Đinh lăng: Đặc điểm, tác dụng và cách dùng Đinh lăng trị bệnh

Thông tin chung

  • Tên tiếng Việt: , Gỏi cá, Nam dương lâm.

  • Tên khoa học: Polyscias fruticosa (L.) Harms

  • Họ: họ Ngũ gia bì (Araliaceae).

  • Công dụng: Đinh lăng có công dụng như một loại thuốc bổ, tăng lực, lợi tiểu, bổ thận, lợi sữa, điều kinh, làm co rút tử cung. Ngoài ra còn dùng chữa ho, ho ra máu, kiết lỵ.

Mô tả cây Đinh lăng

Đinh Lăng còn gọi là cây gỏi cá (vì nhân dân thường lấy lá để ăn gỏi cá, nhưng tên đinh lăng phổ biến hơn) là một loại cây nhỏ, thân nhẵn, không có gai, thường cao 0,8 đến 1,5m. Lá kép 3 lần xẻ lông chim dài 20-40cm, không có lá kèm rõ.

Lá chét có cuống gầy dài 3-10mm, phiến lá chét có răng cưa không đều, lá có mùi thơm.

Cụm hoa hình chuỳ ngắn 7-18mm gồm nhiều tán, mang nhiều hoa nhỏ. Tràng 5, nhị 5 với chỉ nhị gầy, bầu hạ 2 ngăn có dìa trắng nhạt. Quả dẹt dài 3-4mm, dày 1mm có vòi tồn tại.

Mùa hoa quả: tháng 4 – 7.

rễ đinh lăng

Phân bố, thu hoạch và chế biến

Phân bố: Đinh lăng có nguồn gốc ở vùng đảo Polynésie ở Thái Bình Dương, cây được trồng ở Indonesia, Malaysia, Campuchia, Lào… Ở Việt Nam, đinh lăng đã có từ lâu trong nhân dân và được trồng khá phổ biến trong nhân dân và được trồng khá phổ biến ở vườn gia đình, trong đình chùa, trạm xá, bệnh viện. . . để làm cảnh, làm thuốc và rau gia vị.

Đinh lăng là một cây được trồng phổ biến làm cảnh ở khắp nước ta, mọc cả ở Lào và miền nam Trung Quốc.Trước đây không thấy dùng làm thuốc, gần đây do sự nghiên cứu tác dụng bổ mới bắt đầu được dùng. Thường đào rễ, rửa sạch đất cát, phơi hay sấy khô.

Thu hoạch: Thu hoạch rễ vào mùa thu-đông sau khi cây trồng được 7 – 10 năm. Đào lấy rễ, rửa sạch, bóc lấy vỏ rễ, thái lát, phơi khô.

Chế biến: Đinh lăng sống: Loại bỏ tạp chất, rửa sạch, phơi hoặc sấy khô. Đinh lăng chế rượu gừng và mật: Tẩm rượu gừng 5% vào Đinh lăng sống, trộn đều cho thấm rượu gừng, sao qua nhỏ lửa. Tẩm thêm 5% mật ong, trộn đều cho thấm mật rồi sao vàng cho thơm. Dùng 5 lít rượu gừng 5% và 5 kg mật cho 100 kg dược liệu.

Bộ phận sử dụng của Đinh lăng

Rễ đã phơi hay sấy khô của cây Đinh lăng.

rễ đinh lăng

Thành phần hóa học

Trong đinh lăng đã tìm thấy có các alcaloid, glucozid, saponin, flavonoid, tanin, vitamin B1 các axit amin trong đó có lyzin, xystein, và methionin là những axit amin không thể thay thế được (Ngô ứng Long-Viện quân y, 1985).

Vỏ rễ và lá đinh lăng chứa saponin, alcoloid, các vitamin B1, B2, B6, vitamin C, 20 acid amin, glycocid, alcaloid, phytosterol, tanin, acid hữu cơ, tinh dầu, nhiều nguyên tố vi lượng và 21,10% đường. Trong lá còn có saponin triterpen (1,65%), một genin đã xác định được là acid oleanolic.

Từ lá đinh lăng, trung tâm Sâm và Dược liệu thành phố Hồ Chí Minh thuộc Viện Dược Liệu đã phân lập được 5 hợp chất polyacetylen là panaxynol, panoxydol, heptadeca – 1,8 (E) – dien – 4,6 diyn – 3,10 diol, heptateca – 1,8 (E) – dien – 4,6 diyn – 3 ol – 10 on và heptadeca – 1,8 (Z) – dien – 4,6 – diyn – 3 ol – 10 on. Hai hợp chất sau chỉ có trong lá đinh lăng mà chưa thấy có trong các cây khác thuộc chi Panax và họ Araliaceae. Trong rễ đinh lăng cũng tìm thấy 5 hợp chất polyacetylen, nhưng chỉ có panoxydol, panaxynol và heptadeca – 1,8 (E) – dien – 4,6 diyn – 3,10 diol là trùng hợp với các chất trong lá. Ba chất này có tác dụng kháng khuẩn mạnh và chống một số dạng ung thư.

Tác dụng của Đinh lăng

Theo y học cổ truyền

  • Rễ đinh lăng có vị ngọt, tính bình.

  • Lá nhạt, hơi đắng, tính bình.

  • Dược liệu có tác dụng bổ 5 tạng, tiêu thực, tiêu sưng viêm, giải độc, bổ huyết, tăng sữa.

  • Phần thân, rễ đinh lăng có khả năng tăng cường tuần hoàn máu, giúp lưu thông khí huyết.

  • Phần lá có khả năng giải độc, chống dị ứng, ho ra máu, kiết lị. 

Theo y học hiện đại

  • Tăng biên độ điện thế não, tăng tỉ lệ các sóng alpha, bêta và giảm tỉ lệ sóng delta; tăng khả năng tiếp nhận của các tế bào thần kinh vỏ não với các kích thích ánh sáng

  • tăng nhẹ quá trình hưng phấn khi thực hiện phản xạ trong mê lộ

  • tăng hoạt động phản xạ có điều kiện gồm phản xạ dương tính và phản xạ phân biệt.

  • Dịch chiết rễ và bột rễ Đinh Lăng có tác dụng kích thích miễn dịch, tăng sức đề kháng đối với bệnh tật.

  • Nước sắc, rượu lá Đinh Lăng có tác dụng ức chế sự sinh trưởng các vi khuẩn sinh mủ và vi khuẩn đường ruột. Nên các chế phẩm đó có tác dụng chống tiêu chảy, nhất là trên gia súc.

Liều lượng và cách dùng Đinh lăng

Ngày dùng 1- 6g, dạng thuốc sắc hoặc 2g trở lên với thuốc tán bột.

Bài thuốc chữa bệnh từ Đinh lăng

Bồi bổ cơ thể, ngừa dị ứng: Lá đinh lăng tươi từ 150-200g, nấu sôi khoảng 200ml nước (có thể dùng nước sôi có sẵn ở “phích”). Cho tất cả lá đinh lăng vào nồi, đậy nắp lại, sau vài phút, mở nắp và đảo qua đảo lại vài lần. Sau 5-7 phút, chắt ra để uống nước đầu tiên, đổ tiếp thêm khoảng 200ml nước vào để nấu sôi lại nước thứ hai. Cách dùng lá tươi thuận tiện vì không phải dự trữ, không tốn thời gian nấu lâu, lượng nước ít, người bệnh dễ uống nhưng vẫn đảm bảo được lượng hoạt chất cần thiết.

Chữa tắc tia sữa: Rễ đinh lăng 40g, gừng tươi 3 lát, đổ 500ml nước sắc còn 250ml. Chia làm 2 lần uống trong ngày. Uống khi thuốc còn nóng.

Chữa nổi mề đay, mẩn ngứa do dị ứng: Lá đinh lăng khô 80g, đổ 500ml nước sắc còn 250ml. Chia làm 2 lần uống trong ngày.

Ho suyễn lâu năm: Rễ đinh lăng, bách bộ, đậu săn, rễ cây dâu, nghệ vàng, rau tần dày lá tất cả đều 8g, củ xương bồ 6g; Gừng khô 4g, đổ 600ml sắc còn 250ml. Chia làm 2 lần uống trong ngày. Uống lúc thuốc còn nóng.

Phong thấp, thấp khớp: Rễ đinh lăng 12g; Cối xay, hà thủ ô, huyết rồng, cỏ rễ xước, thiên niên kiện tất cả 08g; Vỏ quít, quế chi 04g (Riêng vị quế chi bỏ vào sau cùng khi sắp nhắc ấm thuốc xuống). Đổ 600ml nước sắc còn 250ml. Chia làm 2 lần uống trong ngày. Uống khi thuốc còn nóng.

Ho khan lâu ngày do phế nhiệt : củ đinh lăng 20g, rau má 20g, mạch môn 16g, cát cánh 12g, tía tô 16g, xa tiền thảo 20g, lá xương xông 20g, trần bì 12g, cam thảo 16g, đại táo 12g. Sắc uống ngày 1 thang.

Người cao tuổi bị đau mỏi các khớp, có biểu hiện xơ cứng, vận động khó khăn: củ đinh lăng (sao thơm) 20g, ngưu tất 16g, thổ linh 20g, nam tục đoạn 20g, xuyên khung 12g, đương quy 12g, đỗ trọng 10g, khởi tử 12g, cam thảo 12g, đại táo 12g, trần bì 12g. Đổ 800ml nước sắc lấy 250ml, chia 2 – 3 lần uống trong ngày, 12 – 15 ngày là một liệu trình.

Đau thắt ngực do bị co thắt mạch vành: lá đinh lăng một nắm to, sắc lấy nước uống 2 – 3 lần trong ngày. Hoặc lá đinh lăng 40g, đan sâm 15g, ích mẫu 20g, sắc nước uống trong ngày. Công dụng: hoạt huyết thông mạch, khắc phục tình trạng mạch vành bị nghẽn, cơ tim thiếu dinh dưỡng.

Mất ngủ kéo dài, tư tưởng thiếu tập trung: lá đinh lăng 24g, tang diệp 20g, lá vông 20g, tâm sen 12g, liên nhục 16g. Đổ nước 400ml sắc lấy 150ml. Chia 2 lần uống trong ngày. Công dụng: bổ tâm an thần, giảm hưng phấn tạo được giấc ngủ êm.

Đái buốt đái rắt, nước tiểu đỏ: lá đinh lăng, xa tiền thảo, kim tiền thảo, liên tiền thảo, mỗi vị một nắm to. Sắc uống trong ngày. Có thể gia thêm chè búp 10 – 12g. Phương thuốc này còn có tác dụng tống sỏi (bài thạch).

Cơn đau quặn thận, bí tiểu tiện: lá đinh lăng 40g, xấu hổ tía 40g, rau ngổ 30g, râu bắp 24g, xa tiền thảo 20g. Sắc uống ngày 1 thang.

Lưu ý khi sử dụng Đinh lăng

  • Cây đinh lăng tuy có tác dụng tốt nhưng chỉ nên dùng với một lượng vừa đủ. Vì nếu dung nạp quá nhiều saponin sẽ làm cho cơ thể mệt mỏi, chóng mặt, hoa mắt và tiêu chảy.

  • Chỉ nên dùng khoảng từ 10 đến 20g cây đinh lăng đã phơi khô/ ngày.

  • Chú ý nên dùng cây đinh lăng từ 3 tuổi trở lên để đảm bảo dược tính.

  • Ngoài việc áp dụng bài thuốc từ dược liệu, bạn có thể hỗ trợ điều trị và nâng cao sức khỏe với các món ăn từ lá đinh lăng.

Bảo quản Đinh lăng

Để nơi khô mát, tránh mốc mọt
 

Trên đây là các thông tin về đặc điểm, hình ảnh, công dụng và các bài thuốc từ cây Đinh lăng cũng như một số lưu ý cần quan tâm. Tuy nhiên, để bài thuốc mang lại tác dụng điều trị cao và hạn chế tác dụng phụ, người bệnh vẫn nên tham khảo chuyên gia về cách dùng và liều lượng. Mong rằng những thông tin mà Medigo chia sẻ sẽ giúp ích cho việc tham khảo của bạn đọc.