểm và triển khai mô hình sản xuất trồng thử nghiệm cây Thất diệp nhất chi hoa tại xóm Phia Đén, xã Thành Công, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, diện tích 500m2 với 600 cây; xây dựng quy trình kỹ thuật sản xuất cây Thất diệp nhất chi hoa phù hợp với điều kiện tỉnh Cao Bằng; tập huấn chuyển giao quy trình kỹ thuật nhân giống và sản xuất cây Thất diệp nhất chi hoa cho địa phương.

Đề tài “Nghiên cứu bào chế, tính an toàn và tác dụng sinh học của chế phẩm trường xuân CB từ bài thuốc với các cây dược liệu chính trên địa bàn tỉnh”, đã xây dựng được công thức, quy trình bào chế, tiêu chuẩn cơ sở và bước đầu đánh giá độ ổn định của chế phẩm Trường Xuân CB từ bài thuốc với các dược liệu chính trên địa bàn tỉnh, như: nấm ngọc cẩu, thạch hộc tía, ngưu đại lục, sâm cau, ba kích, dâm dương hoắc, câu kỷ tử và lộc nhung; đánh giá tính an toàn, độc tính cấp, độc tính bán trường diễn, độc tính trên đột biến nhiễm sắc thể, độc tính trên sinh sản và phát triển của chế phẩm Trường Xuân CB trên động vật thực nghiệm; đánh giá tác dụng tăng cường khả năng sinh tinh, tác dụng tăng cường sinh dục và tác dụng tăng lực của chế phẩm Trường Xuân CB trên động vật thực nghiệm.

Hiện nay, một số đề tài, dự án đang được triển khai thực hiện nhằm bảo tồn, khai thác và phát triển mở rộng diện tích một số dược liệu quý của địa phương, như: Dự án Ứng dụng KH&CN xây dựng mô hình trồng và chế biến dược liệu Hà thủ ô đỏ (polygonum multiflorum thunb) tại huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng; nghiên cứu bào chế viên nang cứng có tác dụng hạ glucose máu, điều chỉnh rối loạn lipid máu, bảo vệ gan từ quả me rừng, giảo cổ lam và thạch hộc tía; nghiên cứu bảo tồn Sâm (Panax sp.) phân bố tự nhiên tại tỉnh Cao Bằng và kết hợp trồng thử nghiệm Sâm ngọc linh, Sâm lai châu; nghiên cứu và phát triển vùng sản xuất dược liệu Hoài Sơn (củ Mài) tại huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng theo chuỗi giá trị; nghiên cứu phát triển giống nấm linh chi đen (Ganoderma Subresinosum) thành sản phẩm hàng hóa có giá trị tại huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng; nghiên cứu kỹ thuật nhân giống và phát triển sản xuất cây Tam thất tại huyện Thông Nông, tỉnh Cao Bằng.

Để tiếp tục bảo tồn, từng bước mở rộng diện tích, khai thác và phát triển nguồn dược liệu của địa phương, nâng cao giá trị kinh tế cho người trồng, vấn đề đặt ra hiện nay là đầu ra cho sản phẩm cần phải ổn định thì người dân mới yên tâm mở rộng diện tích trồng, vì vậy bên cạnh sự hỗ trợ trong công tác nghiên cứu khoa học, chính quyền địa phương cần có những kế hoạch, giải pháp trọng tâm, cụ thể nhằm khai thác và phát triển cây dược liệu một cách hợp lý và hiệu quả, trong đó các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh cần phối hợp với các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân về tầm quan trọng, giá trị của các loại dược liệu, từ đó hướng dẫn, vận động người dân khai thác và sử dụng hợp lý, phát triển bền vững nguồn dược liệu địa phương, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Có chủ trương ưu đãi, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp cho việc phát hiện, bảo tồn và phát triển các loài dược liệu quý hiếm, góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương./.

Tác giả bài viết: Hoàng Hà