Vào nhà nghỉ với người yêu, xử lý thế nào khi công an kiểm tra hành chính?

Vào nhà nghỉ với bạn gái bị công an kiểm tra phải làm gì? Khi bị kiểm tra có thể bị công an nhầm lẫn với hành vi mua bán dâm. Vậy cách xử lý như thế nào?

Tôi cùng bạn gái đi vào nhà nghỉ và hai người tự nguyện. Đúng lúc đó thì công an vào kiểm tra và bắt giữ 1 nhóm có hành vi mua bán dâm. Chúng tôi phải chứng minh như thế nào là chúng tôi không có hành vi mua bán dâm?

Độc giả: Anh Huy (anhhuydatcang89@…)

Căn cứ pháp lý:

– Bộ luật Dân sự 2005

– Bộ luật Hình sự

– Pháp lệnh phòng, chống mại dâm 2003

– Nghị định 167/2013/NĐ-CP

– Thông tư 33/2010/TT-BCA

Điều 46 Bộ luật Dân sự 2005 đều quy định về quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của cá nhân, việc vào chỗ ở của một người phải được người đó đồng ý. Trong trường hợp pháp luật có quy định và phải có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mới được tiến hành khám xét chỗ ở của một người. Việc khám xét phải theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định.

Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 8 Thông tư 33/2010/TT-BCA ngày 5/10/2010 của Chính phủ quy định cụ thể điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, cơ quan công an có thẩm quyền trong quá trình quản lý phải thực hiện “kiểm tra người và phương tiện tại địa điểm kinh doanh liên quan đến hoạt động của cơ sở khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật”. Theo đó, khi xét thấy có dấu hiệu vi phạm pháp luật, cơ quan công an có thẩm quyền có quyền kiểm tra hành chính người và phương tiện tại địa điểm kinh doanh liên quan đến hoạt động của cơ sở.

Như vậy, cơ quan công an có thẩm quyền có quyền kiểm tra khách thuê phòng khi xét thấy có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong hoạt động cho thuê lưu trú của nhà nghỉ, khách sạn. Theo đó, khách thuê phòng có nghĩa vụ hợp tác với cơ quan công an có thẩm quyền khi bị khám xét. Việc khám xét người và khám xét chỗ ở được thực hiện theo quy định tại Điều 127 và 129 Luật xử lý vi phạm hành chính. Người bị khám xét có quyền khiếu nại hành vi hành chính của cơ quan khám xét nếu việc khám xét không đúng thẩm quyền, trình tự và thủ tục khám xét.

Trường hợp khách thuê phòng bất hợp tác hoặc có hành vi chống đối cơ quan công an có thẩm quyền khám xét thì tùy theo tính chất, mức độ và hậu quả xảy ra, người thực hiện hành vi chống đối có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo quy định tại khoản 3 Điều 20 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội…, người có hành vi “dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực để chống người thi hành công vụ” có thể bị phạt tiền từ 3.000.000 đến 5.000.000 đồng. Căn cứ điều 257 Bộ luật Hình sự, “người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ …” có thể bị phạt tù đến 7 năm.

Ngoài ra Điểm e Khoản 2 Điều 6 Thông tư 33/2010/TT-BCA quy định về điều kiện an ninh – trật tự đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện quy định về cho thuê lưu trú:

– Có nội quy của cơ sở kinh doanh lưu trú niêm yết tại nơi dễ thấy.

– Phải ghi đầy đủ các thông tin của khách lưu trú vào sổ trước khi khách vào phòng nghỉ và thông báo lưu trú với cơ quan Công an xã, phường, thị trấn sở tại trước 23 giờ trong ngày. Nếu khách đến lưu trú sau 23 giờ thì vào sổ và thông báo cho cơ quan Công an vào trước 8 giờ sáng ngày hôm sau (kể cả khách nghỉ theo giờ). Trường hợp có nghi vấn liên quan đến an ninh, trật tự phải báo cáo ngay cho Công an xã, phường, thị trấn.

– Cơ sở kinh doanh nếu thông báo lưu trú cho cơ quan Công an qua mạng Internet thì phải lưu trữ đầy đủ thông tin về khách đã lưu trú tại cơ sở để phục vụ công tác quản lý.

– Người đến lưu trú có trách nhiệm xuất trình một trong các loại giấy tờ sau: Chứng minh nhân dân; Hộ chiếu; các loại giấy tờ có dán ảnh do các cơ quan quản lý Nhà nước Việt Nam cấp; giấy xác nhận cử đi công tác của cơ quan, tổ chức; xác nhận của cơ quan đến liên hệ công tác; xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú.

Trường hợp khách đến lưu trú không có các loại giấy tờ trên thì khi cho khách vào lưu trú, chủ cơ sở phải thông báo ngay cho cơ quan Công an phường, xã, thị trấn.

– Người đến thăm khách lưu trú tại phòng nghỉ phải xuất trình giấy tờ tùy thân tại quầy lễ tân, cơ sở phải có sổ theo dõi và ghi rõ, đầy đủ các thông tin có liên quan.

– Nghiêm cấm việc sử dụng cơ sở làm nơi chứa cấp tội phạm, sử dụng, tàng trữ, mua bán các chất ma túy, đánh bạc, chứa chấp, môi giới mại dâm và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Như vậy, khi đến nghỉ tại nhà nghỉ, khách sạn, người đến nghỉ phải tuyệt đối tuân thủ quy định trên đây, trong đó có quy định phải xuất trình chứng minh nhân dân hoặc các giấy tờ tùy thân khác.

vao nha nghi voi nguoi yeu xu ly the nao khi cong an kiem tra hanh chinh

Ảnh minh họa – Nguồn: Báo Nghệ An

Xác định hành vi mua bán dâm

Điều 3 Pháp lệnh phòng, chống mại dâm 2003:

1. Bán dâm là hành vi giao cấu của một người với người khác để được trả tiền hoặc lợi ích vật chất khác.

2. Mua dâm là hành vi của người dùng tiền hoặc lợi ích vật chất khác trả cho người bán dâm để được giao cấu.

Như vậy, để xác định có hành vi mua bán dâm hay không, cơ quan chức năng phải áp dụng các biện pháp nghiệp vụ cần thiết để điều tra.

Dựa trên các yếu tố về thông tin cá nhân người bị kiểm tra đã từng có tiền án tiền sự về hành vi này hay chưa? Người này có những dấu hiệu như thế nào? Mục đích của việc ở chung với nhau đó để làm gì?

Người bán dâm, tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính bằng hình thức cảnh cáo hoặc phạt tiền theo quy định tại Điều 23 Nghị định 167/2013/NĐ-CP:

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi bán dâm.

2. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng trong trường hợp bán dâm cho nhiều người cùng một lúc.

3. Người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này, thì tùy theo mức độ vi phạm có thể bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất khỏi nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Theo đó, người có hành vi bán dâm có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 500.000 đồng, bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc đưa vào cơ sở chữa bệnh.

Người bán dâm là người nước ngoài thì tuỳ theo tính chất mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính bằng hình thức cảnh cáo, phạt tiền, trục xuất.

Do bạn thông tin bạn cũng cấp không đầy đủ, do đó bạn vẫn có thể bị xử lý khi xảy ra những trường hợp sau:

– Người bạn gái đó chưa đủ 13 tuổi: Theo Khoản 4, Điều 112, Bộ Luật hình sự 2009 sửa đổi, bổ sung quy định: Mọi trường hợp giao cấu với trẻ em chưa đủ 13 tuổi là phạm tội hiếp dâm trẻ em và người phạm tội bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình. Như vậy, dù người bạn gái có thuận tình thì người bạn trai kia vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hiếp dâm trẻ em. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

– Người bạn gái từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi: Theo Khoản 1, Điều 115, Bộ Luật hình sự 2009 sửa đổi, bổ sung quy định: Người nào đã thành niên mà giao cấu với trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm. Như vậy, người bạn trai sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giao cấu với trẻ em . Tùy vào tính chất, mức độ vi phạm mà áp dụng khung hình phạt phù hợp, từ một năm đến mười lăm năm.

Luật gia Đồng Xuân Thuận