Tôi nấu 1 nồi chè đỗ đen bằng nồi ủ, hết hẳn 203 đồng tiền điện
Chào các bạn. Tôi dùng nồi ủ đã được 18 năm, và mặc dù thấy nó giúp tiết kiệm thời gian, công sức cũng như năng lượng khi chế biến món ăn nhưng chưa bao giờ tôi “đo đạc” để kiểm chứng bằng số liệu.
Từ trái qua phải: nồi ủ, nồi chiên không dầu và bếp từ
Sẵn tiện gần đây tôi mới sắm một cái đồng hồ đo điện năng tiêu thụ khá hay nên hôm nay chúng ta sẽ cùng kiểm tra xem: Đun một nồi chè đỗ đen bằng nồi ủ trên bếp từ tốn bao nhiêu thời gian và tiền điện. Các bạn hãy xem thêm cả video ở cuối bài để thấy được đầy đủ và liền mạch hơn nhé!
Sơ đồ thử nghiệm
Chiếc đồng hồ đo điện sẽ được cắm trực tiếp vào ổ điện, còn bếp từ cắm vào đồng hồ đo điện.
Dùng đồng hồ đo điện năng tiêu thụ
Trên đồng hồ đo có hiển thị thời gian và lượng điện năng tiêu thụ theo thời gian thực (tính bằng kW). Chỉ khi nào có thiết bị ăn dòng, tức là bếp từ bắt đầu sinh công suất thì đồng hồ chỉ thời gian mới bắt đầu nhảy số.
Tiến hành
Ngay khi cắm bếp từ vào ổ điện thì đồng hồ đã báo công suất tiêu thụ 0,9 W (rất nhỏ, chưa tới 1W điện) bởi vì lúc này đèn LED báo nhiệt độ trên bếp từ đang sáng chữ L (Low).
0,9 W là công suất tiêu thụ của đèn LED chỉ nhiệt độ
Mặc định bếp này cứ cấp nguồn là sẽ sáng đèn LED chỉ nhiệt độ. Do công suất tiêu thụ quá thấp nên đồng hồ chỉ thời gian không nhảy.
Sau khi đã vo đỗ đen thì tiến hành cho đỗ vào phần nồi nấu của nồi ủ, thêm nước vừa ăn, đậy nắp và cho lên bếp.
22 giờ 11 phút ngày 01/10/2021:
Bật bếp từ ở mức 10/12, ngay lập tức đồng hồ bắt đầu tính thời gian và báo công suất tiêu thụ dao động quanh mức 1380-1390W theo thời gian thực.
Sau 2 phút 30 giây, công suất tiêu thụ của bếp từ giảm xuống một chút quanh khoảng 1360W, điện năng tiêu thụ khoảng 0,056 KWh – tức là 0,056 số điện.
Sau 3 phút 20 giây, điện năng tiêu thụ khoảng 0,07 KWh. Nước bắt đầu bốc hơi và chuẩn bị sôi.
Đồng hồ chỉ 4 phút 27 giây thì điện năng tiêu thụ là 0,1 KWh, tức là 0,1 (một phần mười) số điện.
Nồi đỗ đen đã sôi sùng sục.
Với các bạn thuê trọ bị tính tiền điện 5000 đồng/số thì lúc này đã tốn 500 đồng tiền điện rồi.
Tắt bếp lúc 5 phút 21 giây để chuyển nồi nấu vào lồng ủ.
Lúc này chỉ có duy nhất quạt gió hoạt động để làm mát mặt kính. Đèn LED báo nhiệt độ đang hiện chữ H (High).
Công suất tiêu thụ của bếp đã giảm đi rất nhiều, chỉ còn 4,5 W nuôi quạt và đèn LED.
Từ thời điểm này trở đi nồi chè đỗ đen không tiêu tốn một chút năng lượng nào nữa. Đỗ sẽ được nấu chín thêm và từ từ bằng lượng nhiệt tích trữ. Môi trường chân không của nồi ủ sẽ giúp giữ nóng và giảm tốc độ tiêu tán nhiệt năng.
Sau 6 phút 24 giây, quạt tắt và đồng hồ cũng ngừng tính thời gian. Như vậy, sau khi tắt bếp thì quạt gió còn chạy thêm gần 1 phút nữa. Tổng điện năng tiêu thụ từ khi bật bếp đến khi bếp tắt là 0,121 KWh, hay 0,121 số điện.
Sáng hôm sau, lúc 06 giờ 41 phút ngày 02/10/2021, tức là sau khoảng 8 tiếng 30 phút, tôi tiến hành mở nắp nồi ủ.
Khói bốc nghi ngút vì vẫn còn nóng
Như các bạn thấy, khói vẫn bốc lên nghi ngút. Dùng đũa gắp một hạt đỗ đen ra xem thì thấy đã nhừ tơi.
Hạt đỗ đen đã bở tơi
Xúc một muôi đầy – mùi vị thơm ngon mà nấu siêu nhàn
Cách tính tiền điện
Tiền điện được tính theo công thức:
Công suất tiêu thụ (kW) * thời gian (giờ) * giá tiền (đồng/kW),
trong đó, Công suất tiêu thụ (kW) * thời gian (giờ) = điện năng tiêu thụ (KWh)
Với giá điện sinh hoạt 2021 là:
Bậc 1: Từ 0-50kWh: 1678 đồng/kWh
Bậc 2: Từ 51 – 100 kWh: 1734 đồng/kWh
Bậc 3: Từ 101 – 200 kWh: 2014 đồng/kWh
Bậc 4: Từ 201 – 300 kWh: 2536 đồng/kWh
Bậc 5: Từ 301 – 400 kWh: 2834 đồng/kWh
Bậc 6: Từ 401 kWh trở lên: 2927 đồng/kWh
Tức là nếu tiêu thụ 1 kW liên tục trong 1 giờ thì sẽ là 1 số điện, và số tiền phải trả tính theo bậc 1 là: 1*1678=1678 đồng. (bằng chữ: Một nghìn sáu trăm bảy mươi tám đồng)
Ở đây, bếp từ đã tiêu thụ lượng điện là 0,121 KWh, hay 0,121 số điện. Từ công thức trên ta tính được số tiền phải trả là 0,121 * 1678 = 203.038 đồng (bằng chữ: Hai trăm lẻ ba phẩy không trăm ba mươi tám đồng), hay nhỉnh hơn 200 đồng một chút xíu.
Trong trường hợp các bạn ở nhà trọ bị tính 5000 đồng/số điện thì số tiền phải trả sẽ là 0,121 * 5000 = 605 đồng (bằng chữ: Sáu trăm lẻ năm đồng)
Nếu không sử dụng nồi ủ thì chắc chắn các bạn sẽ phải đun nồi chè này trên bếp (gas/từ/hồng ngoại…) trong thời gian lâu hơn, như vậy đồng nghĩa với việc tiêu thụ điện năng nhiều hơn, và do đó tốn nhiều tiền hơn.
Nấu chè đỗ đen bằng nồi ủ – chỉ mất 5 phút và 200 đồng tiền điện
Tổng kết
Như vậy, chỉ với 5 phút 21 giây đun trên bếp, tiêu thụ 0,121 số điện, tương đương 203 đồng (hoặc 605 đồng) tiền điện chúng ta đã có một nồi chè đỗ đen nhừ bung. Chính tôi cũng bất ngờ khi thấy số liệu này, bởi xưa nay chưa từng để ý. Tôi có thể mạnh dạn nói rằng: chiếc nồi ủ thần thánh giá 4 triệu đồng mua cách đây 18 năm đã giúp tôi tiết kiệm rất nhiều thời gian, công sức và cả tiền bạc.
Trước đây tôi đã từng nói số tiền điện, tiền gas tôi được lợi từ cái nồi ủ này suốt 18 năm qua đủ để mua một cái ô tô, giờ các bạn đã tin tôi chưa?