Nghiên cứu mới cho thấy bộ não hoạt động mạnh nhất khi không làm gì cả
Nghiên cứu mới cho thấy bộ não hoạt động mạnh nhất khi không làm gì cả
Khi không làm gì cả không có nghĩa là bộ não của bạn không có ích.
Có nhiều điều bí ẩn mà chúng ta vẫn chưa hiểu hết về bộ não.
Vào năm 1991, một sinh viên tốt nghiệp tại trường Đại học Washington đã vô tình phát hiện ra một bí mật thú vị của bộ não. Anh chàng này đã công bố với tờ The New York Times, dẫn tới những quan điểm thay đổi về bộ não của chúng ta.
Randy Buckner khi đó đang nghiên cứu công nghệ quét PET, một công nghệ mới lúc bấy giờ, để nghiên cứu về cách thức bộ não hoạt động với ngôn ngữ và trí nhớ.
Khi nghiên cứu đến các phần bộ não ít hoạt động, Buckner yêu cầu các tình nguyện viên của mình ngồi trước chiếc máy quét PET và không cần phải làm gì cả. Nhưng kết quả thay vì cho thấy bộ não đang nghỉ ngơi, các bản quét cho thấy một số khu vực có hoạt động tăng lên đáng kể. Những khu vực ít hoạt động giờ lại có hoạt động mạnh hơn cả những khu vực khác của bộ não.
Buckner nói với The Times: “Những gì xảy ra là chúng tôi đưa mọi người vào một chiếc máy đo hoạt động của bộ não, và Mẹ tự nhiên đã hét lại vào mặt chúng tôi”.
Nhiều năm sau, nhà thần kinh học Nancy Andreasen tập trung nghiên cứu vào một lĩnh vực được gọi là trạng thái nghỉ của bộ não. Cô đã đặt ra một khái niệm mới có tên R.E.S.T (suy nghĩ nhanh về những chi tiết trong trạng thái yên lặng). Andreasen phát hiện ra bộ não của chúng ta luôn luôn bận rộn, và hoạt động mạnh hơn khi chúng ta không tập trung vào một công việc nhất định.
Ví dụ như việc bạn có bao giờ nảy ra những ý tưởng hay ho khi đang chuẩn bị đắp chăn đi ngủ? Hay có nhiều lúc bạn tìm ra được cách giải quyết một công việc khó khăn khi đang ngồi trong nhà vệ sinh, đang tắm hay đang lái xe trên đường đi làm về? Đó là lúc bộ não của bạn đang trong chế độ R.E.S.T.
Bạn có thường xuyên nảy ra những ý tưởng hay khi đang tắm?
Andreasen gọi đây là chế độ Default của bộ não. Có nghĩa là khi trí óc của chúng ta được tự do đi lang thang, nó sẽ vô tình đi vào “phần con người và phức tạp nhất” của chính chúng ta. Khi đó, trí óc của chúng ta sẽ du hành về quá khứ để nhớ lại các chi tiết và tới tương lai để đưa ra những giả định. Chúng kết nối những sự kiện có vẻ như không liên quan, tạo ra những luồng suy nghĩ hoàn toàn mới.
Khả năng để cho những suy nghĩ của trí não “du hành thời gian” là đặc điểm chỉ có duy nhất trên con người. Andreasen cho biết ngay cả một số loài linh trưởng gần với con người nhất, cũng chỉ gắn kết với thực tại.
Nhà thần kinh học Nancy Andreasen.
Về mặt cấu tạo bộ não, các hoạt động R.E.S.T xảy ra được là do con người có phần vỏ não hội tụ. Đó là một phần của bộ não cho thấy sự khác biệt rõ rệt nhất giữa con người và các loài linh trưởng khác. Đây cũng là phần cuối cùng của bộ não có thể hoạt động được khi chúng ta trưởng thành, và bộ não phát triển tối đa.
Một thử nghiệm khác tập trung quét vào khu vực này của bộ não khi các tình nguyện viên đang trong trạng thái R.E.S.T. Các nhà nghiên cứu phát hiện thấy rất nhiều hoạt động thần kinh xảy ra ở đây, khi những tình nguyện viên không làm gì cả và chỉ ngồi yên một chỗ.
Vì vậy nếu bạn đang gặp bế tắc, hay hít thở sâu, đi tản bộ hoặc vào nhà vệ sinh ngồi. Những ý tưởng bạn không ngờ tới sẽ ập đến.
Theo Trí thức trẻ