Vai trò của môi trường đối với con người | Hội Nông dân tỉnh Bến Tre

1. Vai trò của môi trường đối với con người

Môi trường là tất cả mọi thứ tồn tại xung quanh, là nơi chúng ta sinh sống hàng ngày, là không gian để sinh tồn của rất nhiều loài động vật, thực vật. Tuy nhiên hiện nay, ô nhiễm môi trường đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến điều kiện sống của chúng ta, tình trạng gia tăng dịch bệnh, cạn kiệt nguồn tài nguyên, nhiều loài động, thực vật đứng trước nguy cơ tuyệt chủng… đe dọa sự tồn vong của con người. Điều đó thể hiện rõ nhất trong năm 2020, khi mà xâm nhập mặn diễn ra nghiêm trọng tại các tỉnh miền Tây Nam bộ trong đó có Bến Tre, hay nắng nóng gay gắt kéo dài ở nhiều tỉnh miền Trung, Tây Nguyên… đã gây thiệt hại lớn về kinh tế và ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân.

Do đó, bảo vệ môi trường chính là bảo vệ sự sống của chúng ta và hơn bao giờ hết đã trở thành nhiệm vụ cấp bách của toàn xã hội. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành hàng loạt các văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường nhằm xử lý, răn đe những cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Tại Bến Tre, theo thống kê, trong năm 2019 và 6 tháng đầu năm 2020, cơ quan chức năng đã phát hiện, xử phạt 08 trường hợp vi phạm pháp luật trên lĩnh vực môi trường với số tiền 919.800.000 đồng, chủ yếu là các hành vi vi phạm về quản lý, xử lý chất thải nguy hại; xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật. Mặc dù các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường nhưng tình trạng ô nhiễm môi trường hiện nay vẫn còn diễn biến phức tạp.

Đ/c Võ Văn Chiến, Phó Chủ tịch HND tỉnh tham gia trồng cây hưởng ứng Ngày môi trường thế giới 5/6 ( người bên trái)

2. Nguyên nhân, hậu quả của ô nhiễm môi trường

Có rất nhiều nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường, nhưng chủ yếu là do ý thức chấp hành pháp luật chưa tốt của chúng ta, cụ thể:

– Đốt rác, vứt rác bừa bãi: Hầu hết những người thực hiện hành vi này đều không nghĩ tới hậu quả xảy ra hoặc không ý thức được việc mình làm là vô cùng nghiêm trọng. Tình trạng vứt rác bừa bãi xảy ra ở bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu, từ thứ nhỏ như đầu lọc thuốc lá, vỏ bánh, kẹo… cho đến những túi rác lớn, bé. Đặc biệt, hành vi này còn xảy ra ngay cả trên những con phố lớn, vỉa hè, hay thậm chí là tại các địa điểm cách thùng rác công cộng chỉ vài bước chân. Riêng tình trạng đốt rác thải đã xảy ra phổ biến ở khu vực nông thôn từ nhiều năm nay, khi mọi người có thói quen gom rác lại đốt ở góc vườn hay tiện tay vứt những chiếc túi nilong hoặc các vật dụng bằng nhựa đã bỏ đi vào bếp đang đun nấu. Việc đốt rác thải làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới không khí và trước mắt là ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của người đang đốt khi hít phải khói, bụi, khí độc từ đám cháy tỏa ra.

– Chặt phá rừng: Tình trạng chặt phá rừng đã và đang diễn ra hàng ngày, chỉ vì lợi ích cá nhân trước mắt mà con người bất chấp tất cả, sẵn sàng tàn phá rừng bừa bãi, dẫn đến sạt lở, xói mòn đất, đe dọa nghiêm trọng hệ sinh thái rừng do các loài động vật mất nơi cư trú, thiếu thức ăn, một số loài đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Ngoài ra, tình trạng chặt phá rừng bừa bãi còn gây nên các hiện tượng biến đổi khí hậu như: hạn hán, lũ lụt, mưa đá…

– Lạm dụng thuốc trừ sâu và phân bón hóa học: Thuốc trừ sâu và phân bón hóa học được người nông dân sử dụng vào việc canh tác đất nông nghiệp, tuy nhiên việc sử dụng không đúng cách cũng là một trong các tác nhân tàn phá môi trường. Thuốc trừ sâu và phân bón còn tồn đọng sẽ trôi theo nước mưa hoặc nước tưới, ngấm xuống gây ô nhiễm môi trường đất và nước; đồng thời, người tiếp xúc thường xuyên với chất này trong quá trình canh tác cũng ảnh hưởng xấu tới sức khỏe.

– Rác thải, nước thải sinh hoạt, nước thải chăn nuôi: Tình trạng rác thải sinh hoạt được chất thành đống, nước thải chưa qua xử lý được xả trực tiếp ra sông ngòi, kênh rạch… xảy ra khá phổ biến, không chỉ ở vùng nông thôn mà ngay cả tại các khu đô thị. Lâu ngày số rác thải này phân hủy sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng không khí và nước tại chính khu vực đó và các vùng lân cận. Riêng nước thải tại các hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm nhỏ lẻ lén lút xả trực tiếp ra môi trường sẽ làm mất mỹ quan, gây ô nhiễm và tạo điều kiện cho các vi khuẩn sinh sôi, phát triển.

– Khai thác tài nguyên quá mức: Việt Nam có nguồn tài nguyên đa dạng và phong phú. Song việc khai thác quá mức khiến tài nguyên bị cạn kiệt, dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng như: Động đất, sạt lở đất, đặc biệt là sự thay đổi kết cấu lòng đất gây ra thiên tai, biến đổi khí hậu… Riêng tại Bến Tre, trong thời gian qua vẫn còn xảy ra tình trạng khai thác cát lòng sông quá mức dẫn đến nguồn tài nguyên khoáng sản ngày càng bị cạn kiệt, gây sạt lở đất nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân, làm phức tạp tình hình an ninh, trật tự.

– Chất thải công nghiệp: Các khu công nghiệp hình thành là xu thế tất yếu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, ngoài việc thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển thì các khu công nghiệp đã làm thu hẹp diện tích đất canh tác và phát sinh các loại chất thải gây ô nhiễm môi trường. Hiện nay, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bến Tre có đầu tư xây dựng các công trình bảo vệ môi trường nên đã giảm thiểu việc phát tán bụi và chất thải ra môi trường.

– Khí thải từ phương tiện giao thông: Là một trong những nguyên nhân dẫn đến môi trường ô nhiễm nghiêm trọng như hiện nay. Lượng khí thải từ các phương tiện giao thông ngày một gia tăng, đặc biệt là ở các thành phố lớn, gây hại rất nhiều cho sức khỏe con người, nhất là bệnh phổi. Trong đó, bụi mịn là yếu tố gây ô nhiễm nhất vì nó tồn tại khá lâu trong không khí và phát tán rất xa. Do kích thước rất nhỏ, nếu xâm nhập sâu vào phổi hoặc máu, bụi mịn sẽ gây nên các bệnh hô hấp, vô sinh… Ô nhiễm không khí còn khiến con người bị chóng mặt, đau đầu, bệnh tim mạch.

– Dùng quá nhiều đồ nhựa, túi nilong: Lượng rác thải nhựa, túi nilong thải ra môi trường ngày càng lớn, trong khi việc quản lý, thu gom, xử lý chưa hiệu quả, nên hiện tượng đốt rác thải nhựa, túi nilong ngoài môi trường sẽ tạo ra nhiều loại khí độc, trong đó có dioxin và furan là những chất cực độc, có khả năng gây khó thở, ảnh hưởng tới tuyến nội tiết, giảm khả năng miễn dịch, rối loạn chức năng tiêu hóa… Đặc biệt, người phơi nhiễm thường xuyên các chất này thì nguy cơ mắc bệnh ung thư rất cao. Ngoài ra, theo các nhà khoa học, phải mất từ 500 đến 1.000 năm túi nilong mới bị phân hủy trong môi trường tự nhiên. Việc vứt rác thải nhựa, túi nilong ở khắp nơi còn là điều kiện cho các loại dịch bệnh sinh sôi và phát triển.

3. Những việc cần làm để bảo vệ môi trường

Bảo vệ môi trường trước hết phải bắt đầu từ mỗi chúng ta và từng hộ gia đình. Chỉ khi từng cá nhân đều có ý thức và hành động bảo vệ môi trường thì các tác nhân gây ô nhiễm mới được giải quyết tốt hơn. Do đó, ngay từ bây giờ, mỗi cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường, hộ gia đình và từng cá nhân cần chung tay thực hiện những việc sau:

– Tuyệt đối không vứt rác bừa bãi ra đường phố, vỉa hè mà hãy thu gom rác thải sinh hoạt đến đúng nơi quy định, phân loại rác thải tại nguồn, tập kết tại các điểm để rác, chôn lấp chất thải hữu cơ để các vi sinh vật phân hủy trả lại chất dinh dưỡng cho đất; không đổ dầu mỡ, chất béo xuống bồn rửa chén, thay vào đó hãy đổ chúng vào bình thu gom và loại bỏ như chất thải rắn; hạn chế tối đa sử dụng chất tẩy rửa hóa học, giảm sử dụng thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu và phân bón trong nông nghiệp, thay vào đó hãy sử dụng các loại sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên và tận dụng hiệu quả quy luật đấu tranh sinh tồn giữa các loài trong tự nhiên để kiểm soát địch hại; không vứt rác, xác động vật xuống ao, hồ, sông, suối… sẽ có ý nghĩa rất lớn, góp phần giữ gìn môi trường, cảnh quan khu dân cư xanh, sạch, đẹp.

– Sử dụng tiết kiệm nguồn tài nguyên, khuyến khích sử dụng các thiết bị điện tiết kiệm bằng năng lượng; trong sinh hoạt hàng ngày, ưu tiên lựa chọn các thiết bị hoặc đồ dùng có thể tái chế, hạn chế tối đa việc sử dụng đồ nhựa như cốc nhựa, hộp nhựa, ống hút nhựa và túi nilong nhằm giảm lượng rác thải ra môi trường… Các cơ quan, nhà máy, xí nghiệp, trường học cần có hệ thống xử lý nước thải trước khi xả ra môi trường; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để giúp mọi người nhận thức được hậu quả, tác hại của việc làm ảnh hưởng xấu đến môi trường sống; tổ chức các hoạt động cộng đồng để kêu gọi mọi người bảo vệ môi trường, qua đó biểu dương những tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong bảo vệ môi trường, đồng thời, phê phán, lên án những hành vi chưa tốt.

– Trồng và chăm sóc nhiều cây xanh tại gia đình cũng như cơ quan và nơi công cộng để tăng khả năng hấp thụ các loại khí độc hại, giảm thiểu xói mòn đất, cũng như ngăn chặn các hóa chất chảy vào nguồn nước. Chung tay phục hồi rừng và thảm thực vật, bảo vệ an toàn các loài động vật, thực vật, nhất là những loài quý hiếm, đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

– Tích cực sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, ưu tiên các phương tiện tiết kiệm nhiên liệu, sử dụng chung phương tiện trong mọi hoàn cảnh nếu có thể.

– Mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, thanh niên, học sinh hãy tiên phong, đi đầu trong mọi phong trào bảo vệ môi trường, tích cực tham gia các hoạt động có ý nghĩa như: Ngày lễ trồng cây, Ngày môi trường thế giới, Ngày chủ nhật xanh, Ngày chủ nhật nông thôn mới, Giờ trái đất…; đồng thời, tuyên truyền, vận động gia đình, bạn bè, người thân cùng tham gia thực hiện.

Tóm lại, hãy đối xử tốt với thiên nhiên, sống thân thiện với môi trường, chúng ta sẽ tận hưởng những phút giây thư giản, thoải mái trong bầu không khí trong lành, được thưởng thức những cảnh đẹp từ thiên nhiên. Ngược lại, nếu chỉ biết quyền lợi của cá nhân trước mắt mà làm tổn hại đến môi trường thì bản thân ta, con cháu ta sẽ nhận lấy hậu quả thật khó lường.

4. Một số quy định của pháp luật liên quan bảo vệ môi trường

Điều 7, Luật bảo vệ môi trường năm 2014, quy định những hành vi bị nghiêm cấm:

– Phá hoại, khai thác trái phép nguồn tài nguyên thiên nhiên;

– Khai thác nguồn tài nguyên sinh vật bằng phương tiện, công cụ, phương pháp hủy diệt, không đúng thời vụ và sản lượng theo quy định của pháp luật;

– Khai thác, kinh doanh, tiêu thụ các loài thực vật, động vật hoang dã thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định;

– Vận chuyển, chôn lấp chất độc, chất phóng xạ, chất thải và chất nguy hại khác không đúng quy trình kỹ thuật về bảo vệ môi trường;

– Thải chất thải chưa được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; các chất độc, chất phóng xạ, chất nguy hại khác vào đất, nguồn nước và không khí;

– Đưa vào nguồn nước hóa chất độc hại, chất thải, vi sinh vật chưa được kiểm định và tác nhân độc hại khác đối với con người và sinh vật;

– Thải khói, bụi, khí có chất hoặc mùi độc hại vào không khí; phát tán bức xạ, phóng xạ, các chất ion hóa vượt quá quy chuẩn kỹ thuật môi trường;

– Gây tiếng ồn, độ rung vượt quá quy chuẩn kỹ thuật môi trường;

– Nhập khẩu, quá cảnh chất thải từ nước ngoài dưới mọi hình thức;

– Nhập khẩu, quá cảnh động vật, thực vật chưa qua kiểm dịch; vi sinh vật ngoài danh mục cho phép;

– Sản xuất, kinh doanh sản phẩm gây nguy hại cho con người, sinh vật và hệ sinh thái; sản xuất, sử dụng nguyên liệu, vật liệu xây dựng chứa yếu tố độc hại vượt quá quy chuẩn kỹ thuật môi trường;

– Phá hoại, xâm chiếm trái phép di sản thiên nhiên, khu bảo tồn thiên nhiên;

– Xâm hại công trình, thiết bị, phương tiện phục vụ hoạt động bảo vệ môi trường;

– Hoạt động trái phép, sinh sống ở khu vực được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định là khu vực cấm do mức độ đặc biệt nguy hiểm về môi trường đối với con người;

– Che giấu hành vi hủy hoại môi trường, cản trở hoạt động bảo vệ môi trường, làm sai lệch thông tin dẫn đến gây hậu quả xấu đối với môi trường;

– Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, vượt quá quyền hạn hoặc thiếu trách nhiệm của người có thẩm quyền để làm trái quy định về quản lý môi trường.

Điều 68, Luật bảo vệ môi trường 2014, tại Khoản 1, quy định các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường như sau:

– Thu gom, xử lý nước thải bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật môi trường;

– Thu gom, phân loại, lưu giữ, xử lý, thải bỏ chất thải rắn theo quy định của pháp luật;

– Giảm thiểu, thu gom, xử lý bụi, khí thải theo quy định của pháp luật; bảo đảm không để rò rỉ, phát tán khí độc hại ra môi trường; hạn chế tiếng ồn, độ rung, phát sáng, phát nhiệt gây ảnh hưởng xấu đối với môi trường xung quanh và người lao động;

– Bảo đảm nguồn lực, trang thiết bị đáp ứng khả năng phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường;

– Xây dựng và thực hiện phương án bảo vệ môi trường.

Điều 20, Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, từ khoản 1 đến khoản 6 quy định xử phạt một số hành vi vi phạm như sau:

1. Hành vi thu gom, thải rác thải sinh hoạt trái quy định về bảo vệ môi trường bị xử phạt như sau:

a) Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ đầu, mẩu và tàn thuốc lá không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng;

b) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng;

c) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng, trừ vi phạm quy định tại điểm d khoản này;

d) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt trong khu vực đô thị.

2. Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi điều khiển phương tiện vận chuyển nguyên liệu, vật liệu, hàng hóa không che chắn hoặc để rơi vãi ra môi trường trong khi tham gia giao thông.

3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi không sử dụng thiết bị, phương tiện chuyên dụng trong quá trình vận chuyển nguyên liệu, vật liệu, hàng hóa làm rò rỉ, phát tán ra môi trường.

4. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không phân loại, không lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt theo quy định; không ký hợp đồng hoặc không chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt cho đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định.

5. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi không phân loại, không lưu giữ chất thải rắn công nghiệp thông thường theo quy định; không ký hợp đồng hoặc không chuyển giao chất thải rắn công nghiệp thông thường cho đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định; không báo cáo định kỳ về tình hình phát sinh, quản lý chất thải rắn công nghiệp thông thường cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định.

6. Hành vi vi phạm trong hoạt động thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn công nghiệp thông thường bị xử phạt như sau:

a) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không có báo cáo định kỳ hàng năm về tình hình thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn công nghiệp thông thường gửi cơ quan chức năng theo quy định;

b) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn công nghiệp thông thường không đến điểm tập kết, trạm trung chuyển và cơ sở xử lý chất thải theo quy định;

c) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi không bố trí các thiết bị lưu chứa phù hợp để thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt hoặc chất thải rắn công nghiệp thông thường theo quy định;

d) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng các phương tiện, thiết bị vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật quy định; bố trí thiết bị lưu chứa, khu vực lưu giữ tạm thời hoặc trạm trung chuyển, phương tiện vận chuyển chất thải rắn công nghiệp thông thường không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và quy trình quản lý theo quy định; để rơi vãi chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường trong quá trình vận chuyển.