Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam với các công trình nghiên cứu lịch sử sản xuất vũ khí, trang bị
CNQP&KT – Viện Lịch sử quân sự Việt Nam được thành lập ngày 28/5/1981. Trải qua 40 năm xây dựng và phát triển, Viện đã có nhiều công trình nghiên cứu, biên soạn lịch sử, cũng như giúp các cơ quan, đơn vị thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng (CNQP) tổ chức biên soạn, xuất bản nhiều công trình nghiên cứu lịch sử sản xuất vũ khí, trang bị kỹ thuật có giá trị lý luận và thực tiễn cao.
Là cơ quan đầu ngành về lịch sử quân sự của Quân đội nhân dân Việt Nam, một trong những nhiệm vụ của Viện Lịch sử quân sự Việt Nam là nghiên cứu, biên soạn lịch sử sản xuất vũ khí, trang bị kỹ thuật (VKTBKT) của Việt Nam từ khi dựng nước đến nay, trọng tâm là trong 30 năm chiến tranh giải phóng (1945-1975); đồng thời, tham gia chỉ đạo, hướng dẫn, giúp đỡ các đơn vị nghiên cứu, biên soạn và giám định, tư vấn, phản biện các công trình, đề tài, sử liệu liên quan.
Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử sản xuất VKTBKT của Viện đã đạt được những thành tựu quan trọng bước đầu. Đặc biệt, từ khi Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ra Chỉ thị số 10/CT-QP ngày 8/1/1993 về biên soạn lịch sử, tổng kết chiến tranh trong Quân đội và Nghị quyết số 10/ĐUQSTW ngày 8/1/1999 của Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) về đẩy mạnh nghiên cứu, phát huy vai trò của khoa học lịch sử trong thời kỳ mới, nhiều sản phẩm của Viện và ngành nghiên cứu, biên soạn, tổng kết về sản xuất VKTBKT đã được xuất bản công khai, hoặc lưu hành nội bộ.
Viện Lịch sử quân sự Việt Nam đã nghiên cứu, biên soạn và xuất bản nhiều đề tài; đăng tải, công bố hàng trăm bài nghiên cứu về lịch sử sản xuất VKTBKT quân sự.
Trong 40 năm qua, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam đã nghiên cứu, biên soạn và tham gia biên soạn, xuất bản nhiều đề tài; đăng tải, công bố hàng trăm bài nghiên cứu trên các báo, tạp chí, kỷ yếu hội thảo khoa học; hướng dẫn, trao đổi nghiệp vụ và tham gia biên soạn công trình lịch sử sản xuất VKTBKT quân sự của Tổng cục CNQP và ngành CNQP. Điển hình là các công trình: Giải quyết một số vấn đề kỹ thuật quân sự trong 30 năm kháng chiến (1945-1975); Nghiên cứu và sản xuất vũ khí bộ binh trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954); Nghiên cứu cải tiến sản xuất và sử dụng vũ khí của Quân đội nhân dân Việt Nam (1975-2015)…
Năm 1989, Tổng cục CNQP và Kinh tế (nay là Tổng cục CNQP) được thành lập. Năm 1993, Ban Lịch sử thuộc Cục Chính trị được thành lập. Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của lãnh đạo, chỉ huy các cấp thuộc Tổng cục CNQP và Kinh tế; sự hướng dẫn, giúp đỡ về mặt nghiệp vụ của Viện Lịch sử quân sự Việt Nam và Bộ môn Lịch sử kỹ thuật quân sự (nay là Phòng Lịch sử Hậu cần – Kỹ thuật quân sự), Ban Lịch sử thuộc Cục Chính trị đã tổ chức biên soạn, xuất bản được nhiều công trình nghiên cứu lịch sử sản xuất VKTBKT có giá trị lý luận và thực tiễn cao. Tiêu biểu là các công trình: “Lửa trong rừng sâu”, “Lịch sử Quân giới Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1915- 1954)”, “Lịch sử Quân giới Việt Nam (1954-1975)”, “Biên niên sự kiện lịch sử Quân giới Việt Nam (1954-1975)”, “Nửa thế kỷ làm vũ khí”, “Tổng cục CNQP- Biên niên sự kiện (1989-2005)”. Các công trình lịch sử, biên niên của nhiều đơn vị, doanh nghiệp, viện nghiên cứu thuộc Tổng cục CNQP.
Lớp tập huấn nghiệp vụ công tác lịch sử quân sự toàn quân năm 2020 do Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam tổ chức. Ảnh: HOA LÊ
Cùng với nhiệm vụ chuyên môn, cán bộ của Viện Lịch sử quân sự Việt Nam cũng nghiên cứu viết bài, đăng trên các báo, tạp chí (chủ yếu là Tạp chí CNQP và Kinh tế) và các buổi hội thảo khoa học, như: Tự lực sản xuất vũ khí – Quan điểm đặc sắc của Đảng ta trong kháng chiến chống thực dân Pháp; Những vũ khí điển hình Quân giới Việt Nam trong kháng chiến chống thực dân Pháp; Công binh xưởng Nam Bộ những ngày đầu chống Pháp; Nhìn lại công tác sản xuất lựu đạn trước ngày toàn quốc kháng chiến; Xưởng Quân giới Giang Tiên – nơi đầu tiên nghiên cứu, chế tạo súng đạn Bazooka ở Việt Nam; Súng không zật (SKZ) – vũ khí công kiên trong kháng chiến chống Pháp; Uy lực của mìn lõm FT do Quân giới Nam Bộ sản xuất; Xưởng vũ khí dân quân góp công với chiến trường; Đánh địch bằng vũ khí tự tạo…
Viện Lịch sử quân sự Việt Nam đã phối hợp với Tổng cục CNQP tổ chức biên soạn, xuất bản được nhiều công trình nghiên cứu lịch sử sản xuất VKTBKT có giá trị lý luận và thực tiễn cao.
Có thể khẳng định, những kết quả nghiên cứu, biên soạn, tổng kết lịch sử công tác sản xuất VKTBKT nêu trên đã đóng góp tích cực vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Tổng cục CNQP và các đơn vị trực thuộc. Đồng thời, góp phần vào việc giáo dục và phát huy truyền thống anh hùng của Quân đội ta nói chung, của ngành CNQP nói riêng; đáp ứng một phần nhu cầu tìm hiểu, học tập kinh nghiệm công tác nghiên cứu, sản xuất VKTBKT của cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên trong toàn quân. Trong đó, nhiều đơn vị đã hoàn thành cơ bản công tác tổng kết lịch sử; một số đơn vị đã chuyển sang biên soạn các công trình khoa học nghiên cứu lịch sử sản xuất VKTBKT. Một số học viện, nhà trường Quân đội, nhất là các trường khối kỹ thuật quân sự đã đưa công tác nghiên cứu lịch sử sản xuất vũ khí vào chương trình đào tạo của mình.
Tuy nhiên, công tác nghiên cứu, biên soạn, tổng kết lịch sử sản xuất VKTBKT trong thời gian qua còn có những hạn chế nhất định, nhất là việc chưa có một đội ngũ cán bộ chuyên trách được đào tạo, bồi dưỡng bài bản, tương xứng với nhu cầu và nhiệm vụ. Bên cạnh đó là sự quan tâm chưa đúng mức với tầm quan trọng, chức năng, vai trò của công tác nghiên cứu lịch sử sản xuất VKTBKT. Ngoài ra, chất lượng của một số công trình nghiên cứu lịch sử còn chưa thể hiện rõ nét tính khoa học quân sự, chưa kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn…
Thực tiễn xây dựng lực lượng vũ trang, quân đội, chiến tranh giữ nước của dân tộc ta đã để lại những bài học vô cùng quý giá về công tác nghiên cứu lịch sử sản xuất VKTBKT. Những kinh nghiệm về nghiên cứu, sản xuất và bảo đảm vũ khí trang bị trong chiến tranh là cơ sở quan trọng để phát triển nghiên cứu, sản xuất vũ khí trang bị phù hợp với chiến tranh hiện đại. Việc tổng kết, đúc rút những kinh nghiệm của hoạt động thực tiễn trong thời gian qua đã được lãnh đạo, chỉ huy các cấp quan tâm thực hiện; tuy nhiên, nhiều tư liệu quý về lịch sử sản xuất VKTBKT vẫn chưa được nghiên cứu, tổng kết một cách đầy đủ. Vì vậy, cần chú trọng đầu tư thích đáng cho việc nghiên cứu, biên soan, tổng kết kinh nghiệm sản xuất vũ khí trang bị trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, chiến đấu bảo vệ biên giới và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Trong đó, cần đầu tư vật chất, kinh phí cho các hoạt động nghiên cứu, sưu tầm tư liệu lịch sử, coi trọng nguồn tư liệu trực tiếp từ các nhân chứng lịch sử.
Trong thời gian tới, thực hiện Nghị quyết số 984/QUTW ngày 28/12/2016 của Thường vụ Quân ủy Trung ương “về lãnh đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lịch sử quân sự đến năm 2020 và những năm tiếp theo”, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Tổng cục CNQP đẩy mạnh nghiên cứu, biên soạn, tổng kết lịch sử công tác sản xuất VKTBKT, góp phần xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, trong đó có một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại; góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.
Đại tá, ThS. NGÔ NHẬT DƯƠNG
Nguyên Trưởng phòng Lịch sử Hậu cần – Kỹ thuật quân sự,
Viện Lịch sử quân sự Việt Nam