Rượu ngâm động vật, ngâm nguyên cả con vật có bổ không?

Thùy Linh

  –  

Chủ nhật, 08/01/2023 11:08 (GMT+7)

Ngày Tết, bà con thường biếu nhau rượu ngâm. Trong đó phổ biến là các loại rượu ngâm các loại rễ cây, các loại củ, thậm chí là ngâm các loại động vật.

Rượu ngâm động vật, ngâm nguyên cả con vật có bổ không?
Rượu ngâm động vật hoang dã, vừa vi phạm quy định của pháp luật, vừa có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe. Ảnh: Lam Anh

Nguy cơ nhiễm các vi khuẩn và kí sinh trùng vào cơ thể

Vậy uống rượu ngâm động vật, rượu ngâm rễ củ có thực sự có tác dụng không? Rượu ngâm nguyên cả lông con vật có bổ không?

Trả lời về vấn đề này, TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện Trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho hay, rượu ngâm thuốc bao gồm 2 loại: Ngâm dược liệu và ngâm động vật. Các loại động vật hay được ngâm phổ biến là rắn, tắc kè, bìm bịp, hải mã, lộc nhung. Các loại thảo mộc thường được dùng như sâm linh chi, đinh lăng, cúc hoa, các loại sâm, hà thủ ô, chuối chát.

Theo thống kê của Bộ Y tế, nguyên nhân các vụ ngộ độc từ rượu trắng không rõ nguồn gốc, xuất xứ chiếm khoảng 42%; rượu ngâm cây “thuốc” chiếm khoảng 36%; rượu ngâm động vật và phủ tạng, như: Ong đất, tắc kè, mật động vật các loại… khoảng 10%… Đây là một lời cảnh báo cho những người có sở thích uống rượu ngâm không rõ nguồn gốc.

Trong y học cổ truyền, nhiều loại rễ, củ cây rừng có tác dụng chữa bệnh rất tốt khi được sử dụng bởi người có kiến thức chuyên môn và sử dụng đúng liều lượng, đúng cách.

Tuy nhiên, nếu không biết thật rõ tác dụng của từng loại rễ cây, củ cây rừng hoặc thậm chí động vật người dân tuyệt đối không được dùng để ngâm rượu uống, hoặc chế biến làm thực phẩm.

Vì nếu sử dụng không cách hoặc đúng liều lượng, có thể gây độc đối với thần kinh, tim mạch, hô hấp thậm chí còn nguy hiểm đến tính mạng.

Trên thực tế, nhiều gia đình ngâm rượu bìm bịp còn nguyên con, nguyên lông, điều này rất nguy hiểm. Với các loại động vật ăn thịt sống như rắn chuột, nhái, ếch, thì trong lông và bụng con vật này đều chứa nhiều ký sinh trùng.

Dùng những động vật này để ngâm rượu nguyên lông nguyên cánh sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm các vi khuẩn và kí sinh trùng vào cơ thể.

Hình ảnh rượu ngâm bàn chân gấu được ghi nhận trong quá trình điều tra về các vi phạm động vật hoang dã. Ảnh: Lam AnhHình ảnh rượu ngâm bàn chân gấu được ghi nhận trong quá trình điều tra về các vi phạm động vật hoang dã. Ảnh: Lam AnhTác dụng chưa được kiểm chứng, không có căn cứ khoa học

Đồng quan điểm này, Ths.BS Phạm Minh Ngọc – Chuyên khoa Nam học, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cho biết: Hiện nay, nhiều người thường có thói quen dùng rượu ngâm có nguồn gốc từ động vật với mong muốn điều trị bệnh tật hoặc bồi bổ sinh lực cho cơ thể như: tắc kè, rắn, cá ngựa, bìm bịp, hải mã, hải sâm…

Tuy nhiên, theo bác sĩ, hiệu quả trong việc tăng cường sinh lý, bản lĩnh đàn ông của các loại rượu ngâm có nguồn gốc động vật vẫn chưa được kiểm chứng và chưa có nghiên cứu khoa học chứng minh. 

“Lợi ích của các loại rượu ngâm động vật vẫn chưa thấy rõ nhưng trước mắt việc sử dụng rượu đã đem lại nhiều nguy cơ. Rượu thuốc nếu uống tùy tiện sẽ gây ra ngộ độc, dẫn đến viêm gan, vàng da, suy thận, tăng huyết áp hoặc nhiễm khuẩn đường ruột…” – bác sĩ Ngọc nói. 

Đặc biệt, với các loại rượu ngâm động vật, nồng độ cồn sẽ bị giảm dần theo thời gian nên chất đạm tiết ra từ động vật có thể bị ôi, hư và nhiễm vi sinh vật, vi khuẩn… từ đó làm tăng nguy cơ ngộ độc.

Thậm chí, nhiều người cho rằng ngâm nhiều loại động vật chung với nhau sẽ càng phát huy tác dụng. Điều này là phi khoa học, tiềm ẩn nguy cơ và có thể gây hại cho sức khỏe.

“Người dân tuyệt đối không nên tự ý sưu tầm các loại rễ cây hoặc động vật không rõ nguồn gốc để ngâm rượu” – bác sĩ Ngọc khuyến cáo.