“Nở rộ” dịch vụ câu cá

Cập nhật : 27-02-2016 | 07:56:18

Nắm bắt nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân trong những ngày nắng nóng và dịp cuối tuần, thời gian gần đây, dịch vụ kinh doanh câu cá trên địa bàn tỉnh đang phát triển mạnh.   

 Các “cần thủ” tham gia thi câu cá tại quán cà phê Osaka (phường Hưng Định, TX.Thuận An). Ảnh: PHÙNG HIẾU

Nhu cầu tăng

Trong những ngày qua, nhiều người đã đến các khu vực gần sông, hồ, kênh rạch trên địa bàn tỉnh Bình Dương câu cá. Đặc biệt, khu vực sông Sài Gòn, hồ Dầu Tiếng, vào dịp cuối tuần rất nhiều “cần thủ” từ các tỉnh, thành lân cận cùng gia đình, bạn bè đến vui chơi, giải trí. Anh Nguyễn Văn Tài, ở quận Thủ Đức, TP.Hồ Chí Minh chia sẻ, những ngày cuối tuần anh thường về xã An Sơn, TX.Thuận An để tận hưởng không khí trong lành của vườn cây trái và thỏa mãn thú vui câu cá. Theo anh Tài, câu cá là thú vui tao nhã nhưng rất dễ “nghiện”, những người câu cá lâu năm nếu bỏ câu vài ngày là thấy bứt rứt trong lòng. Nhóm bạn của anh thường tổ chức đi câu cuối tuần tại khu vực An Sơn; có điều kiện thì tổ chức “phượt” kết hợp câu cá tại hồ Dầu Tiếng hay đập Phước Hòa.

Thú vui câu cá giải trí của nhiều người đang tạo ra nhiều cơ hội làm ăn cho những người kinh doanh dịch vụ này. Đối với những hộ nông dân đang nuôi trùn quế cũng có dịp tăng thêm thu nhập. Như hộ ông Lâm ở xã An Sơn, mô hình nuôi bò lấy phân nuôi trùn quế đang phát huy hiệu quả cao. Bình quân mỗi ngày ông xuất hàng chục ký trùn quế để bỏ mối cho các cửa hàng kinh doanh dụng cụ câu cá.

Còn anh Trần Thanh Xuân, chủ tiệm bán dụng cụ câu cá ở phường An Thạnh, TX.Thuận An cho biết, dịp này doanh thu của cửa hàng anh tăng khá mạnh. Chỉ riêng tiền bán mồi câu (trùn mủ, trùn huyết, trứng kiến…) mỗi ngày anh có doanh thu cả triệu đồng, đó là chưa kể tiền bán cần câu.

Tận dụng kênh mương làm dịch vụ

Thời điểm này, nhiều địa phương trong tỉnh như TP.Thủ Dầu Một, các TX.Tân Uyên, Bến Cát, Thuận An… đang rộ lên dịch vụ câu cá giải trí. Loại hình này đang “ăn nên làm ra”. Anh Lê Thành Tám, ở phường Vĩnh Phú, TX.Thuận An chia sẻ, do gia đình nuôi cá ven sông Sài Gòn nên anh đầu tư thêm tiền để đào ao thả cá làm dịch vụ. Ở phường Vĩnh Phú, để thu hút khách, hiện nhiều điểm kinh doanh dịch vụ này đã tổ chức các cuộc thi câu cá.

Anh Tám thông tin thêm, từ khi tổ chức thi câu cá, lượng khách tới tham quan, giải trí tại cơ sở của anh tăng nhanh, nhất là vào dịp cuối tuần. Chẳng hạn như cuộc thi sẽ được tổ chức vào chủ nhật tuần này (28-2), có nhiều “cần thủ” từ Đồng Nai, TP.Hồ Chí Minh đăng ký tham gia. Nhằm tạo không khí sôi nổi cho cuộc thi, gia đình anh đã thả hàng trăm ký cá trê, cá chim, cá tra… để đón chào các tay “sát cá”. Địa điểm tổ chức thi câu của gia đình anh có phụ thu 300.000 đồng/“cần thủ” nhưng bù lại người câu cá sẽ được hưởng số lượng cá mà họ câu được. Bên cạnh đó, các “cần thủ” còn có cơ hội giành giải thưởng lên đến 2 triệu đồng cho tay câu xuất sắc nhất trong ngày.

Anh Võ Hoàng Lộc, chủ quán cà phê sân vườn Osaka, ở phường Hưng Định, TX.Thuận An cũng cho biết, chủ nhật tuần này, cuộc thi câu cá sẽ diễn ra ngay tại quán cà phê của anh. Quán không tính tiền phụ thu. Quán anh đang treo giải cho tay câu xuất sắc nhất trị giá 500.000 đồng. Hiện đã có gần 70 “cần thủ” đăng ký tham dự cuộc thi này.

Ông Trần Văn Nam, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, việc 1 số ít hộ dân trên địa phận tỉnh làm thêm dịch vụ câu cá là rất đáng hoan nghênh. Bởi họ đã biết tận dụng lợi thế làm thêm dịch vụ, nhất là khu vực nông thôn, vừa tạo thêm công ăn việc làm vừa tìm đầu ra cho những mái ấm gia đình nuôi cá. Nếu làm tốt, tận dụng lợi thế sông ngòi, kênh rạch, câu cá vẫn hoàn toàn có thể là một dịch vụ hái ra tiền so với những hộ nông dân trong mùa nắng nóng.

 XUÂN VĨ