Người dân có được quay video, livestream trong lúc bị CSGT xử lý vi phạm?
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử VOV, Đại tá Nguyễn Quang Nhật – Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát Giao thông (CSGT – Bộ Công an) khẳng định: “Người dân có quyền giám sát lực lượng chức năng khi đang làm nhiệm vụ. Tuy nhiên, chúng ta phải hiểu sự khác nhau giữa giám sát và kiểm soát. Ở đây có thể hiểu giám sát là quan sát, nắm bắt tất cả mọi thứ diễn ra, biểu hiện ra bên ngoài; còn kiểm soát, kiểm tra thì phải là lực lượng chức năng có thẩm quyền thì mới được kiểm tra”.
Có một số tài xế sử dụng điện thoại, ghi hình, phát trực tiếp trên mạng xã hội, hạch sách, có lời lẽ không hay đối với lực lượng CSGT làm nhiệm vụ.
Cụ thể, theo quy định, người dân có quyền được giám sát trực tiếp việc kiểm tra nồng độ cồn của lực lượng chức năng theo quy định của pháp luật. Cụ thể, tại thông tư của Bộ Công an quy định về quy chế dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông quy định về quyền, hình thức, nội dung giám sát của quần chúng nhân dân. Tuy nhiên, việc giám sát của người dân không được cản trở hoạt động của lực lượng thực thi công vụ. Khi có nghi ngờ, người dân có thể gửi khiếu nại.
Đại tá Nguyễn Quang Nhật cho rằng: “Người dân có quyền giám sát, nhưng việc đòi hỏi được xem máy đo nồng độ cồn hay các loại giấy tờ có liên quan… sẽ trở thành việc kiểm tra. Trong trường hợp này người dân có quyền khiếu nại khi cảm thấy máy đo nồng độ cồn hay các loại giấy tờ như chuyên đề công tác, kế hoạch tuần tra… có vấn đề chứ không phải người dân có quyền đòi hỏi được xem ở ngoài đường, việc này sẽ cản trở lực lượng CSGT đang thực thi nhiệm vụ, và đó sẽ trở thành hành động cản trở. Người dân khi có thắc mắc về máy đo nồng độ cồn hay các loại giấy tờ có liên quan của tổ công tác đang làm nhiệm vụ, họ có thể ghi hình lại việc kiểm tra đó. Tuy nhiên, việc này phải đảm bảo trật tự an toàn giao thông và thực hiện ngoài khu vực làm việc của lực lượng CSGT”.
Cùng với đó, theo Đại tá Nguyễn Quang Nhật, người dân có thể trực tiếp tới trụ sở CSGT tại địa phương, đơn vị đó để nắm bắt về thời gian, địa điểm và tổ công tác nào đã kiểm tra mình, máy kiểm tra nồng độ cồn nào đã được sử dụng để đo độ cồn với người đó. Tuy nhiên, đã có một số đối tượng lợi dụng việc giám sát rồi yêu cầu lực lượng chức năng “phải đưa cho tôi xem cái này, phải đưa cho tôi xem cái kia…”, điều đó vô tình trở thành sự đòi hỏi, sự kiểm tra, tạo ra việc chống đối, gây rối mất trật tự công cộng.
Theo đại diện Cục Cảnh sát Giao thông, để đảm bảo thực hiện đúng quy định, quy trình tuần tra đúng quy định của pháp luật, lực lượng chức năng của Bộ Công an, Cục CSGT, Công an các tỉnh, thành phố luôn có những đơn vị kiểm tra, giám sát, xử lý nếu các tổ công tác của lực lượng CSGT vi phạm.
Song song với đó, nếu một số người vi phạm đăng thông tin sai sự thật, lực lượng CSGT có thể xử phạt áp dụng các quy định hiện hành về “vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội; trang thông tin điện tử được thiết lập qua mạng xã hội”; hay quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số, vô tuyến điện (sửa đổi tại Nghị định 14/2022 ngày 27/01/2022).
Theo đó, người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng đối với tổ chức (với cá nhân bằng 1/2 mức phạt tiền của tổ chức) về hành vi lợi dụng mạng xã hội cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vụ khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân. Biện pháp khắc phục hậu quả buộc phải gỡ thông tin sai sự thật.
“Như vậy, trong quá trình tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm, nếu các trường hợp vi phạm, livestream lên mạng xã hội cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật, xuyên tạc, vụ khống, xúc phạm uy tín của tổ CSGT, danh dự, nhân phẩm của cán bộ chiến sỹ đều sẽ bị xử lý”, Đại tá Nguyễn Quang Nhật nhấn mạnh./.