Có chính sách bổ sung nguồn vốn nội lực cho doanh nghiệp
–
Thứ tư, 12/10/2022 10:44 (GMT+7)
Thị trường bất động sản rơi vào cảnh “khát vốn” khi các kênh huy động vốn qua ngân hàng và trái phiếu gặp khó. Chính phủ cần có những chính sách khai thông để bổ sung nguồn vốn nội lực và nguồn vốn vay cho doanh nghiệp, từ đó tăng tính liên kết, giúp thị trường bất động sản tận dụng được tiềm năng để phát triển bền vững.
Nhà đầu tư kỳ vọng dòng vốn cho bất động sản sẽ sớm được khơi thông. Ảnh Cao Nguyên.
Tìm cách huy động vốn từ khách hàng
Mới đây, một dự án ở phía Đông Hà Nội chuẩn bị mở bán nhưng đưa ra những chính sách khủng khi khách mua biệt thự, liền kề tại dự án. Lần đầu tiên, chủ đầu tư đưa ra chính sách cam kết cho thuê với lợi nhuận 6% trong vòng 5 năm, cam kết mua lại sau 5 năm với giá tăng 30% theo giá trị hợp đồng mua bán, chiết khấu 5% với khách hàng không vay…
Hay như dự án chung cư cao cấp trên đường Lê Văn Lương (Hà Nội), khách hàng mua căn hộ sẽ được nhận các ưu đãi: chiết khấu thanh toán 5%, hỗ trợ lãi suất 0%, miễn phí dịch vụ quản lý 12 tháng…
Một dự án khác nằm trên trục đường Láng (quận Đống Đa, TP.Hà Nội) cũng đưa ra nhiều ưu đãi như hỗ trợ vay ngân hàng, chiết khấu giá thấp… khi có người quan tâm đến. Còn tại dự án chung cư ở quận Nam Từ Liêm, chủ đầu tư còn đưa ra chiết khấu khủng lên tới 20% với khách hàng thanh toán hết 1 lần.
Thực tế, khi nguồn vốn tín dụng bị siết chặt và hạn chế các chủ đầu tư, doanh nghiệp bất động sản đã tìm nhiều cách để xoay xở dòng tiền. Nhiều dự án các chủ đầu tư đã đưa ra phương thức thanh toán linh hoạt, chia nhỏ thành nhiều đợt.
Và cũng có các dự án đưa ra chính sách như người mua còn được tham gia chương trình cam kết cho thuê với lợi nhuận cam kết lên tới hàng trăm triệu đồng một năm cho căn hai phòng ngủ, từ 100 – 120 triệu đồng/năm với căn một phòng ngủ trong 2 năm đầu tiên.
Sau 2 năm, nhà đầu tư được hỗ trợ tham gia chương trình quản lý vận hành, chia sẻ lợi nhuận với mức lợi nhuận được phân chia theo tỉ lệ 80-20. Cụ thể, sau khi dự án hoàn thiện và đi vào hoạt động, chủ đầu tư sẽ bàn giao lại cho đơn vị vận hành và quản lý khai thác kinh doanh. Sau khi trừ đi các khoản thuế, chi phí vận hành khai thác, chủ đầu tư sẽ chia 80% lợi nhuận khai thác tòa nhà cho khách hàng.
Mặc dù nhiều chính sách, ưu đãi đưa ra để nhằm thu hút nguồn vốn nhưng doanh nghiệp bất động sản cũng khó huy động vốn ứng trước của khách hàng do thị trường đang có dấu hiệu “trầm lắng”, giao dịch sụt giảm dẫn đến rủi ro bị mất thanh khoản là nỗi lo lớn nhất của các chủ đầu tư dự án và nhà đầu tư thứ cấp.
Biện pháp cứu nguy
Có thể thấy, nguồn vốn tín dụng ngân hàng là nguồn “vốn mồi” đầu tiên cực kỳ quan trọng, giữ vai trò là “bà đỡ” cho các doanh nghiệp bất động sản. Các chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại, nhà đầu tư và người mua nhà đều mong muốn tiếp tục được vay tín dụng dù phải chịu lãi suất vay cao hơn trước.
Không chỉ doanh nghiệp khát vốn, người mua nhà cũng khó khăn hơn khi muốn tiếp cận dòng tiền tài chính từ ngân hàng. Ngày 07.9 vừa qua, ngân hàng Nhà nước đã có động thái nới hạn mức room tín dụng cho một số ngân hàng thương mại.
Tuy nhiên, dòng vốn này dành cho thị trường vẫn còn rất ít, không tạo nên những thay đổi rõ rệt cho các doanh nghiệp hay cải thiện tình trạng hạn chế về nguồn cung trên thị trường, dẫn đến khó khăn của thị trường địa ốc vẫn tiếp tục kéo dài.
Theo số liệu của Batdongsan.com.vn, lãi suất tăng khiến thanh khoản bất động sản sụt giảm, thể hiện rõ qua lượng quan tâm của người mua chịu ảnh hưởng nặng trong quý vừa qua.
Cụ thể, nhu cầu tìm kiếm bất động sản trên cả nước có xu hướng giảm trong 3 tháng qua, lượt tìm mua các loại hình bất động sản đều giảm mạnh trong tháng 9, đất nền giảm 50%, căn hộ giảm 9%, nhà riêng giảm 25% và biệt thự liền kề giảm 12% so với quý II/2022.
Trước khó khăn về nguồn vốn của thị trường địa ốc, Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) đã có văn bản đề nghị Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ xem xét có thể nới trần (nới room) tín dụng thêm khoảng từ 1-2% để có thêm nguồn vốn tín dụng khoảng 100-200 nghìn tỉ đồng để hỗ trợ cho nền kinh tế trong giai đoạn cao điểm cuối năm.
HoREA cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét lại, nên sửa đổi Thông tư số 20/2021/TT-NHNN để cho phép các tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước chỉ định (Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank) được cho cá nhân, hộ gia đình vay vốn ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội.