Hâm nóng thức ăn thừa bằng lò vi sóng có làm mất vitamin không?
Sau những bữa tiệc gia đình, tận dụng lại thức ăn thừa là một cách giúp tiết kiệm thời gian chuẩn bị bữa ăn kế tiếp, cũng như tránh lãng phí thực phẩm. Nhưng liệu hâm nóng thức ăn bằng lò vi sóng có làm mất vitamin và các chất dinh dưỡng không?
1. Khả năng bảo toàn dinh dưỡng của lò vi sóng
Nhìn chung lò vi sóng không mang đến bất kỳ nguy cơ gây hại nào như nhiều người vẫn thường nghĩ. Xét về cơ bản, cách thức hoạt động của lò vi sóng có liên quan mật thiết với các phân tử nước. Cụ thể, bức tần số cao khoảng 2.45GHz được lò vi sóng tạo ra sẽ tác động chủ yếu đến các phân tử nước trong thực phẩm. Năng lượng này khiến chúng rung lắc, di chuyển, va chạm vào nhau và chuyển từ nguội sang nóng trong vài giây.
Quan niệm tránh sử dụng lò vi sóng vì lo ngại mất chất dinh dưỡng hay rủi ro bức xạ là hoàn toàn sai lầm. Sự thật là lò vi sóng chẳng những không liên quan đến phóng xạ gây hại cho bạn, mà còn có thể làm nóng bữa ăn và rau mà không phá hủy tất cả các chất dinh dưỡng.
Mặc dù hàm lượng khoáng chất trong thực phẩm không bị ảnh hưởng khi hâm nóng thức ăn bằng lò vi sóng, nhưng tỷ lệ vitamin sẽ bị tiêu hao một ít, đặc biệt là Vitamin C và vitamin B. Một số chất dinh dưỡng – đặc biệt là Vitamin C, sẽ bị phá vỡ trong bất kỳ quá trình làm nóng nào. Chuyên gia cho biết, Vitamin C nhạy cảm với nhiệt hơn hầu hết vitamin và chất chống oxy hóa tan trong nước. Vì vậy bạn chắc chắn sẽ phải mất một số Vitamin C khi nấu cũng như hâm nóng thức ăn thừa.
Nói cách khác, bất kỳ hình thức nấu ăn nào cũng ảnh hưởng đến các chất dinh dưỡng nhạy cảm với nhiệt. Tuy nhiên, lò vi sóng sẽ giúp bảo quản các chất dinh dưỡng một cách tối ưu nhờ hai điểm chính:
- Làm nóng nhanh chóng, giảm thiểu thời gian thực phẩm tiếp xúc với nhiệt. Trong khi đó, lò nướng có thể làm giảm tỷ lệ chất dinh dưỡng nhiều hơn so với lò vi sóng vì thời gian làm nóng lâu hơn;
- Không cần cho quá nhiều nước nấu, bên cạnh đó, nếu bạn càng dùng ít nước khi nấu, càng nhiều chất dinh dưỡng sẽ được giữ lại. Tương tự như vậy, bạn càng nấu với nhiều nước, dưỡng chất càng bị rò rỉ nhiều hơn. Thực tế, khi quay các loại rau trong lò vi sóng sẽ giúp giữ lại nhiều chất dinh dưỡng hơn các phương pháp chế biến trên bếp truyền thống, như luộc.
Chính vì vậy, việc hâm nóng thức ăn bằng lò vi sóng là một cách thực sự lý tưởng, vừa thuận tiện lại vừa giảm thiểu nguy cơ mất khoáng chất.
2. Lời khuyên khi sử dụng lò vi sóng
Giống như bất kỳ phương pháp chế biến nhiệt nào, lò vi sóng có thể ảnh hưởng đến hàm lượng dinh dưỡng ở một mức độ nhất định, phụ thuộc vào cách bạn sử dụng. Nếu thích hâm nóng thức ăn bằng lò vi sóng, hãy áp dụng những lời khuyên sau đây để giúp tận dụng tối đa dưỡng chất từ thực phẩm, đặc biệt là rau quả:
- Khuấy thường xuyên
Một nhược điểm tiềm tàng của việc hâm nóng thức ăn bằng lò vi sóng là tính chất không đồng đều, có thể dẫn đến rủi ro ngộ độc thực phẩm. Để đảm bảo an toàn và tránh nguy cơ ngộ độc thực phẩm, hãy dừng lò từ 1 – 2 lần trong quá trình nấu và trộn đều thực phẩm lên cho mọi thứ được làm nóng đều, đặc biệt là khi hâm nóng cơm hoặc lượng đồ ăn quá nhiều.
- Chỉ thêm một chút nước
Ưu điểm của việc nấu ăn trong lò vi sóng là bạn không cần phải thêm nhiều nước như khi luộc rau thông thường. Nhờ đó món ăn không bị rò rỉ nhiều vitamin và khoáng chất. Đối với rau, bạn không phải dùng nhiều nước, chỉ cần một vài thìa là đủ để làm nóng và mềm rau củ, cũng như đảm bảo giữ lại các chất dinh dưỡng thiết yếu.
- Nấu rau củ vừa đủ chín
Nấu hoặc hâm nóng thức ăn bằng lò vi sóng không làm rau củ bị quá chín hoặc trở nên sũng nước. Rau củ nên được quay trong thời gian ngắn tránh mất chất dinh dưỡng. Nếu tiếp tục quay rau củ trong lò sau khi đã chín, món ăn của bạn có thể bị hỏng, cháy hoặc mềm ra. Để hấp rau củ, bạn dùng nĩa đâm các mặt, cho vào tô rồi bọc lại, sau đó hấp khoảng 3 – 4 phút trong lò vi sóng. Nếu muốn luộc, bạn cần rửa sơ với nước, để vào đĩa trong lò khoảng từ 30 giây đến 2 phút cho các loại rau thông thường, hoặc khoảng 5 phút trở lên cho các loại củ cứng như cà rốt.
- Hiểu lò vi sóng của bạn
Nên tìm hiểu công suất lò vi sóng của bạn để tránh nấu quá lâu hoặc nấu chưa đủ chín. Lò vi sóng hiện thường có công suất rơi vào khoảng 600 – 1200W, nếu lò kèm nướng thì có 2 mức công suất riêng khi nướng (khoảng 1000W) và khi nấu (khoảng 800W). Công suất càng cao thì nấu càng nhanh, thức ăn càng mau nóng và chín. Công suất thấp dùng để rã đông hoặc hâm nóng thực phẩm với số lượng ít. Hầu hết các lò vi sóng đều có chức năng thay đổi mức công suất để phù hợp với từng món ăn khác nhau.
- Sử dụng hộp đựng an toàn với lò vi sóng
Hầu hết các loại hộp đựng thực phẩm đều có thể dùng được trong lò vi sóng, trừ loại nhựa sử dụng một lần. Tốt nhất là dùng hộp thủy tinh hoặc các chất liệu khác có dán nhãn “an toàn với lò vi sóng”, “microwave-safe” hay “microwavable”. Những sản phẩm này có cấu tạo an toàn, không bị nhiễm các chất hóa học và không tan vào thức ăn, cũng như không móp méo khi cho vào trong lò. Bát / đĩa hay tô chén bằng gốm sứ cũng có thể cho vào lò vi sóng, nhưng nên tránh những loại có quá nhiều hoa văn màu sắc trang trí, vì có thể chứa chì và một số kim loại gây ra phản ứng.
Nhiều người lo ngại hâm nóng thức ăn, nhất là trong lò vi sóng, vừa làm mất đi hàm lượng vitamin của thực phẩm, vừa mang đến rủi ro bức xạ. Tuy nhiên đây là quan niệm sai lầm. Các chuyên gia đã khẳng định rằng khi hâm nóng thức ăn thừa, sử dụng lò vi sóng là biện pháp an toàn, nhanh chóng, tiện lợi và đảm bảo giá trị dinh dưỡng tốt nhất.
Nguồn tham khảo: webmd.com, huffingtonpost.com