Cuộc sống đảo lộn của người Nga giữa “cơn bão” trừng phạt chưa từng có
Sân bay Sheremetyevo tại Moscow tương đối vắng vẻ sau khi Nga đóng cửa không phận đối với các hãng hàng không từ 36 nước (Ảnh: Reuters).
Vài ngày sau khi Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố mở chiến dịch quân sự tại Ukraine hồi cuối tháng 2, người Nga đã cảm nhận tác động của các lệnh trừng phạt chưa từng có từ các chính phủ phương Tây và các tập đoàn kinh tế.
McDonald’s, hãng đồ ăn nhanh mở cửa ở Nga từ năm 1990 và được xem là biểu tượng của văn hóa phương Tây, đã rút khỏi Nga để phản đối chiến dịch quân sự tại Ukraine. IKEA, hãng đồ nội thất nổi tiếng, cũng dừng hoạt động ở Nga. Hàng chục nghìn việc làm bỗng nhiên biến mất trong thời gian ngắn.
Các doanh nghiệp lớn, trong đó có các công ty dầu mỏ khổng lồ như BP, Shell hay nhà sản xuất ô tô Renault cũng quyết định rời đi, bất chấp các khoản đầu tư khổng lồ của họ vào Nga. Shell ước tính sẽ mất khoảng 5 tỷ USD khi rút khỏi Nga.
Việc đi lại của người Nga cũng gặp nhiều khó khăn hơn, khi 27 quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu (EU), cùng với Mỹ và Canada đã cấm chuyến bay đến và đi khỏi Nga. Hành trình từ Moscow đến thủ đô Tallinn của Estonia bị kéo dài ít nhất 12 tiếng với một điểm quá cảnh ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, thay vì chỉ mất 90 phút như trước đây.
Thậm chí, việc sử dụng Internet và mạng xã hội cũng bị thu hẹp. Nga hồi tháng 3 đã cấm Facebook và Instagram, đồng thời chặn truy cập vào nhiều trang web tin tức nước ngoài, trong đó có Anh, Mỹ và Đức.
Nga cũng phải đối mặt với những hậu quả về kinh tế và những hậu quả này cho đến nay vẫn chưa thể hiện hết.
Trong những ngày đầu của cuộc xung đột, đồng rúp Nga bị mất giá, tuy nhiên những nỗ lực của chính phủ Nga đã giúp hồi phục giá trị đồng nội tệ. Chris Weafer, nhà phân tích kinh tế Nga nói rằng, đồng rúp tăng mạnh cũng gây ra các vấn đề cho ngân sách quốc gia.
“Họ nhận được doanh thu bằng ngoại tệ từ các nhà xuất khẩu và thanh toán bằng đồng rúp. Vì vậy, đồng ruble càng mạnh đồng nghĩa với việc họ sẽ chi tiêu ít hơn. Điều đó cũng khiến các nhà xuất khẩu Nga kém cạnh tranh hơn, khi hàng hóa của họ đắt đỏ trên thị trường thế giới”, ông Weafer lý giải.
Trung tâm thương mại vắng vẻ ở Moscow (Ảnh: AP).
Các hoạt động kinh tế Nga cũng bị ảnh hưởng sau làn sóng trừng phạt.
“Chúng tôi nhận thấy sự suy thoái của nền kinh tế hiện nay trên một loạt lĩnh vực. Các công ty cảnh báo họ sắp hết phụ tùng thay thế. Nhiều công ty phải cho nhân viên làm bán thời gian, còn những công ty khác cảnh báo họ phải đóng cửa hoàn toàn. Vì vậy, có một nỗi lo thực sự rằng tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng lên trong những tháng mùa hè, tiêu dùng và doanh số bán lẻ cũng như đầu tư sẽ giảm mạnh”, nhà phân tích kinh tế Nga nhận định.
Nếu xung đột kéo dài, nhiều công ty có thể rút khỏi Nga. Ông Weafer cho rằng, những công ty đã dừng hoạt động có thể tiếp tục mở lại nếu Nga và Ukraine đạt được thỏa thuận ngừng bắn hay hòa bình được thiết lập. Tuy nhiên, ông cho rằng khả năng này không cao.
“Nếu dạo quanh các trung tâm mua sắm ở Moscow, có thể thấy nhiều cửa hàng thời trang, các tập đoàn kinh doanh phương Tây, chỉ kéo cửa chớp xuống. Kệ của họ vẫn đầy hàng và đèn vẫn sáng. Họ chỉ đơn giản là không mở cửa hàng và họ vẫn chưa rút hoàn toàn. Họ đang chờ xem điều gì sẽ xảy ra tiếp theo”, ông Weafer nói.
Tuy nhiên, theo ông Weafer, những công ty này sẽ sớm phải giải quyết tình trạng lấp lửng.
“Bây giờ chúng ta đang đến giai đoạn mà các công ty bắt đầu cạn kiệt thời gian, hoặc có thể hết kiên nhẫn”, ông Weafer cảnh báo.