Nghề làm thuê kỳ lạ dịp Tết: Thuê người yêu ra mắt gia đình
Chi chục triệu đồng thuê người yêu về ra mắt gia đình dịp Tết
Dịch vụ cho thuê người yêu xuất hiện ở Việt Nam cách đây nhiều năm và hiện vẫn giữ sức hút, nhất là khi kỳ nghỉ Tết Nguyên đán đang cận kề.
Không ít người vì áp lực từ gia đình, họ hàng, bạn bè mà chấp nhận tìm tới dịch vụ này để có người yêu tạm thời, tránh cảnh mệt mỏi trước những câu hỏi “khi nào cưới”, “bao giờ dẫn bạn trai/gái về ra mắt”,…
Dịch vụ cho thuê người yêu với cách chào mời hấp dẫn: “Bạn cần ra mắt người yêu với gia đình, bạn bè? – Hãy tìm đến dịch vụ cho thuê người yêu của chúng tôi, bạn sẽ có những phút giây hài lòng nhất”, “Hãy làm cho cha mẹ bạn vui. Niềm vui đó quý hơn vạn lượng vàng”, “Bạn bận rộn và không có thời gian yêu đương nam nữ nhưng lại sợ về quê dịp Tết – Đừng lo, chúng tôi đã có dịch vụ cho thuê người yêu”,…
Đi kèm với những lời quảng cáo đó là loạt hình ảnh trai xinh, gái đẹp có vẻ ngoài thu hút và bảng giá các dịch vụ, nội dung cụ thể dành cho khách có nhu cầu.
Dịch vụ cho thuê người yêu xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội (Ảnh chụp màn hình).
Trong vai cô gái 33 tuổi cần tìm bạn trai về ra mắt gia đình dịp Tết, phóng viên đã liên hệ được với H., nhân viên một công ty cho thuê nhân sự có chi nhánh tại Hà Nội và TPHCM.
H. cho biết, công ty hoạt động được 5 năm. Ngoài cung cấp nhân sự làm các công việc như thư ký, PG, dự tiệc, khán giả chương trình TVC,… công ty này còn hút khách hàng liên hệ nhờ dịch vụ cho thuê người yêu, sôi động nhất là vào các dịp lễ, Tết.
“Tết được xem là kỳ nghỉ không yên ả đối với những người có tuổi nhưng còn độc thân hoặc chưa từng dẫn người yêu về ra mắt. Họ thấy áp lực vì bị giục cưới nên tìm tới dịch vụ này để “qua mặt” gia đình một cách tạm thời”, H. nói.
Tuy nhiên, theo H., cũng có người tìm đến dịch vụ này vì muốn cha, mẹ an lòng trước lúc nhắm mắt xuôi tay hay nhằm mục đích che đậy giới tính thật,…
Để tạo sự yên tâm cho khách, nhân viên tư vấn cũng khẳng định, nhân sự của công ty đều có mối quan hệ xã hội khép kín, đảm bảo mức độ rủi ro thấp nhất cho khách hàng.
Ngoài ra, nhân sự có độ tuổi, nghề nghiệp và địa chỉ khác nhau, khách có thể lựa chọn theo mong muốn.
Trước khi kí hợp đồng, khách sẽ được xem hình ảnh, thông tin cá nhân của nhân sự để chọn lựa người phù hợp theo yêu cầu. Đồng thời, công ty cũng xác thực độ tin cậy với khách hàng thông qua hình ảnh, thông tin cá nhân hoặc gọi video call, gặp mặt trực tiếp.
Sau khi khách lựa chọn được nhân sự phù hợp, công ty sẽ tổ chức một buổi gặp mặt trực tiếp cho khách với “người yêu”.
“Thông qua lần trò chuyện đầu tiên, hai người sẽ trao đổi các thông tin cần thiết để hiểu rõ về đối phương cũng như tạo dựng được kịch bản tự nhiên nhất trước khi về ra mắt. Sau buổi này, khách phải thanh toán 50% hoặc 100% cho công ty để thuê nhân sự”, H. tiết lộ.
Để tránh những rắc rối phát sinh, trước khi tiến hành giao dịch, khách hàng cũng phải ký kết một bản hợp đồng với các điều khoản cụ thể, nghiêm ngặt như: Không được xâm phạm thân thể, tinh thần, không được ôm hôn hoặc quan hệ tình dục với… người yêu hờ.
Theo tìm hiểu của PV, tùy vào yêu cầu của khách hàng mà công ty đưa ra các mức giá dịch vụ. Nếu khoảng cách xa, muốn đi du lịch,…, khách phải trả thêm các khoản chi phí phát sinh.
Bảng chi phí dịch vụ cho thuê người yêu của một công ty cung cấp dịch vụ có chi nhánh ở HN và TPHCM (Ảnh chụp màn hình).
Cụ thể, gói thấp nhất là 2 triệu đồng, khách được thuê người yêu trong 3 tiếng và nhân sự này có ngoại hình, học vấn ở mức bình thường. Gói cao nhất có giá hơn 10 triệu đồng, nhân sự có ngoại hình ấn tượng (gương mặt điển trai, cao 1m75 trở lên) và nghề nghiệp ổn định (hoặc học vấn trình độ đại học, thạc sĩ), đồng thời đóng giả người yêu từ 8 tiếng trở lên.
Nếu thuê qua đêm, dài ngày, khách cần đảm bảo có phòng ngủ riêng cho nhân sự (hoặc ngủ chung nếu nhân sự đồng ý) và không được có các hành vi trái với quy định trong hợp đồng.
“Khách chủ yếu thuê người yêu trong ngày vì mục đích đơn giản chỉ là chứng minh với gia đình rằng đã có đối tượng để tìm hiểu và chi phí cũng hợp lý. Còn nếu gặp gỡ càng lâu, cả người yêu và khách càng phải đối phó với nhiều tình huống, sự cố phát sinh khác”, H. nhấn mạnh.
Nhân viên này cũng tiết lộ, năm nay, công ty này nhận và “chốt” được khoảng 50 khách, trong đó, đối tượng khách hàng nữ chiếm ưu thế. Riêng dịp Tết 2023, có khoảng 10 người đã tìm đến dịch vụ để kiếm người yêu tạm thời về ra mắt gia đình.
Những tình huống dở khóc, dở cười
L.K (32 tuổi, nhân viên văn phòng ở Hà Nội) cho biết đã có 4 năm làm nghề tay trái là đóng giả người yêu cho khách. Anh từng vào vai bạn trai của 3 cô gái, trong đó có một lần về quê ra mắt dịp Tết.
Lần đó, K. nhận lời làm bạn trai cho một cô gái cùng quê ở Hải Phòng, làm mẫu ảnh, 29 tuổi. Gia đình cô gái rất cởi mở, nhiệt tình và anh có thể dễ dàng giúp người yêu hờ vượt qua áp lực giục lấy chồng nhờ cách ứng xử khéo léo.
Tuy nhiên, vì hay tin con gái có đối tượng tìm hiểu sau 4 năm “ế”, bố mẹ cô vui mừng ra mặt, làm chục mâm cỗ mời họ hàng, bạn bè đôi bên. Lần ra mắt này, K. được mọi người chúc tụng, mời rượu liên tục nên dù có khả năng nhậu nhẹt “đỉnh”, anh vẫn say bí tỉ.
Cuối cùng, anh bất đắc dĩ ngủ qua đêm tại nhà bạn gái hờ và khiến gia đình mình được phen tá hỏa vì cả đêm không thấy con trai về nhà.
“Hôm đó mùng 2 Tết, gần 3h sáng thì tôi tỉnh giấc, phát hiện đang ngủ nhà bạn gái rồi. Tôi mở điện thoại ra thì thấy cả chục cuộc gọi nhỡ của bố mẹ, vội nhắn tin lại báo cáo rằng ngủ nhà bạn thân vì uống rượu say. May mắn hôm đó không xảy ra chuyện gì, gia đình cô ấy cũng thông cảm và bố mẹ tôi cũng không nghi ngờ gì”, K. nói.
Sau buổi nhậu ra mắt “tới bờ tới bến” đó, anh thừa nhận đã “nằm bẹp giường” mấy ngày vì quá mệt, phải từ chối các cuộc hẹn với bạn bè hay đi du xuân cùng gia đình.
Tương tự, T.T (27 tuổi, quê ở Hải Dương) từng đóng vai bạn gái cho một chàng trai ở Thái Bình nhiều lần, cả trong dịp Tết. Mặc dù nhận được khoản kinh phí tới 4 triệu đồng/ngày, kèm lì xì 1 triệu đồng nhưng T. cho rằng, công việc này “mệt hơn tưởng tượng”.
Buổi gặp gỡ trực tiếp giữa T. và bạn trai hờ trước khi về quê ra mắt gia đình (Ảnh: T.T).
Tết năm đầu tiên, sau bữa cỗ trưa, cô phải rửa tới 15 mâm bát cùng người trợ giúp duy nhất là… em gái của “người yêu hờ”. Lý do được mọi người đưa ra là “làm cho quen, sau đỡ bỡ ngỡ”.
“Đến bạn trai cũng bất ngờ vì mình phải rửa nhiều mâm bát như thế trong lần đầu ra mắt. Anh áy náy, bảo muốn rửa cùng nhưng mình từ chối, cố làm vì dù sao cũng tự lập từ bé, không thấy khó lắm. Sau khi ra về, anh gửi mình thêm 1 triệu đồng để cảm ơn vì đã nhiệt tình giúp đỡ”, T. nhớ lại.
Tuy nhiên, sau buổi đó, T. bất đắc dĩ phải làm thêm các nhiệm vụ phát sinh như gọi điện thoại cho gia đình bạn trai để thăm hỏi, đưa bác gái đi khám bệnh ở Hà Nội,…
“Bố mẹ anh rất quý mình nên luôn tìm cách để gắn kết. Thấy anh cũng khó xử mà thật lòng muốn gia đình yên tâm về con trai nên lại nhờ mình hỗ trợ thêm và có gửi phí chu đáo. Cũng vì các dịch vụ phát sinh đó mà công việc hiện tại của mình bị ảnh hưởng, có khi phải nói dối gia đình và sếp rằng bận chuyện này chuyện kia để xử lý cho khách”, cô nói thêm.
T. cũng thừa nhận, dịch vụ cho thuê người yêu giúp cho một số người độc thân có thể giải quyết được vấn đề của mình, thậm chí có trường hợp nên duyên vợ chồng từ chính dịch vụ này.
Tuy nhiên, phương án này chỉ mang tính tạm thời và nếu đứng ở góc độ gia đình, truyền thống thì việc làm này đi ngược lại những giá trị truyền thống. Nhưng xét về mặt xã hội, nó cũng có vai trò tích cực như kết nối quan hệ, giúp giảng hòa, giảm căng thẳng hay áp lực tâm lý cho các bên, mang tính nhân văn đặc sắc trong xã hội hiện đại.