Bù nhìn trông dưa – diễn viên đóng thế

PGS.TS Phạm Văn Tình

  –  

Thứ năm, 15/08/2013 11:45 (GMT+7)

Khi có ai đó bị người khác lợi dụng, biến thành một kẻ đứng cho có vì, khư khư giữ của cho kẻ khác hoặc chẳng có vai trò, quyền bính gì, người ta hay gọi là “bù nhìn trông dưa” (hay bù nhìn giữ dưa).

Ví dụ: “Nom đẹp mã như thế mà bị nhà lão ta sai phái, biến thành bù nhìn trông dưa cho lão”; “Cái thằng ấy chẳng làm nên công cán gì, chẳng qua là kẻ bù nhìn giữ dưa vô tích sự” v.v…

Nếu về các vùng nông thôn, chúng ta sẽ thấy  thấp thoáng trên cánh đồng có rất nhiều những con bù nhìn rơm (hay bù nhìn bằng thân cây chuối). Số là, để xua đuổi chim muông, chuột… đến phá phách (như ăn hạt ngô, đỗ, lạc vừa tra; ăn hoa quả, lúa má đang chín; bới trộm khoai, trảy trộm dưa, chặt phá cây trồng…), người ta phải làm các hình nộm giống như người.

Hình nộm tết bằng rơm khô, trong có cốt (thường bằng tre, gỗ), hay bằng các thân cây chuối cắm thêm que (thành chân, tay) rồi mặc thêm quần áo, đội mũ nón “nghiêm chỉnh”. Nom từ xa thấy giống y như người thực. Dân gian gọi chúng là những “con bù nhìn” hay “thằng bù nhìn”.

Để thêm phần sinh động, người ta còn chăng dây, cắm cờ, giấy các loại, treo cả ống bơ phát ra tiếng động rồi buộc vào thân bù nhìn. Lũ chim chóc, chuột bọ trông xa lại cứ tưởng người thật nên không dám bén mảng đến gần.

Có cả những kẻ “đạo chích” nghiệp dư vào ban đêm tối trời muốn đột nhập ăn trộm mấy quả dưa dưới ruộng, hoặc liều lĩnh bới khoai, bẻ bắp trên đồng thì khi thấp thoáng nhìn thấy bù nhìn nhập nhoạng sẽ ngỡ là bóng người, cũng chột dạ không dám liều mà manh động. Chà, cái anh chàng bù nhìn kia thế mà lợi hại ra phết. Nhưng rõ ràng, thực chất anh ta chỉ là thứ vô tri vô giác. Một dạng “diễn viên đóng thế” chẳng biết cái gì.

Chính từ ngữ nghĩa thực tế này mà từ bù nhìn (có nhiều địa phương ngày xưa còn nói là “bồ dìn”, “bồ nhìn”) đã chuyển di vào cuộc sống và mang một nghĩa khác, hàm chỉ “một ai đó có chức vị mà thực ra chẳng có quyền hành gì, chỉ răm rắp làm theo lệnh của người khác”.

Chẳng hạn ta thường nghe nói: “Đó là một chính phủ bù nhìn do Mỹ dựng lên. Mỹ mà không ưa thì trước sau cái chính phủ ấy cũng đổ thôi”; “Tiếng là Phó Tổng giám đốc nhưng cái ghế ấy do lão Tổng Giám đốc dựng lên nên anh ta chẳng khác gì thằng bù nhìn, ngồi nghe người ta phán rồi gật theo đuôi thôi” v.v…

Về xuất xứ, “bù nhìn” được cắt nghĩa là từ do hai thành tố tạo thành: bù = thêm vào để lấp khoảng trống, sự thiếu hụt (như làm bù, ngủ bù, bù lương…); nhìn: Đưa mắt về một hướng nào đó để thấy, để quan sát; tổ hợp chung của bù nhìn có nghĩa là “nhìn bù, nhìn thay, trông hộ”. Tất nhiên cái việc làm thay này xét cho cùng cũng chỉ là hình thức mà thôi.

Trong cuộc sống, cũng không ít người sa vào hoàn cảnh “ngu dốt” như vậy. Họ bị người đời lợi dụng, dựng lên, rồi cứ thế nhắm mắt làm theo sự bố trí “giật dây” của người khác, máy móc bảo vệ quyền lợi của người khác.

Chẳng hạn, có ai đó nhận một chức danh hình thức trong cơ quan tổ chức nào đấy nhưng xét cho cùng chỉ là “danh hão” chứ quyền bính chẳng thấy đâu, hay chính quyền Trần Trọng Kim ngày xưa do Nhật dựng nên (6.1945) để che mắt thiên hạ, phục vụ cho mưu đồ cai trị của chúng chứ “ông thủ tướng” này chẳng có thực quyền gì hết. Họ có khác gì những anh chàng “bù nhìn trông dưa” kia đâu:

Nộm rơm đứng gác ruộng dưa
Khổ thân từ sáng đến trưa, bù nhìn…