Tai tiếng như cá hoàng đế
Được biết, cá hoàng đế có nguồn gốc từ vùng Amazon, Nam Mỹ. Khoảng từ năm 1990, dân ta đã nhập giống cá này với mục đích nuôi kiểng và kinh doanh.
Từ năm 1995 – 1996, một số ngư dân ở gần hồ Trị An, Đồng Nai mang những cặp cá hoàng đế giống về đây nuôi và cho sinh sản để bán lại cho những người nuôi cá cảnh.
Trong quá trình nuôi, họ đã vô tình làm sẩy một số con vào lòng hồ. Nào ngờ, chuyện này lại là mầm mống cho một tai họa khôn lường về sau: xáo trộn và mai một hệ sinh thái nước ngọt đặc hữu tại đây.
Đẹp ác!
Như đã nói, cá hoàng đế có một lớp vảy vàng óng ánh, điểm những chấm đen trông rất đẹp mắt và sang trọng. Tuy nhiên, đây là giống cá ăn thịt, tạp ăn và rất hung dữ.
Các nhà khoa học khuyến cáo, khi đói, cá sẽ ăn “bất cứ thứ gì” nó bắt gặp. Đồng thời, cá lại mau lớn, tốc độ sinh sản rất nhanh, mỗi lần cá cái đẻ từ 2.000 – 3.000 trứng.
Theo ông Phùng Mỹ Trung, người điều hành trang web Sinh vật rừng Việt Nam (www.vncreatures.net), tháng 11.2006, tại hồ Trị An, cá hoàng đế bắt được có kích thước 10 – 14cm, đến tháng 6.2007, cá bắt được lớn nhất nặng 0,83kg/con, dài khoảng 18 – 20cm. Và hiện nay, tại chợ đầu mối Bình Điền (TP.HCM) thường bán những con cá hoàng đế tươi rói, lớn nhất cỡ khoảng 1,4kg/con.
Ngon ghê!
Vài năm gần đây, nhiều người sành ăn ở Đồng Nai thích tìm mua cá hoàng đế. Gần năm nay, cá hoàng đế đã “chạy” lên một số chợ ở TP.HCM như chợ Cây Điệp (Q.Bình Thạnh), chợ đầu mối Bình Điền… Và thịt của giống cá vua này đã thuyết phục được những cái lưỡi khó tính.
Anh Nguyễn Xuân Vinh, bếp trưởng quán Hải Hòn Chồng, ở Q.3 (TP.HCM), cùng một số người bạn “mê món lạ” đã thực hiện thành công món canh chua cá hoàng đế. Chất tạo chua là ít nước cốt trái me tươi với những lát khế hườm.
Có ý kiến cho rằng trong tô canh chua Nam Bộ ẩn chứa triết lý âm dương giao hòa quả không sai. Nước cốt me vốn chua hỗn (cương), còn nước ép khế chua dịu (nhu), cả hai cùng bổ trợ cho nhau sẽ tỏa mùi thơm phức khi sôi và vị chua thanh, không gây ê răng, xót ruột cho người ăn.
Trời Sài Gòn dạo này cứ nắng mưa sập sùi, khiến giới công chức văn phòng dễ bị cảm mạo, thiếu nước hoặc Vitamin C. Thế nên, món canh chua cá hoàng đế cũng có thể trở thành món ngon bài thuốc nếu người nấu biết điều tiết độ chua và lượng đường đến mức tối thiểu. Thêm nhiều rau mùi xắt nhỏ như rau om, ngò gai… lúc gần nhắc xuống, để tăng thêm mùi thơm quyến rũ cho canh và liên đới kích thích vị giác cùng suối dịch vị ồ ạt tuôn trào.
Thịt cá ngọt thanh và dịu, sớ cá mềm dẻo lẫn beo béo, thứ chất béo có thể cuốn hút nhiều đôi đũa gắp tới tấp vì nó không gây ngán hoặc ớn cho người ăn.
Mặc dù vậy, khứa cá hoàng đế sẽ trở thành đôi đũa lệch nếu thiếu thức chấm hợp tông, đơn cử như nước mắm ngon hoặc muối ớt.
Ớt làm “điên đảo” nhiều cái lưỡi vẫn là ớt hiểm chim… gieo. Bạn lấy vài trái ớt này dầm ra trong nước mắm nhĩ hoặc giã cùng muối hột Bạc Liêu hay muối hầm miền Trung mới “xứng đôi vừa lứa”.
Giống ớt rất lạ, phải bị “bạo hành” một chút thì lượng tinh dầu mới được giải phóng rồi lan tỏa cùng thức chấm. Thế rồi, những khứa cá hoàng đế thơm ngon sẽ… “thở ra khói” và thăng hoa hương vị.
Rau nấu canh chua cá này cũng thông dụng: bạc hà, khóm, bắp chuối bào, cà chua… Quan trọng là người nấu biết “điều quân” vừa đủ. Để khi thưởng thức, thực khách tinh nhạy sẽ nhận ra sự cân xứng, tương trợ và gắn kết nhuần nhuyễn của rau đậu. Ví như bắp chuối bào giòn, ngọt nhưng hậu chan chát đã có vài lát khóm chua thanh dịu cặp đôi…
Do cá hoàng đế chứa độ đạm khá cao, nên món này bạn ăn nóng sẽ hấp dẫn hơn. Nếu dùng nhâm nhi, thì bạn bày ra như lẩu, canh lửa riu riu. Mới húp nước thôi, đã nghe ngon “quíu… lưỡi”, rồi trán lấm tấm mồ hôi, người sảng khoái lạ.
Tất nhiên, con cá hoàng đế còn “ban” nhiều món ngon khác như đút lò, chiên sả ớt… Có điều kiện, bạn cứ thử xem sao.
Bài, ảnh: Tấn Tới