Vì sao trẻ sơ sinh hay bị gồng mình, vặn mình khi ngủ
Bài viết được viết bởi Bác sĩ Đàm Thị Quỳnh – Trung tâm Nhi – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Hiện tượng trẻ sơ sinh hay vặn mình khi ngủ thường là tình trạng sinh lý bình thường nếu trẻ chỉ vặn người, gồng mình, đỏ mặt trong vài phút rồi tự hết. Hiện tượng này thường gặp ở trẻ từ 5 – 6 tuần tuổi, cũng có thể sớm hơn khi trẻ 2 – 3 tuần. Đây có thể nói là một hiện tượng sinh lý bình thường, trẻ sẽ hết khi trên 4 tháng tuổi.
Tuy nhiên, nếu trẻ sơ sinh thường xuyên bị vặn mình, rướn mình, gồng đỏ mặt, thậm chí bé hay giật mình khi ngủ thì mẹ cần phải quan tâm vì điều này kéo dài có thể gây ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ.
Khi bé ra đời, các tế bào thần kinh chưa biệt hoá, vỏ não và thể vân chưa phát triển nên hoạt động dưới vỏ chiếm ưu thế. Do đó, trẻ sẽ thường có biểu hiện múa vờn, vận động tay chân thường xuyên vì phản ứng của vỏ não có xu hướng lan tỏa khi bị kích thích.
Trẻ sơ sinh hay vặn mình do các yếu tố từ môi trường bên ngoài tác động, là hiện tượng sinh lý nhưng cũng có thể là bệnh lý.
1. Các yếu tố bên ngoài tác động khiến trẻ vặn mình
Biểu hiện sinh lý:
- Chỗ ngủ của trẻ không được ấm áp, thoải mái. Có quá nhiều ánh sáng hoặc tiếng ồn lớn xung quanh.
- Do trẻ đói, ăn chưa đủ no: Dung tích dạ dày trẻ sơ sinh rất nhỏ khoảng 30 ml. Tùy cân nặng ngày tuổi số lượng bú khác nhau, trung bình khoảng 2 – 3h trẻ sẽ bú một cữ. Không nên cho bé bú quá nhiều bữa vì sẽ khiến trẻ đầy bụng 🡪 trẻ vặn mình và ọc sữa sau mỗi lần bú.
- Khi trẻ rặn đi tiểu hoặc đại tiện: Khi tiểu hoặc đại tiện trẻ sơ sinh hay vặn mình và rặn như đang muốn làm hết sức để tống cái gì đó ra ngoài.
- Do môi trường xung quanh, do chăm sóc trẻ: để tã bé bị ướt, mẹ quấn khăn bé quá chật chội, nhiệt độ phòng quá nóng hoặc lạnh.
- Thông thường những nguyên nhân sinh lý trên sẽ gây ra biểu hiện trẻ sơ sinh hay vặn mình, gồng mình khi thức hay ngủ. Đây đều là những biểu hiện sinh lý bình thường, hiện tượng trên chỉ kéo dài trong vài phút sẽ hết.
Biểu hiện trẻ sơ sinh hay vặn mình do bệnh lý: Bên cạnh những biểu hiện về sinh lý thì tình trạng trẻ sơ hay vặn mình uốn éo, ngủ không sâu giấc, thậm chí có những trẻ sơ sinh hay bị giật mình khóc thét ban đêm thì các các mẹ cần phải lưu ý vì điều này không chỉ làm ảnh hưởng đến giấc ngủ, vấn đề ăn uống,… mà còn có những tổn thương nghiêm trọng bên trong, thậm chí còn gây ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng thể chất của trẻ.
- Hạ canxi máu: Trẻ sơ sinh là đối tượng rất dễ bị thiếu canxi nếu như không được chăm sóc hợp lý. Biểu hiện: Trẻ dễ kích thích, ngủ không ngon giấc, trẻ hay quấy khóc về đêm, vặn vẹo, gồng mình khi ngủ, thậm chí co giật, tím tái. Ngoài ra còn có thêm các biểu hiện khác của bệnh còi xương như: Hay ra mồ hôi trộm, rụng tóc, thóp chậm liền, bờ thóp mềm, hay nôn ói,…
- Một số bệnh lý khác cũng khiến trẻ hay vặn mình khó chịu: Da bé bị tổn thương gây ngứa, bé bị côn trùng đốt, chui vào tai,…
2. Giải pháp giúp trẻ ngủ sâu giấc, không vặn mình
- Giữ cho trẻ luôn được khô ráo, sạch sẽ.
- Chọn cho bé loại tã thấm hút tốt để tạo cảm giác thoải mái tối đa cho trẻ. Thay bỉm khi trẻ đi ngoài.
- Mặc cho bé những bộ quần áo ngủ rộng rãi và đủ ấm.
- Nhiệt độ phòng trung bình 26 – 28 độ C, không để phòng bé quá nóng hoặc quá lạnh.
- Vệ sinh phòng sạch sẽ, giặt giũ chăn đệm thường xuyên để bé không bị ngứa ngáy, khó chịu.
- Massage vỗ về để bé thoải mái không vặn vẹo. Khi thấy trẻ sơ sinh hay vặn mình, mẹ có thể ôm bé vào lòng, vuốt ve, âu yếm để bé được dễ chịu hơn. Có thể mẹ chỉ cần hát ru, vỗ về, xoa dịu hoặc nói chuyện cùng bé,… bé sẽ cảm thấy an toàn và được che chở hơn, từ đó bé sẽ không còn gồng mình, vặn mình hay khó chịu nữa.
- Bổ sung Vitamin D3/Tắm nắng: Trẻ sơ sinh hay vặn mình có thể là dấu hiệu bệnh lý, điển hình là do bị thiếu canxi (không hấp thu được vào xương), thường gặp nhất ở trẻ sinh non. Do đó, để tránh việc trẻ sơ sinh hay vặn mình, gồng đỏ mặt và khóc thét nửa đêm thì mẹ cần phải bổ sung canxi (khi cần theo chỉ định của bác sĩ) cho bé.
- Mẹ cần ăn uống đầy đủ, tránh kiêng khem. Với những bé sơ sinh, nguồn canxi lúc này được cung cấp hoàn toàn từ sữa mẹ (trừ những trời hợp bé bú sữa ngoài), do đó, mẹ cần phải ăn uống đầy đủ các loại thực phẩm giàu canxi như cá hồi, cá thu, cá ngừ,… cũng như những loại cá tốt cho sức khỏe khác. Thực đơn đa dạng cùng với việc cung cấp canxi đầy đủ sẽ là một cách gián tiếp giúp bé nhà bạn không bị vặn mình nữa.
- Quan tâm đến những cảm xúc của trẻ: Hầu hết các bé sơ sinh đều vặn mình, đó là cách để bé giãn các cơ và xương khớp khi phải nằm một chỗ quá lâu. Các bé sơ sinh hay những bé 1, 2 tháng tuổi vặn vẹo đều rất bình thường và triệu chứng này sẽ tự mất khi bé được 4 tháng tuổi. Tuy nhiên, trẻ sơ sinh vặn mình cũng là cách để bé ‘thể hiện cảm xúc’ rằng bé đang đau, khó chịu, không thoải mái, bé đói, mệt hay bị ướt tã,… Chính vì thế, các mẹ cần lưu ý đến những cảm xúc của con để có biện pháp khắc phục ngay.
- Không sử dụng ‘mẹo lạ’ để chữa vặn mình cho bé: Có rất nhiều mẹ truyền tai nhau các phương pháp chữa vặn mình cho trẻ như xông hơi, chườm nóng, đắp lá… tuy nhiên, việc sử dụng bất kỳ một biện pháp dân gian nào khi chưa có sự kiểm định của bác sĩ cũng đều có thể gây ảnh hưởng không tốt đến bé.
Khi thấy những bất thường của trẻ mà mẹ cảm thấy không an tâm để chăm sóc tại nhà thì nên đưa bé đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được các bác sĩ thăm khám và được tư vấn một cách chính xác nhất.
Để giúp con ăn ngon, ngủ yên, cha mẹ nên bổ sung kẽm hợp lý cho con, cùng các vitamin và khoáng chất quan trọng khác như lysine, crom, vitamin nhóm B,… Các chất dinh dưỡng này sẽ giúp con ăn ngon, có hệ miễn dịch tốt, tăng cường đề kháng để ít ốm vặt và ít gặp các vấn đề tiêu hóa.